Công đoàn bảo vệ influencer
Amy Hart kiếm được 1,2 triệu người theo dõi trên Instagram và 99.000 Twitter của mình nhờ xuất hiện trên chương trình truyền hình Love Island (một series thực tế về hẹn hò của Anh) năm 2019 – nơi cô đã khiến nhiều trái tim tan vỡ khi mặc một chiếc váy ngắn. Giống như nhiều ngôi sao trước đây của chương trình, Amy Hart hiện là một influencer (người có ảnh hưởng): trò chuyện với người hâm mộ nơi mua quần áo, đồ trang điểm, thậm chí cả hàm răng giống như cô. Nhưng vào ngày 12-5-2020, Hart đã ảnh hưởng đến những người theo dõi cô theo một hướng hoàn toàn khác.
Amy Hart nói: “Hãy tham gia công đoàn!” cô gái 28 tuổi viết trên Twitter , bên trên một đoạn video dài 14 giây. “Chúng ta đang ở trong một thời điểm thực sự không chắc chắn khi nói đến công việc cũng như các quyền và luật pháp của bạn. Nếu tôi có thể cho bạn một lời khuyên: hãy tham gia công đoàn. Đó là ân huệ tuyệt đối của tôi khi tôi được tuyển dụng vào một công ty lớn”. Video lan truyền mạnh trên mạng xã hội với hơn 2.000 lượt retweet và 10.000 lượt “thích”.
Là cựu tiếp viên hàng không hãng hàng không Anh British Airways (BA), Hart nói cô được thúc đẩy bởi thông báo gần đây của hãng về chương trình tuyển dụng hàng loạt. Video của Hart đã gây được tiếng vang với những người trẻ tuổi, những người đã tạo ra meme ủng hộ Karl Marx. Hart cười: “Mọi người gọi tôi là một biểu tượng xã hội chủ nghĩa”. Hart hiện sử dụng cụm từ này làm biệt hiệu của mình trên WhatsApp. Hart nói Unite là vô giá đối với cô sau khi cô gia nhập vào năm 2011.
“Unite the Union”, thường được gọi là Unite, là một công đoàn của Anh và Ireland, được thành lập vào ngày 1-5-2007 do sự hợp nhất của Amicus và Liên minh Công nhân và Vận tải. Với 1,4 triệu thành viên, Unite là công đoàn lớn thứ 2 ở Anh với Tổng thư ký là Len McCluskey. Khi đó Hart 18 tuổi và mới được tuyển dụng bởi BA, ngôi sao truyền hình cho biết công đoàn đã cho cô sức mạnh để chống lại những ông chủ sẽ “cố gắng và yêu cầu bạn làm những việc mà bạn không được phép làm”. Chỉ có hơn 6,4 triệu người ở Anh là thành viên công đoàn (giảm từ mức đỉnh 13 triệu vào cuối thập niên 1970) và Hart tin rằng công đoàn quan trọng hơn bao giờ hết. Hart than thở rằng, với tư cách là một influencer, công việc của cô quá “thích hợp” cho tổ chức công đoàn.
Cuối tháng 6-2020, blogger thời trang Nicole Ocran 32 tuổi và chuyên gia về influencer Kat Molesworth, 40 tuổi, đã hợp tác để thành lập The Creator Union (Liên minh Người sáng tạo – TCU), công đoàn đầu tiên của Anh dành cho những người sáng tạo nội dung kỹ thuật số. TCU ra mắt với nỗ lực điều chỉnh ngành tiếp thị influencer và bảo vệ những người sáng tạo. Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, không gian tiếp thị influencer cần phải tìm được trung gian phù hợp để các thương hiệu và người sáng tạo làm việc cùng nhau một cách công bằng.
- Xem thêm: Influencer Việt kiếm tiền như thế nào?
Cùng tháng đó, một nhóm thương mại công nghiệp tên là American Influencer Council được thành lập tại Mỹ; trong khi ở Đức, Jorg Sprave – một Youtuber với hơn 2,6 triệu người đăng ký – đang đấu tranh để được gã khổng lồ công nghệ công nhận. Trong ngôi nhà nằm ngoài đô thị tại một vùng đồi của nước Đức, Joerg Sprave dành thời gian để chế tạo những chiếc nỏ độc đáo và súng cao su uy lực. Người đàn ông 54 tuổi này đã nhiều năm đăng tải các video clip về những sáng tạo của mình lên kênh YouTube. Với các loại vũ khí tự chế đó, Joerg Sprave “súng cao su” thu hút 2,4 triệu người đăng ký với hàng trăm triệu lượt xem.
Kênh của Joerg Sprave dần thăng tiến vào top 50 kênh YouTube chất lượng nhất toàn quốc. Đây là những nhân viên mà nhiều người không coi là nhân viên, trong công việc mà nhiều người vẫn không coi là công việc. Chính xác thì tại sao người tạo nội dung lại liên kết và họ hy vọng đạt được điều gì? Theo định nghĩa, những influencer là những người nổi tiếng, có khả năng ảnh hưởng đến những gì người khác mua, suy nghĩ và cảm nhận.
Mặc dù sức mạnh này có thể bị khai thác một cách tiêu cực (gần như mọi thành viên của gia tộc Kardashian đều bị chỉ trích vì quảng cáo các loại trà ăn kiêng có hại), nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho mục đích tốt. Vào tháng 8-2020, có thông tin tiết lộ rằng chính phủ Anh đã trả tiền cho các nhân vật trên mạng xã hội để thúc đẩy hệ thống kiểm tra và theo dõi hệ thống y tế công NHS. Hơn 7 triệu người đã được tiếp cận bởi các bài đăng từ những người nổi tiếng bao gồm cả các cựu thí sinh của Love Island, hướng dẫn họ cách đặt bài kiểm tra Covid-19 trực tuyến.
Cộng đồng người sáng tạo LGBTQ+, người sáng tạo khuyết tật, người sáng tạo ngoại cỡ và influencer da đen và da nâu đang bị phân biệt đối xử
Tuy nhiên, phản ứng không tích cực. Các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông xã hội gọi đó là “tai tiếng” khi tiền thuế của người dân được chi cho “những kẻ ăn bám” trên phương tiện truyền thông”. Thái độ của công chúng và báo chí đối với những influencer vẫn tiêu cực rõ rệt: những câu chuyện có rất nhiều hình ảnh quá lố, chú thích lạc lõng và các chiến dịch quảng cáo đáng ngờ. Nhờ mức độ phủ sóng như vậy, nhiều người nghĩ rằng những influencer là những người bóc lột người khác chứ không phải là những người bị lợi dụng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tạo ảnh hưởng – ước tính trị giá 19,5 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2022 – có thể đang bóc lột người lao động, trong đó có nhiều phụ nữ trẻ.
Vào năm 2018, phóng viên công nghệ người Mỹ Taylor Lorenz tiết lộ rằng cơ quan quản lý tài năng Speakr nợ hàng nghìn influencer về khoản phí chưa thanh toán. Những influencer mà Lorenz phỏng vấn đã đăng các chiến dịch quảng cáo do Speakr – khách hàng của họ bao gồm Ford, Disney, Microsoft và Sony – tổ chức, nhưng hóa đơn của họ vẫn chưa được thanh toán trong nhiều tháng. Khi đó, một influencer 22 tuổi, người bị Speakr nợ 4.000 USD đã đưa công ty ra tòa án khiếu nại và thẩm phán đã phán quyết có lợi cho họ.
Chính những sự cố như thế này đã truyền cảm hứng cho Ocran và Molesworth hành động ở Anh. Molesworth nói về TCU: “Nó có lẽ cần thiết trong một thập kỷ. Mọi người bị lợi dụng với các hoạt động không công bằng”. Molesworth, người có 28.000 người theo dõi trên Instagram, nhấn mạnh rằng việc tạo ảnh hưởng không chỉ là một công việc “thực sự” – đó là nhiều công việc: “Nếu bạn thuê một người sáng tạo nội dung để thực hiện một chiến dịch, họ là nhiếp ảnh gia, chuyên gia trang điểm, nhà tạo mẫu, giám đốc nghệ thuật. Họ là biên tập viên, nhà xuất bản, người tương tác với khán giả. Bạn đang nhận công việc của 10 người”.
Những người sáng lập của TCU cho biết những influencer có thể bị lợi dụng theo nhiều cách: thương hiệu ăn cắp hình ảnh, viết hợp đồng không ràng buộc về mặt pháp lý, bỏ qua hóa đơn và ép buộc người mới làm công việc không ra gì. Sau khi người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát giết chết ở Mỹ và các cuộc biểu tình Black Lives Matter toàn cầu diễn ra tiếp theo vào tháng 5.2020, Ocran và những người sáng tạo da màu khác đột nhiên thấy hộp thư đến của họ tràn ngập các thương hiệu hy vọng được làm việc với họ. “Đột nhiên, nó giống như, ‘Ồ, chúng tôi cần bạn tiếp quản phương tiện truyền thông xã hội của chúng tôi, chúng tôi cần bạn làm điều này, điều kia’, trong khi thông thường bạn hầu như bị phớt lờ”, Ocran cho biết và nói thêm rằng nhiều influencerda đen đã yêu cầu không làm việc gì trong thời gian này.
Vào ngày 8-6-2020, một tài khoản Instagram được thiết lập bởi Adesuwa Ajayi có trụ sở tại London, có tên là Influencer Pay Gap; tiết lộ (thông qua những lần gửi ẩn danh) rằng những influencer da đen thường được trả ít hơn những người da trắng. “Người sáng tạo LGBTQ+, người khuyết tật, người sáng tạo ngoại cỡ và những influencer da đen và da nâu liên tục bị yêu cầu làm việc miễn phí”, Ocran nói. Adesuwa Ajayi đã thông qua tài khoản Instagram @influencerpaygap chia sẻ những câu chuyện có thật để chứng minh cho cả thế giới thấy sự bất bình đẳng màu da ở lĩnh vực này.
Trong đó, câu chuyện được hưởng ứng nhiều nhất là một cô gái da trắng được mời tham dự một chiến dịch của L’Oréal vào phút chót với mức lương hơn 6.000 USD. Đến ngày khởi quay, ekip lại không cần influencer này nữa nhưng cô vẫn được trả đủ tiền. Tuy nhiên, một DJ da đen nổi tiếng, góp mặt trong chiến dịch này ngay từ đầu, lại chỉ được trả 1.250 USD. Stephanie Yeboah là một blogger da đen, influencer và tác giả với 179.000 người theo dõi trên Instagram.
Vào năm 2015, Yeboah phát hiện ra rằng một influencer da trắng được trả nhiều hơn cô ấy cho cùng một chiến dịch quảng cáo. “Tôi vô tình nhận được một email thảo luận về tỷ lệ của một người sáng tạo nội dung khác và phát hiện ra rằng họ đang được trả nhiều hơn tôi 1.000 USD, mặc dù số lượng người theo dõi và mức độ tương tác của tôi cao hơn”, Yeboah nói. Trải nghiệm khiến Yeboah cảm thấy “bị đánh giá thấp và chỉ dùng một lần”. Yeboah không đối đầu với thương hiệu; và khi không có người quản lý, cô cảm thấy không đủ trang bị để làm như vậy.
TCU hy vọng sẽ giúp những người sáng tạo nội dung nhỏ hơn mà không có người quản lý hoặc luật sư. Molesworth lưu ý rằng tư vấn pháp lý trong ngành là “hoàn toàn thiếu”. Điều này gây ra vấn đề khi các thương hiệu tạo ra các hợp đồng phức tạp để lừa những influencer ký bỏ quyền của họ hoặc cam kết với các mục tiêu bất khả thi. Tháng 5-2020, người sáng tạo nội dung 27 tuổi Ana Hernandez được yêu cầu quảng cáo thiết bị tẩy lông trên tài khoản Instagram @azul_mistico của cô có 83.000 người theo dõi.
Thương hiệu đã đồng ý với các khoản phí thông thường của cô ấy và “có vẻ thực sự chuyên nghiệp” qua email. Tuy nhiên, khi họ gửi hợp đồng, Hernandez tìm thấy một điều khoản nói rằng cô sẽ không được trả tiền nếu không bán được ít nhất 13 thiết bị. “Ngay lập tức, tôi đã từ chối sự hợp tác, không phải vì doanh số bán hàng tối thiểu, mà bởi vì họ đã cố gắng che giấu điều gì đó với tôi,” Hernandez nói. Trong quá khứ, các thương hiệu khác đã cố gắng đưa quyền hình ảnh hoặc các điều khoản độc quyền vào hợp đồng của Hernandez mà không thảo luận.
Những hợp đồng như vậy có thể khiến những influencer mất tiền và gây ra vấn đề với các thương hiệu mà họ đã ký kết. Hernandez nói: “Hầu hết những influencer đều là nhóm một người và họ không có cố vấn pháp lý. Phần lớn các thương hiệu rất trung thực, nhưng có những thương hiệu khác chắc chắn cố gắng lợi dụng điều này”.
Giờ đây, những influencer quảng bá mọi thứ từ hoạt động tích cực đến chất khử trùng, chắc chắn TCU sẽ chống lại các thương hiệu lớn. Molesworth và Ocran đang trải qua quá trình để công đoàn của họ được công nhận hợp pháp, nhưng không bị đe dọa bởi những thách thức phía trước. Trên thực tế, họ được khuyến khích bởi số lượng các công ty đã tiếp cận họ. “Chúng tôi nghĩ rằng cả hai bên đều mong muốn thắt chặt các tiêu chuẩn nghề nghiệp”, Molesworth nói. Hiện TCU đã có hơn 400 influencer muốn trở thành thành viên. Chính phụ nữ đang là động lực thúc đẩy sự hồi sinh gần đây về số lượng thành viên công đoàn nói chung.
Vào tháng 5-2020, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh (BEIS) báo cáo rằng hiện có 3,69 triệu phụ nữ trong các công đoàn ở Anh – con số cao nhất kể từ cuộc Khảo sát Lực lượng Lao động (Labour Force Survey – LFS) đầu tiên trên toàn nước Anh vào năm 1995. Khảo sát lực lượng lao động là khảo sát thống kê được thực hiện ở một số quốc gia được thiết kế để thu thập dữ liệu về thị trường lao động.
Tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu được yêu cầu thực hiện Khảo sát lực lượng lao động hàng năm. Ocran nói rằng cô đã rất thất vọng trước thông tin ban đầu về công đoàn của mình, với tờ Times đã đưa tin rầm rộ về việc phát động phong trào “Quyền năng cho những người đẹp”. Molesworth nói: “Bởi vì đó là phụ nữ nên không có sự tôn trọng, công việc không được coi trọng như nó xứng đáng”.
Không có công việc nào khác sẽ được chấp nhận nếu không trả lương cho nhân viên trong nhiều tháng sau khi họ hoàn thành công việc
Brooke Erin Duffy là giáo sư truyền thông Đại học Cornell ở New York, đồng thời là tác giả của cuốn sách “(Not) Getting Paid To Do What You Love: Gender, Social Media, And Aspirational Work” (tạm dịch: (Không) Được trả tiền để làm những gì bạn yêu thích: Giới tính, Truyền thông xã hội và Công việc đầy khát vọng). Duffy nói rằng trong khi báo chí tập trung vào “những influencer lý tưởng” (những người tham danh vọng và những người nổi tiếng), thì có nhiều “influencer tham vọng” đang gặp khó khăn khi họ đầu tư thời gian, năng lượng và tiền bạc vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.
Duffy bình luận: “Đó là một nền kinh tế cùng thắng, nơi chỉ một số ít những influencer được hưởng lợi rất nhiều. Việc thiếu quy định làm tăng sự mất cân bằng này.” Một công đoàn có thể thực sự khắc phục những vấn đề này không? Ngành công nghiệp này có tính cạnh tranh cao và Duffy lưu ý rằng những influencer không thực sự là đồng nghiệp có thể tập hợp lại với nhau. Và bởi vì họ tự kinh doanh, họ không có các quyền truyền thống của nhân viên. Vào năm 2016, Youtuber Hank Green đã thành lập và rót 50.000 USD vào Hiệp hội Người sáng tạo Internet (ICG), được thiết kế để bảo vệ và hỗ trợ những người sáng tạo nội dung.
Nhưng năm 2019, ICG đã đóng cửa do không còn sự quan tâm, ngoài ra còn có những lý do khác: “Những người sáng tạo có lượng khán giả lớn thường không cảm thấy cần sự hỗ trợ từ tiếng nói chung của cả tập thể”. Công bằng mà nói, cho đến nay không chỉ phần lớn những influencer không quan tâm đến các công đoàn. Trên toàn cầu, những người trẻ tuổi hiện đang khai thác sức mạnh của hành động tập thể, từ các cuộc đình công ở trường học của Greta Thunberg vì khí hậu đến các cuộc biểu tình Black Lives Matter khiến các bức tượng bị lật đổ.
Nhưng ở Anh chỉ có 4,4% công đoàn viên ở độ tuổi từ 16 đến 24, trong khi 40% từ 50 tuổi trở lên. Becky Wright, giám đốc điều hành của Unions 21, một tổ chức tư vấn về công đoàn, nói rằng khi đề cập đến những người trẻ tuổi, “hầu hết đều thích ý tưởng về công đoàn nhưng không thấy cần phải tham gia”. Wright giải thích rằng một phần của vấn đề là những người trẻ tuổi tin rằng họ có thể tự xử lý các vấn đề trong công việc: “Đó là một trường hợp nguyên tử hóa – mọi người được khuyến khích nhìn nhận bản thân như những cá nhân và nhìn ra những con đường riêng lẻ. Mọi người có thương hiệu cá nhân của riêng họ. Hiện nay chúng ta đã xa rời những ý tưởng về thỏa ước tập thể ở những nơi làm việc mà mọi người không thực sự hiểu họ”.
Unions 21 cũng phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi miễn cưỡng đóng phí thành viên công đoàn. Wright nói: “Để tham gia một công đoàn, để giúp nó hoạt động và để có được tất cả những thứ bạn muốn từ nó, chi phí sẽ cao hơn đáng kể”. (ví dụ như ICG có khoản phí thành viên hàng năm là 60 USD) Khi được hỏi có thể làm gì để thay đổi những thái độ này, Wright cười: “Hãy khóc trong một góc”. Nhưng một số nhà sáng tạo nội dung vẫn lạc quan.
Công đoàn các podcaster đầu tiên (gọi là Gimlet Media Union) được thành lập tháng 3-2019 ở Mỹ bởi 83 người lao động của Gimlet Media – một startup được mua bởi Spotify hồi đầu năm 2019. Và đôi khi các thành viên cũ của phương tiện truyền thông mới tập hợp các đối tác trẻ hơn của họ – vào năm 2018, YouTuber Union được thành lập bởi Sprave, 55 tuổi, người Đức. Sprave cho biết: “Đối với một người sáng tạo trên YouTube, tôi thực sự đã già – hầu hết họ đều trẻ. Nhưng tôi có kinh nghiệm của mình về mức độ khó khăn trong thế giới kinh doanh, vì vậy tôi nghĩ có lẽ nhiệm vụ của tôi là lãnh đạo một công đoàn”.
Sprave thành lập tổ chức của mình sau những thay đổi về chính sách của YouTube vào năm 2017, có biệt danh là “adpocalypse” – thuật ngữ được các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube sử dụng để đề cập đến việc gã khổng lồ công nghệ này vô hiệu hóa khả năng kiếm tiền trên kênh của họ, chẳng hạn như việc chèn quảng cáo có trả phí vào video. YouTube được cho là đã âm thầm thực hiện chính sách này trong thời gian qua mà không có thông báo cụ thể. Sprave cho biết một số người sáng tạo đã mất hình thức thu nhập duy nhất của họ chỉ sau một đêm; của anh ấy đã giảm từ khoảng 6.500 USD một tháng xuống còn 1.043 USD nhưng bây giờ, nhờ những thay đổi chính sách gần đây, nó đã trở lại hơn 3.000 USD.
Sprave mô tả kênh của mình là “sắc sảo” – anh ấy tự quay phim bằng cách sử dụng súng cao su và các vũ khí mạnh mẽ khác, nhưng nói: “Tôi hầu như chỉ trưng bày các loại vũ khí tự chế, sử dụng cơ bắp, không bao giờ cầm súng và tôi không bao giờ bắn các sinh vật sống”. Sprave điều chỉnh nội dung của mình dựa trên các quy tắc của YouTube nhưng nói rằng trang web có nguy cơ trở nên “ngày càng nhàm chán” với “các chính sách nghiêm ngặt” của nó.
Có lẽ bạn có thể hiểu tại sao YouTube hủy quảng cáo các video về vũ khí, nhưng các chính sách quảng cáo nghiêm ngặt và không rõ ràng có thể dẫn đến phân biệt đối xử. Vào tháng 8.2019, người dùng LGBTQ+ đã đệ đơn kiện cáo buộc rằng các video có các từ như “đồng tính nữ” và “đồng tính nam” trong tiêu đề đã bị gắn cờ bởi thuật toán giới hạn độ tuổi của trang web, nghĩa là người sáng tạo không thể kiếm tiền từ những clip này.
Vào năm 2018, khi một số người sáng tạo có video bị hủy quảng cáo sau khi sử dụng từ “chuyển giới”, YouTube đã phủ nhận việc có danh sách các từ liên quan đến LGBTQ+ có thể kích hoạt quảng cáo nhưng cũng thừa nhận “đôi khi hệ thống của chúng tôi hiểu sai”. Công ty đã từ chối thương lượng với Sprave vì người dùng YouTube không phải là nhân viên của YouTube về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, công đoàn của Sprave đã đạt được nhiều tiến bộ thông qua quan hệ đối tác với IG Metall, liên minh công nghiệp lớn nhất Châu Âu và Sprave có thể gặp gỡ YouTube với tư cách cá nhân để thúc đẩy sự minh bạch hơn trong các chính sách kiếm tiền của công ty. (Một số thay đổi này đã được thực hiện, nhưng công ty vẫn không công nhận liên minh của Sprave). Sprave bình luận: “Luật việc làm vẫn còn từ thế giới cũ. Đó là màu đen và trắng – bạn có thể tự kinh doanh và độc lập, hoặc là một nhân viên phụ thuộc vào chủ lao động nhưng cũng được pháp luật bảo vệ”.
Trên thực tế, Sprave nói, tồn tại một nhóm công nhân thứ ba – những người kiếm được thu nhập (nhưng không được sử dụng như nhân viên chính thức) từ những người khổng lồ công nghệ hiện đại của chúng ta. Sprave tin rằng luật pháp cần phải được thay đổi để phản ánh điều này và chỉ ra Assembly Bill 5 (Luật số 5 – AB5) của Quốc Hội bang California được áp dụng từ ngày 1-1-2020 mở rộng quy chế nhân viên cho những người lao động hợp đồng như tài xế Uber. Luật lao động mới “Assembly Bill 5”, trong đó yêu cầu các công ty đối đãi với người lao động như nhân viên chính thức nếu kiểm soát cách họ làm việc, hoặc công việc là một phần thường nhật của người lao động.
Dù có hay không có sự công nhận của công đoàn, những influencer đang bắt đầu hiểu được sức mạnh của thương lượng tập thể. Rebecca Butcher là một nhà sáng tạo 23 tuổi đến từ Nam Yorkshire, người có hơn 7.000 người theo dõi trên tài khoản @beccabutcherx của mình. Giáng sinh năm 2019, một công ty PR đã tiếp cận Butcher và đưa ra một nửa mức giá thông thường của cô để quảng cáo cho một thương hiệu gia dụng. Butcher đồng ý vì cảm thấy đây sẽ là một bổ sung tốt cho danh mục đầu tư của mình.
Nhưng sau khi đăng nội dung, Butcher đã không được trả tiền trong hơn hai tháng và các email của cô gửi đến công ty đều bị bỏ qua. Butcher đã kiểm tra hashtag của chiến dịch để xem những influencer nào khác đã đồng ý làm việc với thương hiệu. Butcher liên hệ với từng người một và tìm thấy hơn 20 phụ nữ cũng chưa được trả lương (cô cũng phát hiện ra rằng họ được cung cấp mức giá rất khác nhau, với một số công việc chẳng ra gì).
Butcher nói: “Không có công việc nào khác sẽ được chấp nhận nếu không trả lương cho nhân viên trong nhiều tháng. Tất cả chúng tôi đều có hóa đơn để thanh toán giống như bất kỳ ai khác”. Butcher đã tập hợp những người phụ nữ, tất cả họ đều gửi email cho thương hiệu một bức thư mạnh mẽ về việc vi phạm hợp đồng vào cùng ngày. Trong vòng vài giờ, cô ấy và hầu hết những influencer khác cuối cùng đã được trả tiền.
Những người sáng lập TCU không ngây thơ về những thách thức phía trước, mà rất hào hứng để cải thiện ngành công nghiệp. Vào tháng 5.2020, Amy Hart đã chứng minh sức mạnh của các đoàn thể, nhưng cũng tiết lộ việc lên tiếng khó khăn như thế nào – đặc biệt là khi những influencer bị coi là (và đôi khi được khuyến khích) là người một chiều hoặc hư hỏng. Hart nói: “Khi tôi ở biệt thự [trong chương trình Love Island], mọi người rất thận trọng về những gì họ nói vì họ không muốn làm bất cứ ai buồn. Tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là phải bảo vệ những gì bạn tin tưởng. Thời đại ngày càng khó khăn hơn và các công ty đang cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng bạn không nên hy sinh quyền của người lao động vì điều đó”.