Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm coronavirus từ quần áo trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoành hành, những chất khử trùng nào nên sử dụng…
Quần áo: Trong khi chúng ta dần dần hiểu thêm những điều cần làm để đối phó với con coronavirus độc hại này, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả về cách rửa, giặt giũ và khử trùng vật dụng trong nhà, bao gồm cả quần áo.
Mạng xã hội hiện đang tràn ngập nhiều thông tin sai lệch. Các nhà khoa học gồm các bác sĩ và nhà dịch tễ học đã trả lời những câu hỏi liên quan tới quần áo và Coronavirus, trong lúc các nghiên cứu khoa học về sự tương tác giữa con virus này với quần áo đang tiếp tục. Sau đây là một số lời khuyên về rửa tay, định kỳ giặt quần áo và nhiệt độ nước giặt đồ.
Coronavirus tồn tại bao lâu trên quần áo?
Theo Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Coronavirus thường lây truyền qua các hạt không khí siêu nhỏ thoát ra từ hơi thở khi bạn tiếp xúc với người nhiễm bệnh như nói chuyện, hắt hơi, hơn là qua vật liệu, đồ vật và quần áo mà khi bị nhiễm, những thứ này có thể lây lan bệnh. Tuy nhiên, Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ lưu ý rằng con coronavirus mới này dường như tồn tại từ nhiều giờ đến nhiều ngày trên các loại vật liệu khác nhau, bao gồm cả quần áo.
Theo Carol Winner, một nữ chuyên gia về y tế công cộng, một số quần áo có thể chứa các hạt nhỏ hô hấp, miễn là chúng được mặc hàng ngày. Những hạt này có thể khô theo thời gian làm cho virus mất hiệu lực. Điều này không có nghĩa là tiến trình diễn ra nhanh chóng. Carol Winner cho biết các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về virus này mỗi ngày.
Carol Winner giải thích: “Chúng tôi biết rằng những hạt nước này có thể khô trong một số điều kiện và quá trình này có thể nhanh hơn nơi các loại sợi tự nhiên. Nhiệt độ và độ ẩm có thể ảnh hưởng đến sức kháng cự của vi rút trên bề mặt cố định, nhưng hãy nhớ rằng nhiệt độ ở Úc là 30oC và ngay cả diễn viên Tom Hanks cũng bị nhiễm Covid-19”.
Liệu vải dệt có thuận lợi cho coronavirus hơn các loại vật liệu khác?
Robert Amler, trưởng khoa của Trường Y khoa và Thực hành thuộc Đại học Y khoa New York và cựu bác sĩ trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ước tính rằng tuổi thọ của Coronavirus phụ thuộc vào loại vải vì vải có độ xốp khác nhau tùy theo loại.
Robert Amler cho biết: “Một số các nhà nghiên cứu nghĩ rằng các sợi của vật liệu xốp thu hút, làm khô và làm tan rã các phân tử của virus. Các bề mặt mịn như da thuộc và vinyl (nhựa dẽo) có thể được chùi sạch”.
Janette Nesheiwat, bác sĩ đa khoa và cấp cứu, gợi ý rằng polyester và các chất liệu như elastane có thể giữ virus lâu hơn vãi cotton; vì vậy, cần phải giặt quần bó chân, đồ lót và váy với sự chú ý đặc biệt. Carol Winner nhắc lại: “Có thể vật liệu này giữ vi rút lâu hơn coton, nhưng tất cả các loại vải đều có thể bị nhiễm trùng”.
Theo những thông tin liên quan đến Covid-19, bệnh cúm do Coronavirus gây ra diễn tiến, biến động từng ngày. Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại trên carton, thép, tay nắm cửa bằng đồng và nhựa, và ở những nơi có đông người lui tới.
Carol Winner cho biết: “Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết một số virus có thể tồn tại 2-3 ngày trên nhựa và thép không gỉ, 24 giờ trên carton và 4 giờ trên đồng”. Hãy nhớ rằng nút áo và khóa kéo, và tất cả những thứ bằng kim loại trên quần áo, có thể được làm từ các vật liệu này.
Liệu có an toàn khi mang quần áo đến tiệm giặt ủi không?
Đối với những người không có máy giặt và máy sấy trong nhà, họ rất cần tiệm giặt để giặt quần áo. Các hướng dẫn thực hành giữ khoảng cách xã hội ít nhất là 1 mét giữa 2 người nhằm ngăn ngừa vi rút lây lan. Carol Winner giải thích rằng không có nguy hiểm khi mang quần áo đến tiệm giặt miễn là bạn thận trọng đề phòng. Nghị định ban hành ngày 16.3 vừa qua, cho phép một số doanh nghiệp vẫn mở cửa bao gồm các tiệm giặt và tiệm nhuộm đồ, và tất nhiên, tiệm giặt tại khu phố bạn ở cũng nằm trong số đó.
Trong số các biện pháp phòng ngừa, rõ ràng là bao gồm việc mang găng tay, thường xuyên rửa tay, khộng chạm tay vào mặt và khử trùng tất cả bề mặt của vật dụng, máy móc bạn sử dụng. “Chỉ khi nào virus xâm nhập vào miệng, mũi hay mắt thì chúng mới hoạt động. Nếu bạn mang găng tay mà không chạm vào mặt, và tháo găng tay ra theo đúng cách hướng dẫn của Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, mọi thứ sẽ ổn”, Carol Winner kết luận.
Nếu bạn không có găng tay, hãy khử trùng đôi tay trước khi đến và sau khi ra khỏi tiệm giặt. Ngoài ra, bạn cũng nên rửa tay từ 20 đến 30 giây khi về đến nhà.
Nếu bạn lo lắng về tình trạng quần áo của mình sau khi mang đi giặt ở tiệm giặt, nữ Bác sĩ Georgine Nanos khuyên bạn nên an tâm:”Không, không nguy hiểm khi sử dụng máy giặt chung vào thời điểm này bởi vì theo các nghiên cứu hiện nay, vi rút không chịu đựng được nhiệt độ trên 30oC. Vấn đề chính là việc giữ khoảng cách xã hội và sự tiếp xúc với các bề mặt và những người có khả năng bị nhiễm bệnh tại tiệm giặt, chứ không phải quần áo mang đi giặt”.
Nên giặt đồ ở nhiệt độ nào?
Khi nói đến việc tự giặt quần áo, Carol Winner khuyên bạn nên chọn chế độ giặt nhiệt độ cao và để quần áo lâu hơn ở nhiệt độ cao trong máy sấy. Carol Winner cho biết: “Sử dụng nước ấm càng nhiều càng tốt vì nó giúp tiêu diệt virus. Sấy đồ lâu hơn và ở nhiệt độ cao hơn là một ý tưởng tốt vì nó làm khô nước giúp vô hiệu hóa virus”.
Tuy nhiên, ngay cả khi đồng ý khuyên bạn nên giặt quần áo trong nước nóng, Georgine Nanos không khuyên bạn đun sôi nước: “Nếu bạn có thể giặt quần áo ở nhiệt độ cao nhất được chỉ định cho chất liệu vải, đó là điều lý tưởng. Nhưng đừng làm hỏng quần áo bằng cách đun sôi tất cả, điều này chỉ làm bạn thêm căng thẳng và lo lắng!”.
Nên sử dụng loại bột giặt nào?
Rodney E.Rodhe, giáo sư và Chủ tịch chương trình Khoa học Phòng thí nghiệm lâm sàn tại Đại học Texas, nhắc lại tầm quan trọng của giặt quần áo trong nước nóng, nhưng khuyên bạn nên cẩn thận với chất tẩy rửa được sử dụng.
Ông cho biết: “Tôi khuyên bạn nên sử dụng các sản phẩm có chất tẩy trắng. Virus hoàn toàn không thể chống lại môi trường độc hại này”.
Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ đã soạn một danh sách các sản phẩm, bao gồm cả chất tẩy rửa, nên sử dụng để chống lại mầm bệnh từ vi rút và Covid-19.
Nếu không có máy giặt, giặt quần áo bằng tay có hiệu quả không?
Trong trường hợp này, Georgine Nanos chỉ ra rằng “có thể giặt đồ bằng tay, miễn là bạn sử dụng nước nóng trên 30oC”. Georgine Nanos cho biết thêm: “Giặt quần áo bằng máy giặt truyền thống sẽ dễ dàng và nhanh hơn, không nguy hiểm mà vẫn diệt được vi rút, ngay cả khi bạn phải giặt chung với quần áo người bị bệnh”.
Định kỳ bao lâu thì giặt quần áo một lần?
Nếu một số người đợi đến khi quần áo tồn đọng nhiều mới cho vào máy giặt, Carol Winner khuyên nên giặt thường xuyên, đặc biệt là khi bạn phải liên tục đi làm hay nếu có nhiều người xung quanh bạn.
Carol Winner cho biết:”Thông thường, giặt quần áo thường xuyên luôn luôn tốt hơn. Nếu bạn ở khu vực đông người, hãy cởi bỏ quần áo ngay khi về đến nhà và cho vào chậu quần áo hay máy giặt. Thận trọng luôn tốt hơn”.
Lời khuyên trên cũng áp dụng cho quần áo khoác bên ngoài. Georgine Nanos khuyên nên giặt áo khoác ngoài thường xuyên, đặc biệt nếu “bạn thường xuyên chạm vào bề mặt hay vật dụng có nhiều khả năng nhiễm virus với khuỷu tay hay tay áo, như nút thang máy, tay vịn cầu thang hay nắm tay cửa”.
Janette Nesheiwat cho biết thêm: “Không nên sử dụng thuốc Lysol để sát trùng quần áo. Tuy nhiên, có những loại thuốc xịt khử trùng mà bạn có thể sử dụng cho quần áo”.
Có nên cởi quần áo ra khi đi làm về không?
Vì mục tiêu là tránh tiếp xúc với vi rút, Robert Amler khuyên nên thay quần áo, nếu bạn luôn phải đến nơi làm việc mỗi ngày hay phải sử dụng phương tiện giao thông đông đúc người đi.
Robert Amler cho biết: “Bạn nên thay quần áo và giặt chúng ngay khi những người khác chạm vào hay khi bạn có mặt trong một nhóm nhiều người”.
Điều này không có nghĩa là bạn phải thay quần áo ngay trong nhà để xe nhằm tránh tiếp xúc với quần áo sạch. Georgine Nanos khuyên bạn nên tạo thói quen cất những bộ quần áo này vào một chiếc túi riêng.
“Phần lớn cuộc đời, tôi làm việc trong lãnh vực y tế và luôn làm điều này vì hầu hết những người tôi tiếp xúc là các bệnh nhân bệnh truyền nhiễm. Tôi nghĩ rằng đó là một thói quen tốt. Có lẽ bạn không nên cởi đồ trong nhà xe, nhưng hãy tập thói quen thay quần áo và giầy dép khi về nhà”, Georgine Nanos cho biết.
Có nên giặt riêng quần áo của người bệnh?
Câu hỏi này có lẽ nằm ngoài suy nghĩ của mọi người, đặc biệt là trong nhà có hơn 2 người. Janette Nesheiwat xác nhận: “Luôn luôn nên giặt riêng quần áo của người bệnh vì chúng có thể mang khuẩn cầu chùm, khuẩn e.coli, vi rút cúm…”.