Y học tồn tại là để cứu người, nhưng không phải bệnh nào bác sĩ cũng chữa được. Với một số bệnh nhân mắc chứng nan y, tiếp tục sống cũng không phải là điều mà họ muốn. Để giúp họ giải thoát, cần có thuốc hỗ trợ tử vong. Nhưng ngay cả khi đã gạt đi vấn đề đạo đức, cũng vẫn còn đó đủ điều rắc rối, phiền hà khác bao gồm từ rủi ro khó chết đến giá cả quá cao và quá hiếm có, khó tìm.
Vào năm 2016, một nhóm bác sĩ Mỹ, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ tử vong (tức là có hành động nhằm giúp đỡ các bệnh nhân không còn cách nào cứu chữa có thể ra đi một cách thanh thản, không đau đớn), đã buộc phải tổ chức một cuộc họp mặt, thảo luận tại thành phố Seattle vì 2 loại thuốc vốn được sử dụng trong các trường hợp trên đột ngột trở nên quá đắt đỏ và hiếm. Họ hy vọng có thể “sáng tạo” ra vài loại thuốc trợ tử hiệu quả mà giá thành lại phải chăng.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Có điều hỗ trợ tử vong là một hoạt động y tế chưa được hợp pháp hóa khắp nơi. Không giống như các mảng y tế khác, lĩnh vực này gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Y học có vô số cách để cứu người. Các chuyên gia y tế cũng không ngừng nỗ lực để mỗi ngày càng tìm ra nhiều phương pháp chữa trị bệnh tật hơn, chiến thắng cả các chứng bênh nan y. Nhưng giết người, cho dù đó là điều mà bệnh nhân muốn, thì lại khác.
Lùi lại một chút, vào năm 2014, bạn sẽ thấy cuộc tranh luận dữ dội xoay quanh trường hợp của Brittany Maynard, một bệnh nhân nữ 29 tuổi bị ung thư não ác tính. Biết không thể cứu, dù có nỗ lực điều trị thế nào cũng vẫn sớm phải giã biệt cuộc đời, Maynard liền yêu cầu được tự kết liễu cuộc đời. “Tạm biệt tất cả”, cô uống thuốc trợ tử và nhẹ nhàng nằm xuống. Video clip cô từ giã cuộc đời lan truyền chóng mặt. Có người trách cô buông bỏ quá sớm, có người đồng tình. Nhưng điều gây ấn tượng hơn cả là biểu hiện của Maynard trước cái chết. Trông cô rất đỗi bình yên.
Về thực chất, cái gọi là “hỗ trợ tử vong” được pháp luật cho phép cũng mới chỉ bắt đầu từ năm 1997 tại bang Oregon của Mỹ. Theo số liệu thống kê của y tế Oregon thì kể từ khi được phép cho đến nay, cũng chỉ có khoảng 750 trường hợp bệnh nhân quyết định tự kết liễu cuộc sống. Nếu xét trên tổng số ca tử vong của bang, nó chỉ chiếm 0,5%. Đối mặt với cái chết không phải là chuyện dễ. Đối mặt một cách điềm tĩnh như Maynard thì lại càng hiếm, nhất là trong độ tuổi trẻ trung như thế.
Không có tổ chức giám sát
Tất nhiên, không phải bất cứ bệnh nhân nào đòi chết cũng lập tức được các bác sĩ kê cho đơn thuốc gây tử vong. Để được trợ tử, họ phải được chẩn đoán là bệnh tình đã vào giai đoạn cuối, không thể sống quá 6 tháng. Đối với trường hợp bệnh nhân không được tỉnh táo, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thì còn phải có 2 nhân chứng. Sau khi lên tiếng, người bệnh cũng cần viết đơn yêu cầu. Sau đó tiếp tục chờ thêm 15 ngày nữa mới được xét duyệt.
Chỉ có một số rất nhỏ các bệnh nhân không còn hy vọng cứu chữa yêu cầu được chết. Trong số họ, cũng có tới hơn 1/3 ra quyết định tuyệt vọng như vậy là vì sợ sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Thế nên trước khi xét duyệt đơn xin trợ tử, các bác sĩ thường cố gắng an ủi, khuyến khích bệnh nhân giãi bày tâm sự. Họ cũng sắp xếp các buổi tư vấn, điều trị trầm cảm đối với các trường hợp tinh thần bấn loạn để bệnh nhân có thể bình tâm, từ đó suy xét thêm. Chỉ khi người bệnh một mực không rút lại nguyện vọng, bác sĩ phụ trách mới chuẩn bị thuốc trợ tử.
Tính đến nay thì ngoài Oregon, ở Mỹ còn có 6 bang nữa đã hợp pháp hóa vấn đề hỗ trợ tử vong, trong đó có Washington và Hawaii. Tuy nhiên, ở cả 7 bang này đều không có bất cứ hiệp hội giám sát hoạt động trợ tử nào. Tổ chức chính quyền tại các bang cũng chỉ đồng ý cho phép bác sĩ trợ tử, chứ không hề đặt ra phương thức hay đề ra phương thuốc cụ thể nào.
Rõ ràng là để có thể ra đi một cách dễ chịu, không đau đớn, bệnh nhân cần có thuốc hỗ trợ tử vong, và để có thuốc hỗ trợ tử vong, các chuyên gia trợ tử phải thông qua nghiêm cứu, thử nghiệm, mà để tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, họ cần phải có hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng trên thực tế, bạn không thể tìm ra tài liệu y học nào hướng dẫn cách giết người. Thuốc men dùng để giết người tất nhiên lại càng không có. Thành thử các bác sĩ trợ tử phải tự mày mò. Từ việc nên chọn những loại thuốc nào đến kê toa theo liều lượng ra làm sao, họ cũng đều tự “sáng tạo” cả.
Có thể phải mất hàng giờ
Xin đừng lầm lẫn rằng uống thuốc trợ tử xong cái là chết luôn! Dù mục đích của “trợ tử” là giúp bệnh nhân được chết, nhưng bệnh viện không được phép sử đụng độc dược. Các bác sĩ sẽ phải “biến tấu” ra thuốc hỗ trợ tử vong từ chính các loại thuốc mà họ dùng để chữa trị bệnh tật.
Thường thì chỉ những bệnh nhân “sống không bằng chết” mới yêu cầu được chết, nhưng tử thần do bác sĩ trợ tử gọi đến lại thư thả lắm. Nhiều bệnh nhân đã sốc đến ngơ cả người khi biết rằng dù uống thuốc trợ tử rồi, họ vẫn phải chờ đến cả tiếng hoặc lâu hơn nữa thì mới nhắm mắt xuôi tay được. Hoàn hồn rồi, đôi người còn lý sự, thú cưng của họ chỉ mất có 10 phút sau khi được bác sĩ thú y tiêm thuốc hỗ trợ tử vong là qua đời.
- Xem thêm: “Lỡ tay” y tế kinh hoàng nhất
Nhưng so sánh như thế là khập khiễng. Bác sĩ thú y được phép dùng kim tiêm, tiêm thẳng thuốc trợ tử vào mạch máu của động vật, còn bác sĩ cứu người thì không. Trước đây tại Washington, luật hỗ trợ tử vong từng đề xuất cho phép bác sĩ tiêm thuốc trợ tử, để rút ngắn thời gian tử vong cho bệnh nhân. Song dự luật này đã bị từ chối vì lo ngại xảy ra trường hợp người bệnh bị thân nhân ép buộc. Thế nên bệnh nhân chỉ được phép tự ăn hoặc uống thuốc hỗ trợ tử vong. Thời gian tác dụng vì thế cũng lâu la hơn.
Thiếu tiền là… khó chết lắm!
Trong suốt nhiều năm, 2 dược phẩm gốc Barbiturat (một loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, có thể gây tử vong nếu sử dụng liều cao) là Pentobarbital và Secobarbital thường xuyên được sử dụng làm thuốc trợ tử. Chúng vừa không gây đau đớn lại tác dụng nhanh, giá cả cũng tương đối phải chăng, chỉ từ 200-350 USD (khoảng 4,6-7 triệu VNĐ). Nhưng kể từ năm 2015, sau khi được Công ty Dược phẩm Valete mua quyền độc quyền sản xuất, 2 loại thuốc này bất ngờ đắt gấp 2, rồi gấp 3, 4 lần. Còn đến nay thì đã gấp hơn 10 lần, chí ít cũng rơi vào tầm 3.500 USD/liều (khoảng 81 triệu VNĐ).
Nhằm giúp các bệnh nhân nghèo không đủ tiền để… chết, các bác sĩ đã cố gắng tìm ra phương thuốc khác. Ở Washington, người ta từng thử một loại thuốc an thần mạnh là Hydrat chloral. Nó giúp bệnh nhân lịm dần rồi an giấc ngàn thu. Nhưng khổ một nỗi là đôi khi liều trợ tử này lại không khiến người bệnh ngất đi mà ngược lại. Nó đốt cháy cổ họng, gây đau đớn khủng khiếp trước khi thật sự lấy mạng họ.
Trong cuộc hội thảo vào năm 2016 ở Seattle, các bác sĩ đã đem 3 toa thuốc trợ tử ra bàn. Loại thứ nhất là thuốc chống sốt rét. Nếu sử dụng ở liều lượng lớn, chúng có thể dẫn đến tử vong. Song lại có rủi ro là có thể gây co thắt cơ nghiêm trọng. Loại thứ 2, hỗn hợp Opioid+Fentanyl, thì dính dáng đến ma túy, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của bệnh viện. Chỉ có loại thứ 3, tổng hợp Morphine+Diazepam+Propranolol, gọi tắt là DMP là có vẻ ổn hơn cả.
Thuốc rẻ thì dễ… sống dai
Sau khi quyết định dùng DMP, họ đã có 10 bệnh nhân đồng ý thử nghiệm. 2 trường hợp đầu, cái chết đã đến và đưa người bệnh đi một cách êm ái. Nhưng đến trường hợp thứ 3, một bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã 81 tuổi, phải mất đến tận 18 giờ. Bình thường, sau khi dùng thuốc trợ tử khoảng 5-10 phút là bệnh nhân sẽ mất ý thức.
Thêm khoảng 15-20 phút nữa, họ sẽ qua đời. Nhóm Seattle lại phải họp khẩn cấp. Sau khi bàn bạc, các chuyên gia trợ tử quyết định cộng thêm Digoxin, một loại thuốc điều trị bệnh tim, biến DMP thành DDMP. Nhưng bệnh nhân kế tiếp lại mất đến 6 tiếng mới chết. Họ buộc phải tăng liều lượng trong hỗn hợp trợ tử DDMP lên, đặt tên là DDMP2.
Kể từ lúc này, nó được dùng như phương thuốc thay thế Pentobarbital và Secobarbital. Thực tế, DDMP2 cũng hoạt động rất hiệu quả. Chỉ có điều, đôi khi vẫn có trường hợp phải chờ cả vài tiếng mới qua đời. Chưa hết, DDMP2 còn cực kỳ đắng đót, không dễ gì mà nuốt trôi xuống dạ dày.
Cái khó của nghiên cứu, sáng chế thuốc trợ tử là ngoài thiếu phương pháp và dữ liệu ra, nó còn không thể được thử nghiệm lâm sàng. Vì không có cơ sở để đảm bảo nên các bác sĩ thường trao đổi trực tiếp với bệnh nhân xin được trợ tử. Nếu người bệnh đã hiểu rõ vấn đề rồi mà vẫn muốn dùng thì chính họ cũng biến trở thành đối tượng thử nghiệm luôn. Thông qua các bệnh nhân này, các chuyên gia trợ tử ghi chép quan sát, lưu lại dữ liệu, kết quả. Thành thật mà nói cách thực nghiệm này quá khắc nghiệt. Cho dù là đối với người bệnh đã không còn muốn níu giữ sự sống hay với bác sĩ đang cần kết quả thực tế để rút ra kinh nghiệm cũng đều rất khó khăn.
Trên tất cả, y học vẫn từ chối mảng trợ tử. Thế nên cho dù có phát hiện được toa thuốc hiệu quả, các bác sĩ tự nguyện dấn thân vào lĩnh vực này cũng không thể đem nó ra công khai và phổ biến.