Nếu ai hỏi tôi, đàn ông sợ điều gì ở phụ nữ, tôi chẳng trả lời là “sợ vợ dữ” như nhiều ông chồng khác. Là vì theo tôi, phụ nữ thường dữ với ai khác thôi chứ toàn chịu thua chồng con.
Thằng cu Tí nhà tôi “ho” một tiếng là cô ấy tuân lệnh liền. Khi nó nổi giận lên la hét, đó mới chính là hiệu lệnh quan trọng nhất. Ném đồ đạc tứ tung, vác gối ôm đuổi đánh mọi người, dọa bẻ chân siêu nhân đồ chơi đắt tiền… là cô ấy sợ ngay. Ước gì đối với tôi, cô ấy cũng kiên nhẫn chịu đựng như thế.
Tôi sẽ nói sợ nhất là khi chở cô ấy đi chợ, tôi ngồi trên yên xe ở đầu hẻm, xem hết tờ báo mới, kể cả tập quảng cáo, đến cả giá báo phía sau… vậy mà vẫn chưa thấy cô ấy ra. Nếu đi siêu thị và trung tâm mua sắm nữa thì tôi đành lê bước thất thểu theo sau như muốn ngã gục hoặc mang vẻ mặt bị đày ải. Còn cô ấy thì tươi hơn hớn, đòi rẽ vào quầy này, quên chưa qua quầy kia, ở đâu đang khuyến mãi…
Mà tôi còn hận cái ti vi. Mở ra là mua sắm nồi niêu xoong chảo, dụ đi du lịch, quảng cáo áo quần, dầu gội với mỹ phẩm. Có lần tôi “giáo dục từ xa”: “Em thấy mẹ anh không, bà đâu có sinh ra ở thời son phấn, chẳng yoga thể dục, không ăn kiêng mà da bà vẫn đẹp dáng vẫn thanh mảnh…”. Nhưng cô ấy không bị tác động gì, vẫn lao theo mê say làm đẹp, mua đầy đồ mỹ phẩm đắt tiền và quần áo thời trang. Trong khi mua sữa cho con thì kêu mắc, hạ bậc từ sữa ngoại xuống sữa nội với lý lẽ rằng: sữa nào căn bản cũng có thành phần như nhau, chỉ “làm màu mè” thêm tí chất này, thêm chút vị kia mà giá nhảy lên tận mây xanh. Mình chạy theo nó là dại. Tôi không chịu được phải lên tiếng: “Cái cần nhất cho con, lương thực của con thì tiết kiệm, còn những thứ viển vông của mẹ thì lao theo không tiếc tiền”. Chỉ thế thôi, cô ấy đã có bao nhiêu lời bào chữa: “Cô X. ở công ty vừa sắm một cái túi hàng hiệu tới mấy chục triệu đồng. Cô ấy đâu có dại, vì sao phải mua? Rồi các loại nước hoa, mỹ phẩm và quần áo. Bây giờ không còn mốt đơn giản của Mỹ nữa rồi, không còn lấy sự thoải mái làm tiêu chí nữa. Ai chẳng biết dân Mỹ bị chê là ăn mặc xấu, mình dại gì theo họ”.
Bà xã tôi đã có kinh nghiệm rồi, hồi theo công ty đi nghỉ biển, cứ tưởng đi biển thì chỉ đem theo quần ngắn với áo thun là được, nào ngờ vừa đến khách sạn là đám phụ nữ đã thay ngay các bộ đầm sang trọng. Những bộ đầm vừa mát mẻ vừa theo mốt mới. Sáng một bộ, chiều đi dạo đã có bộ khác, mà bộ nào cũng tiền triệu chứ không ít. Đấy, phụ nữ bây giờ ai cũng quan tâm đến làm đẹp, không coi làm đẹp là xa xỉ nữa. Trên ti vi người ta còn dạy cách cầm cả một nắm bút cọ như họa sĩ, cái nào cũng có công dụng riêng: đánh lông mày dùng cọ này, mi mắt dùng cọ kia, cái to tướng như “cái chổi” để phất phấn má hồng… Váy áo thì bây giờ chỉ chứa ở tủ là không đủ. Người ta thiết kế hẳn không gian lộ thiên có khi hết cả chiều dài căn phòng chỉ để treo các bộ đồ, có thể đứng quan sát lựa chọn chứ không moi ra từ các ngăn kéo rũ từng cái như ngày xưa nữa. Bà xã tôi nói nguyên tắc của cái đẹp bây giờ phải là cá tính, mặc đồ phải độc đáo không đụng hàng, không được giống ai hết, ta là duy nhất. Tôi phì cười: “Em không thấy cá tính độc đáo gì cũng phải theo quy luật của cái đẹp à. Cứ nhìn những chuyện “không đụng hàng” của nước ta mà muốn khóc đó. Dị thường, không giống ai, độc nhất chẳng có xứ nào lấy được “thương hiệu”. Như việc rải đinh ra cho xe cán đinh phải vào tiệm của họ vá lại, như việc không có bệnh viện nào trên thế giới có bệnh nhân nằm cả dưới gầm giường như ở xứ ta, đi khám bệnh đông như đi xem đá bóng…”. Cô ấy nói tôi vận dụng liên hệ kiểu gì kỳ vậy, làm đẹp và cá tính đâu có giống mấy chuyện đó. Rồi như sực nhớ, cô ấy nói: “Ừ phải, không đâu “cá tính” được như xứ mình, người phải đánh đu qua sông, cảnh sát ra phố quăng lưới đánh bắt… người đua xe. Thật ngộ, người mà giống như cái con gì bị người ta “cất vó”…
Cô ấy làm lành: “Xem ra, để không giống ai của phụ nữ tụi em chẳng có tội gì nhỉ…”. “Có đấy, nó làm anh… ung thư ví”, tôi buồn rầu trả lời.