Các nhà khoa học Đức và Nhật Bản đang cấy gien người ARHGAP-11B vào bào thai khỉ để gia tăng kích thước bộ não, kể cả tạo ra được những nếp gấp đặc trưng khiến cho nó có thể giống như con người. Cả thế giới chấn động với thí nghiệm kinh hoàng này, khi bộ phim Hành tinh khỉ đã từng làm cho khắp thế giới phải nghẹt thở trước một tương lai tăm tối của loài người.
Sự phát triển của bộ não con người trong suốt thời kỳ tiến hóa, đặc biệt là phần neocortex (tân vỏ não), có liên quan đến khả năng hiểu biết của chúng ta như lý luận và ngôn ngữ. Một loại gien có tên là ARHGAP-11B chỉ được tìm thấy trong tế bào não người, có nhiệm vụ làm cho nó phát triển nhiều lên để có một bộ não to hơn. Những nghiên cứu trong quá khứ cho thấy khi cấy gien này vào chuột và chồn hôi cũng làm cho neocortex của chúng nở to hơn. Nhưng hiệu quả đối với con khỉ vẫn còn chưa rõ ràng.
Trong một thí nghiệm có thể biến bộ phim khoa học viễn tưởng Hành tinh khỉ, thành hiện thực, trong đó loài khỉ thống trị thế giới với đầy đủ các chức vụ tổng thống, Thượng viện, Hạ viện, tòa án truy sát và bắt con người làm nô lệ cho chúng, các nhà khoa học đã nhét gien này vào bào thai khỉ để làm gia tăng bộ não của nó, và họ đã thực sự thành công!
Các nhà khoa học tại Ban Sinh học Phân tử & Di truyền thuộc Viện Max Planck của Đức và Viện Thí nghiệm Thú vật Trung ương Nhật Bản đã cấy loại gien đặc biệt của con người có tên ARHGAP-11B vào bào thai khỉ đuôi sóc châu Mỹ để làm cho neocortex của bộ não nở to lên. Họ đã viết báo cáo nghiên cứu của mình trên tạp chí Science.
Neocortex là phần tiến hóa gần nhất của bộ não. Neo có nghĩa là mới và Cortex có nghĩa là vỏ cây. Phần lớp vỏ ngoài này chiếm 75% bộ não, bảo đảm cho sự hoạt bát và lanh lợi đặc trưng của con người, bao gồm khả năng lý luận và ngôn ngữ phức tạp.
Chẳng bao lâu sau khi tổ tiên loại người – hominid của chúng ta tách ra khỏi cây tiến hóa của người anh em loài khỉ hiện nay, bộ não đã phát triển vượt bậc lên gấp 3 lần trong vòng 3 triệu năm. Bộ não người phát triển nhanh đến mức không thể chứa được hết bên trong vỏ nảo, nên phải gấp nếp lại, tạo thành các nếp nhăn đặc trưng. Các nhà khoa học tin đây là kết quả của một số yếu tố tiến hóa, nhưng thể hiện của gien ARHGAP-11B là đặc trưng duy nhất của con người, và hai giống bà con nay đã tuyệt chủng là Neanderthal và Denisovan.
Sự xuất hiện của gien đặc biệt ARHGAP -11B là do trùng lắp một phần của gien thông thường ARHGAP-11A xuất hiện cách nay khoảng 5 triệu năm. Năm 2016, nhóm nghiên cứu Wieland Huttner, thuộc Viện Max Planck của Đức bất ngờ phát hiện protein ARHGAP-11B chứa một chuỗi 47 acid amino làm nên đặc trưng của con người, không thể tìm thấy được trong protein ARHGAP-11A, và khả năng đặc biệt của nó là làm gia tăng số lượng tế bào não. Sự thay đổi này có lẽ xuất hiện trong khoảng từ 1,5 triệu đến 500.000 năm trước đây. Nó gây ra ảnh hưởng rất lớn trong sự tiến hóa của loài người mà loài khỉ không may mắn có được.
Tuy nhiên, không rõ là gien đặc biệt của con người này có thể làm cho neocortex của các loài khỉ phi-nhân khác nở to lên được không. Để điều tra chuyện này, nhóm của Wieland Huttner hợp tác với Erika Sasaki thuộc Viện Nghiên cứu Thú vật Trung ương (CIEA) tại Kawasaki và Hideyuki Okano thuộc Đại học Tokyo tại Nhật Bản. Ông này là người đi tiên phong trong việc tạo ra con khỉ phi-người chuyển hệ di truyền. Người khởi xướng nghiên cứu đầu tiên Michael Heide, thuộc Viện Max Planck cũng đến Nhật bản để hợp tác. Họ sử dụng một con khỉ đuôi sóc của châu Mỹ và cấy vào thai nhi của nó gien người ARHGAP-11B.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, gien ARHGAP-11B khi được cấy vào chuột và chồn hôi cũng làm cho neocortex của chúng nở to ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó được cấy vào loài khỉ không giống người, và kết quả xảy ra đã chứng tỏ nó đóng vai trò then chốt trong sự tiến hóa của loài người.
Trong sư sai lầm của tiến hóa, một gốc nucleotide (phân tử tạo ra chuỗi ADN) đã bị thay thế, dẫn đến mất mát 55 nucleotide trong ARHGAP-11A. Giống như chiếc máy tinh đọc sai một dòng mật mã, sự thay đổi đã dẫn đến tạo ra nhiều tế bào não hơn, và với thời gian dài đã làm cho neocortex nở to hơn.
Michael Heide, người chủ trì cuộc nghiên cứu, nói với báo chí: “Chúng tôi đã thực sự nhìn thấy phần neocortex của bộ não con khỉ đuôi sóc nở to ra và tạo thành nếp gấp! Lớp vỏ não của nó cũng dày hơn con khỉ bình thường”. Trong vòng 100 ngày được cấy ghép gien đặc biệt này, bộ não của bào thai khỉ đã gia tăng được gấp đôi bình thường, khiến mọi người đều kinh hãi, và để phòng ngừa mọi bất trắc có thể xảy, các nhà nghiên cứu đã hủy diệt bào thai khi này, nhưng dư âm của thí nghiệm vẫn làm chấn động thế giới khoa học. Người ta không biết trong tương lai, có thế lực đen tối nào tiếp tục khai thác cho mục đích riêng của mình hay không như tạo ra các chiến binh sát thủ từ loài khỉ!
Các nhà khoa học gọi con khỉ lai người này là khỉ phi-nhân chuyển hệ di truyền, đủ để cả thế giới lên tiếng báo động về Ngày Tận thế sắp đến! Chắc chắn sẽ có những tranh cãi ì xèo khi làm thí nghiệm trên loài khỉ, đặc biệt là khi đưa gien người vào các loài vật khác. Vào thời Trung cổ đã từng có một đạo luật Do Thái kết án tử hình những kẻ nào giao cấu với loài vật. Trong thế giới ngày nay, không ai cấm được chuyện này.
Khi heo được chuyển hệ di truyền để chữa bệnh cho người
Cơ quan Quản lý Dược liệu & Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ký giấy chấp thuận cho con heo chuyển hệ di truyền được phép sử dụng trên con người để làm thuốc chữa bệnh. Nhưng không có kế họach nào cho phép nuôi heo chuyển hệ di truyền để làm thực phẩm. Công dụng của nó ở đây hấp dẫn hơn rất nhiều.
Bằng cách điều chỉnh lại gien, con heo sẽ không tạo ra một loại đường đặc biệt gọi là galactose-alpha-1, 3-galactose (alpha-gal) mà một số loài có vú khác cũng tạo ra được. Đường được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm thuốc chữa bệnh, thức ăn và mỹ phẩm. Nhưng đường cũng có thể gây ra dị ứng cho một số người. Do đó, có một số người mắc chứng bệnh dị ứng với thịt! Con heo này sẽ giúp cho các bệnh nhân đó không bị phản ứng khi ăn thịt.
Theo công ty sản xuất, United Therapeutics Corp. tại Silver Springs, bang Maryland, con heo chuyển hệ di truyền được đặt tên GalSafe, có thể cung cấp thuốc chống đông máu, hay insuline cho người mắc bệnh tiểu đường. Công ty cũng hy vọng sẽ mở đường cho việc dùng cơ phận heo cấy ghép cho con người.
Người bị dị ứng với thịt, được gọi là mắc phải “hội chứng Alpha-gal”, không phổ biến lắm. Phát ngôn viên công ty, Dewey Steadman, cho biết: “Bệnh này có thật, nhưng không nhiều. Thông thường là do một số loài ve cắn”. Năm 2009 có 24 người được ghi nhận. Nhưng theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, trên cả nước Mỹ có khoảng 5.000 người. Các triệu chứng bao gồm: nổi mề đay, ngứa ngáy, chuột rút và nôn mửa. Khác với các loại dị ứng thực phẩm khác, người mắc “hội chứng alpha-gal” thường bị những phản ứng này sau vài giờ ăn thịt bò, heo, cừu, khiến cho bác sĩ rấr khó chẩn đoán nguyên nhân.
Jaydee Hanson, thuộc Trung tâm An toàn thực phẩm, cho biết thịt của con heo chuyển hệ di truyền này chưa hề được thử nghiệm cho người mắc “hội chứng Alpha-gal” ăn. Bạn có thể đưa cho họ một cái gì đó ăn được, mà không biết có gây ra dị ứng hay không. FDA nói mình không đánh giá được mức độ an toàn dị ứng của nó bởi vì đơn xin phép lưu hành của công ty không kèm theo số liệu ngăn chặn phản ứng này.
Trung tâm An toàn Thực phẩm đã từng kiện FDA vì đã cấp giấy phép lưu hành cho con cá hồi chuyển hệ di truyền (để lớn nhanh hơn) làm thực phẩm cho người. Họ cũng đang xem xét kiện quyết định của FDA khi cho phép con heo GalSafe lưu hành trên thị trường.
Greg Jaffe, thuộc Trung tâm Khoa học về Quyền lợi công chúng, cũng nói quyết định của FDA về con heo GalSafe còn chưa ổn vì không dành thời gian cho công chúng phê phán: “Không ai có ý kiến, thì bất ngờ nó lại được thông qua”.
Công ty United Therapeutics Corp không tiết lộ chính xác mình đã biến cải phân tử ADN của con heo như thế nào. Jaffe cho biết con heo đã được loại bỏ gien tạo đường và thay thế vào bằng một “gien điếc”. Ông nói không biết có luật lệ nào cho phép dán nhãn được bán trong siêu thị cho một con heo chuyển hệ di truyền. Một đại diện của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phụ trách giám sát việc dán nhãn cho thịt gia súc cũng không bình luận về vấn đề này.
Steadman nói con heo GalSafe khó sản xuất hơn heo thịt thông thường bởi vì Chính phủ buộc phải giám sát suốt thời kỳ nuôi và giết mổ nó. Hiện đang có 25 con được nuôi ở nông trại tại Iowa. Về lâu dài, ông nói mục tiêu của công ty là tổng hợp thay đổi gien với những thay đổi khác để cho nội tạng heo có thể cấy ghép được cho con người. Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã đeo đuổi ý tưởng dùng nội tạng heo để thay thế cho nhu cầu nội tạng người vốn quá thiếu thốn so với nhu cầu. Nhưng chưa có ai bắt tay vào thực hiện.
Hiện nay chưa có kế hoạch nào để bán thịt heo GalSafe ra thị trường, nhưng con cá hồi chuyển hệ di truyền đang là một kinh nghiệm đi trước tại Hoa Kỳ. Công ty AquaBounty, hiện nuôi nó, nói đang tìm kiếm thời cơ tốt nhất để thu hoạch. Chúng đang phát triển rất nhanh tại một nông trại ở Indiana.