Chiến tranh sinh hóa (CBR: Chemical – hóa học, Biological – sinh học và Radiological – phóng xạ) có vẻ như là một phát minh của thời hiện đại, nhưng thực ra, nó có nguồn gốc từ thời cổ đại. Ban đầu, nó được mô tả trong thần thoại Hy Lạp, khi Hercules nhúng các mũi tên vào nọc độc. Có lẽ những câu chuyện đó đã truyền cảm hứng cho các sáng tạo khủng khiếp này.
Theo tiêu chuẩn ngày nay, đây có thể là hình thức chiến tranh vô nhân đạo nhất. Tuy nhiên các chỉ huy và tướng lĩnh chiến đấu luôn tìm cách để tận dụng lợi thế trước đối phương. Điều này thường dẫn đến việc sử dụng bất kỳ phương tiện cần thiết nào.
Những mũi tên tẩm độc
Một trong những nơi đầu tiên mà người xưa tìm kiếm các chất độc là từ các nguồn thực vật. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã biết ít nhất về hàng chục loại cây có độc thường được sử dụng cho mục đích y học và thông qua thử nghiệm để tìm ra liều lượng thích hợp. Nhiều loại cây trong số này sẽ có lợi khi dùng với liều lượng nhỏ, nhưng lại trở nên độc hại với liều lượng lớn hơn. Một trong những loại cây phổ biến nhất được biết đến là Hellebore (cây trị điên thảo), một loại cây dược liệu đa năng thường được kê đơn bởi các lương y thời cổ đại. Nhưng loại cây này không dễ thu thập và những người hái chúng được biết là thỉnh thoảng ngã bệnh và chết. Với liều lượng lớn, nó gây ra tình trạng chuột rút cơ bắp, co giật, mê sảng và đau tim. Điều này làm cho Hellebore trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho các mũi tên tẩm độc.
Làm ô nhiễm nguồn nước
Hellebore không chỉ hữu dụng trong việc tẩm độc vào mũi tên, theo ghi nhận thì người Hy Lạp đã sử dụng nó theo một cách độc ác hơn. Trong cuộc chiến đầu tiên diễn ra vào khoảng năm 590 trước Công nguyên, những kẻ bao vây thành phố Kirrha đã cắt đứt các ống nước dẫn vào thành phố. Sau đó, họ thu thập một lượng lớn Hellebore và cho nó vào nguồn nước. Người dân thành phố không thể chịu đựng cơn khát dữ dội, đã nối lại nguồn cung cấp nước và bị đầu độc. Người Kirrha bị đau dạ dày dữ dội và bị kiệt sức do tiêu chảy đến nỗi họ không còn sức kháng cự.
Tùy thuộc vào các báo cáo, chiến lược quân sự này đã được quy cho ít nhất 4 vị tướng khác nhau, nhưng bất cứ ai đã đề ra kế hoạch này đều là một nhà lãnh đạo ghê gớm nhưng hiệu quả.
Những viên đạn xác người
Có lẽ câu chuyện phổ biến nhất về chiến tranh sinh học bắt nguồn từ sự kiện này. Năm 1346, người Mông Cổ đã thấy bệnh dịch hạch bùng phát trong các trại quân của họ. Họ không phải mất nhiều thời gian để biết rằng sự tiếp xúc với bệnh nhân hoặc xác chết sẽ làm cho người tiếp xúc bị nhiễm bệnh. Vì vậy, các tướng lĩnh Mông Cổ nhận ra một cách tự nhiên rằng họ có thể vũ khí hóa nó. Họ đã dùng súng bắn đá để bắn các xác chết vào trong thành, và sau đó thành phố Kaffa tràn ngập các xác chết vì bệnh dịch hạch của quân Mông Cổ.
Đây là nguyên nhân ra đời của căn bệnh chết người ở châu Âu. Bệnh dịch lây lan không phải là tác dụng mong muốn duy nhất của chiến thuật này. Những ảnh hưởng tâm lý mà nó gây ra cho quân địch là làm mất tinh thần và gây kinh hãi. Ý tưởng cho loại chiến tranh này luôn là kích động sự hoảng loạn và sợ hãi, và chiến thuật này chắc chắn đã thực hiện tốt điều đó.
Những thanh gươm tẩm độc
Trong khi thực vật và các loại thảo dược độc hại có hiệu quả đối với một số khu vực nhất định, trong cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế ở Trung Đông, một phương pháp thậm chí còn nguy hiểm hơn đã được phát hiện. Vào năm 326 trước Công nguyên, Alexander Đại đế và quân đội của ông đã đến thành phố kiên cố Harmatelia, nơi rất có thể ở Pakistan ngày nay. Được biết, người Harmatelia tự tin kỳ lạ vào thắng lợi của họ, và người Hy Lạp ngay sau đó đã biết lý do tại sao. Kiếm và đầu mũi tên của người Harmatelia được phủ một loại thuốc độc có tác dụng chết người. Người ta nói rằng ngay cả một vết xước nhỏ cũng đủ để giết chết một người đàn ông.
Chất độc này có nguồn gốc từ một loại rắn độc, rất có thể là rắn viper. Những con rắn này bị giết và để thối rữa dưới ánh mặt trời vì sức nóng sẽ khiến cho nọc độc trộn lẫn với mô hóa lỏng. Mô tả về các hiệu ứng độc hại rất sinh động. Một người đàn ông bị thương ngay lập tức sẽ bị tê liệt, chịu đựng những cơn đau và co giật, tiếp theo da họ trở nên lạnh hơn và họ nôn ra mật xanh, mật vàng. Bọt đen phun ra từ vết thương và sự hoại thư lan rộng nhanh chóng, mang lại một cái chết khủng khiếp.
Bụi đá vôi
Một số hình thức tấn công bằng khói và khí độc đã được thực hiện bởi người cổ đại. Việc đốt các vật phẩm độc hại để tạo ra những đám khói để ngăn chặn đối phương là điều phổ biến, tuy nhiên việc này lại rất khó kiểm soát vì chỉ cần gió đổi chiều là có thể khiến cho việc này bị thất bại thảm hại. Người Trung Quốc đã phát triển một cách thức để quản lý điều này. Vào năm 178 Công nguyên, Trung Quốc đã sử dụng hình thức “hơi cay” đầu tiên để dập tắt cuộc nổi dậy của các nông dân có vũ trang. Bụi đá vôi được trang bị trên những cỗ xe ngựa kéo có ống thổi kèm theo để thổi bụi về phía trước, thuận theo chiều gió. Khi bụi tương tác với các màng ẩm như mắt và mũi, nó sẽ tạo ra tác động ăn mòn, làm mù và làm nghẹt thở những người hít phải nó.
Chiến thuật này đã tạo ra một màn sương mù hiệu quả, kết hợp với những con ngựa chạy tán loạn, tiếng cồng chiêng và tiếng trống. Các phương pháp như thế này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, với hơi cay hoặc bình xịt hơi cay hiện đại, và trong khi gió vẫn có thể là vấn đề thì mặt nạ phòng độc hiện đại đã giảm thiểu mối đe dọa này.
Bom “tổ ong”
Trong số các vũ khí có thể phóng ra được sử dụng đầu tiên trong chiến tranh là các tổ ong bắp cày và tổ ong thường. Bầy ong đã được dùng đến để xâm chiếm các thành phố, buộc mọi người phải sơ tán; điều này cũng dẫn đến một nhận thức tự nhiên rằng loài côn trùng gây hại có thể được sử dụng để đẩy lùi những kẻ tấn công. Tất nhiên, việc sử dụng các tổ ong này cũng có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên.
Những tổ ong được trét bùn và vận chuyển hết sức cẩn thận, và những con ong được chuyển đi trong các xe có thiết kế đặc biệt. Sử dụng khói để làm dịu những con ong là một chiến thuật được biết đến từ thời cổ đại, và cũng có bằng chứng về các loại bột đặc biệt để làm dịu loại côn trùng này trước khi thả ra.
Trong Thế chiến thừ nhất, các loại bẫy 3 dây được thiết lập dọc theo tuyến đường địch di chuyển sẽ giải phóng tổ ong. Trong một cuộc bao vây, tổ ong được ném vào các đường hầm được đào bởi những kẻ bao vây để ngăn cản bước tiến của chúng. Việc triển khai “binh chủng ong” có thể có từ thời Kinh thánh, và gần đây nhất là trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi các du kích quân thiết lập bẫy với ong mật châu Á để chống lại lính Mỹ.
Những mũi tên lửa
Ngay từ thế kỷ 9, đã có các tài liệu mô tả việc sử dụng các mũi tên lửa. Tên lửa đầu tiên trong số này chỉ đơn giản là những mũi tên được bọc trong các loại vật liệu thực vật như rơm hoặc cây gai dầu. Trong thời gian đầu, chúng có hiệu quả cao đối với tường và các cấu trúc bằng gỗ; tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, chúng trở nên kém hiệu quả hơn. Chúng không có tác dụng trên các bức tường đá và có thể dễ dàng dập tắt bằng nước.
Người ta bắt đầu tìm kiếm các chất phụ gia hóa học có thể khiến các đám cháy bùng phát dữ dội hơn và việc dập tắt bằng nước sẽ khó hơn. Phụ gia đầu tiên được sử dụng là cao su, nhựa dễ cháy khai thác từ cây thông. Nhựa dính này đạt được hiệu quả mong muốn. Mũi tên được nhúng trong nhựa cây sẽ cháy nóng hơn và lâu hơn so với các loại khác.
Điều này dẫn đến những mục đích sử dụng khác, chẳng mấy chốc dầu hắc sẽ được đổ vào những kẻ tấn công xâm lược và những túi dầu hắc được đốt cháy sẽ ném xuống đầu kẻ thù từ trên tường cao. Ngoài ra, vì tỏ ra hữu ích trong việc chống lại kẻ thù bao vây, các chiến thuật này đã được sử dụng trong hàng trăm năm.
Mật ong độc
Có lẽ trong câu chuyện này, kỳ lạ nhất không phải một mà là hai đội quân xâm lược đã bị đánh bại cách nhau hàng trăm năm, không phải bằng vũ khí mà bằng việc chiêu đãi một món ngon. Vào năm 401 trước Công nguyên tại vùng đất Colchis (gần Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) Xenophon, một chỉ huy người Hoplite, đã cho người của mình đóng quân tại một nơi dường như hoàn hảo. Ngôi làng Colchian đã được dự trữ đầy đủ thức ăn và thậm chí còn cung cấp món đặc sản mật ong hoang dã mà những người lính sớm tìm thấy và thưởng thức.
Nhưng ngay sau đó quân lính bị chế ngự bởi một sự phiền não kỳ lạ, mê sảng và cư xử như những kẻ điên cuồng và đã sớm bị suy sụp. Những người lính này hoàn toàn mất khả năng chiến đấu và một số thậm chí đã chết. Loại mật ong điên này được sản xuất bởi những con ong thu thập mật hoa từ hoa đỗ quyên độc. Thậm chí ngày nay một thìa nhỏ được thêm vào sữa hoặc đồ uống có cồn để tăng độ phê, tuy nhiên những người không quen với các tác dụng có thể dễ dàng dùng quá liều. 4 thế kỷ sau, điều này sẽ xảy ra một lần nữa với một đội quân La Mã trong cùng khu vực. Người ta thường suy đoán những cách thức khác mà mật ong này có thể đã được sử dụng trong chiến tranh.
Bom bọ cạp
Ong bắp cày và ong thường không phải là côn trùng duy nhất được sử dụng làm vũ khí trong chiến đấu. Các báo cáo cũng mô tả việc sử dụng bọ cạp, bọ sát thủ và bọ cánh cứng khác nhau để tấn công kẻ địch. Những sinh vật này có rất nhiều trên sa mạc và được sử dụng để chống lại người La Mã trong những nỗ lực kiểm soát vùng Lưỡng Hà của họ. Tại thành phố Hatra, người dân đã chuẩn bị một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ chống lại quân xâm lược La Mã – nồi đất sét bom chứa đầy bọ cạp. Những nồi đất nung này sau đó được niêm phong và bắn vào lực lượng xâm lược.
Bọ cạp từng được báo cáo là nấp dưới các tảng đá, và nhà vua sẽ thưởng cho những người có thể giết được chúng nhiều nhất để đảm bảo việc đi lại an toàn. Vết cắn từ những côn trùng này được cho là vô cùng đau đớn khi gây ra cái chết kéo dài trong 3 ngày; điều này đi kèm với sự kích động lớn, đổ mồ hôi, co giật và sưng bộ phận sinh dục. Chắc chắn, điều này khi được chứng kiến sẽ kích động sự hoang tưởng.
Lửa Hy Lạp
Một trong những vũ khí cổ đại tàn khốc nhất từng được mô tả là ngọn lửa Hy Lạp khét tiếng. Điều này đã được ghi nhận dựa trên sự phát triển của một công nghệ bơm chưng cất và hút nước hiệu quả. Nó cho phép một hỗn hợp dễ cháy được bơm từ tàu thuyền, tạo ra một dòng chất lỏng có thể bắt cháy. Thành phần chính của hỗn hợp được cho là Naphtha, một hóa chất được sử dụng trong bom lửa và phun ra khỏi các bức tường lâu đài trong nhiều năm.
Bơm Naphtha được điều áp và chưng cất qua các ống nhắm vào tàu chắc chắn là một kỳ công tuyệt vời của kỹ thuật thời bấy giờ, và cách thức chế tạo là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt và đã bị mất theo thời gian. Giống như bom Napalm hiện đại, đây là một loại vũ khí đáng sợ. Các biện pháp phòng thủ duy nhất được mô tả bao gồm làm trôi tàu trong những nơi ẩn nấp ẩm ướt, chỉ chèo thuyền trong thời tiết mưa bão hoặc cố gắng lẩn tránh nguy hiểm.