Những tác phẩm “gắn mác sinh viên” sáng tác thường được phát triển từ tư liệu kí họa và trực họa. Nhưng tại triển lãm “Xê dịch” ( AGOhup HòaMã, Hà Nội) nhóm sinh viên chuyên ngành lụa ĐH Mỹ thuật Hà Nội lại cho thấy: “Mỗi người có một trải nghiệm và cần kể ra câu chuyện sống khác nhau đó bằng hội họa”. Bài viết này của một người trong số họ.
Con đường học tập trải dài cả đời người luôn có vài cột mốc quan trọng. Đối với chúng tôi, những họa sĩ trẻ vừa chớm những bước đầu vào sự nghiệp lao động nghệ thuật, cảm thấy may mắn vì được thụ hưởng phương pháp giáo dục mới, thay vì phải học thành thục tất cả các kĩ năng xử lý chất liệu hội họa để “vẽ cho đẹp những cái ta nhìn thấy, mà hãy vẽ những gì đang diễn ra trong mỗi chúng ta”.
Tranh Lụa Việt Nam trước giờ luôn được biết đến với một năng lực biểu cảm riêng, ẩn chứa những nét duyên dáng nhã nhặn với những chủ đề gần gũi nhẹ nhàng có phần mơ màng, bay bổng (phong cảnh làng quê, núi sông, thiếu nữ bên hoa lá…). Tuy vô cùng trân trọng những di sản mà các thế hệ cha, anh… của nền hội họa Việt Nam để lại cho tranh lụa, nhưng chúng tôi – những người trẻ cũng cần tìm kiếm những hướng đi mới cho mình.
Xê dịch có thể là một kết quả mà người thầy, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn đã khích lệ , dẫn dắt chúng tôi thể hiện tinh thần trẻ trung, mới mẻ và rất “gen Z”(1) thông qua các tác phẩm của mình, kể cả việc tự tổ chức toàn bộ triển lãm này.
Bắt đầu từ các chủ đề được lựa chọn để xây dựng thành các tác phẩm hội họa cũng phong phú và có màu sắc cá nhân hơn. Bởi mỗi người trong chúng tôi có trải nghiệm và câu chuyện cuộc sống khác nhau, không ai giống ai.
Tạm bỏ “vẽ cái ta nhìn thấy để vẽ cái ta nghĩ tới” như một cuộc du hành vào nội giới, là cuộc khám phá chính mình hóa ra lại rất, rất không dễ dàng. Bởi khi ấy từng hình ảnh, màu sắc được lựa chọn cho tác phẩm đều cần bao hàm dụng ý, đều xảy ra trong mạch cảm xúc của riêng mình. Chúng tôi đang học cách kể câu chuyện cá nhân nhưng cũng đồng thời truyền tải những thông điệp tới công chúng một cách nghệ thuật nhất có thể.
Chẳng hạn có những chủ đề có tính thời sự mà vẫn mang màu sắc cá nhân, như Nhữ Đình Cương bày tỏ nỗi bức xúc với cách giáo dục lạc hậu và khiên cưỡng trong tác phẩm Ra-vào thông qua hình ảnh đám trẻ đầu gà xếp thành hàng dài với những bước chân vô hồn. Hay quan niệm về sự hữu hạn và vô thường của đời người qua nhịp đập cánh của chim bồ câu ở một khoảnh khắc tình cờ và rất đời thường trong Vun vút của Phạm Ngọc Hà. Hoặc Bùi Thảo My tạo ra những hình ảnh vui vẻ rực rỡ của một đám cưới, một Ngày vui xa hoa có phần kì dị, cô nêu sự đối lập với tâm trạng u ám lạc lõng của nhân vật chính, đồng thời thể hiện quan điểm về những cuộc hôn nhân ngột ngạt như bị giam cầm trong bể cá cảnh…
Chúng tôi không muốn đóng khung bản thân với những lựa chọn sáng tác an toàn và quen thuộc, chúng tôi chọn những nhân vật mình thật sự yêu và hiểu để tạo nên các tác phẩm. Chọn những cách thể hiện thật khác với tranh lụa truyền thống và không ngại học hỏi để làm mới bản thân và chúng tôi tin rằng năng lượng tuổi trẻ của mình rồi sẽ đem đến những hơi thở khác lạ cho nền mỹ thuật đương đại.
Nghệ thuật gắn liền với cảm quan, sự bay bổng, tính sáng tạo không có nghĩa là nó được phép thiếu tính khoa học. Cảm hứng không tự nhiên đến nếu ta không trải qua một quá trình suy ngẫm, trải nghiệm, trau dồi và nghiên cứu.Tuy mỗi cá nhân có một năng lực học tập và cá tính riêng, nhưng để hình thành một tác phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi luôn cần tuân theo những nguyên tắc và kiến thức cơ bản. Với tư cách của những người đang học và làm nghệ thuật, chúng tôi muốn được công chúng thấu hiểu, chúng tôi không muốn bị gán ghép với hình ảnh bất cần, thiếu tỉnh táo, tùy hứng, hay lộn xộn.
Xê dịch không chỉ là một cái tên được lựa chọn cho phù hợp với chủ để các tác phẩm trong triển lãm, nó đánh dấu một cột mốc thú vị trên con đường nghệ thuật chúng tôi đang đi. Bởi mọi biến chuyển lớn đều bắt nguồn từ những xê dịch cần mẫn và tỉ mỉ, điều phi thường luôn được hình thành bởi những sự việc giản đơn. Sự vận động của cuộc sống được diễn ra trong từng tế bào, tất cả tạo thành một dòng chảy hài hòa và kì diệu.
Chúng tôi muốn nắm bắt và ghi chép sự “xê dịch” ấy, muốn hòa mình cùng dòng chảy thời đại, muốn tận hưởng sự màu nhiệm của thế giới này và sống một đời thật ý nghĩa.