Truyện ngắn của Andy Weir (Mỹ)
“Là Doris phải không?”, ông bác sĩ hỏi.
“Dạ”.
“Doris, cô có biết cô ở đâu không?”
“Biết chứ”, Doris đáp. “Tôi đang ở trong một bệnh viện”.
“Tốt, tốt. Cô có nhớ chuyện gì đã xảy ra không?”.
Doris nhíu mày. “Không nhớ hết, không… Tôi nghĩ là có một vụ nổ đúng không?”.
“Vâng, đúng rồi”, ông bác sĩ xác nhận. “Doris, cô rất may mắn. Toàn bộ nhà bếp của cha cô bị tan tành bởi vụ nổ. Cô còn sống với vài chỗ bỏng nhẹ đúng là một phép lạ”.
“Tôi cho là vậy”, Doris nhoẻn cười.
“Cô có biết tôi là ai không?”.
“Ông là bác sĩ điều trị cho tôi có phải không?”, Doris đoán.
“Đúng rồi. Tôi là bác sĩ Mitchell”.
“Hân hạnh gặp bác sĩ”, Doris lịch thiệp nói.
“Thực sự mình đã gặp nhau vài lần trước đây rồi”, ông bác sĩ nói. “Cô đã là bệnh nhân của tôi trong gần một tuần. Trí nhớ của cô hơi bị lộn xộn”.
“Tôi hiểu”, Doris nói. “Trí nhớ của tôi chưa tốt”.
“Thể trạng của cô tốt, Doris. Không có gì đáng lo. Cô chỉ hơi rối loạn trí nhớ. Hệ thần kinh của cô bị chấn động. Cô có nhớ điều gì sau vụ nổ không?”.
“Dạ… không nhớ lắm. Tôi nhớ có tiếng còi cấp cứu, nhiều người đàn ông nâng tôi lên, tôi cho là họ đặt tôi lên băng ca. Sau đó là trạng thái mờ mịt”.
“Đúng rồi. Trí nhớ sẽ trở lại với cô. Ngay trước khi vụ nổ xảy ra thì sao?”.
“Dạ”, Doris nói. “Tôi nhớ là đang ở nhà của ba tôi. Rất lâu, tôi không gặp ông vàâ tôi đã về thăm ông. Tôi không nhớ các chi tiết, nhưng nhớ là ông bảo tôi nấu ăn cho ông. Tôi là một đầu bếp chuyên nghiệp”.
“Một đầu bếp”, vị bác sĩ nói.
“Dạ đúng. Tôi xuất sắc trong việc nấu ăn. Xuất sắc từ hồi tôi còn là một cô bé”.
“Tôi hiểu. Nói tiếp đi”.
“Tôi không gặp được người đàn ông đúng nghĩa của đời mình”, Doris tiếp tục, “và ở thời hiện đại này một người đàn bà không cần có một người đàn ông mới trở thành hoàn hảo. Vì thế tôi tự mình sinh sống. Và nấu nướng là chuyện duy nhất tôi rành rẽ”.
- Xem thêm: Những người bán cà phê ở chợ Rodríguez
“Cho tôi hỏi, cô bắt đầu nấu ăn lần đầu tiên là khi nào?”.
“À”, Doris suy nghĩ, “Tôi cho là chuyện bắt đầu khi mẹ tôi mất. Ngay khi mẹ tôi mất, cha tôi bảo tôi nấu ăn cho ông. Ông nói ông lo kiếm tiền duy trì cuộc sống của gia đình, thì tôi phải lo phần trách nhiệm của mình”.
“Hồi đó cô được mấy tuổi?”.
“Mười một”.
“Mười một tuổi à?” Vị bác sĩ nói. “Tuổi khá nhỏ để phải nấu ăn”.
Doris nhún vai. “Mười một tuổi đâu có gì khác hơn ba mươi lăm tuổi. Tôi chỉ nhỏ hơn một chút và các việc khó đạt hơn thôi. Nhưng với kinh nghiệm, tôi đã giỏi như bất kỳ người lớn nào”.
“Ba của cô bảo cô nấu ăn cho ông ấy thường như thế nào?”.
“Khá nhiều vào mọi buổi tối. Vào những cuối tuần, ông ấy cũng muốn ăn trưa. Thỉnh thoảng ông ấy muốn ăn điểm tâm, nhưng thường thì không”.
“Cô có bực bội vì phải như thế không?”.
Doris nhìn lại ông bác sĩ. “Vui là ông nhắc điều đó. Có. Tôi đã phẫn uất vì vậy. Tôi không thích bị bắt phải nấu ăn, và tôi không thích sự kiêu căng của ba tôi khi cho rằng đó là việc tôi phải làm. Vâng, tôi phẫn uất vì điều đó”.
“Phẫn uất rồi thì cô làm gì?”, vị bác sĩ hỏi.
“À, tôi bỏ nhà ngay khi tôi được 18 tuổi. Tôi ra đời kiếm sống. Chuyện đó cách đây gần 20 năm rồi. Mỉa mai thay chuyện mà tôi bỏ đi để khỏi phải làm lại là chuyện mà tôi có thể làm được để sống. Vậy là tôi trở thành đầu bếp”.
“Công việc hiệu quả như thế nào?”.
“Mới đầu thì không thuận lợi lắm”, Doris thừa nhận. Tôi làm việc ở nhiều chỗ kinh khủng; người ta không quan tâm đến tính chuyên nghiệp hay giấy giới thiệu. Họ chỉ muốn một bữa ăn nhanh và theo cách của họ. Tôi ghét như thế. Nhưng tôi buộc phải làm”.
“Rồi tôi tự tìm cách quảng cáo cho mình. Tôi tìm được những chỗ thích hợp để quảng cáo, và ký được những hợp đồng thích hợp. Tôi bắt đầu thăng tiến trong nghề bếp. Tôi có thể nói với ông rằng không có đường tắt trong nghề. Trở thành lão luyện trong nghề nghiệp, thành một đầu bếp hay thành một bác sĩ, đòi hỏi sự làm việc cực nhọc.
“Theo thời gian, tôi xây dựng được tên tuổi cho mình. Tên tôi trở thành một thương hiệu. Người ta gọi tôi và mời tôi làm việc, thay vì tôi phải xin việc nơi họ. Tôi bắt đầu tính thù lao ngày càng cao, và người ta sẵn lòng chi trả. Tôi tổ chức những cuộc tiệc riêng, với nhiều người dự, thậm chí tôi mời cả những khách hàng tên tuổi và bạn họ đến dự một cuộc tiệc chiêu đãi khách hàng tại nhà tôi. Nói cho cùng, công việc mà họ dành cho tôi rất xứng đáng dành ra một buổi tiệc tối đãi họ”.
“Và trong thời gian cô làm đầu bếp,” ông bác sĩ nói, “cô không hề về thăm ba cô đúng không?”.
“Không về”, Doris nói. “Tôi cho là tôi vẫn phẫn uất ông ấy,” nàng nói. “Tôi biết như thế là không hợp lý. Nhưng ông biết mà, cảm xúc không phải lúc nào cũng hợp lý”.
“Vậy thì sao cô lại có mặt ở nhà của ba cô khi vụ nổ xảy ra?”.
“À, hôm đó tôi quyết định về thăm ông ấy”, Doris giải thích. “Tôi nghĩ tôi không được oán giận ông mãi mãi. Đã 20 năm qua rồi. Có lẽ nhiều việc hồi đó diễn ra không thuận cho chúng tôi, nhưng giờ tôi là một người lớn. Và tôi nghĩ chí ít là tôi nợ ông vài cuộc viếng thăm. Nói cho cùng, ông ấy là người nuôi nấng tôi”.
“Và chuyện xảy ra thế nào?”.
“À, như tôi nói, chuyện đầu tiên ông ấy muốn là tôi nấu cho ông ấy ăn một bữa. Chân thành mà nói, sự việc đó làm tôi tức giận. Sau 20 năm, ông ấy không thay đổi gì hết. Không thay đổi một chút nào. Tôi khá thất vọng”.
“Thế rồi cô làm gì?”.
“Tôi vào nhà bếp”, Doris nói. “Chứ còn làm gì khác được? Ba tôi theo tôi vào đó. Chúng tôi nói chuyện một chút trong khi tôi đã sẵn sàng để nấu ăn cho ông. Tôi dùng bếp ga, và tôi phải mở bình ga trong khi trò chuyện với ba tôi, rồi tôi quên mất là bình ga đã mở. Kế đó tôi mở một bếp khác và bật lửa. Đó là những việc mà tôi nhớ được”.
Bác sĩ Mitchell dựa người vào lưng ghế. “Doris, tôi có thể hỏi cô một câu có thể nói là hoàn toàn bất ngờ không?”.
Doris nhún vai: “Bác sĩ cứ hỏi”.
Ông bác sĩ hít một hơi dài, rồi có vẻ khó khăn khi nói. Ông nhìn vào mắt Doris, hỏi “Sự khác biệt giữa một cái muỗng uống trà và một cái muỗng ăn là gì cô có biết không?”.
“Sao chứ?”, Doris ngạc nhiên hỏi.
“Một muỗng trà và một muỗng ăn? Sự khác biệt là gì?”.
“Muỗng trà là muỗng dùng để khuấy trà”, Doris giải thích, “muỗng ăn thì được dùng khi ăn, như khi ăn canh, ăn sữa trứng, và ăn các món tráng miệng”.
Bác sĩ Mitchell xoa trán. “Không, Doris. Cả muỗng trà và muỗng canh là dụng cụ các đầu bếp dùng để đo lường. Đầu bếp chuyên nghiệp nào cũng biết điều đó. Ngay cả người thường nấu ăn ở nhà cũng biết điều đó. Cô không phải là đầu bếp, Doris ạ. Cô chưa bao giờ là đầu bếp”.
Doris khịt mũi. “Thật là buồn cười. Dĩ nhiên tôi là đầu bếp. Tôi đã nấu ăn suốt cả đời!”.
“Không hề như thế”, bác sĩ Mitchell nói. “Tôi đã có hồ sơ tư pháp của cô. Cô đã bị bắt bảy lần vì tội làm gái mãi dâm trong 20 năm qua”.
“Làm gái…?”. Doris ngờ vực, lắp bắp hỏi. “Thật lố bịch! Ông đã nhầm hồ sơ của tôi với ai khác rồi. Đây là loại bệnh viện gì vậy?”
“Đây là bệnh viện thần kinh, Doris. Cô đã sát hại cha cô trong vụ nổ đó, và cô cũng đang cố tự tử nữa”.
“Không!”, Doris la lên. “Nói thế không đúng! Tôi là đầu bếp!”.
“Cô thay nghề mãi dâm bằng nghề đầu bếp. Từ hồi cô mười một tuổi. Đó là cách tự vệ của cô. Đó chỉ là cách để cô có thể sống”.
“KHÔNG!”, Doris kêu lên.
“Nhưng cô là người kiên cường”, bác sĩ Mitchell nói. “Kiên cường hơn ba cô nghĩ. Kiên cường đủ để bỏ nhà đi, đủ để sống bằng việc bán thân, và đủ để trở về phục thù những gì ba cô đã làm đối với cô”.
“KHÔÔNNG!”, Doris rên rỉ.
“Ông ấy đã chết”, bác sĩ Mitchell nói., “Ông ấy không thể làm cô tổn thương nữa. Ông ấy chết và cô đã sát hại ổng. Cô đã báo thù. Cô đã thắng”.
Doris rú lên một tiếng thét lớn đến mức bác sĩ Mitchell lo rằng nàng sẽ làm hư dây thanh quản của nàng vĩnh viễn. Ông vội lấy ống tiêm chích cho nàng một liều thuốc.
Trong khi nàng lâm vào trạng thái vô ý thức, ông ghi chép tình hình vào nhật ký theo dõi bệnh nhân.
“Chúng tôi sẽ điều trị cho cô khỏi tình trạng mất trí nhớ này,” bác sĩ Mitchell nói với nàng trong trạng thái vô ý thức. “Và cô sẽ nhớ lại những việc mà những người bình thường không chịu đựng nổi, và tôi sẽ giúp cô sống bình thường. Tôi hứa”.
Ông xem lại hồ sơ theo dõi bệnh trạng của bệnh nhân. Hai ngày trước, nàng không nhớ gì về vụ nổ. Hôm qua, nàng nhớ có vụ nổ, nhưng không nhớ là ở nhà cha nàng. Ngày mai, nàng sẽ nhớ lại nhiều hơn. Ông chắc chắn như vậy.
“Tôi hứa”, ông lặp lại khi rời phòng và khóa cửa lại.
Nhà văn Andrew Taylor “Andy” Weir sinh năm 1972, tại Davis, California, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Đại học San Diego, California. Tiểu thuyết đầu tay của ông – The Martian (Người sao Hỏa) – được đạo diễn Ridley Scott dựng thành phim cùng tên vào năm 2015. Ông còn có bút danh khác là Pen Sharp. Các tác phẩm nổi tiếng khác của ông là The Egg (Quả trứng); Artemis. Ngoài việc viết văn, ông còn là một lập trình viên vi tính. Ông nhận giải thưởng the John W. Campbell dành cho nhà văn mới nổi tiếng trong năm 2016 của Hoa Kỳ.