Đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành may mặc toàn cầu, đẩy nhiều tên tuổi lớn vào con đường phá sản, nhưng Uniqlo vẫn làm ăn ổn. Vậy điều gì đã giúp đại gia đến từ Nhật Bản vượt qua “siêu bão’ COVID-19?
Sự đơn giản thống trị làng thời trang thế giới
Một nhân vật không thể không nhắc đến đó là người cầm lái “con thuyền” Uniqlo. Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, Tadashi Yanai đã xuất hiện với chiếc khẩu trang. Ông mặc sơ mi trắng, bên ngoài khoác chiếc áo mỏng tối màu. Ông sải bước vào phòng họp, nơi được trang trí bằng một bản đồ thế giới phức tạp và một bức thư pháp Nhật Bản được đóng khung có nội dung “Số một thế giới”.
Được Forbes xếp hạng là người giàu nhất Nhật Bản, ông Yanai có thể mua những bộ quần áo đắt tiền hơn bộ ông đang mặc, song ông đã làm giàu như một người truyền bá cho trang phục đời thường. Trong cuốn tự truyện năm 2003, ông Yanai đã viết: “Trang phục bình thường có thể mặc mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ai, một cách tự do. Nếu chúng tôi có thể bán số lượng lớn quần áo bình thường cho cả nam và nữ, đó sẽ là một thành công lớn”.
Ông nói thêm rằng “Không giống như những lần trước, khi mọi người ăn mặc để gây ấn tượng với người khác, giờ đây mọi người muốn những bộ quần áo cho phép họ sống một lối sống chất lượng cao”. Ngày nay, hầu như không thể tìm thấy bất kỳ ai ở Nhật Bản chưa từng mua sắm đồ của Uniqlo. Sự giản đơn chính là chiến lược thương hiệu, khía cạnh quyết định sự thành bại đường dài của một doanh nghiệp. Uniqlo mang đến câu chuyện như thế, với sự đơn giản được cho là có thể thống trị làng thời trang thế giới.
Với quan điểm này, dòng sản phẩm LifeWear của Uniqlo lại trở nên đặc biệt phù hợp với trong thời gian đại dịch hoành hành: khẩu trang thoáng khí, quần thể thao thân thiện với môi trường cách ly… Hãng này đang tiếp thị các sản phẩm “làm việc tại nhà” trên các trang web và quảng cáo của mình. Trả lời tờ Nikkei Asia, ông Yanai cho hay đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng lớn đối với các công ty trên toàn thế giới, nhưng nó cũng là một cơ hội lớn”.
Khẩu trang AIRism là biểu tượng thành công và dễ nhận biết nhất của Uniqlo. Thực tế, ông Yanai từng quyết liệt phản đối ý tưởng đẩy mạnh mặt hàng khẩu trang. Ông nói lúc ban đầu rằng Uniqlo sẽ đóng góp vào cuộc chiến chống COVID-19 thông qua quần áo, thay vì khẩu trang. Song do nhu cầu quá lớn, khẩu trang trở thành sản phẩm chủ lực của dòng LifeWear.
Gây tiếng vang lớn ngay khi ra mắt vào tháng 6/2020 tại Nhật Bản, những chiếc khẩu trang cũng đóng một vai trò trong việc thu hút khách hàng quay lại các cửa hàng của Uniqlo. Nhiều người đã xếp hàng hàng giờ để mua chúng. Cuối cùng, ông Yanai thừa nhận COVID-19 là trọng tâm mối quan tâm của người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, các biện pháp an toàn là cách tốt nhất để thu hút khách hàng.
Một trong những nhân tố giúp Uniqlo “vượt bão” thành công đó chính là những khách hàng trung thành của mình, những người kiên trì tiếp tục mua sắm bất chấp rủi ro. Akari Ono, 27 tuổi, cho biết cô đã mua rất nhiều quần áo Uniqlo và các thương hiệu liên quan trong năm nay khi đang mua váy mặc ở nhà tại một cửa hàng Uniqlo ở Harajuku, Tokyo, (Nhật Bản) vừa khai trương hồi tháng 6-2020. Theo cô, các thương hiệu có giá cả hợp lý và chúng đặc biệt hữu ích vì cô đã không ra ngoài nhiều trong năm nay.
Các khách hàng ở Trung Quốc cũng được cho là khá “nghiện” đồ của Uniqlo. Niu Ran, một nhân viên IT 25 tuổi, cho biết khi đang đợi thử đồ tại một cửa hàng của Uniqlo tại Wangfujing, phố mua sắm của Bắc Kinh, rằng anh rất thích đồ Uniqlo vì dễ kết hợp và chất lượng tốt. “Trang phục của Uniqlo cũng thỏa mãn tất cả nhu cầu của tôi, nên tôi không cần phải bỏ thời gian đi đâu nữa cả”. Anh Niu Ran tiết lộ tủ đồ của anh hầu hết đều là những món đồ cơ bản của Uniqlo, từ áo phông đến tất. Anh này cũng dự định mua thêm đồ Uniqlo sau đại dịch.
Thương hiệu số một toàn cầu về giá trị vốn hoá
Khi dịch COVID-19 ập đến, Trung Quốc là thị trường đầu tiên bị phong tỏa. Tuy nhiên, lệnh hạn chế đi lại đã được gỡ bỏ từ tháng 3/2020. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo hồi phục nhanh hơn các nước khác. Các thị trường khác ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, cũng thành công về mặt kiểm soát đại dịch hơn nhiều so với phương Tây.
Trong 2.260 cửa hàng của Uniqlo trên toàn cầu, chỉ có 51 cửa hàng đặt tại Mỹ. Việc ít hiện diện tại thị trường thời trang lớn nhất thế giới từ lâu được coi là “gót chân Asin” của hãng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, đây lại là điều may mắn khi khu vực châu Á, vốn chịu ảnh hưởng từ đại dịch ít hơn so với các khu vực khác, đóng góp khoảng 3/4 doanh thu cho Uniqlo. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 20%.
Kết quả là vào cuối phiên giao dịch ngày 16-2-2021, tập đoàn mẹ Fast Retailing của Uniqlo đã chính thức trở thành tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường. Theo đó, giá trị thị trường của Fast Retailing đã đạt 10.870 tỷ yen (103 tỷ USD), chính thức vượt công ty mẹ của Zara là Inditex (Tây Ban Nha), công ty có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 81,7 tỷ euro (99 tỷ USD) khi chốt phiên 15/2 và 80,8 tỷ euro vào cuối phiên 16/2. Giá cổ phiếu của nhà bán lẻ của Nhật Bản tăng đều đặn từ tháng 8/2020.
Nhận định về kết quả này, ông Tadashi Yanai cho biết giá cổ phiếu của tập đoàn đã tăng 7 phiên liên tiếp, lên mức 102.500 yen/cổ phiếu, cũng là lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 yen.