Filip Lardon, Giáo sư bác sĩ tại khoa Y và Khoa học sức khỏe thuộc Trường Đại học Anvers (Bỉ) đồng thời là Trưởng Phòng thí nghiệm và Nghiên cứu về Ung thư, đã cùng với nhóm của ông, khám phá nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện bệnh, phát triển và điều trị các khối u.
Ngoài ra, ông dành một phần thời gian của mình để giáo dục công chúng về bệnh ung thư và trả lời các câu hỏi của ông. Trong quyển sách mới nhất xuất bản năm 2014 với nhan đề Khi một tế bào đi lệch hướng (Quand une cellule se déraille), Filip Lardon đã giới thiệu nhiều ý kiến nhận được về ung thư. Xin giới thiệu đến quí độc giả 7 ý kiến mà bệnh nhân thường nêu ra nhất.
Bệnh ung thư không chừa một ai
Đúng. Nguy cơ bị ung thư hiện hữu ở bất cứ ai trong chúng ta và tăng dần theo tuổi tác. Ở các nước phương Tây, khoảng 1/3 người sẽ là nạn nhân của chứng bệnh này trong cuộc đời họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể ngăn ngừa bệnh ung thư. Có lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố rủi ro, cũng giúp phòng ngừa sự xuất hiện của các khối u.
Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể
Đúng. Về nguyên tắc, ung thư có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào mà các tế bào phân chia. Tuy nhiên, một số mô và bộ phận nhạy cảm hơn các mô và bộ phận khác. Ở phụ nữ, ung thư vú là loại phổ biến nhất, tiếp theo là khối u ở ruột, phổi, tử cung và da. Ở nam giới, ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại tràng, đầu, cổ và bàng quang đứng đầu bảng xếp hạng.
Nguy cơ ung thư nơi phụ nữ và nam giới là tương tự nhau
Sai. Về tổng quan, nguy cơ ung thư nơi nam giới thường cao hơn nữ giới, tương ứng với 30-35% nơi nam giới so với 25% nơi phụ nữ, và một vài loại khối u thường đặc biệt xuất hiện ở phụ nữ hơn là nam giới và ngược lại. Ví dụ: khối u ở đầu, cổ, họng, phổi, thực quản và bàng quang phổ biến nơi nam giới hơn do ảnh hưởng của việc uống rượu, bia hay hút thuốc. Ngược lại, ung thư tuyến giáp, ung thư da phổ biến hơn nơi phụ nữ, chủ yếu do ảnh hưởng của các yếu tố nội tiết tố và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ung thư là căn bệnh của thời đại chúng ta
Sai. Ung thư đã tồn tại từ nhiều thế kỷ qua và có lẽ từ buổi bình minh của loài người, thậm chí trước đó. Vì vậy, ung thư không phải là căn bệnh đặc trưng của thời đại hay nền văn minh ngày nay, dù số trường hợp bị bệnh tăng đều đặn trong nhiều thập niên qua. Sự tiến hóa này được giải thích bởi sự lão hóa ngày càng tăng cao của dân số và các điều kiện sống của chúng ta, dựa trên các yếu tố cá nhân như hút thuốc, lối sống nhàn rỗi, thiếu vận động, béo phì và ô nhiễm môi trường.
Bạn không bao giờ biết mình có bị ung thư hay không
Sai. 10 triệu chứng chính có khả năng không phản ánh đúng sự hiện diện của bệnh lý ác tính: khàn giọng hay ho dai dẳng, đặc biệt là nơi những người hút thuốc lá hay đã từng nghiện thuốc lá; khó nuốt, đặc biệt là nơi những người uống rượu bia hay hút thuốc; đại tiện có vấn đề như tiêu chảy, táo bón kéo dài hay xen kẻ giữa tiêu chảy và táo bón; rối loạn tiết niệu nơi nam giới, giảm cân, mệt mỏi hay sốt kéo dài mà không có nguyên nhân rõ ràng; chảy máu bất thường; sự xuất hiện nốt hay hạch bất kỳ nơi nào trên cơ thể như tinh hoàn, vú, dưới da; sự thay đổi bất thường ở vú như co rút, chảy, đỏ; sự xuất hiện của một nốt ruồi mới hay sự biến dạng của nốt ruồi hiện có; tổn thương da hoặc miệng lâu lành.
Mặc dù những tín hiệu báo động này là nguyên cớ tốt để làm xét nghiệm chuyên sâu, sự xuất hiện của chúng chưa hẳn là dấu hiệu chắc chắn của bệnh ung thư.
Bệnh ung thư là không thể tránh được
Sai. Hiện nay, các chuyên gia tin rằng phần lớn bệnh ung thư là do yếu tố bên ngoài, thường liên quan mật thiết với điều kiện sống của chúng ta gây ra. Có lối sống lành mạnh, không hút thuốc, quan tâm duy trì trọng lượng cơ thể ổn định, phù hợp, năng vận động một cách điều độ, ăn nhiều trái cây và rau quả… là đã có thể góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu dẫn đến ung thư. Một số khảo sát ghi nhận tỷ lệ phòng tránh thành công ung thư là trên 50% nếu có lối sống lành mạnh. Cần lưu ý rằng hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khối u ung thư: không nhiễm thói quen xấu này có thể tránh được đến trên 30% ca tử vong vì ung thư!
Ung thư không bao giờ được chữa khỏi vĩnh viễn
Sai. Nhờ những kỹ thuật dò tìm và các phương pháp điều trị hiện tại, hoàn toàn có thể chữa được một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khả năng chữa khỏi hoàn toàn và dứt hẳn vẫn khó dự đoán. Mục tiêu của việc điều trị là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư. Nhưng chỉ cần một số ít tế bào này còn sống sót tại vị trí khối u nguyên phát hay ở dạng di căn, bệnh nhân cũng có thể có nguy cơ phát triển khối u mới. Mối nguy hiểm này có thể kéo dài trong nhiều năm. vì vậy, điều quan trọng là cần phải tiếp tục kiểm tra, theo dõi một thời gian dài sau khi điều trị hoàn tất. Nếu bệnh không tái phát trong 5 năm, khả năng cao là bệnh nhân chắc chắn khỏi hẳn bệnh.