Mark Twain là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Cá tính của ông là thích mặc comlê trắng, hút xì-gà, để râu mép rậm, mái tóc rối bù… Tuy nhiên, về đời tư của ông, còn có nhiều câu chuyện khác có thể chúng ta vẫn chưa biết.
1. Vì sao Mark Twain thích trẻ em?
Vào những năm về già, Mark Twain cảm thấy mình cô đơn, không còn ai trong gia đình sống trong ngôi nhà của ông. Vợ ông đã qua đời, và người con gái còn lại của ông còn đang đi hát ở châu Âu. Ông đã ở vào tuổi ông ngoại, nhưng lại chẳng có đứa cháu nào. Nói theo ngôn ngữ khôi hài của Mark Twain, ông bắt đầu sưu tập mấy con chó mèo, hiểu theo nghĩa là những bé gái thay thế cho đám cháu của ông.
Mark Twain vẫn hay đi du lịch đến Bermuda. Loài cá nhiệt đới ở đây vẫn thu hút ông nên ông quen gọi những bé gái tuổi từ 10-16 tuổi là “cá thiên thần” (anglefish). Nhóm trẻ con đó có tên chung là “Câu lạc bộ Hồ cá”. Mỗi anglefish có một cái kim gút hình con cá và phải gắn vào để tham gia câu lạc bộ. Tại điền trang ở Connecticut của ông lúc nào cũng có đầy các em gái nhỏ, Mark Twain gọi đó là “Sự thơ ngây ở nhà”. Bộ sưu tập của Mark Twain trở thành đông đảo cho đến khi con gái ông từ châu Âu trở về và yêu cầu chấm dứt.
2. Doanh nhân nhiều tham vọng
Mark Twain là người thích lao vào những mục tiêu có thể làm giàu nhanh chóng và những doanh vụ làm ăn của ông đã thất bại. Trong thời gian đầu, ông đam mê với ý tưởng làm giàu bằng cách khai thác mỏ vàng và bạc ở Nevada. Nhưng ông không thành công. May mắn là về lâu về dài, ông đã gọt dũa kỹ năng viết của mình bằng cách viết bài cho những tờ báo. Chuyện làm ăn bị thất bại buộc ông phải chọn viết lách làm nghề nghiệp.
Khi đã kiếm được tiền nhờ ngòi bút, Mark Twain lại lao vào hàng loạt những vụ kinh doanh. Ông đầu tư vào một cái máy chạm khắc tên là Kaolatype, hy vọng chiếc máy này sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong công nghiệp in. Một nhà doanh ngiệp đã hủy bỏ kế hoạch này, nhưng ông vẫn đầu tư tiền vào mục tiêu mạo hiểm này. Cửa hàng gặp tai nạn cháy rụi trong đêm. Vẫn không nản lòng, ông tổ chức lắp đặt lại thiết bị. Nhưng cửa hàng lại bị cháy lần nữa. Thậm chí sau khi sự việc đã thất bại hoàn toàn, Twain vẫn không bao giờ thôi tin tưởng rằng chiếc máy thực sự có thể hoạt động được.
Người kế tiếp thu hút Mark Twain vào một doanh vụ phiêu lưu khác: đó là James Paige. Twain tin vào chiếc máy “Paige Compositer”, một loại máy sắp chữ tự động. Paige đã bòn rút của ông tổng số tiền tương đương với 4 triệu USD ngày nay trong vòng 14 năm. Cuối cùng, nhà đầu tư và công ty xuất bản của Mark Twain đều bị phá sản. Những món nợ khổng lồ của ông khiến gia đình ông buộc lòng phải chuyển sang châu Âu và Mark Twain phải tiếp tục những buổi thuyết trình trước công chúng được trả tiền để có thể trang trải công nợ.
Sau khi đã trang trải xong tất cả các khoản nợ, ngay lập tức ông lại lao vào những kế hoạch đầu tư 1,5 triệu USD khác chuyên về thiết kế hàng dệt. Lần này thì thành công, nhà đầu tư vào máy dệt đã gặt hái những thành quả lớn với hàng loạt các đợt kinh doanh thắng đậm khác nhau.
3. Thoát chết hàng chục lần
Từ ngày chào đời, Mark Twain vẫn liên tục nhảy múa với thần chết. Lúc mới sinh, mẹ ông đã ngỡ ông sẽ chết lúc sơ sinh. May mắn cho thế giới văn chương, em bé Samuel Clemens vẫn níu bám lấy cuộc sống. Cũng vậy, ông còn nằm liệt giường tới năm lên 4 tuổi và quặt quẹo mãi tới năm lên 7 tuổi.
Sau đó, theo quyển tự thuật của Mark Twain, ông đã suýt chết đuối 9 lần trên sông Mississippi. Tuy không biết bơi, nhưng ông vẫn thích chơi đùa ở gần sông. Ông đã bị té xuống sông hết lần này tới lần khác, và đã được vớt lên nhờ rất nhiều người mà ông không thể nhớ hết được họ. Có lần ông đã suýt chết hồi trẻ vì bệnh dịch sởi tại thành phố quê nhà ông.
Ở tuổi trưởng thành, Mark Twain đã viết rằng ông suýt toan tự vẫn. Trong những lá thư gửi cho bạn bè, ông ghi ngoài lề rằng ông đã từng kê một khẩu súng vào đầu mình. Các học giả nghiên cứu về ông không đồng ý về sự kiện này, theo họ, ông vốn bị chứng trầm cảm nặng trong thời gian đó và từng viết cho em trai ông một lá thư tuyên bố ông định tự tử nếu những sự việc không tiến triển khả quan trong thời gian ba tháng.
Ông đã từng bị ngộ nhận là kẻ trộm đêm và suýt nữa bị bắn hạ. Một người bạn của ông kể chuyện ông có tính thích đi dạo ngoài trời. Một đêm đã khuya sau khi uống rượu say, ông và người bạn rủ nhau đi dạo trên các mái nhà. Một người trông thấy, lấy súng toan bắn họ. May có người tri hô lên, hai người bọn ông mới may mắn còn sống.
4. Mark Twain và Thomas Edison
Mark Twain rất hâm mộ với những công nghệ mới. Câu chuyện có liên quan đến nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison. Ông từng đọc một trong những quyển tiểu thuyết của ông vào máy ghi âm của Edison, tuy nhiên ông không lấy làm chắc về kết quả thành công. Trong khi Edison ca ngợi phát minh của ông ta có thể bắt được âm giọng và nhịp điệu của người nói. Twain nói rằng nó đã làm méo mó giọng nói của ông, biến thành một âm thanh đơn điệu và kinh khủng.
Tuy vậy, Mark Twain cũng đã tiến hành ghi lại tiếng nói của ông cho hậu thế. Điều đáng tiếc là những trục lăn bằng sáp ghi âm đã bị mất. Mặc dù vẫn nghi ngại về chiếc máy, ông đã ghi âm thêm một lần nữa vào năm 1909, nhưng kết quả cũng bị thất lạc vì phòng thí nghiệm của Edison đã bị cháy rụi vào năm 1914.
5. Lối nói chuyện đặc trưng
Trong khi lịch sử vẫn nhớ đến Mark Twain như một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ, lần đầu tiên ông thực sự trở thành nổi tiếng là trong vai trò một nhà thuyết trình về du lịch. Câu chuyện Con ếch nhảy nổi tiếng hạt Calaveras của Mark Twain đã đem lại cho ông một vị trí trong văn học quốc gia, qua quyển sách du lịch hài hước này ông đã bắt đầu tiến xa hơn.
Tuy nhiên phần lớn sự nổi tiếng Twain đã gặt hái được trong thời đại của ông chính là những bài thuyết trình dí dỏm mà ông đã phát triển từ những ý tưởng trong quyển sách của mình. Mark Twain đã đi du lịch khắp đất nước với những bài thuyết trình của ông, mang theo cả những câu chuyện của ông kèm theo lối phát âm đặc trưng tạo được một vị trí tiếng tăm trong nước.
Ông có lối nói chuyện rất lôi cuốn, trong giới các nhà phê bình đã có không ít người thích kẻ chê về kiểu ăn nói này của ông. Ông nói chậm rãi đến mức có người bảo rằng ông phải mất một phút mới nói được ba từ. Những lần ngừng kéo dài cũng là điểm đặc biệt. Bản thân ông cũng thấy ngại ngùng vì lối nói lè nhè này của ông, thậm chí còn bảo rằng đó là một lối nói yếu ớt.
6. Những ảnh hưởng về tâm linh
Mark Twain cho rằng bản thân ông sở hữu những sức mạnh về tâm linh. Ông gọi điều đó theo cách diễn tả riêng của mình là “phép điện báo về tinh thần”. Sự việc này xảy ra sau khi ông gửi đi một số lá thư, nhưng lại nhận được các lá thư với cùng một chủ đề gửi đến cho ông trong cùng một ngày. Ông tuyên bố có sự kết nối tinh thần giữa ông và những người nhận thư của ông. Đôi khi thậm chí Twain tuyên bố ông đã biết nội dung của các lá thư trước khi ông mở chúng ra xem.
Mẹ ông cũng chia sẻ một niềm tin vào sức mạnh tâm linh của con trai bà. Khi còn nhỏ, có hôm ông đã mộng du và cảm thấy bồn chồn bên những cái chăn của em gái ông, cô này sắp qua đời vì bệnh sốt vàng da, và đã mất vào vài ngày sau đó. Ông cũng từng cũng có một linh cảm đáng lo ngại về người em trai tên Henry. Mark Twain kể lại ông đã ngủ mơ thấy em trai ông nằm trong quan tài, kèm theo một bó các bông hồng màu trắng, với một bông hồng đỏ ở chính giữa.
Sau đó, Henry Clemens chết trong một vụ nổ lò hơi trên tàu hơi nước. Khi Mark Twain đến xem thi thể, ông thấy giấc mơ đã phản ảnh đúng đời thật. Henry mặc quần áo của anh trai mình. Ông không thấy bó hoa, nhưng ngay lập tức có một bà cụ đi ngang qua Mark Twain và đặt một bó hoa lên ngực em trai của ông.