Không bao giờ là quá trẻ hay quá già để chăm sóc trái tim của bạn. Cho dù ở tuổi nào, phòng bệnh tim mạch đúng cách luôn đem lại hiệu quả cao nhất.
Lúc 20 tuổi
Nói với bác sĩ về chế độ ăn uống, lối sống của bạn, và kiểm tra huyết áp, cholesterol, nhịp tim, lượng đường trong máu và chỉ số khối cơ thể. Cần kiểm tra lượng đường trong máu nếu đang có thai, tăng cân hoặc có bệnh tiểu đường, để dễ phát hiện một sự thay đổi có thể xảy ra trong tương lai.
Nếu đã quen với hoạt động thể chất, hãy cố gắng duy trì. Tạo hứng thú cho việc tập thể dục hằng ngày bằng cách kết hợp nhiều loại hình khác nhau, để có thêm những động lực tập luyện.
Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc. Hút thuốc lá thụ động nguy hiểm cho sức khỏe. Người không hút thuốc lá có khả năng mắc bệnh tim hoặc ung thư phổi chiếm 30%, khi tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc nơi làm việc.
Lúc 30 tuổi
Tạo và duy trì thói quen tốt đối với sức khỏe của tim cho mọi thành viên trong gia đình, trong đó có bạn. Bớt thời gian ngồi một chỗ và dành nhiều thời thời gian hơn để vận động như làm vườn, đi bộ, đạp xe…
Tìm hiểu tiền sử bệnh tim của gia đình. Bởi có người thân mắc bệnh tim tăng nguy cơ mắc bệnh, và nguy cơ càng cao nếu người thân có quan hệ cận huyết thống. Điều đó có nghĩa cần tập trung vào các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, bằng cách duy trì cân nặng lành mạnh, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá và ăn uống lành mạnh hơn.
Căng thẳng kéo dài làm tăng nhịp tim, huyết áp, có thể tổn hại thành động mạch. Hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn tốt cho cơ thể và chất lượng sống của bạn. Cố gắng tập các bài thở sâu và dành thời gian mỗi ngày để làm điều gì bạn yêu thích.
Lúc 40 tuổi
Hãy chú ý cân nặng, bởi trao đổi chất có xu hướng chậm lại ở tuổi 40. Đề phòng tăng cân bằng chế độ ăn uống tốt cho tim, tập thể dục nhiều. Bí quyết là, tìm một loại hình bạn yêu thích để tập luyện hằng ngày.
Ngoài kiểm tra huyết áp và sức khỏe tim mạch khác, hãy xét nghiệm đường huyết lúc đói, khi 45 tuổi. Xét nghiệm đầu tiên là nền tảng cơ bản của các xét nghiệm tương lai, cần tiến hành 3 năm 1 lần. Xét nghiệm có thể thực hiện sớm hơn hoặc thường xuyên, nếu bạn thừa cân, mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh.
Đừng bỏ qua những cơn ngáy bằng cách lắng nghe phàn nàn của bạn đời về giấc ngủ của bạn. Có ít nhất 1 trong 5 người bị ngưng thở khi ngủ. Nếu không chữa trị đúng cách, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Lúc 50 tuổi
Ăn nhiều trái cây và rau quả, hạt nguyên cám giàu chất xơ, cá (tốt nhất là cá có dầu, ít nhất 2 lần mỗi tuần), các loại hạt, rau đậu. Một số bữa không ăn thịt.
Nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng một cơn đau tim và đột quỵ. Bởi triệu chứng đau tim ở phụ nữ và đàn ông có thể khác nhau.
Nếu được chẩn đoán tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tiểu đường hoặc các bệnh khác, sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Hãy giảm nguy cơ bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị bệnh, gồm có uống thuốc, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
Trên 60 tuổi
Bắt đầu 60 tuổi, hãy kiểm tra chỉ số mắt cá chân, giúp đánh giá các mạch ở bàn chân giúp chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim mạch ít được biết đến do mảng bám tích tụ trong động mạch chân.
Thừa cân quá mức khiến tim làm việc nhiều, tăng nguy cơ bệnh tim, cao huyết áp, bệnh tiểu đường và tăng cholesterol. Tập thể dục thường xuyên, ăn từng bữa nhỏ hơn với thực phẩm nhiều dinh dưỡng, có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Tìm hiểu các dấu hiệu cảnh báo của một cơn đau tim và đột quỵ. Triệu chứng đau tim ở đàn ông có thể khác phụ nữ. Hãy biết khi nào bị đau tim hoặc đột quỵ để được hỗ trợ ngay lập tức. Điều trị nhanh chóng giúp cứu sống và ngăn ngừa phản ứng phụ nghiêm trọng.