Sự suy giảm hormone sinh dục testosterone không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý của nam giới mà còn gây nên các bệnh lý toàn thân như tim mạch, bệnh cơ – xương – khớp, thần kinh…
Sự thiếu hụt testosterone gây bệnh toàn thân
Hormone sinh dục testosterone thường được biết đến với tác dụng kích thích nhu cầu sinh lý nam giới, tăng số lượng và chất lượng tinh trùng. Không nhiều người biết rằng hormone này còn chi phối sức khỏe toàn thân, bao gồm các cơ quan vận mạch và tuần hoàn, hệ thống cơ – xương – khớp, thần kinh, não bộ…
Hormone sinh dục ở nam giới được sản xuất nhiều nhất tại tinh hoàn và tuyến thượng thận. Lượng testosterone cao nhất ở lứa tuổi 20, sau đó cứ 10 năm thì sụt giảm khoảng 10%. Sau 30 tuổi, mỗi năm lượng testosterone hụt mất khoảng 1,5%. Ngoài ra, yếu tố tuổi tác, lối sống hiện đại với nhiều căng thẳng, stress, áp lực công việc và những thói quen có hại như: uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá… đều tác động tiêu cực đến lượng hormone sinh dục. Sự thiếu hụt testosterone thường không có dấu hiệu nhận biết cho đến khi có những triệu chứng nghiêm trọng thấy rõ như: giảm ham muốn tình dục, giảm khoái cảm, giảm khối lượng cơ, tăng mỡ bụng, trầm cảm, chán nản…
Ngay từ giai đoạn bào thai, sự thiếu hụt hay tổn thương testosterone đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản. Bé trai bị thiếu hụt testosterone có thể mắc phải những căn bệnh như tinh hoàn ẩn, niệu đạo đóng thấp, hoặc cơ quan sinh dục nam không phát triển. Các bé trai thì cần testosterone để hình thành cơ bắp và hệ xương, phát triển lông, tóc, tăng trưởng chiều cao… Ở nam giới trưởng thành, lượng testosterone cân bằng giúp cơ thể chống lại các bệnh thoái hóa như loãng xương, bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số bệnh ung thư đồng thời giúp cơ thể duy trì cân nặng. Đến độ tuổi trung niên, khi lượng testosterone suy giảm, đàn ông thường gặp hàng loạt vấn đề về sinh lý như rối loạn cương dương, giảm ham muốn, tinh trùng thiếu và yếu, u xơ tiền liệt tuyến… Giai đoạn tuổi tứ tuần cũng là lúc họ có nguy cơ cao về các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, béo phì… Quan trọng hơn, testosterone còn đóng vai trò sống còn đối với sức khỏe tinh thần của phái mạnh vì nó có vai trò quan trọng trong việc duy trì năng lượng và cảm giác hạnh phúc. Vì thế, những người đàn ông có mức suy giảm testosterone nghiêm trọng thường hay bị rơi vào mệt mỏi, chán nản, trầm cảm và khó cảm thấy hạnh phúc.
Cách duy trì nồng độ testosterone ổn định
Khi nồng độ testosterone nội sinh được duy trì ở mức cân bằng thì cả sức khỏe sinh lý lẫn sức khỏe toàn thân ở phái mạnh mới đảm bảo. Đối với những người “lỡ” mất nhiều testosterone cũng không nên vội vàng tìm cách bổ sung testosterone thay thế từ bên ngoài vào dưới dạng uống, tiêm, chích, dán… Cách này đã được giới y khoa cảnh báo về những tác dụng phụ không mong muốn lên sức khỏe lẫn đời sống sinh lý, nhất là những quý ông có vấn đề về tuyến tiền liệt. Nhiều trường hợp thực tế đã có thể phục hồi một lượng testosterone nhất định nhờ chế độ dinh dưỡng và lối sống hợp lý.
Tuy nhiên, đàn ông nên quan tâm đến việc duy trì nồng độ testosterone từ sớm, không nên để đến khi loại hormone sinh dục này sụt giảm nghiêm trọng mới tìm cách chữa trị. Cách duy trì khả năng sản sinh testosterone nội sinh của cơ thể khoa học và hiệu quả là bằng chế độ ăn uống khoa học kết hợp với sinh hoạt điều độ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Khẩu phần ăn hằng ngày của nam giới nên có nhiều rau cải và trái cây vì trong các loại thực phẩm này chứa nhiều thành phần kháng viêm, có lợi cho sự sản sinh testosterone. Ngoài ra, nguồn chất béo có lợi trong thực phẩm như: bơ, dầu dừa, dầu olive, trứng, omega 3 fatty acid từ cá… cũng rất cần thiết cho hoạt động và chức năng của các loại hormone, trong đó có hormone sinh dục.
Stress và các loại thức ăn chứa nhiều đường sẽ làm lượng insulin và cortisol tăng cao, là nguyên nhân cản trở quá trình kiến tạo hormone sinh dục. Việc duy trì nồng độ đường huyết ở mức lý tưởng là khâu quan trọng trong việc ổn định cortisol. Vì vậy, nam giới nên cân bằng cuộc sống của mình giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn và năng tập luyện thể dục thể thao để không bị stress kéo dài. Một số môn thể dục đòi hỏi tăng cường độ làm việc của cơ bắp có thể tăng testosterone hiệu quả nhất như: nâng tạ, đạp xe đạp, bơi lội, tennis… Lưu ý khi tập thể dục chỉ nên tập vừa sức, các trường hợp gắng sức sẽ càng gây mỏi mệt và tạo hiệu ứng ngược cho sức khỏe. Ngủ đủ giấc mỗi đêm cũng rất cần thiết để có thể tăng cường testosterone cho đàn ông trung niên.
- BS Huỳnh Trí Quang