Với sàn thương mại điện tử Postmart.vn, người tiêu dùng dù ở đâu cũng có thể mua được các loại đặc sản từ hàng tươi sống, hàng khô đến các sản phẩm chế biến.
Dịch Covid-19 đã khiến phương thức mua, bán hàng truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, cả đối với người bán và người mua.
Chị Đàm Nam Phương, đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM cho biết, ngay từ trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ ngày 9-7 chị đã ít khi đến các chợ truyền thông để mua hàng. Bởi không chỉ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, chị Phương còn rất ngại với việc trả giá, hay mặc cả khi mua hàng.
Vừa nhận được những trái nhãn lồng đầu mùa Hưng Yên, chị Phương cho biết chị đã đặt mua nhãn trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart. “Nhãn tươi, cùi dày, mọng nước, hạt nhỏ với hương vị rất thơm. Đúng chuẩn vị nhãn lồng quê tôi”, chị Phương chia sẻ.
Bắt đầu từ ngày 15-7, những trái nhãn lồng Hưng Yên đã chính thức bán trên sàn TMĐT Postmart.vn. Trước đó hơn 1 tháng, sàn TMĐT này cũng đã chuyển hơn 4.000 tấn vải thiều Lục Ngạn đến hơn 130.000 lượt khách hàng đăng ký mua trên Postmart.vn.
Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), hoa quả tươi khó bảo quản và có nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển. Phát huy vai trò của doanh nghiệp bưu chính quốc gia, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm mang tính thời vụ, đồng thời đem đến những sản phẩm tươi ngon tới người tiêu dùng trên cả nước, Postmart.vn đã xây dựng bài bản quy trình đưa hoa quả tươi lên sàn.
Một trong những vấn đề lớn nhất là vận chuyển và bảo quản để sao cho hàng luôn đảm bảo chất lượng tươi ngon khi chuyển đến tay khách hàng.
“Để giải quyết vấn đề này, Vietnam Post đã bố trí đẩy đủ các hệ thống phương tiện, đặc biệt là loại xe chuyên dụng, xe container lạnh để chở hàng hóa đi xa trong thời gian dài. Đồng thời, tại các bưu điện tỉnh, thành phố đều được bố trí lắp kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng”, ông Hào cho biết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo phân phối nguồn hàng đạt chất lương về an toàn thực phẩm, an toàn trong phòng chống dịch, Vietnam Post đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các địa phương để lựa chọn các sản phẩm, nhà cung cấp đạt yêu cầu của các cơ quan chức năng khi đưa lên Postmart.vn.
Chỉ tính riêng hơn 2 tháng trở lại đây, đã có trên 4.000 tấn nông sản được tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn.
Theo đại diện của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử đã góp phần không nhỏ vào việc đa dạng hoá thị trường, kênh phân phối, giúp các nhà cung cấp tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, giảm rủi ro khi có biến động.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cũng cho biết, việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT cũng góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều bà con có sản phẩm rất chất lượng, có uy tín thương hiệu trong vùng nhưng vẫn chưa quen với cách bán hàng mới, ngại ứng dụng công nghệ vào phục vụ công tác bán hàng. Do đó thời gian này Bưu điện sẽ hỗ trợ tối đa cho nông dân để đưa thật nhiều nông sản đến với người tiêu dùng trên cả nước.
“Đơn cử như vụ nhãn Hưng Yên hiện này, nhân viên bưu điện sẽ xuống tận nhà vườn hướng dẫn bà con chi tiết từng việc rất nhỏ như: chụp ảnh sản phẩm sao cho hấp dẫn, cách tạo gian hàng, đưa thông tin, hình ảnh về vải lên sàn, cách theo dõi, chốt đơn, thanh toán, cách đóng gói, bảo quản để hàng vận chuyển đi xa vẫn đảm bảo tươi ngon… Giờ đây, nhiều hộ gia đình không chỉ đưa nhãn mà còn chủ động đưa các sản phẩm khác như Mật ong, giấm nhãn, bột sắn lên bán tại các gian hàng trên Postmart.vn”, ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu Vietnam Post chia sẻ.
Để hỗ trợ, kết nối người bán và người mua trên sàn TMĐT Postmart, hiện Vietnam Post đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái về thương mại điện tử để giúp đông đảo người dân mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, qua đó không chỉ nâng cao giá trị của các sản vật mà còn lan tỏa các giá trị văn hóa vùng miền qua từng sản phẩm được Bưu điện Việt Nam chuyển phát tới tận tay người tiêu dùng trên cả nước.
- Xem thêm: Khôi phục niềm tin cho nông sản Việt Nam