Con rạch này trước đây người dân còn trồng rau muống, nhưng bây giờ thì nước đen kịt và đầy rác, không thể nuôi trồng được gì nữa
Dù quá trình thi công chậm, nhưng cuối cùng công trình kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã sắp hoàn tất. Hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa dọc hai bên bờ kênh có lẽ sẽ là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn khi biết rằng đó chỉ mới là dòng chính của con kênh này. Còn đó những nhánh nhỏ nằm trên phường 15, 17, 25 của quận Bình Thạnh, các con rạch chằng chịt nằm sâu bên trong vẫn rất ô nhiễm.
Nhà sàn lô nhô lấn ra kênh rạch và nước thải sinh hoạt đều đổ xuống rạch
Chỉ cách đường Điện Biên Phủ hơn một cây số, hẻm 27 dưới chân cầu Điện Biên Phủ là một khu dân cư đông đúc thuộc các khu phố 1, 2, 3 của phường 15, quận Bình Thạnh. Nằm ven con rạch của kênh Thị Nghè, đây là khu vực đen về ô nhiễm. Đến đây trong những ngày này, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng đầy rác. Rác trên đường, rác nổi lềnh bềnh trên rạch lớn, rạch nhỏ, có chỗ gần như bịt kín dòng chảy. Dòng nước đen kịt đầy rác, nhà sàn cơi nới lấn chiếm rạch mọc lô nhô, mất trật tự và người dân ở đó vô tư xả rác và nước thải sinh hoạt xuống rạch. Có nhà lấn ra kênh 15 – 20m bằng bê tông, ván gỗ. Có những cây cầu bê tông bị lấn, bị bít lại để xây nhà. Bác Năm – người đã 77 tuổi, sống ở đây từ năm 1964 cho biết rằng dân cư ở đây ngày càng đông và tình trạng môi trường sống bị xuống cấp ngày một nặng. Dọc theo con hẻm này hầu hết là nhà nhỏ hẹp, ẩm thấp nhưng có rất nhiều nhà treo bảng cho thuê phòng trọ. Người thuê trọ phần lớn là sinh viên, người lao động tự do, mua bán ve chai, phế liệu, xe đẩy thức ăn…
Nhà bê tông kiên cố lẫn xập xệ đều vươn ra rạch
Bác Năm thở dài nói: “Tiên trách kỷ thôi chứ biết sao bây giờ. Chính người dân thiếu ý thức nên mới ra nông nỗi này. Ô nhiễm mỗi ngày một nặng thêm, hẳn là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng ở lâu riết chúng tôi cũng… quen, chứ người lạ đến thì ngồi một lúc là không chịu nổi. Nỗi lo lớn nhất là hỏa hoạn, bởi nếu “bà hỏa” viếng thăm thì đường sá, nhà cửa thế này làm sao xe cứu hỏa vào được, mà có vào được thì cũng không thể lấy nước sông rạch lên mà chữa. Có khi muốn đi chỗ khác, kêu bán nhà, người ta đến xem một lần rồi một đi không trở lại”.
Thanh Nghi –Ảnh Minh Thắng