Gần Tết, trong cái se lạnh bên ghế đá bến Ninh Kiều ở Cần Thơ, có cuộc trò chuyện giữa người cha 64 tuổi và người con trai 30 tuổi. Dường như họ nói với nhau về hạnh phúc và khổ đau.
– Qua Tết này con tính có vợ chưa? Hồi 32 tuổi ba đã gặp mẹ và 33 tuổi sanh ra con rồi đó.
– Dạ chưa ba ơi. Vì con chưa gặp người hợp tánh.
– Chín bỏ làm mười, ông bà mình nói rồi. Con tính hợp tánh tới đâu?
– Phải hiểu tánh tình nhau để biết thương yêu, nhường nhịn, chia sẻ nhau. Đừng có ép nhau quá đáng. Vì mỗi người có một cái “đồng hồ sinh học” khác nhau ba ơi.
– Là sao?
– Thí dụ như ba thích nhậu nhiều, con thì không. Ba thích mặc áo màu đỏ, con thích màu xanh. Hay ba mẹ thích tới ngày sinh nhật con cái phải nhắn tin chúc mừng trước khi tặng quà dù ở chung nhà, còn con thì không thích nhắn tin như vậy. Nếu hiểu mỗi người có cái “đồng hồ sinh học” đó, sẽ không ép nhau, sẽ dễ sống với nhau hơn. Con thấy nhiều người hay cãi nhau, giận nhau không đáng vì sự ích kỷ này.
– Con cho đó là ích kỷ sao? Đó là cá tánh mỗi người, là cái tôi riêng của mỗi người đó con.
– Theo con, đây rốt cuộc là ranh giới của ích kỷ và vị tha trong thái độ ứng xử của con người. Nói đó là cái tôi cũng phải. Nhưng con có đọc được chuyện người xưa đã nói nhiều về cái tôi đáng yêu và cái tôi đáng ghét.
– Cái tôi đáng ghét là sao?
– Có một bài báo cũ con vẫn lưu trên điện thoại đây. Kể chuyện ông triết gia người Pháp, Blaise Pascal (1623-1662), đã nói thẳng: “Cái tôi là cái đáng ghét”. Do tự ái và tưởng tượng, người ta thường cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Vì vậy, cuộc đời của nhiều người chỉ là một ảo tưởng liên tục; vì ảo tưởng, người ta lừa dối nhau và tâng bốc nhau. Cũng vì cái tôi, người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình trước hết. Và cũng vì cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự cho nên con người luôn phải canh chừng cái tôi, để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường. Cũng bài báo này kể ông Thalès de Milet (624-545 TCN), triết gia Hy Lạp cổ, cho rằng: “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất, như lông mày, lông mi ở trước mắt ta. Cũng vậy, cái tôi khó nhận biết vì có quá nhiều lớp vỏ bao bọc như nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình; và nó còn được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm nữa. Ba thấy có trúng không?
– Có phải vì vậy mà trong cuộc sống ngày nay, ba thấy chuyện ly thân, ly dị, chuyện người thân trong gia đình, bạn bè chia rẽ nhau xảy ra nhiều hơn so với xã hội ngày xưa thời của ông bà nội con?
– Mới đây con có nghe một chuyên gia giải đáp điều này trên ti vi và con thấy thấm thía. Bà ấy nói: “Là vì cuộc sống càng phát triển thì cái tôi của mỗi người càng lớn ra. Mà cái tôi là cái đáng ghét”. Bà chuyên gia này còn nói nhiều người trẻ quên rằng yêu nhau chủ yếu là chuyện giữa hai người còn vợ chồng là chuyện của hai người + hai gia đình + luật pháp. Cho nên khi hai vợ chồng để bùng phát cái tôi đáng ghét lên thì lại đụng tiếp tới bao mối quan hệ khác phải giải quyết. Bả còn nói cái tôi đáng ghét ấy đang phình to hơn trong môi trường mạng xã hội đang phát triển nóng.
– Ba không rành vụ này vì ba không biết xài điện thoại thông minh, không chơi “phây” gì đó như con. Chỉ nghe nói mạng xã hội tai hại quá.
– Không đâu ba. Mạng xã hội đang giúp cho mọi người trên thế giới kết nối với nhau dễ dàng để chia sẻ bao điều trong cuộc sống và giúp nâng cao hiểu biết rất hay. Nhưng chỉ vì không biết làm chủ mình, nên mạng xã hội mới thành miếng đất tốt để phô trương cái tôi đáng ghét này. Con chơi Facebook nhưng con không thích nhận xét hay bình luận, suy diễn lung tung trước bất kỳ thông tin gì con chưa kịp hiểu.
– Ngay ở quận Ninh Kiều này, ba thấy có gia đình, những dịp lễ Tết con cháu lại không chịu về quê thăm ông bà cha mẹ của mình, nói chỉ vì bận việc riêng. Có nhà, tới bữa, phải gọi điện thoại cho con cháu ở trên lầu xuống nhà dưới ăn cơm. Có nhà, hai vợ chồng trẻ chia tay chỉ vì không chịu chiều chuộng nhau. Cũng ở Cần Thơ, chỉ vì tranh chấp một thước đất, một cái chái nhà mà bà con ruột thịt trong một gia đình ngày nào còn thương yêu gắn bó với nhau, giờ thành chia rẽ, không nhìn mặt nhau. Thiệt là buồn. Cái gốc những chuyện này, ba nghĩ lại, cũng đi từ cái tôi đáng ghét như con nói.
– Cho nên con chỉ mong, đã thành vợ chồng, thì đừng để cho cái tôi đáng ghét đàn áp cái tôi đáng yêu mà dẫn đến đổ vỡ tất cả. Con vẫn biết, nếu không còn tôn trọng nhau thực sự thì nên chia tay chớ đừng ràng buộc làm khổ nhau. Nhưng với văn hóa Việt Nam mình, gia đình là tổ ấm. Gia đình bể thì thường dẫn tới đổ bể bao điều khác. Khi đó, cái tôi đáng ghét ấy không đem lại bình an cho chính mình và cũng không tạo ra tình thương cho nhau.
– Con làm ba nhớ tới cái câu: “Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” mà bà nội con ngày xưa hay nhắc. Té ra, Tây hay Đông, xưa nay những người thông thái đã nói rồi. Xử sự với nhau trong xã hội, nhất là giữa những người thân trong gia đình, phải hết sức coi trọng chuyện này. Khác nào như chuyện nấu cơm. Khi cơm đã sôi thì nên bớt lửa để khỏi bị khê. Và bớt lửa thế nào để không bị khê mà cũng không bị sống là suốt một đời trải nghiệm. Ba hiểu rằng “lửa” ở đây, như là sự tồn tại mong manh giữa “cái tôi đáng yêu” và “cái tôi đáng ghét”. Còn “cơm” trong chuyện này, chính là hạnh phúc gia đình.
– Câu “cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” con thấy hay à nghen. Để con suy nghĩ tiếp. Mà ba thấy nấu cơm điện bây giờ, công nghệ mới người ta đã cài đặt tự động hết rồi, cơm chín ngon lành vẫn không sống không khê. Dường như hạnh phúc và khổ đau của con người ta nó cũng nằm trong cái nồi cơm điện đó.