Khi đời sống hôn nhân vẹn toàn
Hai vợ chồng có sự đồng thỏa thuận: Mặc dù có những cá tính khác biệt, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cả hai vợ chồng đều đi đến thỏa thuận cuối cùng. Thậm chí nếu cả hai đều tức giận, biểu lộ cá tính mạnh mẽ của mình thì vẫn có thể nhích lại gần nhau hơn trong quan hệ do cả hai luôn hiểu nhau. Những cuộc tranh luận giữa hai vợ chồng không phải để xem ai là người thông minh hơn, mà chỉ là để lắng nghe chồng (hoặc vợ) của mình và hiểu về nhu cầu của người đó.
Hai vợ chồng đồng tôn trọng sở thích của nhau: Người chồng (hoặc vợ) biết chấp nhận sự tự do của nhau và hiểu rằng người kia hành động như họ muốn. Người nào cũng có thể có sự lựa chọn riêng và được người kia thừa nhận điều đó. Chính sự tôn trọng người chồng (hoặc vợ) là tiền đề giúp duy trì sự gần gũi và lòng tin trong gia đình.
- Xem thêm: Bí quyết của hôn nhân thành công
Hai vợ chồng đồng tâm sự với nhau: Vợ chồng có thể kể cho nhau nghe về mọi điều, nhưng cần biết điều gì cần thiết phải im lặng để tránh làm tổn thương người kia. Dù vậy, nếu có làm điều gì lầm lỡ với vợ (hoặc chồng) thì nên thành thật nói ra để duy trì mối quan hệ tin tưởng.
Hai vợ chồng luôn cảm thấy không thể thiếu nhau: Cả hai luôn xem gia đình là nơi tạo sức hấp dẫn nhất, cho dù có đi đến đâu nhưng khi trở về mái nhà chung hai vợ chồng vẫn cảm thấy không gì thú vị cho bằng được gần gũi với “một nửa của mình”. Xét về phương diện này hai người là đủ cho nhau và sống một cuộc sống phong phú về mặt tình cảm.
Khi đời sống hôn nhân không vẹn toàn
Người chồng (hoặc vợ) thường có cảm giác cô đơn: Khi một người cảm thấy chồng (vợ) không hiểu chút gì về mình, không nhận được đầy đủ sự đáp lại về mặt tình cảm hoặc không biết cùng chia sẻ những đam mê của mình, thì họ có khuynh hướng dành nhiều thời gian ở nơi làm việc hoặc các cuộc vui chơi bên bạn bè hơn là ở nhà. Dần dần, cảm giác đơn độc sẽ xâm chiếm tâm hồn người chồng (vợ) khi không được người kia hiểu mình. Điều này cho thấy cuộc sống gia đình của hai người bắt đầu xuất hiện những rạn nứt.
Tranh cãi nhau vì những chuyện nhỏ: Cho thấy mối quan hệ giữa hai vợ chồng chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Những cặp vợ chồng gắn bó thường bỏ qua những tiểu tiết để giữ gìn điều quan trọng nhất, đó là tình cảm vợ chồng. Chỉ có tình yêu thật sự mới có thể đồng hành với sự nhượng bộ lẫn nhau.
- Xem thêm: Những cuộc hôn nhân khỏe mạnh
Gây khó khăn cho nhau: Có thể trước khi chung sống, người chồng (vợ) không tán thành những khuyết điểm nào đó của người kia, hoặc không thể cải tạo được điều đó dù rất muốn. Nhưng vì tình yêu, họ sẵn lòng chấp nhận lẫn nhau như những gì mà người kia đang có. Đến khi lấy nhau rồi, họ không còn “nhường nhịn” như vậy nữa mà sẵn sàng gây khó dễ cho nhau bất cứ khi nào có thể.
Chung sống vì bổn phận: Một khi mối quan hệ vợ chồng chỉ được duy trì vì trách nhiệm, bổn phận hoặc trên cơ sở kinh tế, hẳn đó chỉ là cuộc sống vợ chồng tạm thời. Sự đam mê và tôn trọng lẫn nhau luôn là chìa khóa để mở ra những mối quan hệ vợ chồng mật thiết và bền vững nhất.