Dù còn nhiều tranh luận đâu đó trong xã hội, mà nói như nhà báo đồng thời là một người nghiên cứu về lịch sử – di sản đô thị Trần Hữu Phúc Tiến là bị lớp bụi thời gian và nhân gian lắm lúc làm hoen ố, nhưng trong tọa đàm ngày 11-9 do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu cùng thống nhất rằng Trương Vĩnh Ký là một người yêu nước theo cách của mình, một nhân vật đa diện.
Một người yêu nước theo cách của mình
Theo nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, Trương Vĩnh Ký từng làm việc cho người Pháp, nhưng ông vẫn là người yêu nước theo cách của mình.
“Cụ không hô hào người dân ra Bưng Biền kháng chiến mà kêu gọi dân giữ văn hóa Việt Nam trong lúc giao thời. Cụ ra đời lớn lên vào buổi giao thời nhưng là người tiên phong phát triển văn hóa hiện đại Việt Nam trên nền văn hóa cổ truyền, với hơn 100 tác phẩm đã in và 40 tập di cảo”, nhà báo Phúc Tiến nói.
Ông Phúc Tiến cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy Trương Vĩnh Ký là một người yêu nước theo cách của mình. Ông là người phổ biến truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu – một tác giả chống Pháp, viết những tác phẩm dạy chữ quốc ngữ nhưng thực ra là để truyền bá những câu chuyện lễ nghĩa của phương Đông, đưa mục Sử An Nam lên Gia Định báo, cụ viết sách lịch sử Việt Nam, viết lịch sử Sài Gòn trước khi người Pháp vào, đăng bài hịch chống Pháp của Nguyễn Tri Phương trên tạp chí Thông Loại Khóa Trình…
- Xem thêm: Đến Paris gặp sử gia Sài Gòn
Ông Phúc Tiến cũng đưa ra những dẫn chứng cho thấy một thời Trương Vĩnh Ký từng bị đánh giá là tay sai cho người Pháp trong một số việc ông làm nhưng sau đó lại được đánh giá lại.
Đó là câu chuyện với tác phẩm Chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876, ông Phúc Tiến nói, nó từng bị cho là một báo cáo tình báo về Bắc Kỳ cho chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp, nhưng giờ đây nó được coi là tác phẩm ký sự đầu tiên của Việt Nam ghi chép lại một chuyến đi, phóng sự đầu tiên về tình cảm Bắc – Nam.
Cũng câu chuyện Trương Vĩnh Ký yêu nước hay không yêu nước, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Yêu nước thì ai cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi người thể hiện khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích”.
Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định, với những gì mà Trương Vĩnh Ký để lại thì ông là tác giả quốc ngữ lớn và phong phú nhất từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ.
Nhưng nghịch lý là ông lại chính là một trong những tác giả mà hậu thế đặt nhiều câu hỏi và đặt quá nhiều phủ định nhằm vào ông.
Bị nâng lên đặt xuống
Về câu chuyện hậu thế đặt quá nhiều câu hỏi và sự phủ định với Trương Vĩnh Ký, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể, vào năm 1970, ở miền Bắc xuất hiện tiểu thuyết Bóng nước Hồ Gươm, trong đó cho Trương Vĩnh Ký xuất hiện như một nhân vật ra Bắc nhưng bị sĩ phu Bắc Hà thể hiện một thái độ rất mất cảm tình.
Và những dấu ấn “mất cảm tình” như thế về Trương Vĩnh Ký còn tiếp tục kéo dài.
Ông ví dụ, khi TP.HCM làm những bộ sách về địa chí văn hóa thì một trong những nhân vật bị nâng lên đặt xuống nhiều nhất là Trương Vĩnh Ký.
Một chuyện khác, cách đây khoảng hơn chục năm, tại một hội thảo mà ông Lại Nguyên Ân tham dự, một nhà nghiên cứu vừa tham luận trong hội thảo và vừa nói riêng với ông rằng chỉ nên xem Trương Vĩnh Ký là một nhà văn hoạt động văn hóa thôi chứ không phải nhà văn hóa.
Trong khi đó, theo ông Ân, Trương Vĩnh Ký “dư sức để được gọi là nhà văn hóa”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân than: “Người ta chỉ cần nhìn vào việc ông có cộng tác với người Pháp, còn ông có làm cho văn hóa dân tộc bao nhiêu thì người ta cứ để đấy đã”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc hoàn toàn không ngạc nhiên khi hiện nay vẫn còn những đánh giá chưa đúng về một nhân vật đa diện như Trương Vĩnh Ký.
- Xem thêm: Nho học, công lao và hệ lụy
“Đến nhân vật như Phan Chu Trinh mà lịch sử còn từng đánh giá là một nhà cách mạng cải lương theo nghĩa tiêu cực nữa là một nhân vật phức tạp như Trương Vĩnh Ký”, ông Quốc nói.
Chủ trì tọa đàm, GS-TS. Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết luận, Trương Vĩnh Ký là khối đa diện có nhiều chiều kích, động đến nhiều vấn đề lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa cần nhiều ngành nghiên cứu để làm sáng tỏ về con người này.
Tại tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký, nhà sử học Dương Trung Quốc còn kể chuyện về những đánh giá của hậu thế với Phan Chu Trinh để cho thấy những gì còn đang diễn ra với một nhân vật đa diện như Trương Vĩnh Ký khiến ông không lạ.
Ông kể, năm 1992, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo đầu tiên về Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự của Hội cũng tham dự. Khi đến phần trình bày của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, người ta thấy Đại tướng mang ghế ngồi cạnh ông Xuân, vì ông nói giọng Quảng Nam nặng quá nên khó nghe.
Hội thảo đi đến kết luận rằng Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước không hoàn toàn cải lương theo nghĩa tiêu cực như ta vẫn gọi Chủ nghĩa Pháp – Việt đuề huề.
Vậy mà, vì cái kết luận này, ông Võ Nguyên Giáp phải ở lại hai ngày ở Đà Nẵng để gặp gỡ các cơ quan chia sẻ “để đừng ai hiểu lầm các nhà sử học, vì một thời chúng ta gọi Phan Chu Trinh là một nhà cách mạng cải lương”.