Khi con kiến không làm gì cả!
Trong Ngụ ngôn của La Fontaine, sinh ra đời để làm việc, con kiến mẫu mực chẳng bao giờ biết từ chối công việc. Lầm to rồi đấy! Có những con kiến không làm gì cả. Thực sự làm biếng, nó không tham gia công tác nào cả và suốt ngày không hề “động chạm đến móng tay” mà không ai làm gì được chúng.
Tệ hơn nữa, số kiến này lại rất đông! Nhà côn trùng học Charles Sutherland Elton, trong quyển Animal Ecology xuất bản năm 1927, nhận xét: “Phần lớn sinh vật sử dụng đa số thời gian của mình để không làm gì cả, hay ít nhất cũng chẳng có gì đặc biệt. Bọn côn trùng xã hội như kiến, ong, mối… cũng không là ngoại lệ.
Tất cả các nhà côn trùng học từng quan sát một một xã hội của chúng cũng xác nhận: một số con chẳng có việc gì để làm cả. Nếu những con làm việc cật lực có lúc nghỉ ngơi chẳng có gì đáng kinh ngạc thì bọn này làm cho họ bối rối tột cùng như quả quyết của giáo sư Daniel Charbonneau thuộc Đại học Arizona, tại Tucson, Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu của mình, công bố vào năm 2015, ông đã theo dõi đúng 225 con kiến loài Temnothorax rugatulus được đánh đấu bằng màu sắc khác nhau. Sau khi quan sát suốt 3 tuần lễ, ông đi đến kết luận: có 103 con (chiếm gần ½) chẳng làm gì cả suốt cả ngày! Chúng bất động, râu cụp xuống.
Trong số những con làm việc ít hay nhiều, mỗi con đều được phân công rõ ràng: chăm sóc ấu trùng, thợ xây, tuần tra, dọn dẹp. Suốt 3 tuần lễ quan sát, vẫn còn nguyên những con không làm gì cả. Không phải nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc nhọc nhằn, có vẻ như “nhiệm vụ” của chúng là không làm gì cả. Thực sự là “chuyên gia lười”!
Quan sát thật kỹ, cũng có lý: không làm gì cả bởi vì những con khác đã làm việc thay cho chúng. Côn trùng xã hội có đặc điểm độc đáo là tinh thần cộng tác. Và sự phân công khiến cho chúng thành công qua suốt nhiều ngàn năm. Trái lại, một con đơn độc hay ở trong nhóm mà không chịu cộng tác không thể sống an bình lâu dài được. Hoặc phải vận động tối thiểu để săn mồi hay tự vệ hoặc là chết.
Nhưng câu hỏi vẫn còn nguyên: tại sao những con vật làm việc cật lực lại để yên cho bọn làm biếng sống sót? Các nhà nghiên cứu cố tìm câu trả lời. Giả thuyết phổ biến nhất là bọn kiến lười là kho “nhân lực” dự trữ, dành cho những lúc khốn khó. Một ý tưởng hấp dẫn bởi vì dựa vào bọn thất nghiệp này ít tốn kém hơn sinh ra những con mới. Nhưng Daniel Charbonneau cảnh báo: “Mọi nghiên cứu nhằm xác minh giả thuyết này đều thất bại. Nó chứng minh khi nhu cầu công việc gia tăng, những con đang làm việc sẽ vẫn phải gia tăng công việc lên để bù đắp. Còn bọn không làm gì cả vẫn không làm gì!”
Tất cả mọi nghiên cứu, ngoại trừ một. Do Eisuke Hasegawa, thuộc Đại học Hokkaido của Nhật Bản, chủ trì đã chứng minh: khi lấy hết kiến thợ loại Mymica kotokui đi, những con không làm gì cả buộc phải làm việc! Nhưng có phải đây là tình huống thường xuyên xảy ra trong thiên nhiên để phải dự trữ loại kiến này? Daniel Charbonneau cảm thấy không thuyết phục lắm với kết luận đó.
Một giải thích khác dựa vào xung đột quyền lợi chung và quyền lợi riêng trong mọi xã hội. Hệ thống luật pháp của loài kiến không hoàn hảo, và vẫn còn kẽ hở cho lợi ích nhóm. Chúng không làm gì cả để tích trữ năng lượng dành riêng cho cá nhân mình, chẳng hạn là đẻ con.
- Xem thêm: Đạo quân âm thầm làm vệ sinh đường phố
Bởi vì trong cơ thể chúng có tế bào trứng già, trong khi bọn kiến thợ không có. Nên nhớ: trong thế giới loài kiến, chỉ có kiến chúa mới đẻ được, số còn lại là để phục vụ cho nó. Có gì bình thường hơn chuyện lừa đảo trong thế giới này? Trong tiến hóa, mỗi khi một hệ thống trở nên phức tạp hơn (đi từ đơn bào sang đa bào, rồi đến thông tin liên lạc giữa các tế bào) luôn luôn có lừa đảo. Chẳng hạn, trong cơ thể con người, các tế bào ung thư không phải là một cơ phận, nhưng vẫn phát triển, bất chấp quyền lợi chung.
Lực lượng dự trữ, hay bọn người ích kỷ, những con kiến lười có thể là rất trẻ, non nớt, hay già cỗi, bất lực. Giả thuyết đang được xác minh. Cũng có thể chúng tích trữ thức ăn trong bụng để ói ra, nuôi sống bọn kiến thợ lúc kiệt sức. Bởi con kiến lười nào cũng có cái bụng to! Từ cá nhân này sang cá nhân khác, loài này sang loài khác, lý do để làm biếng có thể thay đổi. Nếu huyền thoại con kiến siêng năng đã được mọi người biết đến, bí ẩn của con kiến lười vẫn còn nguyên (có lẽ chỉ do quan sát mà không hiểu được ngôn ngữ của chúng. Nếu hiểu được ngôn ngữ, chắc chắn các nhà khoa học sẽ biết bọn này là mật báo viên cho kiến chúa. Đó chính là bộ máy trấn áp nội bộ trong thế giới loài kiến).
1kg nặng bao nhiêu?
Kilogramme tương đương với khối lượng của cục mẫu kilogramme quốc tế. Dĩ nhiên đó là định nghĩa chính thức của đơn vị khối lượng cho đến tháng 11.2018! Quả vậy, kilo là đơn vị cuối cùng được định nghĩa không phải bằng bản chất của vật chất hay hằng số cơ bản trong vật lý, nhưng bằng cách so sánh với một vật: hình trụ nhỏ, bằng hợp kim platine và iridium ra đời năm 1889, được cất giữ cẩn mật bên dưới mấy cái chuông thủy tinh ở Sèvres, tại Văn phòng Trọng lượng & Đo đạc quốc tế (BIPM) của Pháp.
Nhưng từ ngày 16.11.2018, tất cả đã thay đổi. Tại Hội nghị Trọng lượng & Đo đạc Quốc tế lần thứ 26, đại diện của hơn 100 quốc gia đã thay đổi định nghĩa về kilogramme để được phổ quát hơn. Bằng cách nào? Căn cứ vào cơ học lượng tử bởi vì đó là hằng số của Planck, từ nay xác định ra kilo. Bạn hãy yên tâm, một kilo trái cây vẫn là 1 kg.
Nhưng từ nay nó tương đương với 1,4521475 x 1040 lần khối lượng tương đương với năng lượng sóng của hạt photon phát ra từ nguyên tử cesium 133, di chuyển trong chân không! Đây là cái mà cây cân có tên KIBBLE có thể chuyển đổi được. Như vậy, từ nay kilo dựa vào đặc tính tinh tế nhất của vật chất, qua một học thuyết cơ bản nhất. Được lợi ích gì? Đo đạc không phải lệ thuộc vào vật mẫu cố định và tất cả các nhà vật lý học trên khắp hành tinh đều có thể tạo ra được!
Truy tìm vương quốc của nữ hoàng Saba
Bí ẩn không có gì mới, tên của nữ hoàng Saba đã xuất hiện từ hàng ngàn năm qua trong truyền thống văn học Hồi giáo, Do Thái giáo và dân tộc Ethiopia. Nhưng từ 150 năm qua, vấn đề của vương quốc này lại xuất hiện đầy hấp dẫn trong thế giới khảo cổ bởi vì nữ hoàng Saba dù có hay không, một số văn bản cổ vẫn mô tả vị trí địa dư chính xác của nó.
Ngày nay các nhà khảo cổ đều thống nhất đặt thủ đô của vương quốc này tại Yemen, và có người còn tin nó trải dài đến Ả Rập và tận Ethiopia nữa. Trong Kinh thánh của Do Thái, từ Sheba – mà người Pháp gọi là Saba – xuất hiện không dưới 23 lần. Trong đó mô tả một quốc gia buôn bán trầm hương, đá quý và vàng. Họ buôn bán chủ yếu với Tyr một hải cảng cổ của xứ Liban hiện nay.
Truy tìm dấu vết của vương quốc Saba, nhà Đông phương học người Pháp Joseph Halévy thám hiểm Yemen, khi đó là thuộc địa của Đế chế Ottoman vào năm 1869, dưới sự hướng dẫn của quyển Kinh thánh. Sau một chuyến đi dài trong sa mạc, ông đến được ốc đảo Marib, cách thủ đô Saana hiện nay của Yemen 170 km. Ở đó ông tìm thấy một thành phố cổ bị chôn vùi trong cát. Được thổ dân Bédouines trợ giúp, ông thu lượm được hàng trăm văn bản nói đến tên Saba. Một phát hiện đầu tiên hứa hẹn nhiều khám phá khác nữa.
Chẳng hạn năm 1871, nhà thám hiểm người Đức Karl Mauch phát hiện một bức tường khổng lồ tại Đại Zimbabwe khiến ông tin mình đã tìm thấy thủ đô của vương quốc Saba! Nhưng các nghiên cứu khoa học đã nhanh chóng xác nhận đó là đống đổ nát của một thành phố thời Trung cổ.
- Xem thêm: Những phố cảng khó quên ở Yemen
Rồi chính vua Ethiopia, năm 1896, đã quả quyết, dựa vào niềm tin của một huyền thoại thời Trung cổ, mình là con cháu hậu duệ của vua Salomon và nữ hoàng Saba. Phần Joseph Halévy lại quả quyết ốc đảo Marib chính là thủ đô vương quốc cổ. Nhưng tại Yemen các nhà khoa học lại ở vào điểm chết. Cuộc xung đột giữa Đế chế Ottoman và Anh đang bảo hộ Aden, đã cấm mọi đào bới khảo cổ. Chỉ đến sau Thế chiến thứ hai, năm 1951, một phái đoàn Mỹ lại đến Marib. Họ khám phá ra ngôi đền lớn Awwam và vòng thành hình bầu dục, cách thành phố cổ 3 km. Nhưng họ lại phải bỏ chạy một lần nữa: bị người Bédouine xem đó là kho báu của mình truy đuổi!
Một trung tâm hành hương lớn
Sau cuộc nội chiến Bắc Yemen (1962- 1970) một nhóm thuộc Viện Khảo cổ Đức lại đến. Trong gần 20 năm (1985-2004), họ tiếp tục đào bới ngôi đền lớn Awwam và cố tái lập niên biểu thành phố. Những cuộc đào bới khác do người Pháp tiến hành đã làm sáng tỏ dần phong tục của vương quốc Saba. Chẳng hạn một số dấu vết chứng tỏ nông dân đã biết dùng thủy triều sau những trận gió mùa để dẫn nước vào cánh đồng, ngay từ thiên niên kỷ 3 TCN.
Lịch sử rõ ràng hơn từ thế kỷ 7 TCN, thời của những văn bản cổ nhất được Halévy tìm thấy ở Marib. Thành phố lớn nhất trong vùng và là một trung tâm hành hương quan trọng. Củng cố cho ý tưởng của các nhà khảo cổ, xem nó là thủ đô của vương quốc Saba. Ngoại trừ một phát hiện mới ở phía bên kia Biển Đỏ tại Ethiopia.
Quả vậy, từ năm 1998, các nhà khảo cổ người Pháp, rồi Đức chú ý đến đống đổ nát của một ngôi đền bằng gạch và gỗ, tìm thấy tại Yeha, phía Tây Ethiopia. Kiểu dáng giổng hệt như ở miền Nam Ả Rập, tức Marib. Kỳ quái! Nhưng tiếp theo sau đó còn ly kỳ hơn. Năm 2008, một nhóm khảo cổ của Đại học Hambourg (Đức) quả quyết không chứng cớ, đã tìm thấy ngôi đền của Nữ hoàng Saba gần Yeha. Bị cộng đồng khoa học tố cáo, ông giám đốc nhóm khảo cổ phải từ chức !
Cuối cùng, ngày nay Marib được phần lớn các chuyên gia công nhận là kinh đô của vương quốc Saba. Tuy nhiên, từ năm 2014, tình hình bi đát của đất nước Yemen không cho phép nghiên cứu sâu hơn. Nhiều nhà khảo cổ nghi ngờ Liên Minh Ả Rập với Chính phủ Yemen chống lại quân nổi dậy Houthis chỉ là cái cớ để chiếm đoạt các di sản văn hóa thời kỳ tiền-Hồi giáo. Trong danh sách 100 địa điểm khảo cổ bị cướp bóc và phá hoại, có con đập cổ Marib. Vương quốc của Nữ hoàng Saba còn chưa tiết lộ hết mọi bí ẩn của nó.
Giả thuyết mới về sự ra đời của Big Bang
Đó là một biến cố gây ra nhiều tranh cãi: cú nổ đầu tiên khai sinh ra vũ trụ có thể là do sự thành hình của một lỗ đen tạo ra. Nhưng không phải lỗ đen bình thường. Một lỗ đen do một ngôi sao sụp đổ. Ngôi sao này không nằm trong thế giới 3 chiều của chúng ta mà là 4 chiều (dài-rộng-cao cộng thêm 1 chiều thẳng góc với cả 3!). Như vậy, vũ trụ của chúng ta thành hình từ cú nổ của một thiên thể 4 chiều, nằm trong một siêu vũ trụ khác!
Chính vào năm 2014, một nhóm nhà khoa học do Robert Mann, thuộc Đại học Waterloo, Canada lãnh đạo, lần đầu tiên nói đến giả thuyết này. Họ chứng minh rằng các phương trình mô tả sự giản nở và nguội lạnh của vật chất nóng tại chân trời của một lổ đen 4 chiều – 4D- là giống hệt với cái được mô tả là sự thành hình của vũ trụ sau Big Bang. Từ đó dẫn tới giả định: cả hai hiện tượng này chỉ là một? Nói khác đi: phải chăng Big Bang chỉ là một lỗ đen đang thành hình?
Kịch bản này bắt nguồn từ nguyên lý holographique ra đời trong thập niên 1970. Lúc đó các nhà vật lý học trứ danh như Jacob Bekenstein và Stephen Hawking tại Đại học Cambridge đã chứng minh rằng thông tin bị một lỗ đen nuốt chửng, tỉ lệ với vùng chân trời của nó. Theo chân họ, năm 2.000 nhiều lý thuyết gia nói rằng vũ trụ có thể chỉ là một cái màng 3 chiều, trôi trong siêu vũ trụ 4 chiều. Đó là khởi điểm cho Robert Mann. Theo ông không gian 4D này có thể chứa vô số ngôi sao 4D, cũng có chu kỳ sinh tử giống như trong vũ trụ 3D của chúng ta. Khi nghiên cứu cách thành hình một lỗ đen trong không gian này, ông đi đến chứng minh: làm sao một vũ trụ tương tự như chúng ta có thể xuất hiện dưới dạng một tấm màng 3D ở chân trời của cái lỗ đen này.
Lý thuyết này có nhiều ưu điểm. Trước tiên, nó giải quyết câu hỏi gai góc: cái gì xảy ra lúc Big Bang khi loại bỏ bức màn “bí ẩn” của nó? Hơn nữa, nó cho phép giải thích vì sao hình dáng của vũ trụ chúng ta là hoàn toàn phẳng và không bị uốn cong. Chỉ cần ngôi sao 4D tạo ra nó đủ lớn.
Hơn nữa, điều này giải quyết bí mật đồng nhất của vũ trụ. Chẳng hạn nhiệt độ của vũ trụ giống nhau ở khắp mọi nơi, trong khi những vùng xa xôi không có lý do gì để tiếp xúc từ lúc khởi đầu. Lý thuyết hiện hành nói rằng một giai đoạn giản nở gia tốc kỳ lạ của vũ trụ, chỉ vài phần của giây sau Big Bang. Với lý thuyết mới, vấn đề này biến mất. Đơn giản chỉ vì lúc khởi đầu đã bị đẩy sang quá khứ, vào lúc ngôi sao 4D bị sụp đổ, tạo ra một khối nóng khổng lồ mà chúng ta có thừa thời gian để cân bằng. Hiện nay giả thuyết mới này cần phải xác minh. Nhưng nếu nó được xác minh, người ta sẽ có kịch bản sau đây về lúc khởi thủy của vạn vật: thoạt tiên là một ngôi sao 4D trong siêu vũ trụ. Nó sụp đổ thành một cái lỗ đen. Và vũ trụ ra đời.