Chuyến bay vào vũ trụ của tỉ phú Jeff Bezos vào ngày 20.7 sẽ không giống với bất kỳ chuyến bay vũ trụ nào trước đây trong lịch sử Mỹ.
Theo thông báo của Blue Origin cho biết tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay vào không gian diễn vào tối nay theo giờ Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ sẽ diễn ra vào 9:00 EDT (tức 20 giờ ngày 20/7 theo múi giờ GMT+7), đây cũng là ngày kỷ niệm 52 năm tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Jeff Bezos sẽ là tỷ phú thứ 2 thực hiện chuyến bay đến không gian cận quỹ đạo, chỉ sau Richard Branson ít ngày. Việc 2 tỷ phú cùng lên không gian chỉ trong vòng 1 tháng tạo nên một bước tiến lớn trong sứ mệnh đưa không gian đến gần với nhiều người hơn, bên cạnh đó hứa hẹn sự thành công đáng mong chờ trong lĩnh vực du lịch vũ trụ thương mại.
Jeff Bezos và các thành viên phi hành đoàn sẽ nằm bên trong khoang phi hành đoàn, có hình dạng giống như một viên kẹo, để bay lên vũ trụ. Được biết, tổng thời gian chuyến bay sẽ kéo dài khoảng 11 phút, cất cánh từ bệ phóng ở Texas của Blue Origin tới rìa không gian ở độ cao khoảng hơn 100km. Khi đạt đến đó, các hành khách sẽ trải qua cảm giác 3 phút không trọng lượng và có thể cởi dây an toàn trôi nổi trong cabin và nhìn về Trái Đất từ các cửa sổ kính trên tàu. Sau đó, module hành khách sẽ đáp xuống mặt đất bằng hệ thống bung dù và hạ cánh xuống sa mạc ở Texas.
Phi hành đoàn lần này bao gồm Jeff Bezos cùng em trai Mark Bezos, cựu phi công 82 tuổi Wally Funk, người đã từng tham gia vào sứ mệnh không gian “Mercury 13” nhưng sau cùng lại bị huỷ bỏ và chưa bao giờ được tiến hành. Bà cũng là người có kinh nghiệm nhất trong phi hành đoàn với sự nghiệp bay dài và đã từng dạy bay cho hơn 3000 người. Phi hành gia cuối cùng là chàng trai người Hà Lan 18 tuổi – Oliver Daemen, người được bố bỏ tiền ra để mua vé bay lên không gian. Nhờ vào việc có bà Funk và Daemen trong đội ngũ phi hành đoàn đã giúp Blue Origin đạt kỷ lục mới chuyến bay chở người trẻ nhất cũng như là người lớn tuổi nhất vào không gian.
Điểm khác biệt đáng chủ ý nhất giữa 2 chuyến bay của 2 vị tỷ phú Richard Branson và Jeff Bezos nằm ở đội ngũ phi hành gia. Trong khi Branson thực hiện chuyến đi cùng 3 nhân viên, thì chuyến bay của Jeff Bezos lại có sự góp mặt của hành khách trả tiền, mặc dù giá vé của Daemen không được tiết lộ. Theo Ariane Cornell, người quản lý bán hàng của Blue Origin cho biết: “Từ góc độ bán hàng, chúng tôi rất vui mừng vì là công ty đưa khách hàng thương mại đầu tiên lên không gian.”
Vào ngày 11 tháng 7, Branson – cùng với các nhân viên của Virgin Galactic là Beth Moses, Colin Bennett và Sirisha Bandla cùng các phi công Dave Mackay và Michael Masucci – đã thưởng thức toàn cảnh Trái đất và một vài phút không trọng lượng trước khi quay trở lại mặt đất.
Cả Branson và Bezos đều đang cạnh tranh trong “cuộc đua tỷ phú không gian”, khi cả hai người đều làm việc để phát triển, thử nghiệm và phóng tên lửa dưới quỹ đạo có thể đưa khách hàng lên vũ trụ.
Mặc dù Branson đã đánh bại Bezos vào vũ trụ trước 9 ngày, Branson đã bác bỏ ý tưởng rằng anh ta đã đua Bezos lên vũ trụ. Tuy nhiên, kế hoạch lên vũ trụ của anh không nằm trong lộ trình thử nghiệm do Virgin Galactic đưa ra vào đầu năm nay.
Blue Origin – công ty tên lửa mà Jeff Bezos thành lập năm 2000 – có kế hoạch sử dụng hệ thống phóng này để chở khách du lịch vào vũ trụ. Mục tiêu của New Shepard rất đơn giản: Mang đến cho khách hàng vài phút ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp từ cửa sổ lớn nhất của bất kỳ tàu vũ trụ nào trên thế giới.