Dưới đây là chia sẻ của những người chủ doanh nghiệp về tác động của đại dịch COVID-19 tới sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh nỗi âu lo vẫn có những kỳ vọng khi chủ động tự lực tự tìm lối thoát, quan sát các nước xem họ giải quyết khủng hoảng ra sao để học hỏi và vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không, một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, dịch vụ…). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm…). Do vậy, cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ.
Bàn tròn trực tuyến giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, những doanh nhân – thành phần chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch. Dưới đây là chia sẻ của những người chủ doanh nghiệp về vấn đề này.
***
Chúng tôi ưu tiên giải pháp “tự cứu mình”
Phía Phúc Sinh chúng tôi không có giải pháp chờ đợi từ chính sách. Chúng tôi cho rằng Nhà nước có rất nhiều trọng trách và cũng khó khăn. Do đó, mỗi doanh nghiệp, trước khi chờ được cứu thì mình phải tự cứu.
Giải pháp của chúng tôi ngay từ đầu mùa dịch là rà soát lại toàn bộ hoạt động, lên mọi phương án kinh doanh sao cho linh hoạt và thích ứng với mọi diễn tiến, bước đi của dịch bệnh. Tạm gọi là giải pháp “phản ứng nhanh” theo “cô Vy”.
_______
Chưa biết khi nào đại dịch mới kết thúc. Về phía doanh nghiệp, có đặt ra những kịch bản hay không và như thế nào?
Tôi không nói trước được điều gì lúc này vì thế giới phẳng và mọi thứ còn rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ là luôn tìm mọi cách để tồn tại.
_______
Trong nguy có cơ – câu nói quen thuộc này, theo ông, liệu còn đúng với thời đại dịch? Cụ thể với Phúc Sinh?
Đúng là trong nguy có cơ. Nguy là rất nguy vì nước mình có thể bị phong tỏa nên sẽ gặp khó khăn khi giao thương với nước khác. Hay khi TP.HCM bị cách ly, thành phố khác có thể mở rộng, bớt giãn cách. Trong tình huống nào doanh nghiệp cũng cần phải tìm ra hướng đi tốt nhất có thể.
Phúc Sinh may mắn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực mà trong thời đại dịch, người tiêu dùng vẫn cần. Do đó chúng tôi tìm hướng ra bằng cách xem lại khu vực nào bị ảnh hưởng, bí lối không thể tiêu thụ; khu vực nào vẫn có thể đẩy mạnh được. Trong dịch, khối kinh doanh thực phẩm phân khúc nhà hàng khách sạn chắc chắn bị khó khăn, nhưng siêu thị hay thương mại điện tử vẫn còn giao dịch. Vậy nhiệm vụ của Phúc Sinh là làm sao kết nối giữa mua – bán, sản xuất để cung ứng được cho các kênh, phân khúc còn có người tiêu dùng tiếp cận được.
Nhìn chung, ở Việt Nam người ta hay cho là các doanh nghiệp nhà nước trì trệ, nhưng sự trì trệ cũng tồn tại với cả doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp kinh doanh trên “quan hệ”. Với các doanh nghiệp không có lợi thế quan hệ thì đành tự vận động. Chắc chắn nguy cơ của đại dịch sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phải cơ cấu lại, cắt giảm tối đa chi phí, đầu tư công nghệ sản xuất và quan tâm kinh doanh trực tuyến nhiều hơn.
Nguy càng nguy, chưa thấy cơ
Thực chất doanh nghiệp Việt Nam tính từ thời kỳ mở cửa 1986 đến nay, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 90%) và chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp tư nhân. Họ phải tự cung tự cấp, tự chọn lựa phương thức hoạt động theo sự thay đổi của chính sách hoặc tác động của thị trường. Thành phần này rất không ổn định và rất khó để lớn lên.
Doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung ứng vật tư từ nước ngoài mà cụ thể có tới 90% là từ Trung Quốc (do rẻ, mẫu mã đa dạng, thiết kế theo ý khách hàng và giao hàng nhanh, cho phép công nợ kéo dài), trong khi nguồn nguyên liệu từ các nước khác thì không cạnh tranh bằng.
Việt Nam không có những đầu ngành sản xuất nguyên vật liệu. Chi phí thiết lập một nhà máy sản xuất nguyên liệu rất hao tốn và do từ hơn 30 năm nay nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tính toán đầu tư rồi cũng bỏ ngang. Bởi có đầu tư nhà máy thật hiện đại nhưng khi ra thành phẩm vẫn gặp khó: giá thành cao hơn nhập từ Trung Quốc, và sẽ rắc rối nhiều vấn đề khác như các vật tư, phụ liệu vẫn phải nhập để sản xuất nguyên liệu. Những ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày dép… không thoát được phụ thuộc nguyên liệu từ nước ngoài.
Đại dịch ập đến. Đứt mạch cung ứng vật tư làm tê liệt các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, chưa kể khả năng tăng giá vật tư khi các nhà máy sản xuất lại sau dịch chắc chắn xảy ra. Đòn đánh “bồi” khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho dù có vật tư, có tổ chức lại sản xuất nhưng vẫn rơi vào các tình huống khó xử:
Một là hấp thụ của thị trường đã chậm lại, sức mua của người dân kém, kéo dài có khi 6 tháng, 12 tháng sau dịch.
Hai là doanh nghiệp cạn kiệt chi phí cho sản xuất, quản lý do người dân được khuyến cáo chỉ ra ngoài khi cần thiết. Cửa hàng khá vắng khách, bán hàng online tùy ngành (dịch vụ ăn uống thì có thể vẫn tốt, các ngành khác sẽ thật khó). Thanh khoản kém, doanh nghiệp không đủ khả năng hoặc kéo dài việc trả lương, trả các chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điện, nước, phí duy trì sinh hoạt ăn uống, xử lý công việc hành chính… Tất cả đã có kịch bản mà như VCCI công bố, nếu đại dịch kéo dài đến tháng 4 thì có 30% doanh nghiệp phá sản, đến tháng 6 thì có 50% phá sản.
_______
Ông nghĩ thế nào về những tuyên bố chính sách từ Chính phủ?
Các gói giải cứu, hỗ trợ của Nhà nước thật ra đã được công bố và triển khai. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì khả năng minh bạch và đáp ứng cho tất cả doanh nghiệp là khó, và không đủ để giúp doanh nghiệp trụ lại nếu đại dịch kéo dài thêm 1 – 2 tháng. Bởi, muốn được hưởng khoản hỗ trợ tiền hoặc giảm, hoãn thuế… doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp. Cũng không loại trừ tình huống danh sách được xem xét tùy thuộc vào tâm lý vui buồn của người ban phát, nhóm thân quen có qua, có lại… Tựu trung, nhiều doanh nghiệp cũng không trông chờ vào gói giải cứu này.
Việc giảm hoặc hoãn các loại chi phí, lãi suất ngân hàng… đều chưa đủ bù đắp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, giảm 10% tiền điện 3 tháng không tác dụng nhiều, ít ra phải 30-50%. Doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong mùa dịch nhằm duy trì lao động và lưu kho. Hết dịch, thành phẩm mới đưa ra thị trường. Dòng tiền ra nhưng không có dòng tiền vô. Thành ra, giảm 1% lãi suất ngân hàng tác động cũng không đáng kể.
_______
Cụ thể, sức chịu đựng của Bita’s còn được bao lâu?
Mạng lưới phân phối của chúng tôi gồm hơn 30 cửa hàng lớn nhỏ trên cả nước, quầy hàng trong tất cả các siêu thị và hơn 1.000 đại lý bán sản phẩm Bita’s tại hầu hết 63 tỉnh, thành. Trong đại dịch, chúng tôi chấp hành lệnh cách ly, đóng cửa toàn bộ cửa hàng, đồng nghĩa với nguồn thu đóng băng.
Từ đầu tháng 4 chỉ có chi, không có thu, làm sao chịu đựng kéo dài. Nếu đóng cửa thêm một, hai tháng nữa chúng tôi không còn chi phí hoạt động, bởi dư địa tín dụng đã đụng trần hạn mức, chỉ trả lãi và gốc. Thuế và bảo hiểm xã hội được chậm nộp ba tháng nhưng nghĩa vụ vẫn phải thực hiện. Chúng tôi luôn ủng hộ Nhà nước chống dịch và luôn tự hào Việt Nam chống dịch giỏi, đáng khen ngợi. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước giỏi hơn trong việc cứu doanh nghiệp ngay từ tháng 4 này, không thể trễ hơn.
Người ta hay nói trong nguy có cơ. Nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy nguy càng nguy, chưa thấy một tia cơ hội. Đâu đó có chuyên gia bàn cơ hội chuyển đổi ngành nghề. Nói thì quá dễ. Nhà máy, thiết bị, lao động, thị trường phải mất bao lâu để chuyển đổi, phải đối xử với những công nhân gắn bó với mình hằng chục năm thế nào đây? Cá nhân tôi rất cảm ơn các chuyên gia, nhưng không dám nghe theo.
_______
Xem ra doanh nghiệp đặt cược vào “tự cứu mình”?
Chúng tôi vẫn tự lực, tự tìm lối thoát trong giai đoạn này, vẫn nỗ lực duy trì khách hàng thị trường bằng cách giữ liên lạc, hỗ trợ các đại lý duy trì kinh doanh bằng cách giảm phí mặt bằng, tăng phần trăm hoa hồng, cân đối lại vật tư, nhân lực, chia ca sản xuất, giảm thời gian, kêu gọi người lao động tự nguyện giảm lương tạm thời, tìm kiếm mặt hàng mới sản xuất.
Mặt khác chúng tôi cũng trông ra các nước xem họ giải quyết khủng hoảng ra sao để học hỏi, dù biết rằng trước mắt vẫn rất khó.