Cuối năm ngoái, Thành phố Hồ Chí Minh mới triển khai mô hình “Đại học khởi nghiệp”, với mục tiêu là tạo ra một thế hệ sinh viên giàu năng lực đổi mới sáng tạo. Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết từ mười năm trước, Trường Đại Học Công Nghệ Sài Gòn (STU) đã khởi động mô hình “Đại học khởi nghiệp” với sự chỉ đạo thực hiện của PGS.TS Cao Hào Thi – Hiệu trưởng nhà trường. Buổi trò chuyện ông Cao Hào Thi sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quan về thực tế ứng dụng mô hình này trong một trường đại học quy mô hơn 7.500 sinh viên, cũng như những kinh nghiệm có giá trị đối với các trường bắt đầu xây dựng mô hình “Đại học khởi nghiệp” tại Việt Nam.

____
Trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn bắt đầu triển khai mô hình “Đại học khởi nghiệp” từ khá sớm. Điều gì đã thôi thúc ông và nhà trường theo đuổi mô hình này ở thời điểm cách đây 10 năm?
PGS.TS Cao Hào Thi: Từ 10 năm trước, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã nhìn thấy một xu thế không thể đảo ngược: đó là sự dịch chuyển mạnh mẽ từ “nền kinh tế học thuật” sang “nền kinh tế khởi tạo giá trị”. Thông qua sự phối hợp thống nhất giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong hoạch định thực hiện chiến lược, chúng tôi quyết tâm xây dựng mô hình “Đại học khởi nghiệp” nhằm trang bị cho sinh viên tư duy sáng tạo, tinh thần tự chủ và khả năng tạo ra giá trị thực tiễn cho xã hội. Chúng tôi tin rằng, khởi nghiệp không chỉ là thành lập công ty, mà còn là tạo ra thế hệ trẻ dám ước mơ lớn và dám hành động vì những điều mình tin tưởng.
Thêm vào đó, trường chúng tôi lại được đồng hành cùng Chương trình Innovation Partnership Program (IPP) giữa Việt Nam và Phần Lan, từ tháng 5/2016 đến tháng 2/2018. Đó là một cơ duyên để Trường STU tham gia Dự án Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST) từ năm 2017. Còn tôi thì được tham quan và học hỏi mô hình đại học khởi nghiệp tại Phần Lan, một trong những quốc gia thành công trong việc xây dưng và phát triển mô hình KN&ĐMST ở các đại học của nước này. Chuyến đi thực tế đã cho tôi cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò của giáo dục trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo tôi, mô hình KN&ĐMST tại Phần Lan cũng là mô hình mẫu về phát triển kế hoạch chiến lược giáo dục khởi nghiệp cho Việt Nam.
____
Chương trình Innovation Partnership Program đã tạo những bước đi đầu tiên tại STU thế nào trong giai đoạn 2015 – 2017, ông có thể chia sẻ nhiều hơn?
PGS.TS Cao Hào Thi: IPP là một chương trình ODA quy mô 11 triệu Euro hợp tác giữa chính phủ Phần Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, những giá trị chúng tôi đã nhận được là vô giá. Chẳng hạn như chúng tôi được đào tạo nguồn giảng viên về KN&ĐMST với sự hướng dẫn của chuyên gia quốc tế, nhằm trao kiến thức và truyền cảm hứng về khỏi nghiệp đến sinh viên. Hay trao đổi liên kết cùng các trường đại học khác cũng như cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam…

Năm 2017, STU chính thức là 1 trong 7 dự án được nhận tài trợ từ IPP, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Dự án liên kết cùng 2 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Đà Lạt tạo thành dự án liên hợp, kết nối nguồn lực từ 3 miền Bắc, Trung và Nam. Tại STU cũng đã phát triển môn học Khởi nghiệp, chính thức đưa vào chương trình đào tạo của nhà trường năm 2016. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức các khóa tập huấn về KN&ĐMST cho sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp vừa và nhỏ; cũng như nhiều buổi tọa đàm, workshop và cuộc thi STU E&I Challenge 2017, tạo nền móng cho phong trào khởi nghiệp tại trường.
____
Có thể thấy, dù là trường tiên phong về “Đại học khởi nghiệp” khi bức tranh chung còn khá mơ hồ, song STU đã có những bước đi khá vững vàng. Những năm sau thì STU đã tự bước đi ra sao khi không còn “tựa lưng” IPP nữa?
PGS.TS Cao Hào Thi: Chúng tôi luôn tự tin đi trên chính đôi chân của mình. Năm 2019, STU đã thành lập các Câu lạc bộ Khởi nghiệp, tạo không gian làm việc chung cho startup, lồng ghép các môn học về đổi mới sáng tạo vào chương trình chính khóa và kết nối mạnh mẽ với hệ sinh thái doanh nghiệp bên ngoài.
Trường cũng đào tạo nguồn giảng viên có tinh thần và tư duy sáng tạo để truyền cảm hứng cho sinh viên, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm các phương pháp học tập mới, tư duy mới. Nhiều ngành, môn học có phòng lab, máy móc để sinh viên có thể nghiên cứu ra những đề tài ứng dụng thực tiễn. Các cuộc thi về khởi nghiệp diễn ra hàng năm để tìm các hạt giống để trường có thể ươm tạo, hỗ trợ vốn và kết nối nguồn lực cho các bạn sinh viên phát triển các dự án của mình.
Tháng 2/2019, Hội đồng Anh đã phê duyệt hỗ trợ STU thực hiện dự án về nâng cao nhận thức về Khởi nghiệp Doanh nghiệp xã hội với mục tiêu: (1) Lan tỏa sự hiểu biết về Công dân tích cực doanh nghiệp xã hội và khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội; (2) Khuyến khích sinh viên suy ngẫm về các vấn đề xã hội đang tồn tại, tìm kiếm các giải pháp gắn với ý tưởng về khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội; (3) Khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội của sinh viên…
____
So với những ngày đầu triển khai, hiện nay mô hình “Đại học khởi nghiệp” của STU đã đạt được những thành tựu nổi bật nào? Và nhà trường đã gặp phải những khó khăn hoặc rào cản nào trong quá trình xây dựng môi trường khởi nghiệp cho sinh viên không?
PGS.TS Cao Hào Thi: Mọi cải cách hay mô hình mới được ứng dụng trong nhà trường đều hướng tới lợi ích của sinh viên. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm rằng, những gì sinh viên gặt hái được mới gọi là thành tựu của nhà trường. Theo đó, thành tựu đáng ghi nhận nhất có thể kể đến là hiện có khoảng 4.000 sinh viên đã được học về khởi nghiệp và tất cả giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh đều được đào tạo KN&ĐMST. Sinh viên được tạo điều kiện tối đa trong không gian hỗ trợ khởi nghiệp rộng 40m², kết hợp các phòng lab chuyên ngành STU sẵn có. Dự án IPP và dự án cùng Hội đồng Anh về doanh nghiệp xã hội cũng tạo tiền đề và kinh nghiệm cho sự phát triển mô hình “Đại học khởi nghiệp” tại trường.
Nhà trường luôn dành thời gian và chi phí để tổ chức các hoạt động kết nối thực tế như cuộc thi và workshop khởi nghiệp, và cố gắng tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ sinh viên. Một trong những thách thức lớn là nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp, khi nhiều bạn còn thiếu tự tin và hiểu biết về lĩnh vực này. Ngoài ra, hạ tầng và nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp như không gian làm việc chung và quỹ đầu tư cũng chưa thuận lợi.
____
Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại STU đã diễn ra sự kiện Vietnam Italy FoodTech Day 2025. Giá trị của sự kiện này thế nào mà được thông tin là một trong những bước quan trọng để thực hiện hóa mô hình chúng ta đang nói đến?
PGS.TS Cao Hào Thi: Vừa qua, STU rất vui mừng được phối hợp cùng TIM Corp và Lãnh sự quán Ý tại TP.HCM đồng tổ chức sự kiện Vietnam Italy Foodtech Day 2025 vì sự kiện này giúp hiện thực hoá mong muốn trên của chúng tôi. Đây là một cơ hội để sinh viên được trực tiếp trải nghiệm công nghệ hiện đại đến từ châu Âu, vận hành thiết bị sản xuất thực phẩm, trao đổi với chuyên gia quốc tế, và quan trọng hơn hết, là hiểu rõ vai trò của mình trong chuỗi giá trị ngành thực phẩm và F&B. Từ đó, các em sẽ không chỉ học để biết, mà học để làm – học để đổi mới – học để hội nhập.
Sự kiện Vietnam Italy FoodTech Day 2025 đã khẳng định chủ trương của nhà trường trong việc gắn kết giữa giảng dạy với thực tiễn. Sự kiện cũng kết nối STU cùng các doanh nghiệp, mở ra các cơ hội việc làm cũng như các doanh nghiệp có thể nhìn thấy tiềm năng khi kết nối cùng các dự án của giảng viên – sinh viên tại trường.

____
Từ chia sẻ của ông cho thấy một yếu tố vô cùng quan trọng trong sự thành bại của mô hình “Đại học khởi nghiệp”, đó chính là sự kết nối mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp ngoài trường, đúng không thưa ông?
PGS.TS Cao Hào Thi: Đúng vậy, không chỉ có sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp mà còn cần bên thứ ba là nhà nước. Mối quan hệ “kiềng ba chân” này là một trong những nền tảng cho sự thành công của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp chính là người kiểm soát và người sử dụng kết quả nghiên cứu của các trường đại học. Nên nhà nước cần vào cuộc để có chính sách miễn hay giảm thuế cho các doanh nghiệp khi họ đầu tư vào quỹ R&D – được sử dụng để đặt hàng cho các trường đại học (để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp) hoặc đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của các trường đại học.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khi họ môi trường thực tập cho sinh viên, tất nhiên nhà trường cũng cần có chính sách hỗ trợ cho sinh viên trong hoạt động thực tập này. Mặt khác, các buổi nói chuyện giữa doanh nhân khởi nghiệp thành công với cộng đồng sinh viên cũng cần được diễn ra thường xuyên và thiết thực hơn.
Đối với nhà trường, thì cần các chương trình đào tạo liên ngành (Công nghệ – Mỹ thuật – Kinh tế/Quản trị). Song song với đó cũng cần tổ chức các môi trường mở để sinh viên từ các ngành khác nhau cùng tham gia hoạt động, học tập và nghiên cứu vì đây là nhân tố cho sự thành công của các dự án khởi nghiệp…
____
Với vai trò là người thực hiện chiến lược của một trường đại học, ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa và giá trị thật sự của mô hình “Đại học khởi nghiệp” đối với sinh viên Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Cao Hào Thi: Trường đại học đang được xem thành tố quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo và khỏi nghiệp quốc gia. Nên thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học và cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Và đây cũng xem là một tiêu chí quan trọng trong việc kiểm định các trường đại học.
Mô hình “Đại học khởi nghiệp” là chìa khóa mở ra tương lai cho sinh viên Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế sáng tạo. Đại học hôm nay không chỉ dạy kiến thức hàn lâm, mà phải trở thành nơi ươm mầm tư duy đổi mới, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp và năng lực kiến tạo giá trị mới cho xã hội. Báo cáo của World Economic Forum 2024 chỉ ra rằng 50% tổng số nhân viên cần đào tạo lại năm 2025 khi việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng, trong đó tư duy phản biện và giải quyết vấn đề đứng đầu danh sách các kỹ năng quan trọng trong năm năm tới. Dù đi làm thuê hay tự khởi nghiệp, họ đều cần các kỹ năng chủ động giải quyết vấn đề, không thể chỉ làm việc một cách thụ động. Các hệ sinh thái như Silicon Valley cho thấy khởi nghiệp từ giảng đường là con đường ngắn nhất để tạo nên những nhà lãnh đạo toàn cầu. Vì vậy, “Đại học khởi nghiệp” không chỉ là một xu hướng phát triển giáo dục, mà là một sứ mệnh cấp bách để Việt Nam nắm bắt cơ hội và vươn lên trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
____
Cảm ơn PGS.TS Cao Hào Thi về những chia sẻ hữu ích của ông hôm nay.