Carlotta không thể nhận ra khuôn mặt của chính mình. Đối với cô, khuôn mặt con người không phải là căn cứ của sự tin tưởng mà là nơi của sự sợ hãi và bối rối. Carlotta là một trong số 1% số người có phần não chịu trách nhiệm nhận dạng khuôn mặt không hoạt động bình thường. Với bộ phim Lost in Face, nhà khoa học thần kinh Valentin Riedl du hành khắp vũ trụ của Carlotta – nơi đầy rẫy những loài động vật hình người, những “giấc mơ sáng suốt” (một giấc mơ mà trong đó người mơ biết rằng mình đang mơ.
Thuật ngữ này được đặt ra bởi nhà văn, bác sĩ tâm thần người Hà Lan Frederik van Eeden. Nhà khoa học bóc mẽ những giải pháp quyến rũ, đặc trưng của Carlotta được cô sử dụng để có thể tham gia vào cộng đồng con người, cho đến một ngày cô quyết định đóng một con tàu và rời bỏ đồng loại của mình. Cuộc tìm kiếm câu trả lời không bao giờ kết thúc của Carlotta đã dẫn dắt cô đến với nghệ thuật, và rồi từ đó, một con đường dẫn đến sự khám phá khuôn mặt của chính mình và đưa cô quay trở lại với nhân loại.
Hành trình gay góc tìm kiếm khuôn mặt chính mình
Carlotta chưa bao giờ có thể nhận ra khuôn mặt người – cả khuôn mặt của người khác và của chính mình. Tình trạng mù khuôn mặt của Carlotta đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhưng cũng cho cô ý thức về mục đích của một nghệ sĩ – để tự vẽ chân dung khuôn mặt mà cô không thể hình dung trong tâm trí. Carlotta ngồi xuống để vẽ một bức chân dung tự họa.
Căn phòng rất tối, chỉ được thắp sáng bởi vài ngọn nến. Carlotta không cần ánh sáng, bởi vì cô không sử dụng gương hay máy chụp ảnh – thay vào đó, cô dùng một tay để vạch các đường nét trên khuôn mặt, trong khi tay kia phác thảo các hình dạng trên giấy. Carlotta nói: “Tôi luôn ngạc nhiên khi nhìn thấy những bức vẽ của mình dưới ánh sáng ban ngày”. Căn hộ của Carlotta chứa đầy những bức chân dung tự họa – khoảng 1.000 bức.
Mỗi bức đều hoàn toàn khác nhau, và chúng có chất lượng khác hẳn. Các hình dạng chồng lên nhau. Một số phần đầu có thể được chiếu chồng lên nhau, đôi khi lộn ngược. Ở một đầu, Carlotta có 3 mắt. Ở một đầu khác, Carlotta có đến… 6 con mắt. Nếu cô ấy nhìn thấy mình trong gương, Carlotta sẽ nghĩ, “người phụ nữ đang nhìn tôi đang ở trong nhà và trong căn hộ của tôi, vì vậy đó phải là tôi”. Cô ấy cũng nhận ra mái tóc của mình – những gì xảy ra bên dưới những lọn tóc màu xám đó là một bí ẩn.
Tình trạng của Carlotta bắt đầu gây ra vấn đề khi cô còn là một cô gái trẻ ở Munich thập niên 1960, mặc dù ban đầu không ai thực sự chú ý. Carlotta kể: “Khi đi mua sắm với mẹ hoặc đi khám bác sĩ, chúng tôi sẽ gặp những người mà mẹ tôi nhận ra rõ ràng, nhưng tôi không biết họ là ai. Tôi rất ngạc nhiên khi mẹ tôi có thể làm được điều này. Tôi nghĩ đây là một món quà tuyệt vời mà mẹ có được – đó là nhận ra người khác”.
Thường thì Carlotta sẽ đợi mẹ bên ngoài cửa hàng với con chó của mình, và rồi theo người khác về nhà cho đến lúc nhận ra đó không phải là mẹ mình khi cả hai rẽ nhầm đường. Carlotta chưa bao giờ nói với mẹ tại sao. “Tôi nghĩ đó có thể là một vấn đề với tôi, rằng tôi đã không đủ tập trung”. Vì vậy, Carlotta phải dựa vào những manh mối khác để thay thế. “Tôi bắt đầu để ý xem mọi người đang mặc quần áo gì, cách họ bước đi, giọng nói của họ hay việc họ có đeo kính hay không. Mỗi người đều có cách thở và cách di chuyển riêng, cách quần áo của họ tạo nên âm thanh xào xạc, và đó là cách tôi thử để xác định mọi người”.
Chỉ đến khi đến trường học, Carlotta mới hiểu rằng có điều gì đó khác lạ ở mình: “Thật sự rất khó vì bí quyết nhận dạng khuôn mặt của người khác mà mẹ tôi có, tôi cũng nhận ra những đứa trẻ khác cũng có khả năng này”. Tuy nhiên, Carlotta không nói tình trạng thực sự của mình với cha mẹ. Carlotta cho rằng nhận diện khuôn mặt là một kỹ năng giống như buộc dây giày của bạn, mà một ngày nào đó bản thân sẽ thành thạo. Trường học là một trải nghiệm tàn bạo và kinh khủng. Mọi người đều nhìn Carlotta theo cách giống như nhau.
Trong một lần, Carlotta được cử đến phòng giáo viên để lấy một thứ gì đó từ một giáo viên. “Tôi gõ cửa phòng giáo viên. Một người đàn ông đang đứng đó và tôi nói: ‘Tôi muốn gặp ông Schultz’. Tôi đã phải lặp lại điều này 3 lần, và ông ấy rất tức giận tôi; ông ấy nói: ‘Tôi chính là Schultz đây mà!’ Ông ấy là giáo viên lớp đầu tiên của tôi, nhưng tôi không nhận ra ông”. Carlotta đã thử viết ra giấy tất cả những đặc điểm nổi bật của giáo viên – họ đeo kính hay để râu, họ đi đôi giày gì – và cũng viết ra những giáo viên nào thân thiện và những giáo viên nào không.
Và đến một ngày nọ, một giáo viên đã tức giận tịch thu bản danh sách quý báu này của Carlotta. Trong giờ nghỉ trưa, Carlotta thường đứng tách biệt với những đứa trẻ khác. Vấn đề xảy ra khi chuông reo và các giáo viên sẽ đến nhận lớp. Trẻ em xếp hàng dài trong sân chơi, nhưng không bao giờ ở cùng một chỗ. “Tôi thường xuyên vào nhầm lớp và không hề nhận ra điều đó cho đến khi vào nhầm lớp. Và rõ ràng, nếu một đứa trẻ không thể nhận ra bạn cùng lớp của mình thì chắc chắn nó thật ngu ngốc”.
Các giáo viên đã phản ứng với sự tức giận và chế nhạo tôi. “Họ bắt tôi đứng trước lớp và nói: ‘Bạn chẳng có gì ngoài đôi tai điếc’. Hoặc họ sẽ xúc phạm tôi: “Bạn mặt dày như một viên gạch”. Những đứa trẻ cũng bắt nạt Carlotta. Kết quả là Carlotta đành phải cố tránh xa mọi người. “Tôi không nói to bất cứ điều gì. Tôi chỉ làm công việc viết bài của mình và không thực sự tham gia với ai”.
Nhà trường cho rằng Carlotta bị khuyết tật học tập và viết thư cho cha mẹ cô đề nghị gửi cô đến một trường học đặc biệt. Nhưng họ biết điều này là không cần thiết nên cuối cùng đã hủy các bức thư. Vào cuối ngày học, Carlotta chạy ù về nhà với tốc độ chóng mặt và đắm mình trong những cuốn sách. Carlotta đọc mọi thứ có thể, đặc biệt là về thiên nhiên, và mơ tưởng về việc rời xa mọi người.
Carlotta nói: “Tôi đã có ý tưởng rằng tôi có thể đi sâu vào rừng và tạo cho mình một loại hang động. Sẽ có một cái hang cho nhà bếp và một cái hang sách – đó sẽ là cái hang lớn nhất. Tôi chỉ thực sự muốn đi sâu dưới lòng đất, chìm vào bóng tối. Ở cùng với những người khác thật khó khăn đối với tôi. Tôi thích hòa mình vào thiên nhiên và sống một mình”.
Khi rời trường năm 17 tuổi, Carlotta tìm kiếm một công việc ít tiếp xúc với con người nhất có thể. Carlotta yêu mến loài ngựa nên đã chấp nhận công việc giữ ngựa cho đến khi mối quan hệ với những người chủ ngựa và con cái của họ trở nên quá rắc rối. Sau khi rời bỏ công việc tài xế xe tải, Carlotta nhận công việc phóng viên – công việc vừa đơn độc vừa thú vị. Phim khoa học viễn tưởng được cô yêu thích nhất, vì các nhân vật dễ nhận biết hơn và cốt truyện cũng dễ theo dõi hơn.
“Vấn đề tôi gặp phải với khuôn mặt thực sự khá đặc trưng đối với con người. Khuôn mặt của động vật hoặc người ngoài hành tinh, tôi thấy rất dễ nhận ra!” Carlotta thú thật. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả đối với loài tinh tinh bởi vì chúng quá giống với con người. Vào giữa tuổi 20, Carlotta thực hiện được ước mơ thời thơ ấu của mình là cắt đứt hoàn toàn mọi mối quan hệ với mọi người. Carlotta mua một chiếc thuyền và đi dọc theo bờ biển Australia trong suốt một năm chỉ để đọc sách và đánh bắt cá phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.
Mãi cho đến khi hơn 40 tuổi và sống ở Munich, Carlotta mới biết tình trạng của mình được gọi là gì – một cách khá tình cờ, khi ở hiệu thuốc, cô được tặng một tạp chí sức khỏe miễn phí. “Tôi đọc lướt qua cuốn sách, và bất ngờ nhìn thấy một từ khá nổi bật – đó là ‘prosopagnosia’. Tôi thực sự thích những từ khác thường nên tôi đọc tiếp. Và cuốn sách mô tả tình trạng của tôi được gọi là mù mặt.
“Đó là khoảnh khắc phi thường nhất, bởi vì đó là sự giải tỏa mọi gánh nặng của tôi. Để cuối cùng có một cái tên cho tình trạng của bản thân và có thể nói: ‘Tôi không ngu ngốc. Không phải là tôi không tập trung đúng mức. Đó là do một tình trạng di truyền và tôi không thể làm gì với nó’”. Những người mắc chứng “prosopagnosia” có thể tránh giao tiếp xã hội và phát triển nỗi sợ hãi bao trùm về các tình huống xã hội. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ hoặc gặp các vấn đề trong sự nghiệp của họ.
Tình trạng trầm cảm là phổ biến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 50 người thì có 1 người có thể mắc chứng “prosopagnosia” phát triển, tương đương với khoảng 1,5 triệu người ở Anh. Lúc đầu cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng chẳng bao lâu sau. Carlotta giận dữ. “Sự tức giận của tôi liên quan đến thực tế là không ai xung quanh tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra, và không ai có thể nói với tôi rằng tôi có vấn đề về di truyền. Tôi hy vọng rằng các giáo viên ngày nay hiểu được trẻ em tốt hơn một chút, và thường ở các trường học có những nhà tâm lý học có thể phát hiện ra những vấn đề này, nhưng tôi đang nói về việc khi tôi còn ở trường 50 năm trước, và các giáo viên hoàn toàn mù tịt về những gì đã xảy ra với tôi.
Tôi nghĩ nếu ai đó có thể nhận ra những gì đang xảy ra, điều đó sẽ khiến thế giới trở nên khác biệt”. Vào thời điểm này, cha mẹ của Carlotta, hai người đã nhận cô làm con nuôi, đã qua đời. “Tôi muốn chia sẻ kiến ##thức này với họ, và những khó khăn của tôi khi đi học sẽ được giải thích”, Carlotta nói. Tuy nhiên, Carlotta đã có thể có một cuộc trò chuyện thú vị với mẹ ruột của mình, một người phụ nữ chỉ hơn cô 15 tuổi, người mà cô tưởng đó là một người “dì”. Làm thế nào mà Carlotta phát hiện ra sự lừa dối này – tự nó là một câu chuyện thú vị.
Năm lên 6 tuổi, Carlotta được đưa đến bệnh viện để thực hiện một ca phẫu thuật nhỏ. Người ta không giải thích Carlotta bị bệnh gì; vì vậy, cô đành cẩn thận lắng nghe các nhân viên y tế để tìm manh mối. Carlotta nghe thấy các bác sĩ gọi những đứa trẻ trong khoa là “đứa trẻ hở hàm ếch”. Sau đó, họ mô tả Carlotta là “đứa con nuôi”. Carlotta vô cùng hoảng sợ vì nghĩ “con nuôi” là… bệnh của mình. “Tôi hỏi y tá rằng liệu bạn có thể chết vì ‘con nuôi’ không. Cô ấy nói, ‘Không, điều đó có nghĩa là bạn không sống với cha mẹ ruột của mình’”. Mười hai năm sau, khi bước sang tuổi 18, Carlotta nhận được giấy khai sinh, trong đó ghi tên mẹ ruột của cô là “dì” Susanne.
Cuối cùng, khi nói chuyện với “dì” Susanne về chứng prosopagnosia, Susanne giải thích rằng bản thân bà cũng cảm thấy khó khăn khi nhận biết khuôn mặt mọi người, mặc dù không quá khó khăn như Carlotta. Carlotta biết được rằng Prosopagnosia là một hội chứng di truyền. Carlotta và “dì” Susanne ở cách nhau 500km nên mỗi năm họ chỉ gặp nhau đôi lần nhưng tình cảm gắn bó khăng khít. Họ trông cũng giống nhau, mặc dù tất nhiên Carlotta không thể nhìn thấy sự giống nhau.
Hợp tác hoàn thành bộ phim tài liệu khoa học
Carlotta nói rằng đó là một “phát hiện” thú vị đối với cô khi đọc được trong một cuốn sách rằng bạn có thể tự vẽ chân dung bằng cách chạm vào khuôn mặt của mình. Carlotta nói: “Khuôn mặt là phong cảnh đồi núi mà tôi di chuyển bằng ngón tay của mình và biến thành một bức vẽ hai chiều. Điều đó không dễ dàng như vậy bởi vì tôi không thể nhìn thấy mình đang làm gì.
Nghệ thuật chắc chắn là động lực cho tôi – nếu không có nó, tôi sẽ không còn tồn tại. Khi làm nghệ thuật, và cũng có lúc phá hủy nó, tôi đã có thể đối mặt với rất nhiều cảm xúc và những khó khăn mà tôi đã trải qua trong thời thơ ấu của mình. Nhưng bây giờ tôi không còn mang theo bên mình những khó khăn đó nữa. Bây giờ tôi có thể nhìn lại mọi thứ một cách khác hơn, với sự hiểu biết nhiều hơn về các giáo viên và cha mẹ của tôi. Tôi biết rằng họ không biết điều gì tốt hơn”.
Những bức chân dung của Carlotta đã được triển lãm khắp nước Đức và thu hút sự chú ý của Valentin Riedl, một nhà khoa học thần kinh quyết định làm một bộ phim về cô. Valentin nói: “Là một nhà khoa học thần kinh, tôi thấy thật ngạc nhiên rằng do sự khiếm khuyết của não bộ, ai đó đã tạo ra một loại hình nghệ thuật mới”. Valentine đã mất một thời gian để thuyết phục Carlotta, một người sống ẩn dật, đồng ý đóng phim, và cô ngày càng thấy mình cởi mở hơn.
- Xem thêm: Những chân dung tự họa cuối đời
Carlotta nói: “Thật là một sự nhẹ nhõm đáng kinh ngạc khi được làm việc một cách nghiêm túc bởi vì đó là điều đôi khi khiến tôi rất cô đơn khi nói chuyện với mọi người: không được thấu hiểu. Còn cô đơn hơn là ở một mình”. Họ bắt đầu quay bộ phim tài liệu khoa học mang tên Lost in Face vào năm 2015 và phát hành ngày 23.1.2020. Trong quá trình quay phim, Carlotta đã đồng ý vẽ chân dung của Valentin, mặc dù cô thấy việc nhìn vào mặt người khác – chứ đừng nói đến việc chạm vào nó – rất khó khăn.
Carlotta giải thích: “Đối với tôi, khuôn mặt là thứ mà tôi chỉ có thể nhìn rất nhanh. Nó giống như nếu bạn đang ở trên bãi biển và ai đó đang thay đồ để xuống nước, và có một khoảnh khắc nhanh chóng khi họ cởi quần áo lót hoặc mặc trang phục bơi và bạn nhìn đi chỗ khác”. Valentin cũng sắp xếp cho Carlotta chụp MRI não đầu tiên của cô và kết quả không có tổn thương nào – có lẽ bất cứ điều gì khiến não của cô ấy khác biệt với những người khác đều quá nhỏ để có thể nhìn thấy được.
Valentin nói với Carlotta sau đó: “Phía sau tai phải, có một vùng não chịu trách nhiệm xử lý khuôn mặt. Mọi khuôn mặt đập vào mắt bạn đều được vùng này xác định là khuôn mặt và sau đó được xử lý. Trong trường hợp của bạn, điều này dường như không hiệu quả”. Prosopagnosia không thể được điều trị – nếu các kết nối thần kinh không được thiết lập, chúng sẽ không thể được tạo ra sau đó. Mặc dù nó được mô tả là “mù”, nhưng nó không liên quan gì đến thị giác mà là khả năng suy giảm để tạo ra khái niệm về khuôn mặt và ghi nhớ nó.
Khu vực xử lý khuôn mặt của Carlotta không thể giữ được thông tin. Valentin giải thích: “Carlotta nhìn thấy một số khía cạnh cụ thể, điều đó tốt, nhưng khi rời đi, cô ấy quên những gì mình đã thấy. Nó hơi giống như nếu bạn phải nhớ những gì trong một bát hoa quả: bạn biết có một quả chuối nhưng bạn không thực sự nhớ nó nằm ở trên hay dưới cùng và nếu ai đó chỉ cho bạn một bát hoa quả khác, bạn có thể nói, ‘Đúng, là cái này’”. Carlotta nói: “Tôi không thể nhận ra khuôn mặt của mọi người vì tôi không thể nhớ họ. Tôi biết tôi, nhưng tôi không biết mặt tôi”.
Tình trạng này không ngăn cản cô ấy hiểu biết cảm giác của người khác. Carlotta cho biết: “Tôi có thể hiểu rất rõ tâm trạng và nét mặt của một người, và đó là những gì tôi nhớ về họ – cảm xúc, tình cảm của họ, toàn bộ con người. Tôi sẽ không nhớ ai đó có mũi vẹo hay màu mắt của họ hay không, nhưng nếu họ khóc hoặc rất tức giận, đó là những gì đọng lại trong ký ức của tôi”. Bây giờ Carlotta đã thoát khỏi sự tức giận của chính mình vả đã có một cái nhìn mới về cuộc sống: “Thật tuyệt vời! Tôi cảm thấy như cuộc sống có thể bắt đầu ngay bây giờ, theo cách mang lại cho tôi nhiều bình yên hơn”.
Carlotta nghỉ hưu sớm vì bệnh viêm khớp và dành phần lớn thời gian để vẽ, trong một nhiệm vụ thường trực để tìm lại khuôn mặt của mình. Carlotta tâm sự: “Nghệ thuật của tôi là một điều cần thiết bên trong đối với tôi. Tôi không thể không làm nghệ thuật, cảm nhận những bức chân dung của mình và dán chúng lên giấy nhiều lần, và tiếp tục tìm kiếm khuôn mặt của tôi, những gì sẽ thoát khỏi trí nhớ của tôi trong giây tới. Tôi nhìn thấy nó và tôi không nhớ nó, tôi với lấy nó và khoảnh khắc tiếp theo nó biến mất – đó là một quá trình liên tục không bao giờ có thể kết thúc”.