Flannery O’Connor (1925 – 1964) có một đời sống ngắn ngủi và một vinh quang lâu dài. Cho đến nay bà vẫn được xem là một trong những tác gia vĩ đại nhất của văn học Mỹ, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn.
Nếu phải lập một danh sách những truyện ngắn xuất sắc nhất mọi thời đại của văn học Mỹ, nhiều người có lẽ không xếp A good man is hard to find của O’Connor đứng nhất, nhưng chắc chắn không để nó trượt khỏi danh sách.
A good man is hard to find chính là tác phẩm khẳng định chỗ đứng vững chắc của bà trên văn đàn. Bản thân Flannery O’Connor cũng ý thức được tầm quan trọng của truyện ngắn này, nên đã lấy tên truyện làm tên chung cho tuyển tập xuất bản năm 1955.
Năm đó, bà mới vừa bước sang tuổi ba mươi. Hơn 60 năm sau, lần đầu tập truyện này được xuất bản trọn vẹn ở Việt Nam với tên gọi Khó mà tìm được một người tốt (Nguyễn Nguyên Phước dịch, Phanbook và NXB Hội Nhà Văn).
O’Connor chuẩn bị tâm lý cho độc giả của mình bằng một cú tát. Truyện ngắn Khó mà tìm được một người tốtngay từ lúc bắt đầu đã mang một điềm xấu, càng về cuối, điềm xấu ấy càng lớn dần, nuốt chửng tất cả nhân vật vào cái miệng rộng hoác của định mệnh. Đó là lúc thế giới đột ngột đảo chiều và con người bị lập úp xuống mặt đất, đau đớn và bẽ bàng.
Thế giới mà bà dựng lên lúc nào cũng chao đảo như con đường mà những nhân vật lập dị của bà bước đi, còn phía sau bà là cái truyền thống văn học Gothic miền Nam nước Mỹ. Cái xứ miền Nam với dòng sông huyền thoại của Mark Twain, nơi mà William Faulkner đã dựng lên địa danh huyền thoại Yoknapatawpha trong xuyên suốt các tác phẩm của ông. Và đến lượt Flannery O’Connor, xứ ấy vẫn không mất đi tất cả sự kỳ dị của nó, cứ như thể thánh thần đã bỏ rơi và con người tồn tại vừa hoang dại vừa văn minh trong cái man khai của thiên nhiên và định mệnh.
Cũng như tên gọi của tập truyện, khó có thể tìm thấy một “người tốt” trong các tác phẩm của O’Connor, nếu họ không bị khuyết tật về cơ thể thì họ cũng khuyết tật về tâm hồn, hoặc cả hai. Trong các truyện của bà, nhân vật được tạo ra trong một phút sai lầm của Thiên Chúa, thiếu vắng sự hoàn hảo và tuyệt nhiên không phải là những “người tốt”, nhưng độc giả cũng khó có thể gọi họ là “người xấu”. Tính chất lưỡng phân này đẩy họ vào những trạng huống kỳ cục, đầy kịch tính với những cú rẽ ngoặt bất ngờ. C
ái thế giới của bà là nơi chốn của nỗi bất lực, nơi không có nỗi một tia hy vọng mà rặt những con người hợm hĩnh, bị giam cầm trong những toan tính nhỏ nhen cố lèn chặt tất cả vào cuộc đời bé mọn của mình. Nhưng tuyệt nhiên, nhà văn không phải là kẻ tôn sùng “mỹ học của cái ác”. Dù cho những nhân vật của bà có lố bịch đến đâu, bất chấp sự thiếu vắng tính thiện trong các tác phẩm của bà, nhưng trên hết, cuộc đời quẩn quanh của những nhân vật ấy vẫn được đặt dưới sự quan sát của Thượng đế. Bản thân bà là một tín đồ Công giáo sùng đạo. Những truyện của bà hướng dần đến một thứ dụ ngôn tôn giáo với các nhân vật gần như nguyên sơ, luôn chịu phán xét trước Thượng đế.
Chủng tộc, tôn giáo, bạo lực… khó hình dung một người phụ nữ đối diện với bệnh tật lại quyết dấn thân vào những chủ đề gai góc như thế. Bà được chẩn đoán mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống vào năm 1952 và dự đoán chỉ sống được tối đa thêm bảy năm (thực tế bà sống thêm được 12 năm).
Trong suốt quãng thời gian đó, bà vẫn lao động hăng say và nhất nhất đặt niềm tin của mình vào tôn giáo. Một tập ghi lời chép cầu nguyện của O’Connor trong thời gian bà theo học Đại học Iowa, được xuất bản năm 2013, bao gồm những lời cầu nguyện và suy ngẫm về đức tin, việc viết lách và mối quan hệ của O’Connor với Chúa, trong đó có đoạn: “Con là một kẻ ngốc tự phụ, nhưng có lẽ điều mơ hồ trong con giữ con là hy vọng”.
Phải, hy vọng. Sau tất cả những gì ta nói về văn chương của Flannery O’Connor. Sự tự phụ, như bà tự nhận hay sự độc ác – như giới phê bình gán cho bà. Thì có gì đó mong manh vẫn neo giữ linh hồn của con người giữa địa ngục và thiên đường, và đó chính là cõi nhân gian, nơi con người vì biết mình chưa hoàn thiện mà phải không ngừng nỗ lực, không ngừng hy vọng.
Vì vậy, đọc văn chương của Flannery O’Connor trong thời điểm hiện nay, cũng giống như đọc lại những dụ ngôn xưa cũ, để soi mình, để biết rằng vì sao cần phải tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng, để có thể bước qua những thời khắc tăm tối nhất.