Năm 2020 đã mang đến cho toàn cầu những khó khăn và làm cho con người thay đổi rất nhiều và thói quen và hành vi hàng ngày. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến quá nhiều người tử vong trong khi họ luôn mong muốn được ăn ngon, mặc đẹp, sức khỏe và hạnh phúc. Kết quả là văn hóa ẩm thực và những quan niệm về sức khỏe cũng đã thay đổi.
Hãy quên đi năm 2020, cởi mở tấm lòng đón chào năm mới 2021. Với văn hóa ẩm thực, nhiều chuyên gia đã gợi ý 10 xu hướng về thực phẩm và dinh dưỡng hàng đầu được mong đợi cho năm 2021.
1. Tăng cường tiêu thụ thực phẩm bổ sung
Như Hippocrates đã từng nói: “Hãy để thức ăn là thuốc chữa bệnh và thuốc chữa bệnh là thức ăn của bạn”. Mặc dù tuyên bố này còn gây tranh cãi, nhưng bản chất của nó vẫn đúng cho đến ngày nay, hãy ăn những thực phẩm giúp nuôi dưỡng chúng ta cả về thể chất và tinh thần. Do tác động đáng kể của Covid-19 đối với sức khỏe, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc ăn các loại thực phẩm nào thật tốt cho sức khỏe và tiện lợi nhất vẫn là ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm bổ sung vì đa phần chúng đều được sản xuất từ cây cỏ thiên nhiên.
Thực phẩm tăng cường miễn dịch
Thực phẩm sẽ không chỉ để ngăn chặn cơn đói mà tương lai chúng sẽ thu hút các tín hiệu từ thị trường bổ sung và gợi sự chú ý đến vai trò của các thành phần cụ thể trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể và hạnh phúc. Covid-19 là một lời nhắc nhở rằng sức khỏe là quan trọng. Đối với nhiều người, điều này dẫn đến việc tìm kiếm các sản phẩm có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để phòng chống bệnh tật. Theo kết quả nghiên cứu thị trường, hơn 50% người tiêu dùng cho biết họ đã dùng nhiều thực phẩm bổ sung hơn để hỗ trợ sức khỏe miễn dịch của họ trong năm 2020.
Mối quan tâm ngày càng tăng về sức khỏe miễn dịch này sẽ tiếp tục là trọng tâm hàng đầu của ngành y tế vào năm 2021. Thay vì tập trung vào điều trị bệnh, nhiều người tiêu dùng sẽ cố gắng ngăn ngừa nhiễm bệnh thông qua việc tự tăng cường hệ thống miễn dịch của bản thân. Để đáp ứng điều này, ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung luôn tìm cách tạo ra các sản phẩm có gia thêm các thành phần hoạt chất vừa dinh dưỡng vừa hỗ trợ chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như kẽm, selen, vitamin C và vitamin D.
Hơn nữa, các thực phẩm thay thế được dự kiến sẽ tiếp tục tăng doanh số bán hàng vào năm 2021. Cây cơm cháy, cúc dại, tỏi, nghệ và gừng là một số thực phẩm bổ sung dạng thảo dược bán chạy nhất và được khẳng định là giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hơn nữa, các thành phần hoạt chất theo mục đích được dự đoán sẽ đi đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ví dụ, thêm dầu ô liu để hỗ trợ sức khỏe tim mạch, vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch hoặc chế phẩm sinh học trong trà kombucha để thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Mặc dù những sản phẩm dạng bổ sung này đã tạo ra tiếng vang trong ngành y tế, nhưng các nghiên cứu đằng sau chúng vẫn còn thiếu. Cho đến nay, không có thực phẩm, chất dinh dưỡng, thảo mộc hoặc chất bổ sung nào đã được chứng minh công khai là có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh tật, chẳng hạn như Covid-19. Vì vậy, với sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với tính trung thực và minh bạch, các công ty sẽ cần phải cẩn thận với thông điệp của mình và tránh đưa ra những tuyên bố về sức khỏe mà không được hoặc chưa được khoa học chứng minh.
Thực phẩm tăng cường sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần cũng trở thành ưu tiên của nhiều người. Mặc dù thực phẩm không thể điều trị hoặc chữa khỏi chứng trầm cảm, lo âu hoặc căng thẳng, nhưng ăn một chế độ ăn chủ yếu được chế biến tối thiểu lượng calori nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, vitamin (ví dụ vitamin B), khoáng chất (ví dụ kẽm, magiê), chất xơ, chất béo lành mạnh (ví dụ acid béo omega-3) và các hợp chất mang hoạt tính sinh học khác, chẳng hạn như men vi sinh, đều có liên quan đến việc cải thiện tinh thần tốt hơn.
Vào năm 2021, sẽ có nhiều công ty thực phẩm và đồ uống cho ra mắt các sản phẩm chứa các thành phần này với mục tiêu là giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ, giúp gia tăng sức khỏe tinh thần. Ví dụ, thức uống sô cô la có bổ sung nấm linh chi, có thể tạo ra sự bình tĩnh để giúp ngủ ngon hơn và giảm căng thẳng không thường xuyên.
2. Thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm cách ủng hộ các công ty truyền thống gia đình nhỏ ở địa phương hơn là các tập đoàn lớn. Trên thực tế, theo khảo sát của Kantar’s Covid-19 Barometer, 52% số người được hỏi cho biết họ quan tâm nhiều hơn đến xuất xứ của sản phẩm, và đa số tập trung mua hàng tại địa phương.
3. Thực phẩm địa phương
Do đại dịch nên nhiều nơi bị phong tỏa và ngừng hoạt động đã khiến dân chúng có nhiều quan tâm đánh giá mới về cộng đồng địa phương của họ, đặc biệt là nông dân và các nông trại tại địa phương chuyên cung cấp thực phẩm cho các cửa hàng tạp hóa, chợ nông sản và nhà hàng, chính nhờ nguồn thực phẩm này đã giúp họ có được thức ăn trên đĩa mỗi ngày.
4. Doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh lâu đời
Nhiều người tiêu dùng cũng quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử truyền thống hoạt động của một công ty, chẳng hạn như một doanh nghiệp do gia đình điều hành lâu đời qua nhiều thế hệ. Vì vậy, các công ty nên tập trung hơn vào ý nghĩa đằng sau sản phẩm và cần cung cấp cho người tiêu dùng những lý do quan trọng để mua sản phẩm của họ hơn là mua sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Đối với nhiều người tiêu dùng hiện nay, bao bì đẹp không còn làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn mà là tác động của việc mua sản phẩm đó chính nhờ nội dung sản phẩm vẫn giữ được chất lượng cho dù công ty trải qua nhiều thế hệ.
5. Ăn theo khí hậu bảo vệ môi trường
Với những lợi ích của chủ nghĩa địa phương, chế độ ăn kiêng dự kiến sẽ thay đổi để bao gồm các sản phẩm thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Thay vì đấu tranh giữa hai phe ăn chay và ăn thịt, nhiều người chủ yếu tập trung vào các loại thực phẩm có tác động đến khí hậu thấp nhất. Ví dụ, chế độ ăn kiêng có thể bao gồm việc ăn ít các sản phẩm động vật hơn hoặc người tiêu dùng có thể chọn các sản phẩm động vật có ảnh hưởng đến môi trường thấp hơn, chẳng hạn như hoán đổi thịt bò lấy thịt gà hoặc ăn một vài bữa ăn có nguồn gốc thực vật mỗi tuần.
Hơn nữa, người tiêu dùng có thể chọn mua các sản phẩm được trồng tại địa phương và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật tại chỗ để giảm lượng khí thải carbon do giao hàng thực phẩm đường dài. Mục tiêu của chế độ ăn theo khí hậu không chỉ là tạo ra những thay đổi nhỏ tại địa phương nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cho toàn xã hội.
6. Áp dụng chủ nghĩa linh hoạt
Cố gắng thuyết phục một người ăn thịt chuyển qua ăn chay là một kỳ công lớn, nhưng để họ nhận thức từ từ có thể dễ dàng hơn và ngày càng có nhiều nỗ lực để giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm động vật. Điều thú vị là có tới 60% thế hệ trẻ quan tâm đến việc áp dụng chế độ ăn kiêng linh hoạt, theo Statista. Người tiêu dùng có thể đổi một vài bữa ăn từ thịt thành những bữa ăn có nguồn gốc thực vật mỗi tuần.
Ngoài ra, họ có thể giảm phần sản phẩm động vật trong công thức nấu ăn của mình và thêm nhiều thành phần thực vật hơn. Các công ty sẽ tiếp tục quảng bá các sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng cũng phát triển các sản phẩm có chứa lượng thành phần thực vật cao hơn và lượng thành phần từ động vật thấp hơn để giúp khách hàng tìm được điểm trung gian.
7. Khuyến khích ăn kiêng nhưng không cực đoan
Nhiều người đang cảm thấy mệt mỏi với chế độ ăn kiêng đắt tiền và một số thực phẩm bổ sung phô trương hứa hẹn kết quả giảm cân lớn nhưng không mang lại hiệu quả. Vào năm 2021, nhiều khả năng các chế độ ăn kiêng hạn chế và các chương trình giảm cân sẽ không còn được ưa chuộng khi mọi người tìm kiếm cách tiếp cận cân bằng hơn đối với sức khỏe. Các chế độ ăn kiêng phổ biến, chẳng hạn như Keto, Whole30 và F-Factor, đã bị chỉ trích nặng nề vì những hạn chế cực đoan không bền vững hoặc không thú vị.
Nhờ có nhiều chuyên gia dinh dưỡng sức khỏe giúp thu hút một lượng lớn khán giả trên các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta bắt đầu thấy có sự chuyển hướng sang các loại thực phẩm hoàn toàn tự nhiên. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người áp dụng phong cách ăn uống điều độ và thông minh dựa trên sự lựa chọn tất cả các loại thực phẩm, vì hầu hết mọi người đều không muốn tránh chocolate trong suốt phần đời còn lại của họ.
Thay vào đó, mọi người bắt đầu đón nhận những khía cạnh quan trọng khác của thực phẩm, chẳng hạn như truyền thống, văn hóa ẩm thực và cách thưởng thức. Rõ ràng xu hướng mọi người muốn hướng tới hạnh phúc, sức mạnh bản thân và sức sống hơn là đạt được các tiêu chuẩn ảo về vẻ đẹp bên ngoài bằng Photoshop hoặc nhìn vào kích cỡ quần jean của họ.
8. Bộ dụng cụ ăn uống lành mạnh
Năm 2020 đã dạy cho chúng ta rằng nấu ăn tại nhà có thể là một trải nghiệm nhiều thú vị. Tuy nhiên, khi cuộc sống bắt đầu tăng tốc trở lại, chúng ta sẽ thấy xu hướng ngày càng tăng đối với việc sử dụng bộ dụng cụ ăn uống được làm sẵn và hộp đựng thực phẩm tốt cho sức khỏe vừa giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn cho phép chúng ta ăn uống lành mạnh ngay tại nhà. Dịch vụ giao trọn bộ đồ ăn đã phát triển theo cấp số nhân trong năm qua nhờ sự lành mạnh, hợp vệ sinh, tiện lợi và hợp túi tiền.
Theo khảo sát của Grand View Research, trên thực tế, thị trường phân phối thức ăn theo dự kiến sẽ trở thành một ngành trị giá 20 tỷ USD vào năm 2027. Nhiều người yêu thích dịch vụ giao thức ăn bởi vì hầu hết các công việc chuẩn bị như mua hàng ở tiệm tạp hóa, cân, đong, đo, đếm và chế biến đã được thực hiện sẵn. Đối với một người bận rộn thường mang thức ăn theo trong tuần, điều này khiến việc ăn uống lành mạnh trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, nhiều công ty trong số này tập trung vào thực phẩm địa phương, chế biến hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn và phục vụ cho nhiều sở thích cũng như các chế độ ăn uống khác nhau. Do đó, các công ty cung cấp bộ dụng cụ ăn uống dự kiến sẽ ngày càng phổ biến.
9. Tính minh bạch
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi với những thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc mù mờ. Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm các sản phẩm từ các công ty cố gắng đạt được các phương pháp tiếp cận bền vững, giá cả phải chăng và không mang tính hạn chế đối với sức khỏe, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống đa dạng bao gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Họ cũng sẽ tìm kiếm các công ty công khai và minh bạch hơn về thành phần và quy trình thực hiện sản phẩm và tránh quảng bá các thông điệp về chế độ ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như giảm cân nhanh, nhịn đói hoặc phỉ báng một số loại thực phẩm khác.
Trước đây, các công ty thực phẩm và thực phẩm bổ sung rất kín tiếng về các thành phần và cách làm của họ. Hơn nữa, nhiều người đưa ra các tuyên bố về sức khỏe mà có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học để chứng minh chúng. Với việc người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm thực phẩm mà họ tiêu thụ, ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các công ty phải rõ ràng, minh bạch và trung thực về sản phẩm của họ. Các công ty sẽ tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp danh sách thành phần ngắn gọn, dễ hiểu và tránh sử dụng các thành phần gây độc hại, chẳng hạn như màu nhân tạo, hương vị và thuốc nhuộm.
10. Dinh dưỡng gia đình
Nhiều người lớn không chỉ quan tâm đến việc điều chỉnh chế độ ăn uống của riêng họ mà còn tìm kiếm lựa chọn các thực phẩm bổ sung và thực phẩm lành mạnh hơn cho cả gia đình nhất là đối với trẻ con. Đại dịch đã khiến ngày càng nhiều trẻ em phải học trực tuyến và ở nhà, các bậc cha mẹ giờ đây có nhiệm vụ chuẩn bị bữa trưa cho trẻ thay vì dựa vào bếp ăn của trường. Để cải thiện sức khỏe của gia đình, nhiều bậc cha mẹ sẽ tìm kiếm các sản phẩm thú vị cho con mình nhưng vẫn bổ dưỡng.
Hơn nữa, trước những lo ngại ngày càng tăng về hàm lượng đường và các thành phần nhân tạo trong chế độ ăn uống, họ sẽ tìm kiếm các loại thực phẩm được chế biến từ các thành phần tự nhiên hơn. Ngoài ra, thực phẩm chức năng cho trẻ em có thể được sử dụng như một liệu pháp bảo vệ bổ sung để hỗ trợ hệ thống miễn dịch của trẻ và ngăn ngừa thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là đối với những trẻ được coi là kén ăn. Nhiều bậc cha mẹ hy vọng điều này sẽ dạy con họ tập thói quen ăn uống lành mạnh và bền vững mà chúng có thể sử dụng trong suốt cuộc đời.
Tóm lại, chúng ta có thể mong đợi một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm. Đã qua rồi thời của những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, những nguyên liệu không lành mạnh và những lời hứa hão huyền. Khi bước sang năm mới, chúng ta sẽ thấy nhiều người muốn ăn thực phẩm có mục đích, rõ nguồn gốc, vừa mang tính phục vụ xã hội và bảo vệ sức khỏe, những thay đổi này dường như là một bước đi đúng hướng cho toàn cầu vào năm 2021.