Trong nhiều năm, nhận thức gây mê đã bị che giấu trong bí ẩn. Mặc dù những trải nghiệm khắc nghiệt như Donna Penner rất hiếm, nhưng hiện tại có bằng chứng cho thấy khoảng 5% số bệnh nhân có thể thức dậy trên bàn mổ – và có thể nhiều hơn nữa.
Trong một số tình huống, bạn có thể nâng hoặc hạ chân tay hoặc thậm chí lên tiếng nói để cho thấy thuốc mê không hoạt động trước khi bác sĩ phẫu thuật bắt đầu sử dụng dao mổ. Kết quả không may là một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể tỉnh táo trong một phần hoặc toàn bộ cuộc phẫu thuật mà không có khả năng báo hiệu sự đau đớn tột cùng của họ.
Trải nghiệm khủng khiếp
Những ký ức đau thương về một ca phẫu thuật từ hơn 10 năm trước không bao giờ phai nhòa trong tâm trí Donna Penner, một phụ nữ 55 tuổi sống ở Altona (Manitoba, Canada). Penner bị chảy máu và đau dữ dội trong kỳ kinh nguyệt, và bác sĩ gia đình đề nghị điều tra nguyên nhân bằng phẫu thuật thăm dò. Nhưng vì những lý do không rõ ràng, thuốc gây mê nói chung đã không hiệu quả. Penner tỉnh dậy ngay trước khi bác sĩ thực hiện vết cắt đầu tiên trên bụng.
Cơ thể Penner vẫn bị tê liệt bởi thuốc gây mê nên không thể ra dấu báo hiệu có gì đó không ổn. Penner bất lực trên bàn mổ, trong nỗi đau đớn khôn tả trong khi bác sĩ thăm dò cơ thể. Chấn thương kéo dài khiến Penner gặp phải 2 hoặc 3 cơn ác mộng mỗi đêm. Penner nói về trải nghiệm của chính mình với phóng viên báo chí qua điện thoại từ nhà cô ở Canada.
Penner cảm thấy lo lắng về ca phẫu thuật mặc dù đã được gây mê và không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Penner được đưa vào phòng mổ, nằm lên bàn và nhận được liều thuốc mê đầu tiên. Rồi Penner sớm ngủ thiếp đi. Khi bất chợt tỉnh dậy, Penner có thể nghe thấy các y tá nói chuyên, cảm thấy có ai đó đang cọ vào bụng mình – nhưng cô cho rằng ca phẫu thuật đã kết thúc và họ chỉ đang dọn dẹp.
Nhưng đến khi nghe thấy bác sĩ phẫu thuật hỏi y tá về một con dao mổ thì sự thật bất ngờ chợt hiện ra với Penner: ca phẫu thuật thậm chí chỉ mới… bắt đầu! Tiếp theo, Penner cảm nhận được lưỡi dao đâm vào bụng và vết rạch đầu tiên gây đau đớn tột cùng.
- Xem thêm: “Lỡ tay” y tế kinh hoàng nhất
Penner cố gắng ngồi dậy để lên tiếng nói nhưng một chất chặn thần kinh cơ làm cho cơ thể bị tê liệt. Penner nhớ lại cảm giác kinh hoàng: “Tôi cảm thấy rất bất lực. Không thể làm gì được. Tôi không thể di chuyển, không thể hét lên, không thể mở mắt ra. Tôi cố khóc chỉ để nước mắt lăn dài trên má, nghĩ rằng họ sẽ chú ý điều đó và nhận thấy có chuyện gì đó không ổn đang xảy ra nhưng không thể. Sự thất vọng là vô cùng lớn. Cảm giác như có ai đó đang ngồi trên tôi và giữ tôi xuống và tôi hoàn toàn không thể làm gì được”.
Cuối cùng, Penner cố gắng tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào một chân để cử động, cố gắng ngọ nguậy một chút – và cảm thấy nhẹ nhõm đáng kinh ngạc khi một trong những y tá đặt tay lên nó. Tuy nhiên, trước khi cô có thể di chuyển chân một lần nữa, y tá đã buông tay. Cô đã thử tổng cộng 3 lần, tất cả đều có kết quả như nhau. Sự đau khổ của Penner đúng ra phải nhẹ đi sau khi bác sĩ kết thúc ca phẫu thuật. Khi chất ức chế thần kinh cơ bắt đầu tan, Penner bắt đầu di chuyển chiếc lưỡi nhằm báo hiệu cho y tá biết rằng cô đã tỉnh.
Thật không may, họ đã không nhận ra nỗ lực giao tiếp của Penner và bắt đầu rút ống hỗ trợ thở sớm khỏi cổ trước khi hai lá phổi có thể tự hoạt động. Penner kể: “Sự hỗ trợ cuộc sống của tôi, oxy của tôi bị tước mất. Tôi không thể hít thở được. Tôi cho rằng mình sẽ chết”. Lúc này, phòng phẫu thuật bắt đầu trở nên xa cách hơn và Penner cảm thấy đầu óc thoát ra trong một trải nghiệm ngoài cơ thể.
Penner cảm thấy sự hiện diện của Chúa. Chỉ sau khi các nhân viên phục hồi nguồn cung cấp oxy, Penner lại trôi trở ngược vào phòng mổ. Penner trỗi dậy và khóc. Nỗi đau đớn tột cùng, nỗi sợ hãi, cảm giác bất lực tuyệt đối – tất cả cảm giác khủng khiếp vẫn còn đọng lại cho đến ngày nay.
Những cuộc điều tra
Nhiều dự án trên khắp thế giới cố gắng ghi lại những trải nghiệm kinh hoàng như Penner. Cơ quan về Nhận thức gây mê (AAR) của Đại học Washington (Seattle, Mỹ) thu thập được hơn 340 báo cáo trong đó hầu hết từ Bắc Mỹ. Và mặc dù các báo cáo này là bí mật song một số chi tiết đã được công bố gây chấn động dư luận. Gần như tất cả các bệnh nhân cho biết họ nghe thấy giọng nói hoặc âm thanh khác sau khi được gây mê. Tuy nhiên, bệnh nhân thường nhắm mắt trong khi phẫu thuật nên trải nghiệm thị giác có xu hướng ít phổ biến hơn.
Một bệnh nhân tiết lộ với AAR: “Tôi nghe thấy nhiều tiếng nói xung quanh mình”. Phần đông các bệnh nhân – hơn 70% – báo cáo về nỗi đau. Một bệnh nhân kể: “Tôi cảm nhận được cảm giác đau nhói và nóng bỏng của 4 vết mổ, giống như một con dao sắc bén đang cắt một ngón tay. Sau đó là sự đau đớn. Đau đớn không chịu nổi”. Một bệnh nhân báo cáo về ca phẫu thuật xương đùi: “Tôi nghe thấy tiếng khoan, cảm thấy đau và cảm thấy rung động đến tận hông. Phần tiếp theo là chuyển động của chân tôi và tiếng đập của móng tay. Sự đau đớn là không giống như bất cứ điều gì có thể diễn tả”.
Tuy nhiên, tác dụng làm tê liệt các thuốc chẹn cơ khiến cho nhiều bệnh nhân cảm thấy đau khổ nhất. Đối với một số người, nó tạo ra cảm giác không thở được – điều được mô tả là quá kinh khủng để có thể chịu đựng. Sau đó là sự bất lực. Sự hoảng loạn này càng tồi tệ hơn khi kết hợp với sự thiếu hiểu biết về lý do tại sao vẫn tỉnh táo nhưng không thể cử động cơ thể. Christopher Kent, giáo sư Đại học Washington nhận định nhiều bệnh nhân sợ rằng họ sắp chết. Đây chính là điều tồi tệ nhất trong những trải nghiệm gây mê.
Mức độ nhận thức gây mê xảy ra khác nhau tùy thuộc vào các phương pháp được sử dụng, nhưng những người dựa vào báo cáo bệnh nhân có xu hướng cho rằng điều đó thực sự rất hiếm. Một trong những cuộc điều tra lớn nhất và kỹ lưỡng nhất là Dự án Kiểm toán Quốc gia (NAP) thứ 5 được tiến hành bởi các hiệp hội bác sĩ gây mê Anh và Irland, trong đó mọi bệnh viện công cộng phải báo cáo bất kỳ sự cố nào liên quan đến nhận thức gây mê nào trong một năm.
Kết quả, được công bố vào năm 2014, cho thấy tỷ lệ tai nạn chỉ là 1/19.000 bệnh nhân được gây mê. Con số này cao hơn – khoảng 1 trên 8.000 – nếu việc gây mê bao gồm loại thuốc làm tê liệt ngăn bệnh nhân báo cho bác sĩ gây mê biết rằng có vấn đề không ổn trước khi quá muộn. Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, bệnh nhân có nhiều khả năng tử vong trong khi phẫu thuật hơn là nhận thức được trong quá trình này. Điều đó cho thấy đây là một rủi ro rất hiếm xảy ra.
Một điều đáng nói là NAP dựa vào chính bệnh nhân báo cáo trực tiếp với bệnh viện – nhưng nhiều người có thể cảm thấy không thể hoặc không muốn gợi lại ký ức kinh hoàng, và thay vào đó, chỉ muốn đặt trải nghiệm xấu đằng sau họ. Ngoài ra còn có tác dụng mất trí nhớ của thuốc. Các loại thuốc gây mê phá vỡ khả năng mã hóa bộ nhớ bệnh nhân. Điều này có nghĩa là nhiều bệnh nhân có thể nhận thức được trong suốt quá trình phẫu thuật, nhưng họ chỉ đơn giản là không thể ghi nhớ mọi chuyện sau đó.
Để điều tra hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đang sử dụng cái mà họ gọi là kỹ thuật cẳng tay bị cô lập. Trong quá trình gây mê, nhân viên đặt một vòng bít quanh cánh tay trên của bệnh nhân nhằm làm chậm sự di chuyển của tác nhân thần kinh cơ qua cánh tay. Điều này có nghĩa là, trong một thời gian ngắn, bệnh nhân vẫn có thể động đậy bàn tay của họ. Từ đó, một thành viên của đội ngũ y tá có thể yêu cầu bệnh nhân siết chặt tay để trả lời 2 câu hỏi: liệu có còn nhận thức được không, và nếu vậy, liệu có cảm thấy đau không.
Trong nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này cho đến nay, giáo sư Robert Sanders Đại học Wisconsin-Madison gần đây đã hợp tác với các đồng nghiệp tại 6 bệnh viện ở Mỹ, châu Âu và New Zealand. Trong số 260 bệnh nhân được nghiên cứu, 4,6% trả lời câu hỏi đầu tiên về nhận thức. Con số này lớn hơn hàng trăm lần so với tỷ lệ các sự cố nhận thức gây mê được ghi nhận trong NAP. Và khoảng 4/10 bệnh nhân đã phản ứng với việc siết chặt tay.
Thậm chí, bệnh nhân cũng báo cáo cảm thấy đau đớn trong câu hỏi thứ 2 của thí nghiệm. Những kết quả này nêu lên một số vấn đề về mặt đạo đức. Giáo sư Robert Sanders cho biết trải nghiệm nhận thức gây mê dẫn đến việc bệnh nhân phát triển PTSD (hội chứng rối loạn stress sau chấn thương) về sau hoặc các vấn đề tâm lý nặng nề khác giống như Donna Penner. Và nếu không có những hậu quả lâu dài đó, người ta có thể kết luận rằng nhận thức nhất thời trong khi phẫu thuật chỉ là sự việc không may và… không đáng lo ngại!