Cả thế giới kinh hoàng với trận dịch Covid-19 bởi vì người ta đã từng có kinh nghiệm đau thương với Đại dịch Đen khủng khiếp vào thế kỷ 14 đã giết chết trên toàn cầu khoảng 75-200 triệu người, trải dài từ Âu sang Á, xuống tận châu Phi, làm sụp đổ cả Đế chế Byzance, dẫn đến cuộc tàn sát người Do Thái trên khắp châu Âu. Điều kỳ lạ nhất là nó cũng lại xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc!
Đại dịch Đen do vi trùng Yersinis pesti gây ra dưới hai dạng: chủ yếu là nổi hạch ở háng, nhưng cũng gây ra viêm phổi. Nó hoành hành theo từng địa phương tại Trung Á và có lẽ do chính cuộc chiến tranh giữa người Mông Cổ và Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi, cho phép nó lan truyền đi khắp nơi. Dịch phát khởi vào năm 1333 tại tỉnh Hồ Bắc và nhanh chóng lan truyền sang các tỉnh lân cận như: Giang Tây, Sơn Tây, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Hà Nam và Tuy Viễn, những nơi đang tranh chấp giữa hai đế quốc Mông Cổ và Trung Hoa lúc đó.
Năm 1336, người Mông Cổ thuộc Bộ tộc vàng (hậu duệ của Đà Lôi, con trai lớn Thành Cát Tư Hãn), bao vây thành phố Caffa, một hải cảng sầm uất nằm trên bờ Biển Đen, vùng Crimée. Bệnh dịch được người Mông Cổ mang đến từ Trung Á chẳng bao lâu sau lây sang đạo quân bị bao vây bởi vì họ dùng ná bắn xác chết nhiễm bệnh của quân mình vào thành! Tuy nhiên theo nhà sử học Boris Bove, chính là chuột trong doanh trại quân Mông Cổ đã xâm nhập vào thành và lây bệnh cho những người ở bên trong. Một giả thuyết mới đây lại nói đến loài chuột sa mạc.
Cuộc bao vây dừng lại vì thiếu quân dũng cảm công thành, người Mông Cổ và người dân thành Gênes ký hiệp ước đình chiến. Những con tàu từ đây có thể đi khắp nơi gieo rắc dịch: năm 1347, thành phố Constantinople bị nhiễm lần đầu tiên. Bệnh đến Messine vào cuối tháng 9-1347, rồi Gênes, Marseille vào tháng 11 cùng năm. Pise bị nhiễm vào tháng 1-1348, tiếp theo là Spalato. Dịch lan đến các hải cảng lân cận Sebenico và Raguste, rồi đến Venise ngày 25-1-1348. Trong vòngmột năm, dịch lan ra toàn vùng bao quanh Địa Trung Hải.
Từ đó, cả Nam Âu và Bắc Âu đều “trúng đạn” vì dân chúng không có kháng thể đối phó với biến thái của vi trùng dịch. Họ đã bị suy yếu vì nhiều lần bị nạn đói hoành hành, khí hậu lạnh hơn kể từ cuối thế kỷ 13 và các cuộc chiến tranh liên miên.
Trong khoảng những năm 1345-1350, thế giới Ả Rập và vùng Trăng lưỡi liềm trù phú bị dịch tấn công nặng nề. Từ Thượng Ai Cập lan đến các thành phố Alexandrie, Le Caire, Palestine, Beyrouth, Damas, Tripoli… Vào lúc đỉnh điểm, ở thành phố Damas, mỗi ngày có 1.200 người chết, và Dải Gaza hết sạch người! Syrie mất 400.000 người, chiếm 1/3 dân số.
Dịch Đen lan ra như làn sóng và không cố định tại nơi mà nó chạm đến. Tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 30% tổng dân số và chiếm từ 60-100% người bị nhiễm. Người yếu nhất sẽ chết nhanh, nhưng tai họa chỉ kéo dài mỗi nơi trong khoảng 6-9 tháng.
- Xem thêm: Những đại dịch đã qua và sắp đến
Từ thành phố Marseille, tháng 11-1347, nó tiến nhanh đến thành phố Avignon vào tháng 1-1348, khi đó là kinh đô của Đức Giáo hoàng và là trung tâm Kytô giáo toàn cầu. Tín đồ đến dồn dập, tạo điều kiện cho dịch lan nhanh. Đầu tháng 2, dịch đến thành phố Monpellier rồi Béziers. Ngày 16-2-1348, nó có mặt tại Narbonne, đầu tháng 3 tại Carcassone, cuối tháng 3 tại Perpignan. Cuối tháng 6 đến Bordeaux. Từ hải cảng này, nó phát triển nhanh qua đường hàng hải. Nước Anh bị nhiễm ngày 24-6-1348. Ngày 25-6-1348, dịch xuất hiện tại Rouen, rồi Pontoise và Saint-Denis. Ngày 20-8-1348, nó có mặt tại Paris. Tháng 12, dịch đến Calais từ London. Cuối tháng 12, toàn bộ Nam Âu, Hy Lạp và miền Nam nước Anh đều mắc bệnh dịch. Mùa đông năm 1348-1349, nó tạm dừng bước, trước khi bùng phát trở lại vào tháng 4-1349.
Tháng 12-1349, dịch lan ra toàn nước Đức, Đan Mạch, Anh, xứ Wales, một phần Ireland và Scotland. Nó tiếp tục tiến về phía Đông và phía Bắc, tàn phá bán đảo Bắc Âu năm 1350, rồi cả Scotland, Iceland và Groenland. Dịch dừng lại trước cánh đồng bao la không người ở của nước Nga năm 1351.
Sự lan truyền không đều, có những vùng dịch không đến được. Có cả những làng và thành phố nằm rải rác như Bruges, Milan, Nuremberg được miễn nhiễm với điều kiện phải cách ly triệt để và cũng thế với Béarn và Ba Lan (xem bản đồ).
Hậu quả về dân số và kinh tế-xã hội
Dịch gây ra những hậu quả kinh tế, xã hội, dân số và tôn giáo nghiêm trọng. Các nhà sử học ước tính tỉ số nạn nhân vào khoảng 30-50% toàn dân số châu Âu, tức 25-45 triệu người! Các thành phố bị nặng hơn vùng nông thôn do tập trung dân số cao, thiếu ăn, tiếp tế lương thực khó khăn. Ở mức độ toàn cầu, phải cộng thêm số nạn nhân trong Đế chế Byzance, các nước Hồi giáo, Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ… Tổng cộng. có khoảng 75-200 triệu người chết trong thế kỷ 14.
Từ đầu thế kỷ 14, thế giới đã bắt đầu suy thoái kinh tế do nạn đói và tăng dân số quá cao, tạo điều kiện tốt cho dịch bệnh xuất hiện. Đặc biệt là trận đói lớn tại châu Âu vào 2 năm 1315-1317. Cùng với dịch và chiến tranh giữa các đế quốc khiến cho lao động thiếu hụt, giá cả tăng cao, nhất là giá nông sản. Nhiều ngôi làng bị bỏ hoang, đất canh tác biến thành rừng. Tại Pháp, sản lượng ngũ cốc và nho giảm 30-50% tùy theo vùng. Các thành phố lần lượt bị bỏ hoang, y học thời đó không biết được nguyên nhân của bệnh dịch và cách khống chế nó.
Mãi đến nửa sau thế kỷ 17, nước Pháp mới khôi phục được dân số thời kỳ cuối thế kỷ 13. Cụ thể là xứ đạo Givry tại Saône-et-Loire, có 1.500 giáo dân, chết 649 người trong năm 1348, chỉ riêng trong khoảng tháng 6- tháng 9, có đến 630 người chết. Tỉ lệ thiệt hại là 40,6%. Tại Anh, sau trận dịch dân số giảm mất 45-70%. Nước Ý bị thiệt hại tối thiểu 50%. Chỉ riêng thành phố Milan là an toàn. Tại Tây Ban Nha, dịch bệnh giết chết 30-60% số giám mục! Đức mất 50% dân số, Áo mất từ 25-35% dân số.
Đế chế Byzance bị dịch tàn phá nặng nề. Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15 (1347-1453), nó bị 9 đợt tấn công lớn, mỗi đợt trung bình kéo dài 3 năm và cách nhau khoảng chục năm. Đặc biệt nghiêm trọng là các đô thị Constantinople, Péloponnèse, Crète và Chypre. Dịch Đen đã giết chết phân nửa dân số Contanstinople. Đôngë bộ La Mã này đã từng bị suy yếu vì thua trận khắp nơi, nội chiến và động đất; dịch bệnh làm cho nó càng thêm kiệt quệ. Thương mại và chiến tranh góp phần làm cho dịch lan rộng nhanh hơn. Ngày 29-5-1453, hoàng đế Mehmed II mới 21 tuổi của Đế chế Ottoman triệt hạ thành Contanstinople, kết liễu Đế chế Đông bộ La Mã. Sau khi Constantinople thất thủ, Đế chế Ottoman cũng bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng cho đến cuối thế kỷ 16.
Thiệt hại nhân mạng vùng phía đông Địa Trung Hải thật khó tính vì thiếu số liệu đáng tin cậy. Chỉ có thể lấy trường hợp điển hình của hai thành phố Hồi giáo lớn nhất thời đó là Cairo, có 500.000 dân và Alexandrie. Sau trận dịch, Cairo còn không đến 300.000 dân. Năm 1.324, nó có 66 nhà máy đường, năm 1.400 chỉ còn 19. Tại Alexandrie, năm 1394 có 13.000 máy dệt, năm 1434, chỉ còn có 800!
Phản ứng của công chúng
Tấn công người Do Thái
Đứng trước cái chết hãi hùng, người ta bỏ chạy, tấn công người khác hay trừng trị bản thân! Chạy là phổ biến nhất cho những kẻ có khả năng. Nó cũng thể hiện ở dạng tinh thần như cầu cứu tôn giáo, các thầy thuốc, lang băm và đồng bóng hay hành động như máy móc: nhảy múa điên loạn, lên đồng tập thể…
Tấn công thường diễn ra với người Do Thái vốn bị xem là những người gieo rắc dịch bệnh (bệnh cùi, làm phù thủy, ăn mày…) hay hành hạ chính mình (nặng nhất là tự tử).
Ngay từ năm 1348, dịch bệnh đã tạo ra bạo động tấn công người Do Thái ở Provence, Pháp. Bạo loạn đầu tiên diễn ra tại Toulon trong đêm 13- rạng sáng 14 tháng 4.1348. 40 người Do Thái bị giết chết, nhà cửa bị cướp sạch. Tàn sát phổ biến nhanh đến Provence, khiến cho Chính quyền phải di dời đến Folcalquier và Manosque. Nhà thờ Do Thái tại Saint-Rémy-de-Provence bị đốt cháy. Tại Languedoc, Narbonne và Carcassonne, người Do Thái bị thiêu sống. Hoàng thái tử Humbert II phải nhốt họ lại để khỏi bị tàn sát.
Tháng 7-1348, vua Pháp Philippe VI đưa ra tòa xét xử người Do Thái bị kết tội bỏ thuốc độc xuống giếng nước. 6 người bị hành hình tại Orléans. Ngày 6-7, Đức Giáo hoàng Clément VI tại Avignon ra một chỉ dụ bênh vực người Do Thái, nói rằng dịch bệnh không phân biệt người Do Thái với người Kytô giáo. Ít nhất ngài cũng ngăn được bạo động trong thành phố này. Nhưng ở Savoie và nhiều nơi khác như Chambéry, Bugey, Miribel, Franche-Comté, dân chúng vẫn thẳng tay tàn sát người Do Thái.
Tháng 9-1348, người Do Thái trong vùng lâu đài Chillon, trên bờ hồ Léman, Thụy Sĩ bị tra tấn cho đến khi nhận bừa là mình đã bỏ thuốc độc xuống giếng nước, khiến dân chúng càng nổi khùng lên, tàn sát và trục xuất 300 cộng đồng của người Do Thái. 6.000 người Do Thái bị giết chết tại Mayence. Nhiều người phải chạy trốn sang Ba Lan và Lituanie. Ngày 14-2-1349 mấy trăm người Do Thái bị thiêu sống tại Strassbourg. Tại Áo, họ cũng bị tàn sát, khiến cho vua Albert II phải can thiệp.
Tự hành xác để đền tội
Nhiều nhóm người tự hành xác mình để chuộc tội trước khi Chúa quay trở lại để phán xét. Họ xem dịch bệnh là dấu hiệu báo trước Ngày tận thế. Tuy nhiên những nhóm này thuộc loại hiếm và sống cách biệt với xã hội. Phần lớn người Kytô giáo đối phó với dịch bệnh bằng lòng sùng đạo quá mức và bám theo các linh mục, vốn bài bác những hành động quá khích.
Nhảy múa điên loạn
Sự biến mất của các giáo sĩ trước nạn dịch dẫn đến những hành động mê tín bùng phát. Đặc biệt là cơn điên nhảy nhót tập thể được lan truyền rất nhanh trong dân chúng, còn được gọi là “nhảy kiểu Thánh Guy”.
Cơn điên nhảy nhót tập thể này xuất hiện lần đầu tiên tại Lusace, gần thành phố Bohême của nước Đức vào năm 1349, trước khi Đại dịch Đen ra đời. Phụ nữ và con gái nhảy múa trước ảnh tượng Đức Mẹ Đồng trinh. Họ nhảy suốt ngày đêm cho đến khi ngã gục. Sau một giấc ngủ ngắn lấy sức, họ thức dậy và nhảy tiếp! Tháng 7-1374, tại nhiều thành phố vùng sông Rhin, hàng trăm cặp đôi bắt đầu nhảy và hát, đi qua khắp vùng. Khán giả bắt chước và gia nhập đoàn người.
Tháng 11, thời tiết xấu khiến họ ngưng lại. Nhưng đến mùa hè, họ lại tiếp tục cho đến năm 1381. Linh mục đến kiểm soát và dẫn họ đi hành hương. Hiện tượng này tái xuất hiện vào năm 1414 tại Strasbourg và phổ biến ra khắp nước Đức. Năm 1463, nó tái diễn ở Metz. Được nói đến nhiều nhất là trận dịch nhảy năm 1518 tại Strasbourg do căng thẳng xã hội và kinh tế, trước sự đe dọa liên tục và bất ngờ của dịch bệnh.
Phương pháp chữa trị
Y học thế kỷ 14 bất lực trước sự bùng phát của dịch bệnh. Các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp cùng lúc bởi chẳng có phương pháp nào một mình hiệu nghiệm hay ưu việt hơn. Nhà y học Galenus (130-210 Công nguyên) dựa vào lý thuyết tính khí (nước, lửa, đất, khí) chú tâm chữa trị nội tạng, nhưng ngay từ đầu trận dịch đen, nó đã bị học thuyết khí độc bác bỏ.
Độc chất của bệnh dịch xâm nhập cơ thể qua đường không khí hay tiếp xúc, với người và vật. Tất cả các học thuyết này có thể trộn lẫn vào nhau: dịch bệnh là ung thối tính khí do độc chất truyền qua không khí hay tiếp xúc. Chất độc này là một yếu tố làm ung thối, xuất phát từ trong lòng đất (chất gây thối rữa) lan trong không khí qua hiện tượng địa chất-khí tượng (như động đất, mưa bão) hay thiên văn (hợp giao hành tinh, sao chổi bay qua) chui vào cơ thể con người. Sự phân biệt giữa các phương tiện y học, tôn giáo, dân gian hay thần bí đều tùy vào sự tiện lợi. Nhưng tất cả đều được các nhà bác học thời đó công nhận.
Ngoại khoa: Mục tiêu là ngăn độc xâm nhập, hay thải nó ra ngoài. Để chống khí độc, người ta xông khói gỗ hay cây có mùi thơm. Các bác sĩ Ả Rập nói những kẻ sống sót sau dịch hạch là do nặn sạch mủ cục hạch. Họ mổ cục hạch, trong trạng thái không tiệt trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Có người dùng cây cỏ, mật ong, dầu térébentine thoa lên người, thậm chí dùng cả con cóc, con giòi, mật hay phân của nhiều loài để hút độc chất. Có người dùng mùi thơm để ngăn độc chất xâm nhập, hay mùi thối để giúp thải độc chất.
Nội khoa: Nhà y học Galenus nhấn mạnh vào chế độ ăn uống và cách sống. Theo thuyết tính khí, ung thối có tính ẩm và nóng, phải trị bằng thức ăn có tính lạnh và khô, dễ tiêu hóa. Danh sách thức ăn thay đổi tùy theo bác sĩ. Thái độ ôn hòa bảo vệ được cơ thể khỏe mạnh, bởi vì những đam mê chính mở đường cho dịch bệnh tràn vào là sợ hãi, giận dữ, tuyệt vọng và điên cuồng. Khử độc bằng cây cỏ hay đá quý mài nhuyễn, pha trộn trong nước uống, sirô. Hoặc thuốc xổ, gây nôn mửa.
- Xem thêm: Những chấn thương tâm lý thời dịch bệnh
Tôn giáo và thần bí: Giáo hội tổ chức các nghi lễ trọng thể để xua đuổi ma quỷ hay những buổi cầu nguyện linh đình để xoa dịu cơn giận dữ của Thượng đế, hoặc tạo ra những cây nến khổng lồ, tổ chức những cuộc đi hành hương chân không, làm lễ tập thể và liên tục.
Tôn kính Đức Mẹ Đồng trinh để mong tái hiện phép lạ diễn ra tại Rome vào năm 590. Năm đó, giữa trận dịch Justinien, một bức ảnh Đức Mẹ Đồng trinh do thánh Luc vẽ được mang đi diễu hành trên đường phố Rome, làm cho bệnh dịch biến mất ngay tức khắc. Còn có những vị thánh che chở khỏi bệnh dịch như thánh Sebastien, thánh Roch.
Đeo bùa như là biểu tượng của sức mạnh vô hình, mà người Do Thái, người Kytô giáo và người Hồi giáo vẫn thường dùng. Người Hồi giáo đeo nhẫn có chạm khắc những dòng kinh Koran, người Kytô giáo đeo tấm lắc có những câu kinh trên cổ hay chiếc nhẫn gắn kim cương trên bàn tay trái để trừ tà khí.