Sau bao kiên trì theo đuổi, lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được anh. Nổi tiếng trong giới doanh nhân là người kín đáo, lặng lẽ, nhưng ở anh chất chứa một năng lượng “ngầm” có sức công phá mạnh. “Lối rẽ trái” tình cờ từ một người không biết gì về ngành khách sạn không ngờ lại phát lộ ra trong anh một niềm đam mê, để mang lại nét riêng mới mẻ cho một loạt nhà hàng, khách sạn quần tụ ở khu trung tâm đẹp nhất của Sài Gòn.
Bắt đầu khởi nghiệp doanh nhân với việc tiếp quản Bông Sen lúc ấy xuống cấp nghiêm trọng, dột nát tứ tung, anh đã mang lại vẻ quyến rũ đầy chất Á Đông cho một viên ngọc nhỏ, đưa Bông Sen lên ngang tầm với các khách sạn lớn của TP.HCM… Tiếp theo là Nhà hàng Brodard, Givral, Lion, Lemongrass, Vietnam House… và mới đây nhất là Khách sạn Palace… Phải là người hiểu và yêu Sài Gòn lắm mới có thể gìn giữ được cái “hồn” của một thời trong từng cái tên đã đi sâu vào tâm trí của nhiều người, nhưng cũng phải học và tự khám phá mới có thể hiện đại hóa những “mùi hương”, để làm hài lòng cả những vị khách khó tính nhất.
Anh nói nhỏ nhẹ, từ tốn, đi cũng rất nhẹ, nụ cười dễ mến khiến cho những ngăn cách ban đầu tan biến. Anh mặc chiếc áo màu xanh lịch sự nhưng hòa đồng như mọi nhân viên khác của khách sạn. Da ngăm đen, dáng người tầm thước, các nét thẳng và mạnh trên gương mặt lại gây cảm giác về một tính cách thật cứng cỏi, “lì lợm” đến nghiệt ngã…
____
Gặp được anh sao khó quá, dường như anh “giấu” rất kỹ tung tích của mình?
Tội lắm, không phải vậy đâu.
____
Tiếp nhận Bông Sen, anh đã ứng xử như thế nào với những cơ hội, và cả những rủi ro đã qua? Lý do nào khiến anh chưa “buông” cái này, đã “bắt” cái kia?
Ban đầu, tôi nghĩ rằng mình… làm không nổi! Giỏi lắm cũng chỉ được 6 tháng là “chịu hết xiết”. Mãi đến bây giờ tôi vẫn có suy nghĩ như vậy, luôn lo lắng và sợ… Cái lo cũng xuất phát từ trách nhiệm. Ngành Du lịch cũng như bất kỳ một ngành nào, đều phải gánh chịu những rủi ro, khủng hoảng, như khủng hoảng kinh tế 97-98, dịch SARS, cúm gà…
Về mặt khoa học, người ta có thể “biết trước” để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong một điều kiện nào đó bằng những giải pháp. Mà muốn “biết trước”, phải có kỹ thuật, con người, vốn liếng. Mới đây nhất cơn sóng thần đã làm cho cả thế giới chao đảo… Chúng ta nên chia sẻ nỗi đau đó. Nhưng ngược lại đó là một cơ hội cho nhiều ngành trong đó có ngành du lịch, phải chuẩn bị làm sao để đón nó? Nếu không chúng ta sẽ mất cơ hội như đã từng bỏ lỡ trước đây. Tâm lý người đi nghỉ ngơi bao giờ cũng mong hưởng thụ và ghi nhận được điều gì đó trong ký ức của mình.
Việt Nam đối với họ có gì mới mẻ chưa từng biết đến? Vẻ đẹp riêng của Việt Nam là gì? Làm thế nào để khách nước ngoài không cảm thấy hụt hẫng, thất vọng? Đó là điều luôn ám ảnh tôi. Làm kinh doanh, điều tôi quan tâm là kế hoạch và những con số. Mỗi lần nói chuyện với anh em, bao giờ cũng là câu hỏi tại sao mình không đạt được con số đó? Năm nay mình được 10 tỉ đồng, tại sao không nghĩ năm sau mình phải đạt 20 tỉ? Luẩn quẩn trong đầu tôi là thôi thúc phải tăng trưởng, tăng trưởng hơn nữa, và điều đó khiến tôi cứ phải tìm tòi cái này, cái kia.
Có một cơ sở vật chất tốt mà không có yếu tố con người thì cũng như một ngôi nhà có xác không hồn. Phần xác và phần hồn phải hòa quyện với nhau mới tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh. Đến khi ổn định thì tôi giao lại cho anh em, và đến một nơi khác, tìm một công việc khác để làm. Tôi không thể ngồi yên được, nếu ngồi yên là tôi chết. Điều đó đã trở thành thói quen.
Cơ chế không là một cái gì cứng ngắc, mà là cả một quá trình hoàn thiện, phải có thực tiễn để điều chỉnh dần.
____
Quản lý rất nhiều nhà hàng, khách sạn, làm thế nào anh có thể tạo dựng cho mỗi nơi một phong cách khác nhau? Anh có phải chịu nhiều áp lực mỗi khi bắt đầu triển khai một dự án mới?
Tự tôi luôn nói với lòng mình: Không thể làm những gì giống nhau, không “copy” chính mình, vì thế cứ mãi tìm kiếm. Có lúc cũng bế tắc, đắn đo cho đến phút cuối cùng trước mỗi quyết định, không biết suy nghĩ của mình có đúng hay không? Mỗi lần quyết định đầu tư, làm ra một sản phẩm mới đụng đến vốn liếng tiền bạc của Nhà nước là căng thẳng lắm, mặc dù trước đó đều phải khảo sát thị trường, đưa ra phương hướng, tranh luận kỹ càng trong nội bộ…
Mình là người chịu trách nhiệm cuối cùng, có khi không biết chia sẻ cùng ai, bởi cấp trên, cấp dưới đều đặt niềm tin vào mình. Không hiểu sao cái số tôi cũng gặp may, phần lớn dự án đưa ra đều hiệu quả. Đạt được rồi lại tự hỏi liệu đã đủ chưa? Và lại bắt đầu tính. Có lẽ sự đam mê công việc của tôi đã được anh em cảm mến. Tôi lăn xả thì anh em cũng lăn xả.
____
Được biết anh cũng là một trong những người tiên phong trong việc tháo gỡ những khó khăn về cơ chế?
Theo tôi, cơ chế cũng do một ai đó làm ra thôi, không phải từ trên trời rơi xuống. Cơ chế không là một cái gì cứng ngắc, mà là cả một quá trình hoàn thiện, phải có thực tiễn để điều chỉnh dần. Chẳng qua đó là cái tâm của mình với công việc, thấy khó thì cùng nhau gỡ rối nó. Nếu thuận tiện mà mình không có tâm thì cũng chẳng làm nên trò trống gì. Tôi cũng không phải là “anh hùng rơm”, tôi biết có những cái mình không làm được.
Nếu không làm được thì phải nghĩ cách. Phải tìm sự giúp đỡ dưới nhiều hình thức khác nhau. Cái tâm không chỉ là nhiệt tình, mà phải có kiến thức thực tế, biết chấp nhận thất bại để có những bài học, và phải có hoài bão, ước mơ. Tôi không bao giờ đổ lỗi cho cơ chế, từng doanh nghiệp phải ý thức được, cùng nhau làm, chứ đừng coi là chuyện của ai đó, hay của một cá nhân. Tự mình phải biết chuẩn bị cái gì, làm tốt cái gì, từ đó mới có thể nhân rộng ra. Tôi rất tin tương lai ngành du lịch, dịch vụ sẽ khác hẳn do nhiều yếu tố: Cạnh tranh, nhu cầu xã hội phát triển, đời sống nâng cao, cơ hội tiếp xúc nhiều hơn… Điều đó đòi hỏi phải nỗ lực hành động.
____
Đảm nhận nhiều trọng trách mới khi công ty chuyển sang cổ phần, anh có cảm thấy lo lắng nhiều không?
Lo nhiều chứ. Tôi luôn xác định trước đây mình làm công cho Nhà nước, giờ thì làm công cho những cổ đông. Xác định vậy rồi nên thấy thoải mái lắm. Ráng làm hết sức, nhưng không có nghĩa là mù quáng, phải có chiến lược. Làm trong cơ chế nào tôi cũng đều quan niệm: Các lợi ích phải được thực thi. Đối với Nhà nước phải tuân thủ mọi quy định, đối với doanh nghiệp phải đảm bảo ổn định, bền vững, đối với cộng sự phải tôn trọng.
Đối với xã hội phải gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Làm sao đưa vào đội ngũ của mình một niềm tin, một nhiệt huyết thì khó đến đâu cũng vượt qua được. Cổ phần hóa thực chất là quá trình tái cấu trúc lại, đó là xu hướng tất yếu của đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng khả năng liên kết liên doanh, mở rộng tầm mức hoạt động sang nhiều ngành khác ở miền Bắc, miền Trung và cả nước ngoài… tùy theo tiềm năng của các cổ đông.
Tôi không hề mặc cảm khi đứng bên cạnh tòa nhà Sheraton. Không có lý do gì Việt Nam không có được một tập đoàn khách sạn.
____
Sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn trên đường Đồng Khởi, anh hình dung thế nào về những “sản phẩm du lịch Việt” bên cạnh những “năm sao” quốc tế trên con đường này trong tương lai?
Tôi cũng có may mắn được đi đây đi đó nhiều, nhưng có đi xa, mới biết nhớ Sài Gòn, mới cảm nhận hết vẻ đẹp của Sài Gòn, một cái gì đó như không khí, như hơi thở… Tôi nhớ đến cồn cào mùi mắm, nhớ những buổi chiều ngồi vỉa hè uống ly cà phê nhìn người qua lại, nhớ cả chiếc xích lô, những gánh chè, gánh xôi buổi sáng… Tôi đã thử chạy xích lô rồi, coi vậy mà khó lắm nghen, nếu không biết giữ thăng bằng là lật liền… Nỗi nhớ ấy nó day dứt lắm, không thể tưởng tượng được.
Chính vì thế mà dù có học đến đến đâu, hiện đại đến đâu, cũng phải giữ gìn vẻ đẹp đã đi vào tâm thức người Sài Gòn, mà nếu mất nó thì tiếc vô cùng. Xích lô Sài Gòn, cách sống, cách cảm của người Sài Gòn… Tôi không biết diễn tả làm sao, vì ngoài tiện nghi, con người còn cần đến cảm xúc. Sài Gòn là nơi du nhập của nhiều nền văn minh, cộng thêm sáng tạo của riêng Sài Gòn để có một dáng vẻ khác biệt. Vì thế giữ được hồn vía cho đường Đồng Khởi nói riêng và Sài Gòn nói chung rất cần đến độ cảm, cái tâm của người làm du lịch…
Tại sao ngành khách sạn Việt Nam không tự hào với vẻ đẹp của mình? Một tinh thần Việt trong ngành khách sạn? Mình dở hơn cái gì thì học, chứ không phải là xóa nhòa bản sắc. Tôi không hề mặc cảm khi đứng bên cạnh tòa nhà Sheraton. Không có lý do gì Việt Nam không có được một tập đoàn khách sạn. Làm sao để có thể tự hào mà nói rằng chúng tôi là những người làm khách sạn chuyên nghiệp, chúng tôi biết làm, và không ngại cạnh tranh. Cũng như một đội hình đá banh, chúng tôi có cầu thủ nội và cầu thủ ngoại, để cùng nhau xây dựng một “sản phẩm Việt” cho Bông Sen. Đó là “thì” tương lai, có thể năm năm, mười năm, nhưng hãy cứ mơ đi.
____
Trong hệ thống khách sạn, có nơi đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có, trách nhiệm chính vẫn thuộc về người lãnh đạo. Quá trình học của người lãnh đạo khách sạn khác với việc học của từng nhân viên như thế nào, theo anh?
Tôi học nhiều lắm, học trong nước, học nước ngoài, học tiếng Anh, học bưng bê gắp rót, học vi tính… Để có thể tiếp xúc trực tiếp với khách nước ngoài, làm việc trên computer và biết thế nào là “sao nọ sao kia”. Cái gì chưa biết phải ráng biết. Nói chuyện với nhân viên, không bao giờ được nói “hãy”, “không nên”, mà phải biết làm. Người lãnh đạo phải đo được“thời tiết” thay đổi như thế nào? Biết sản phẩm có “bệnh” gì để kiếm “bác sĩ” điều trị… Thời buổi của công nghệ, tri thức, phải tiếp cận, trang bị mỗi ngày, để chuẩn bị cho quá trình tái cấu trúc mới, hình thành một quản lý tương thích… Tôi có một kỷ niệm lớn về chuyến thực tập tại một khách sạn ở Indonesia do tập đoàn Inter-Continental quản lý nhờ học bổng của Tổ chức Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA).
Một lần trao đổi công việc với Tổng quản lý của khách sạn, tôi thấy trên bàn ông tràn ngập sách kiến trúc và thiết kế. Thấy tôi tò mò, ông cười: “Tôi không phải là nhà kiến trúc đâu, tôi trưởng thành từ ngành khách sạn. Theo tôi khởi điểm của mọi khách sạn đều bắt đầu từ vấn đề kiến trúc. Cảm nhận đầu tiên của người ta về khách sạn chính là kiến trúc, là sự hài hòa. Nó thể hiện văn hóa, gu thẩm mỹ và kiến thức của chủ nhân”. Từ đó, việc đọc của tôi rộng hơn ra. Muốn có một sản phẩm kiến trúc tốt, phải trả giá xứng đáng. Ví dụ như mái ngói cho Nhà hát lớn chẳng hạn, chỉ vì tiết kiệm một số tiền nhỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp nguyên thủy của nó. Điều đó không phải không biết, nhưng rõ là có nhiều bất cập.
Trong quá trình làm, tôi không thụ đắc những cái ai đó áp đặt sẵn. Mọi thiết kế, dịch vụ, sản phẩm phải được định hình rất rõ, phục vụ cho ai, có những dịch vụ gì, ở chừng mực nào…trên mọi lĩnh vực. Giống như một đạo diễn vậy, có kịch bản, có phim trường, phải có diễn viên… như thế mới thấy được cái “mùi” của từng nơi chốn. Mỗi một nhà hàng, khách sạn là một “bộ phim” khác nhau, mang đậm cảm xúc, phong cách của người đạo diễn, có thể đánh thức được mọi giác quan của con người, từ ngửi, nghe, nếm… đến sự lắng đọng trong tâm hồn một điều gì để nhớ.
Tôi hay ngồi đây mỗi ngày, ngắm nhìn thực khách qua cách họ ăn, uống, trò chuyện, để có thể “đo” được sự hài lòng của họ. Nếu không thấy, làm sao có thể bồi bổ để tốt hơn được. Hãy cực khổ hết đi, rồi sau đó muốn đi đâu thì đi. Đi cho đã, thậm chí quên hết rồi khi quay lại, mới thấy có những vấn đề cần phải sửa. Chứ ngồi hoài lại thấy bình thường…
____
Vậy là anh cũng làm ra khá nhiều “bộ phim” rồi nhỉ. Tính cách kín đáo, trầm tĩnh của anh có được là nhờ đâu?
Sự trầm tĩnh ư? Có lẽ là do rèn luyện thôi. Hồi trẻ tôi cũng bồng bột lắm, đụng chuyện là phản ứng tức thì, không biết kìm nén đâu… Dần dần trước một áp lực công việc, có những lúc phải tự mình đi tìm lối thoát đã tập cho tôi cái đầu lạnh dần, nhưng trái tim thì lúc nào cũng rực lửa. Nhiều lần phải trân mình nghe khách phàn nàn, thậm chí chửi rủa, tôi dần ngộ ra rằng biết lắng nghe, biết xin lỗi cũng là một bí quyết để thành công. Áp lực đối với công việc thì dữ dội lắm, đôi khi cũng phải tạm thời quên đi, tạm thời thất hẹn, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến ai. Và chỉ quyết định khi đã có giải pháp.
Khó khăn, thử thách chính là thước đo. Cái gì mới là một “phép thử”, nó thách thức và thú vị lắm.
____
Anh có ngày thứ Bảy, Chủ nhật của riêng mình?
Đối với tôi, ngày Chủ nhật là ngày của cá nhân và gia đình. Còn khi làm việc, phải biết chia ra lúc nào làm gì, làm với ai, có như thế mới có thời gian để nghỉ ngơi, thể thao, đọc sách. Tôi rất thích thể thao, chơi môn nào cũng được, nhưng không giỏi thôi. Tôi đọc nhiều lắm, chủ đề tùy theo cái mà mình quan tâm. Tôi vẫn giữ thói quen nghe tin tức qua radio.
Một ngày không có tin tức là cảm thấy khó chịu. Tôi có ba con, hai gái, một trai. Tôi rất hài lòng về các con. Thực sự nếu không có một gia đình tốt, thì không thể làm việc được. Tôi không bắt buộc con phải theo nghiệp của mình, chính thái độ làm việc, học tập, cách suy nghĩ của người cha sẽ là tấm gương, là hành trang cho con vào đời. Cha mẹ chỉ nên định hướng, hãy để cho các con được quyền quyết định con đường của chúng.
____
Vợ có là người chia sẻ gánh nặng với anh?
Khi có khó khăn tôi thường tự mình giải quyết, mang gánh nặng cho người thân thấy áy náy lắm. Đôi khi như vậy cũng không hay lắm, vì gánh riết sao chịu nổi. Bà xã tôi cũng ít nói giống tôi, nhưng cô ấy có thể hiểu hết những gì tôi không nói.
____
Điều gì trong kinh doanh hấp dẫn anh nhất?
Nói thật nhé, nhiều bạn bè tôi đã thắc mắc: “Tại sao nói chuyện với anh, cái gì rồi cũng trở về công việc? Sao cứ quay quẩn làm hoài như vậy?”. Tôi nói: “Nếu không làm hoài thì tôi sẽ là cái gì?”. Tôi cảm thấy rất vui khi nhân viên của mình có cuộc sống ổn định, sắm sửa thêm cái này cái kia cho gia đình, ăn mặc đẹp hơn xưa… Mỗi lần có công việc mới, lại tạo thêm nhiều hơn công ăn việc làm, khiến cho “Gia đình Bông Sen” cứ lớn thêm mãi. Làm thế nào để gia đình lớn ấy được êm ấm, cùng nhau lo toan việc chung, việc riêng… là cả một trách nhiệm nặng nề.
Chỉ nội tiền lương cho cả ngàn con người sống thoải mái cũng đã mệt rồi, chưa kể đến việc làm sao cho doanh nghiệp phát triển, cho cổ đông vui vẻ… Còn khó khăn, thử thách chính là thước đo. Cái gì mới là một “phép thử”, nó thách thức và thú vị lắm. Khi vượt qua thì sự bù đắp chính là cảm giác “đã” của người cầu thủ đá vào lưới một trái banh. Tìm được cái “đã”, kết quả được mọi người vui vẻ đón nhận, thì đó không thuần là kinh tế nữa. Đời doanh nhân đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống, được làm bạn với nhiều người. Chính những tình cảm quý giá đó đã giúp tôi lớn dần lên…