Phát hiện ung thư ở độ tuổi rực rỡ nhất của nghề nghiệp, người mẫu Hoàng Gia Anh Vũ đành gác lại niềm đam mê thời trang, bước vào cuộc chiến sinh tử với tinh thần lạc quan sẽ chiến thắng.
Mạnh mẽ để chống lại bệnh tật
Hoàng Gia Anh Vũ, sinh năm 1995, từng là thí sinh sáng giá của cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2015, được đánh giá cao về sắc vóc, khả năng biểu cảm. Tuy dừng chân ở top 11 trong sự nuối tiếc của khán giả nhưng Anh Vũ cũng đã chính thức bước chân vào làng mốt chuyên nghiệp. Sau thời gian ít xuất hiện, những ngày đầu năm 2020, nam người mẫu gốc Hà Nội đã gây bất ngờ với công chúng khi đăng tải hình ảnh tạo dáng bên cây sắt treo ống tiêm truyền và mặc áo dành cho bệnh nhân, diện mạo gầy yếu, mái tóc lãng tử ngày nào đã cạo trọc.
Chia sẻ với truyền thông, Anh Vũ cho biết anh phát hiện bị ung thư tinh hoàn hồi tháng 3.2019, khi đó bệnh đã di căn lên phổi (khối u 5cm ở phổi trái, hạch nhỏ 2cm ở cổ phổi). “Thời gian đầu tôi có làm phẫu thuật ở Việt Nam. Sau đó 3 tháng thì sang Trung Quốc điều trị. Ở Trung Quốc, các bác sĩ hóa trị để triệt tiêu tế bào ung thư. Sau 3 tháng thì tình hình đã tiến triển rất khả quan…”, Anh Vũ kể. Hiện Anh Vũ đã trải qua bốn đợt hoá trị, đang còn chờ tiếp tục thêm hai liệu trình. “Bác sĩ nói ở phổi vẫn còn tổn thương. Tôi cũng không thể sang Trung Quốc điều trị tiếp vì dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, tôi ở Việt Nam hóa trị. Các bác sĩ đang điều trị đúng theo phác đồ từ trước”, Anh Vũ chia sẻ. Hiện anh đang hóa trị tại bệnh viện E, Hà Nội.
Dù biết ung thư là “căn bệnh sát thủ”, và loại bệnh mình mắc hiếm gặp nhưng Anh Vũ vẫn giữ cho mình tâm thế lạc quan. Trên facebook, anh thường xuyên đăng hình ảnh cười tươi, bài viết hóm hỉnh, chia sẻ những thông tin tích cực. Trước sự lo lắng của bạn bè, Anh Vũ hồi đáp anh đang nỗ lực điều trị, quyết chiến với ung thư bằng tinh thần “mạnh mẽ để chống lại bệnh tật”.
Ung thư tinh hoàn không thường gặp
GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) cho biết các tinh hoàn là một cặp tuyến sinh dục nam, chế tạo và dự trữ tinh trùng, là nguồn chính sản xuất testôstêron, nằm dưới dương vật, trong túi da gọi là bìu. Ung thư tinh hoàn không thường gặp, xảy đến trong khoảng 20-39 tuổi. Có nhóm sêminôm (Seminoma) và nhóm không sêminôm (Nonseminoma). Nguy cơ gia tăng ở tinh hoàn còn kẹt trong bụng (tinh hoàn ẩn). “Hầu hết ung thư tinh hoàn được người bệnh tự phát hiện. Một hột không đau hoặc một chỗ sưng của tinh hoàn. Đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc trong bìu. Tinh hoàn to lên. Cảm giác nặng ở bìu, ở bụng dưới, ở háng. Tụ dịch bất ngờ trong bìu”, GS. Chấn Hùng lưu ý.
Theo TS-BS. Nguyễn Hoàng Đức (Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn hiện vẫn chưa xác định. Một số nghiên cứu ghi nhận những người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư cao gấp 4 – 8 lần so với bình thường. Tỷ lệ ung thư tinh hoàn đối bên ở những người từng bị ung thư tinh hoàn tăng 1 – 2%. Nguy cơ này cũng gia tăng ở nhóm nam giới bị bất thường gene như hội chứng Klinefelter 47 XXY hay do ảnh hưởng chất độc da cam. Ngoài ra, đàn ông bị vô sinh cũng có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp ba lần…
Định bệnh sớm, nhiều người trị khỏi
Theo GS. Chấn Hùng, khi chẩn đoán, gia tăng lượng AFP, HCG và LDH có thể nghi ngờ bị bệnh. Siêu âm bìu biết độ lớn của một khối trong tinh hoàn. Bác sĩ cẩn thận mổ lấy trọn tinh hoàn qua đường mổ ở bẹn, không xẻ tinh hoàn lấy mẫu thử, ngừa ung thư lan tràn.
Sêminôm và không sêminôm có diễn tiến khác nhau nên cách điều trị sẽ khác nhau. Loại không sêminôm có diễn tiến nhanh hơn sêminôm. Sêminôm lại nhạy với xạ trị hơn. Cách điều trị tùy thuộc giai đoạn, tuổi tác, tổng trạng người bệnh và các yếu tố khác. “Hiện nay với các tiến bộ điều trị và hiểu rõ bệnh, nhiều người được trị khỏi, nhất là khi định bệnh sớm”, GS. Chấn Hùng cho biết.
Theo TS. Hoàng Đức, để phòng ngừa và phát hiện ung thư tinh hoàn ở giai đoạn sớm, các nam giới, nhất là ở độ tuổi 20 – 35, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu hằng ngày hoặc ít nhất một lần/tháng. Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng nên đến bệnh viện có chuyên khoa về tiết niệu hoặc nam khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Sau điều trị ung thư tinh hoàn (xạ trị, hóa trị), bệnh nhân vẫn có thể có con bình thường. “Trong thực tế, nam giới rất ngại đi khám sức khỏe tầm soát nam khoa nên khi phát hiện bệnh thì thường ở giai đoạn trễ. Một số trường hợp bị tinh hoàn ẩn đã chuyển thành ung thư khiến việc điều trị trở nên phức tạp”, TS. Hoàng Đức lưu ý.