Tiếng Việt có nhiều từ riêng lẻ, độc thân, dùng toàn quốc hay vùng miền, địa phương, thổ ngữ…, và ngữ nghĩa thay đổi muôn hình vạn trạng nhưng khó giải thích nghĩa chính là gì, mà lại được nam phụ lão ấu dùng thường xuyên, dùng kiểu nào trong trường hợp nào, mọi người đều mặc nhiên… thẩm thấu. Ví dụ chữ TỘI.
Tội ở đây đơn thân độc mã, nó không đi kèm với Lỗi để thành gánh nặng đè vai rồi ân hận sám hối, cũng không đi cùng với Nghiệp để thành cái nhân duyên cho kiếp luân hồi, không đi với Tình để tỏ bày một tâm trạng não nùng bi thiết… Nó không đi với từ nào cả, vì vậy nó như tấm lụa đào phất phơ giữa chợ, cô độc mà kiêu kỳ, chẳng cần quấn vào anh nào cũng mang mang tình ý.
Năm 1997, về Việt Nam ăn cưới đứa cháu gọi cô, bố chồng cháu nhìn mình cực kỳ… ấn tượng (mà trong ngữ cảnh nào khác có thể dám bị chụp mũ), chép miệng: Từ bển mà về đây ăn cưới cháu, tội chưa! Ở bển mấy chục năm chẳng bao giờ nghe chữ đó, bất chợt nghe lại, thấy ngồ ngộ là lạ mà cũng chưa thấm lắm mình… tội chỗ nào, chỉ biết là nhìn ánh mắt âu yếm bao la tình cảm thế kia (tiếng thời thượng là “tình yêu lan tỏa”) thì mơ màng hiểu có ẩn chữ nghiệp trùm khăn theo sau, nghĩa là cái nghiệp trần ai gia đình ràng buộc mà Đức Phật gào khản cổ bảo hãy rũ bỏ đi để cầu tìm an lạc.
Đứa bé phá phách hay làm bậy gì đó, bà mẹ vừa chép miệng vừa nói Tội quá con ơi, sao con hư vậy. Chỗ này tội gì đâu, đáng lẽ nói khổ quá con ơi mới phải chớ. Nó phá phách với tất cả niềm thú vị thì chẳng tội gì nó cả, ở đây cũng chẳng cho phép chữ lỗi hay bất kỳ chữ gì khác theo sau, vậy thì phải chăng tội nghiệp mẹ nó phải dọn dẹp? Không tầm thường vậy đâu. Nên xin làm ơn vẫn cứ gọn gàng một chữtội giùm cái đi. Phải là tội thì mới thấm. Có thể chính tả sai bét, nhưng ý rất hàm súc, diễn đạt trọn vẹn, mà nếu kêu khổ quá con ơi thì nghe lại kém phần ai oán càm ràm, là bà mẹ này chưa kinh qua môn ngôn ngữ học, nói tiếng Việt chưa rành.
Thường người ta dùng rất đa dạng, rất trái ngược, rất gọn cho nên nhiều khi rất bí hiểm, nhưng khỏi cần nhờ pháp sư can thiệp, chỉ là kiểu lời vắn tình dài rồi tự nó làm ảo thuật gỡ khúc mắc ra. Ví dụ chị đó nghèo mà tội lắm; anh đó giàu mà tội lắm; con bé đó học giỏi mà tội lắm; hay nhiều khi nói khơi khơi: thằng nhỏ đó tội lắm. Không cần đố trời mới biết ai tội cái gì, chỉ cần nói vậy là quý nam phụ đều gật gù kiểu ta đây thấu suốt ngõ ngách ruột non ruột già những kẻ giàu nghèo học giỏi dù mơ hồ chưa rõ kiểu tội nào, nhưng có tội cái đã, và thường mang ý tử tế ngọt ngào. Nếu không tử tế ngọt ngào, lạ chưa, là sẽ không có tội! Chớ nếu thằng nhỏ đó học dởtội lắm thì đã rõ ràng chữnghiệp vô minh níu đuôi, lại phải trình lên Đức Phật cầu xin hóa giải cho rồi.
Loại tội này rất thường, như cứ bảo đừng nói vậy tộiảnh tội chỉ; tội ghê, nó không tới được; thấy người ta có vẻ quan tâm tới ai thì nói với nhau tội ha; nó nói nghe tội lắm (chỗ này là thương lắm đây, nhưng thương thì thường quá, cạn quá, hẹp quá, ngữ nghĩa nghèo quá, cho nên xin làm ơn vẫn cứ gọn gàng một chữtội giùm cái đi). Còn biết bao tội nữa, mà dùng kiểu gì cũng khó nêu đích tội danh, và vì phải là tử tế ngọt ngào mới có tội thì chẳng phải là tội ác gì ghê gớm nên chẳng bao giờ thành tội trạng. Cho nên cứ thoải mái nêu tội đi bởi dẫu sao cũng chẳng là một thứtội đồ khiến mình trở thành tội phạm, thì tội quái gì không dùng nó một cách vô tội vạ để tỏ ra mình có lòng biết tội người ta mà chẳng cần phải là tội nhân mới bẽ bàng thấm thía bao nỗi tội tình?
Nghĩ cho cùng, các kiểu tội này coi bộ ít nhiều ai ai cũng có. Bởi vì dù gì đi nữa thì cũng có vẻ có bé nghiệp rình đòi đi theo. Nếu “chị đó nghèo tội lắm”, tức là nghèo tàn canh, cái tội trùm chăn nằm dưới mái tranh vách đất; còn nghèo mà tội lắm, tức là đang bồng chén cơm trên tay mà thấy có người rách rưới liểng xiểng đi ngang, đoán là họ bụng trống, bèn sẻ chén cơm làm hai, nôm na là miếng khi đói bằng gói khi no. Nếu “anh đó giàu tội lắm” thì phải nhanh trí hiểu ngay là tội của ảnh đếm không xuể, kín đáo có kèm chữlỗi bên cạnh, thì nên tức tốc tấp vào lề ngay kẻo vạ lây; còn giàu mà tội lắm, là tiền bạc thừa mứa lột da tôm hùm căng trống búng nút rượu tây làm ná bắn chim hít xì gà thượng hảo hạng cho thơm lừng thành phố hay đổi xe khủng liên miên chích thuốc lắc lái ngược chiều trên xa lộ rượt đuổi bạn bè giải trí, ngoài ra còn nhớ để vài mẩu da tôm hùm nấu cháo thết người nghèo, nôm na là lá lành đùm lá rách. Học giỏi mà tội lắm là không ta đây hợm mình điểm cao nhất lớp, vì biết bước ra khỏi cửa là có đứa còn giỏi hơn mình, nghĩ cho cùng là sành mấy câu chữ nho “Tri bỉ tri kỷ” và “Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị”. Vân vân và vân vân. Ai dám bảo tiếng Việt ta nghèo?
Nói chung đây là loại tội mở, ngữ nghĩa nó mênh mang được hiểu không bằng từ vựng mà bằng ý, đậm đà tình dân tộc. Cứ nói tội lắm là mọi người tha hồ diễn cảm, diễn sao cũng không sai, không đúng bề ngang cũng đúng bề dọc. Nếu cắc cớ dài dòng thêm chữnghiệp vào thì tội lại bị nhốt kín trong chùa chiền, thiền viện hoặc tịnh xá suốt ngày nghe kinh kệ chớ không được ôm iPhone 6S “phượt phây”, sẽ kém sang đi.
Vậy nói chung có tội là tốt, là ở đời muôn sự của chung hơn nhau một tiếng tội mà thôi. Dù vậy Đức Phật vẫn khều khều Tội quá, nghe lời Phật dạy đây nè chúng sanh, rũ bỏ hết đi con, tội gì mà cứ ngoằn ngoèo trong vòng khổ đế luân hồi.