Tại nhà chờ chết của nhà tù The California Medical Facility, việc chăm sóc cho các tù nhân chờ chết vì bệnh tật đã tạo cơ hội giảm án cho những tù phạm nặng và án chung thân.
Một dạng khác của sự tử tế và tận hiến
Xăm từ cổ đến mặt cá, Kevion Lyman thức dậy vào lúc bình minh, tháo chăn và bước khỏi buồng giam để bắt đầu ngày làm việc mới. Tù nhân 27 tuổi này đi dọc theo hành lang liên thông với những khu giam giữ khác nhau của nhà tù, đi qua phòng ăn lớn, khu biệt giam dành cho các tù nhân bạo lực và khu dành cho các tù nhân tâm thần. Đẩy cánh cổng thép lớn, Lyman báo cáo với cai ngục ca trực của mình tại bệnh xá dành cho các tù nhân sắp chết. Nhiều cố gắng lớn đã được thực hiện để tạo ra sự khác biệt giữa bệnh xá đặc biệt này và phần còn lại của nhà tù.
Những cửa sổ có màn chớp màu trắng, bia tươi được phục vụ theo đợt và những bức tường được gắn nhiều bức tranh. Ngoài ra, còn cây thông Giáng sinh giả lưu giữ từ năm ngoái với những trang trí xanh đỏ trên cành làm dịu lối vào. Tất cả là để tạo nên không khí vui vẻ cho bệnh xá. Nhân viên (cũng là tù nhân) tháp tùng đội ngũ y tá phát thuốc theo thời biểu. Họ luôn giữ nụ cười vui vẻ lúc vào ca và kết thúc ca trực. Cho đến mới đây, không gian lộ thiên dành cho tù nhân chỉ là một hàng hiên nhỏ có hàng rào bảo vệ được gọi là “sân chơi cho chó”.
The California Medical Facility, nhà tù an ninh mức trung bình tại thành phố Vacaville, nằm giữa thủ phủ Sacramento của bang California và thành phố San Francisco, là nơi giam giữ khoảng 2.400 tù nhân. Một số còn trẻ và khoẻ mạnh, nhưng có nhiều người bệnh và tàn tật. Số ít hơn đang trong giai đoạn cuối của cuộc đời được đưa vào bệnh xá đặc biệt, nơi Lyman thuộc số tù nhân được tuyển chọn để giúp đỡ họ ra đi trong an bình. Sáng nay, Lyman và hai đồng nghiệp Fernando Murillo, Kao Saephanh trải tấm khăn sạch và đặt gối lên một chiếc giường chưa có người nằm để đón bệnh nhân mới.
Đó là một tù nhân nam phủ tấm chăn màu xanh gầy giơ xương tên Jimmy Figueroa mới chuyển đến. Ngồi lên mép giường, ông ta thọc ống hút vào hộp sữa chỗ chiếc răng bị mất. Mái tóc dày bạc phân nửa, chiếc kính mát Ray Ban và nét mặt bất cần đời trông Figueroa rất giống một sát thủ trong thế giới ngầm nước Ý. Quỳ dưới nền nhà, Lyman nhẹ nhàng mang vớ cho người mình chăm sóc kèm theo câu nói: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi, có gì bạn cứ gọi. Bây giờ, bạn có thể nghỉ ngơi thoải mái”.
Bệnh xá dành cho những tù nhân chờ chết đầu tiên của nước Mỹ
The California Medical Facility là nơi đầu tiên có một bệnh xá như thế trong hệ thống nhà tù bang California và cả nước Mỹ, và đây cũng là bệnh xá đầu tiên loại này được cấp giấy phép hoạt động. Được xây dựng vào năm 1993 để đối phó với cuộc khủng hoảng bệnh AIDS và trước áp lực xã hội là phải nhân đạo hơn trong việc chăm sóc các tù nhân sắp chết vì bệnh tật, thoạt đầu bệnh xá chỉ có các bệnh nhân trẻ chờ chết vì AIDS. Nay, bệnh xá 17 giường này có nhiều thành phần, từ bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối đến bệnh nhân Alzheimer; những người còn đủ sức chống nạng đi lại và người phải ngồi xe lăn hoặc không thể rời tấm mền và chiếc giường nhưng vẫn dán đôi mắt vô hồn vào màn ảnh truyền hình.
Hiện nay số tù nhân trên 55 tuổi đang thụ án tại các nhà tù liên bang và tiểu bang Mỹ là thành phần dân số phát triển nhanh nhất, tăng gấp 500% kể từ thập niên 1990, từ 26.300 vào năm 1993 tăng lên 164.800 người vào năm 2016. Các chuyên viên về tội ác đổ lỗi cho luật lệ nghiêm khắc hơn khiến số tù nhân được ra tù sớm vì cải tạo tốt hay bệnh tật ít hơn. Hệ quả là có thêm “bản án mới” cho cả các tù phạm bạo lực hoặc không bạo lực: phải nằm chờ chết trong tù thay vì được thả sớm. Chính vì vậy mà những ai được chuyển đến bệnh xá đặc biệt này đều được nghe câu chào đầu tiên: “Chào mừng đến với nơi tử thần đang chờ bạn”! Đa số nhà tù ở Mỹ không có chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho các tù nhân giai đoạn cuối.
Các nhân viên cải huấn không được trang bị những kỹ năng cần thiết để chăm sóc tù nhân loại này trong khi số nhân viên y tế lại quá ít. Nhưng tại bệnh xá của The California Medical Facility có hơn 20 nhân viên như Lyman. Đa số phạm tội giết người mang án tù chung thân. Nhiệm vụ họ được trao là làm sao thể hiện tính nhân bản của hoạt động cải huấn đối với những tù nhân không còn sống được bao lâu nữa.
Kết quả khả quan ngoài sự mong đợi
Giám đốc bệnh xá là mục sư Keith Knauf của đạo Tin lành. Ông tin rằng chính việc tiếp cận hàng ngày với những người đang chờ chết sẽ làm thay đổi sâu sắc suy nghĩ của các tù nhân thụ án nặng, giúp họ cải tạo tốt hơn. Thực tế cho thấy, từ ngày bệnh xá đi vào hoạt động, đã có hơn 250 tù nhân làm việc tại đó được giảm án và quay về với đời thực với tỉ lệ tái phạm chỉ 1,2% so với 25% tái phạm trong vòng 8 năm sau khi ra tù, tính chung cho hệ thống nhà tù Mỹ. Số 1,2% này cũng chỉ phạm những tội lặt vặt.
Các nhân viên bệnh xá làm những việc như đánh răng, xoa bóp, đọc sách cho bệnh nhân chờ chết. Họ giữ cả vai trò trung gian giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, và trong những giờ phút cuối cùng của bệnh nhân, họ luôn có mặt bên cạnh để cầu nguyện với phương châm “Không có ai phải chết đơn độc”. Các nhân viên-tù nhân rất hãnh diện về những gì mình đã làm được cho những người cùng hoàn cảnh, nhưng thiếu may mắn hơn.
Dĩ nhiên, thời gian sống của các bệnh nhân phải chuyển vào bệnh xá là không dự đoán được. Có người chết chỉ vài giờ sau khi vào, có người sống thêm cả tháng. Nhưng nói chung, cuộc sống của họ có chất lượng hơn và đỡ buồn tủi hơn vào thời gian ngắn ngủi giữa sinh và tử. Một bệnh nhân tên Lamerrill Dawson sống ở đây hơn 5 tháng mới ra đi, điều mà ông không thể tưởng tượng được nếu không có sự chịu đựng và cảm thông của những người chăm sóc cho ông.
Mỗi nhân viên bệnh xá một hoàn cảnh
Lyman và các đồng nghiệp có một nguyên tắc phải tuân thủ là không bao giờ tìm hiểu quá khứ của những người họ chăm sóc để tránh bị xao nhãng công việc và tạo ra những thành kiến không cần thiết. Saephanh gốc châu Á là thợ hớt tóc cho bệnh nhân. Ralph Martinez, gốc Mỹ La tinh bị xơ gan giai đoạn cuối nằm trong số “khách hàng” của anh. Theo nguyên tắc bất thành văn, người châu Á và người Mỹ La tinh không bao giờ hớt tóc cho nhau cũng giống như hai băng đảng Crips và Bloods không bao giờ nhìn mặt nhau.
Nhưng tại bệnh xá này, mọi nguyên tắc bất thành văn đều bị bãi bỏ. Chủng tộc, chính kiến và giai cấp được gác sang một bên. Saephanh xem công việc đang làm của mình là cách chuộc lỗi với quá khứ. Anh từ Lào đến Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, dính líu vào cuộc sống băng đảng vì “mơ làm người lớn với súng, ma tuý, rượu” để đến năm 17 tuổi đã phạm tội giết người trong cuộc ẩu đả tại một bữa tiệc Halloween. “Bắn xong, tôi rời bữa tiệc ngay mà không cần biết anh ta sống hay chết” – Saephanh nhớ lại.
Murillo, 38 tuổi là trường hợp khác. Bị đánh đập tại nhà và ức hiếp tại trường, anh phản kháng và vào tù từ năm 16 tuổi với hơn nửa đời người sống ở đó. Lynman có câu chuyện riêng của mình. Năm 13 tuổi, anh tham gia băng Compton Crips và trước tuổi 18 dính vào vụ thanh toán đẫm máu giữa hai băng đảng và bị cảnh sát bắt dù súng của anh kẹt đạn.
Kết quả: Lynman lãnh án tù 19 năm. Anh may mắn sống sót sau khi phát hiện bị ung thư máu. Mỗi nhân viên tù có cách chăm sóc riêng nhưng đều có mẫu số chung là tử tế và dễ thương với bệnh nhân. Trở lại trường hợp Dawson, chỉ 24 giờ sau khi ông qua đời, Lyman và các bạn lại tiếp tục đón nhận một bệnh nhân khác với những thao tác họ đã thuộc nằm lòng. Nhưng điều quan trọng nhất để có thể tồn tại ở bệnh xá là nhẫn nại, tận tuỵ và yêu thương.
- Xem thêm: Nhà tù, nơi thân thiện, nơi ác mộng