Vừa qua, Tuần lễ An ninh mạng Kaspersky với chủ đề “Bảo mật danh tiếng kỹ thuật số của bạn” lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến quy tụ sự tham gia của những nhà nghiên cứu hàng đầu của Kaspersky, các chuyên gia trong ngành, cũng như những phóng viên, nhà báo đến từ 12 quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC).
Tuần lễ An ninh mạng lần thứ 6 khám phá tác động của hoạt động truyền thông xã hội đối với thông tin danh tính của cá nhân và nhận thức về thương hiệu của doanh nghiệp
Với chủ đề “Bảo mật danh tiếng kỹ thuật số của bạn”, công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky đi sâu tìm hiểu về cách những thông tin chia sẻ lên môi trường trực tuyến quyết định đến danh tiếng kỹ thuật số của một người như thế nào, và điều này có thể có tác động đến người dùng ra sao trong thế giới thực.
Vitaly Kamluk, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT) khu vực APAC của Kaspersky cho biết: “Một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất của đại dịch COVID-19 là cách đại dịch buộc mọi người, từ các cá nhân đến những doanh nghiệp lớn, phải dịch chuyển rất nhiều hoạt động sang hình thức trực tuyến. Sự phụ thuộc này, được kích hoạt bởi nhu cầu đảm bảo sức khỏe thể chất của con người, đã thúc đẩy người dùng tăng cường sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kết nối với người thân, hỗ trợ cộng đồng, giải trí hoặc giao dịch sản phẩm và dịch vụ. Xu hướng này cũng mở ra những cánh cửa lớn hơn cho tội phạm mạng để khai thác tấn công.”
Theo Kaspersky, khu vực APAC là mảnh đất màu mỡ cho mạng xã hội, chiếm hơn một nửa số người dùng mạng xã hội trên thế giới và là khối thị trường trọng điểm của Facebook. Số liệu mới nhất từ Statista cho thấy, Đông Á có số người dùng mạng xã hội nhiều nhất, với hơn 1 tỷ người dùng tính đến năm 2020. Đông Nam Á và Nam Á xếp tương ứng ở vị thứ 2 và 3, với hơn 400 triệu người dùng.
Là khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch COVID-19, những hình thức giãn cách xã hội khác nhau đã được thực hiện ở các nước khu vực APAC, tạo cơ hội để internet và các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ.
Sự tiến triển trong mục đích sử dụng công cụ truyền thông xã hội, từ đăng ảnh, gửi tin nhắn, cho đến sử dụng nền tảng mạng xã hội như một thị trường mở rộng như hiện nay,… khiến việc nghiên cứu về ranh giới kinh tế mới này trở nên cần thiết.
Bên cạnh việc phụ thuộc nhiều hơn vào internet, tình hình đại dịch cũng là công cụ hiệu quả cho tội phạm mạng – một “cái bẫy” có thể khiến nạn nhân nhấp chuột vào email lừa đảo, chia sẻ một liên kết độc hại, chuyển tiếp một hình ảnh có chứa mã độc,v.v…
Trên thực tế, từ tháng 4, nhiều công ty đã áp dụng chính sách làm việc tại nhà cho nhân viên, và tội phạm mạng đã tìm ra những phương thức mới để tấn công như: Tấn công brute force (tấn công dò mật khẩu) vào các máy chủ cơ sở dữ liệu vào tháng 4 năm 2020 tăng 23%. Các tệp độc hại được đưa vào trang web doanh nghiệp tăng 8% trong tháng 4 và các cuộc tấn công mạng và email lừa đảo gia tăng.
“Trong giai đoạn trước COVID-19, mỗi ngày, chúng tôi phát hiện và phân tích 350.000 mẫu mã độc khác nhau. Hiện tại, tổng số mẫu mã độc mới mỗi ngày là 428.000 mẫu. Ngoài ra, các sự kiện địa chính trị trên khắp APAC, sự gia tăng trong hoạt động thương mại điện tử và ví điện tử, liên tục làm việc từ xa và học tập trực tuyến, cũng như những căng thẳng về tâm lý trong bối cảnh đại dịch khiến bức tranh về mối đe dọa bảo mật năm 2020 dường như đang ủng hộ tội phạm mạng. Tuy nhiên, hy vọng vẫn nằm trong tay chúng ta vì chúng ta là người kiểm soát các hoạt động trực tuyến của mình. Việc nâng cao cảnh giác để bảo vệ danh tiếng và tài sản kỹ thuật số của mỗi người là vô cùng cần thiết.”, ông Kamluk chia sẻ thêm.