Để đáp ứng nhu cầu nước ngọt của 1,4 tỉ dân, Trung Quốc đang lao vào một dự án khủng: cấy mưa trên vùng cao nguyên Tây Tạng khổng lồ, khiến cho cả thế giới kinh hãi.
Trung Quốc đang thử nghiệm một kỹ thuật quốc phòng tiên phong nhằm thay đổi thời tiết để tạo nhiều mưa hơn trên cao nguyên Tây Tạng, kho dự trữ nước ngọt lớn nhất châu Á. Với giá rẻ, dĩ nhiên! Theo ước tính của các nhà khoa học tham gia dự án, một hệ thống phòng đốt khổng lồ trải dài trên các đỉnh núi ở Tây Tạng có thể làm gia tăng mực độ kết tủa mây hàng năm lên đến 10 tỉ m3, chiếm 7% nhu cầu nước ngọt của cả Trung Quốc.
Trước mắt, 10.000 phòng đốt sẽ được xây dựng tại những nơi được xác định rõ ràng trên cao nguyên Tây Tạng để kéo mưa xuống trên một vùng trải rộng chừng 1,6 triệu km2, gấp 3 lần diện tích nước Tây Ban Nha (gấp 5 lần Việt Nam)! Đây là một dự án lớn nhất thế giới. Các phòng này đốt chất rắn để tạo ra iodure bạc có khả năng kết tụ mây, mà cấu trúc tinh thể gần giống như nước đá. Chúng được đặt ở các đỉnh núi dốc đứng, mặt hướng về gió mùa của vùng Nam Á. Khi gió thổi đập vào vách núi, chúng tạo ra luồng khi đi lên mang theo những hạt tinh thể này đến tận các đám mây để từ đó tạo ra mưa hay tuyết rơi xuống. Một nhà khoa học tham gia dự án này tiết lộ: “Cho đến nay, đã có hơn 500 lò đốt được xây dựng trên các dốc núi ở Tây Tạng, Tân Cương và những vùng khác, để thử nghiệm. Các dữ liệu mà chúng tôi ghi nhận được rất lạc quan”.
Kỹ thuật không gian
Hệ thống này do Hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Không gian Trung Quốc (CASC) xây dựng, một công ty nhà nước, giữ vai trò chính trong lãnh vực không gian và quốc phòng. Họ cũng tiến hành nhiều dự án đầy tham vọng khác như thám hiểm mặt trăng và xây dựng các trạm không gian Trung Quốc. Để thiết kế và xây dựng các phòng đốt này, các chuyên gia không gian đã sử dụng kỹ thuật mũi nhọn của động cơ tên lửa quân sự (một kiểu động cơ phản lực) cho phép họ đốt hữu hiệu chất đốt rắn có tỉ trọng cao trong môi trường thiếu oxy của độ cao hơn 5.000m. Một nhà khoa học giấu tên đã giải thích như thế.
Mặc dù kỹ thuật này không mới – nhiều nước khác như Mỹ đã tiến hành thí nghiệm tương tự ở quy mô nhỏ – Trung Quốc là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật này ở tầm vóc lớn như vậy. Hoạt động hàng ngày của các phòng đốt được xác định bằng các dữ liệu rất chính xác thu thập được từ mạng lưới 30 vệ tinh khí tượng giám sát gió mùa trên vùng biển Ấn Độ. Họ cũng sử dụng các phương pháp cấy mây khác bằng máy bay, thiết bị không người lái và đại pháo để gia tăng tối đa hiệu suất của hệ thống thay đổi thời tiết.
Chiến tranh nước
Với những núi băng khổng lồ và kho dự trữ nước ngầm vĩ đại, cao nguyên Tây Tạng, thường được gọi là lâu đài nước của châu Á, là nguồn của hầu hết những con sông lớn trên lục địa. Chúng chảy qua Trung quốc, Ấn độ, Nepal, Lào, Miến điện, và nhiều nước khác, là nguồn sống của gần phân nửa loài người. Nhưng vì nạn hạn hán của cả lục địa, cao nguyên Tây Tạng cũng được xem là điểm nóng lớn, khi các quốc gia châu Á tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên nước ngọt. Mặc dù những khối lượng lớn không khí chứa nhiều nước đi qua cao nguyên mỗi ngày, đây cũng là nơi khô hạn nhất hành tinh. Mưa hình thành khi không khí ẩm ướt bị lạnh và va chạm với các hạt bay lơ lửng để tạo ra những giọt nước lớn. Iodure bạc do các phòng đốt nhiên liệu tạo ra sẽ cung cấp những hạt li ti cần thiết để tạo mưa. Các dữ liệu rađa cho thấy một luồng gió nhẹ cũng có thể mang đến những hạt tạo ra mầm mây ở độ cao hơn 1.000 mét, phía trên các đỉnh núi.
Chỉ một phòng đốt cũng có thể tạo ra một đám mây dày, dài hơn 5km. Vẫn theo nhà nghiên cứu tiết lộ: “Chúng tôi nhìn thấy tuyết rơi xuống, ngay khi mới vừa đốt lò. Chúng tôi có cảm giác mình đang chứng kiến một cảnh làm phép thuật. Kỹ thuật đầu tiên này được quân đội triển khai trong khuôn khổ một chương trình thay đổi thời tiết”. Quả vậy, Trung Quốc và nhiều nước khác như Nga, Mỹ đã nghiên cứu các phương pháp gây ra thiên tai như lũ lụt, khô hạn hay giông bão để tấn công kẻ thù khi xung đột lớn diễn ra. Theo nhà nghiên cứu này, người ta đã dùng kỹ thuật quốc phòng ứng dụng cho dân sự từ hơn 10 năm qua.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà những kẻ làm mưa gặp phải là tìm phương tiện để vận hành phòng đốt trong một môi trường khắc nghiệt. Trong những thí nghiệm đầu tiên, ngọn lửa thường tắt ngay trên đường đi vì thiếu khí oxygen trong vùng. Nhưng hiện nay, sau nhiều cải tiến liên tục, phòng đốt đã hoạt động trong môi trường gần như không có không khí, suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không cần phải chăm sóc. Mặt khác, nó còn cho phép có được sự đốt cháy sạch và hiệu quả như động cơ tên lửa, chỉ thải ra hơi nước và khí CO2, hữu ích cho nhiều vùng cần được bảo vệ.
Thiết bị thông tin liên lạc và điện tử hoạt động bằng năng lượng mặt trời, khiến cho các phòng đốt được vận hành cách xa hàng ngàn km, thông qua một smartphone kết hợp với hệ thống dự báo thời tiết bằng vệ tinh. So với các phương pháp cấy mây khác như dùng máy bay, đại pháo và thiết bị không người lái, đê rải iodure bạc trong không khí, phòng đốt có lợi thế hơn rõ rệt: các phương pháp khác cần phải thiết lập một vùng cấm bay, khiến phải mất thời gian và gây ra khó khăn ở một số nước, nhất là Trung Quốc.
Mặt khác, chẳng cần phải mất nhiều tiền để thiết lập một hệ thống trên mặt đất. Để sản xuất và lắp đặt một phòng đốt, chỉ cần khoảng 50.000 nhân dân tệ (tương đương 7.000 euro). Giá này còn giảm xuống hơn nữa khi được sản xuất hàng loạt. Để so sánh, một máy bay cấy mây giá mấy triệu nhân dân tệ, để phủ một vùng trời nhỏ hơn. Ngược lại, phòng đốt có khuyết điểm là không thể vận hành khi thiếu gió hay gió thổi nghịch hướng.
Tháng 3-2018, CASC đã ký một thỏa thuận với Đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh và tỉnh Thanh Hải để lắp đặt một hệ thống thay đổi thời tiết đại trà trên cao nguyên Tây Tạng. Từ năm 2016, các nhà nghiên cứu của trường đại học kỹ thuật mũi nhọn này đã đề nghị một dự án có tên Thiên hà để cung cấp nước trong vùng khô hạn phía Bắc Trung Quốc bằng cách thay đổi thời tiết. Họ dự định… chặn hơi nước được gió mùa Ấn Độ mang theo trên cao nguyên Tây Tạng để “phân phối lại” cho các vùng phía Bắc nhằm gia tăng từ 5-10 tỉ m3 nước một năm!
Sung túc toàn cầu
Chủ tịch Công ty Không gian Lei Fanpei tuyên bố trong một bài diễn văn: “Công nghiệp không gian Trung Quốc dự định đưa chương trình thay đổi thời tiết vào dự án Thiên hà của Đại học Thanh Hoa. Điều mới mẻ này có tầm quan trọng chiến lược để giải quyết vấn đề thiếu nước tại Trung Quốc. Đó sẽ là một đóng góp quan trọng không chỉ cho phát triển của Trung Quốc và sự sung túc của toàn cầu, mà còn là hạnh phúc của toàn nhân loại”.
Về phần mình, Qiu Yong, hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc làm lợi cho dân sự bằng kỹ thuật mũi nhọn của quân đội. Nó sẽ mang lợi ích đến cho các vùng ở phía Tây Trung Quốc. Nội dung thỏa thuận còn bí mật vì có những thông tin nhạy cảm mà chính quyền còn chưa muốn tiết lộ.
Theo mô hình khí hậu, vùng cao nguyên Tây Tạng sẽ bị hạn hán nghiêm trọng trong vài chục năm sắp tới, mưa tự nhiên không đủ bù đáp cho nước mất đi,vì nhiệt độ tăng cao. Nhà nghiên cứu của Đại học Thanh hoa nói rõ: “Kích thước chính xác và ngày khởi công chương trình còn chưa xác định,bởi đang chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ trung ương. Mạng lưới vệ tinh và thiết bị thay đổi điều kiện thời tiết sẽ được thiết kế theo những kịch bản tồi tệ nhất”.
Dấu ấn
Một cuộc tranh luận diễn ra trong nhóm thiết lập dự án về cách thức tiến hành. Trong khi một số người ủng hộ sử dụng phòng đốt, một số khác lại thích dùng máy bay gieo mưa hơn bởi nó gây ảnh hưởng môi trường thấp nhất. Theo Ma Weiqiang, thuộc Viện Nghiên cứu Tây Tạng của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, một thử nghiệm gieo mây ở cấp bậc đó là chưa từng thấy và có thể cho phép trả lời nhiều bí ẩn của thiên nhiên. “Trên lý thuyết, các phòng đốt có thể gây ra thay đổi thời tiết và khí hậu của toàn vùng nếu số lượng đủ lớn. Nhưng cũng rất có thể sự vận hành của chúng không hoàn hảo trong điều kiện thực tế. Số lượng mưa mà chúng có thể tạo ra khiến cho tôi nghi ngờ. Một hệ thống khí hậu có thể phức tạp đến nỗi mọi nỗ lực của con người đều vô ích”, Ma Weiqiang nói.
Hơn nữa, Bắc Kinh có thể không bật đèn xanh cho dự án này bởi vì chận lấy hơi nước trên bầu trời Tây Tạng cũng có thể làm giảm tích tụ mưa ở các vùng khác tại Trung Quốc!