Đoàn tàu chạy đến đâu, những chiếc dù che kín đường ray trong tích tắc rùm rụp cúp, dọn đường cho tàu qua. Động tác kéo dù chuẩn đến từng milimét tạo ngạc nhiên xen phấn khích, thu hút hàng nghìn lữ khách mỗi ngày đến Samut Songkhram.
Ở xứ Thái, hễ bàn chuyện chợ, phải nói là vô thiên lủng, từ bình dân cho đến đủ điều sang trọng, từ chợ ngày, chợ đêm, thêm chợ đầu mối, chợ cuối tuần, chợ nổi, chợ đặc sản… riêng vụ chợ chạy, hay có tên khác là “chợ kéo dù”, thực tình khiến tôi tò mò. Dò hỏi chị bạn thổ địa Pi Pak đang ngụ ở Bangkok, hóa ra đấy là một chợ quê, nhỏ xíu (nếu so với quy mô siêu chợ quanh Bangkok) ở tuốt tỉnh Samut Songkhram.
Nhìn trên bản đồ xứ Thái, Samut Songkhram là tỉnh diện tích khiêm tốn nhất, nhưng được người Thái trân trọng bởi “nhỏ mà hiểm”. Một mỹ từ đáng yêu khác dành cho Samut Songkhram là “điều kỳ diệu nhỏ bé của Thái Lan”, bởi tương truyền đây chính là nơi vua Rama II huyền thoại (1767 – 1824) chào đời. Nhưng với chuyến đến Thái lần này, điều kỳ diệu với tôi là khám phá khu chợ kéo dù kỳ lạ mà cả thế giới chỉ tồn tại riêng ở Samut Songkhram.
Từ Bangkok, mất chưa đầy hai giờ xe chạy tôi đến được Samut Songkhram. Không quá khó khi tìm đường đến chợ, cũng là tuyến đường tàu Mae Klong nổi tiếng nhất tỉnh. Chợ có thêm “nghệ danh” vui tai là chợ kéo dù, người Thái gọi Talad Rom Hub.
Lang thang đường vào chợ, những đẹp đẽ về khu chợ lãng mạn trên đường tàu trong trí tưởng tượng bị sụp đổ hoàn toàn. Cảnh quan phơi bày trước mắt là khu chợ nông hải sản, bán đủ thứ tả pín lù. Người đi chợ đông nườm nượp, khắp nơi là dù bạt được thiết kế che nắng, nhiều đến nỗi kín mít, đứng giữa giấc 10 giờ sáng, ngoài trời nắng chói chang nhưng trong chợ lại tù mù, chật chội, chen chân nhau qua từng gian hàng nhỏ bày san sát.
Trong nỗi thất vọng tràn trề, bỗng nhớ đến vụ đường tàu ở Hà Nội, với cái khúc cong cong từ hướng Điện Biên Phủ kéo lên Trần Phú xưa có cà phê đường tàu, kể ra vào khuôn hình vẫn đẹp và mông lung đáo để chứ không xô bồ, tạp nham như đang loay hoay trong chốn đông nườm nượp nơi xa lạ Talad Rom Hub.
Dạo từ đầu chợ đến cuối chợ, phải tinh mắt mới phát hiện ra đang đi trên đoạn đường tàu siêu cũ kỹ. Đại để, chợ Talad Rom Hub họp trên trục chính là tuyến đường ray xe lửa vào nhà ga Mae Klong. Tuyến đường sắt này nối Samut Songkhram đến Bangkok với chiều dài 66,9km, hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ 1904 đến nay, và Mae Klong là nhà ga cuối cùng. Lối đi dành cho khách dạo chợ là phần lòng đường ray, còn người họp chợ bày các thứ hàng hóa, lấy mép đường ray làm chuẩn phân chia ranh giới với người đi chợ.
Chợ dài chưa đầy cây số, đi đến điểm chốt cuối chợ là ga Mae Klong, tâm trí tôi giãn ra phần nào khi thoát khỏi ma trận dù, có không gian thông thoáng để thở và quan sát xung quanh, lòng len lói chút mừng vui khi nhận ra không ít lữ khách đang xắm nắm máy ảnh, lui tui tới tới chụp hình.
Nhìn lịch tàu chạy, có đến 17 chuyến cả thảy trong ngày, chuyến sớm nhất khởi hành từ 5g30 sáng, muộn nhất là 20g10. Điều mong chờ nhất của những kẻ tìm đến Talad Rom Hub như tôi, không phải để mua hải sản, cũng chẳng phải đi tàu, lý do duy nhất là chờ đợi thời khắc chuyển bánh khỏi nhà ga của một trong 17 chuyến mỗi ngày.
Tôi đợi chuyến tàu khởi hành lúc 10g40, càng gần đến thời điểm tàu chạy, khách du lịch tụ về đông dần, mỗi người chọn lấy một vị trí chen trong các quầy hàng trải dài suốt trục đường tàu và hồi hộp chờ đợi giờ khắc then chốt làm nên thương hiệu của Talad Rom Hub.
Đứng từ ga tàu, nhìn về khu chợ, còn 3 phút nữa đến giờ tàu chạy, cả chợ vẫn bình chân như vại, như không có chuyện gì xảy ra. Từ cảm giác chán chán, tôi bắt đầu thay đổi thái độ, trong đầu đủ thứ câu hỏi bởi thật khó hình dung khi tàu lăn bánh, cả cái mớ hổ lốn, nhốn nháo với đủ loại thau chậu, kệ tủ, xe đẩy, dù che, hàng hóa chen đầy trên đường tàu… sẽ thế nào?
Đồng hồ còn một phút. Còi tàu vang lên, chợ vẫn nhộn nhịp người qua lại, đông đen, nhìn không thấy đâu là đường ray. Đúng giờ khởi hành, tàu chầm chậm rời ga như một cụ rùa. Tuyến đường sắt Mae Klong hiện được mệnh danh là “rùa” nhất ở Thái với tốc độ trung bình suốt tuyến chỉ là 30km/giờ. Riêng ở đoạn khởi hành từ ga Mae Klong, cùng với hiện trạng đường tàu cũ kỹ, tốc độ theo áng chừng của tôi chỉ còn lại 1/3 so với trung bình.
Tàu chạy, cả đoạn đường tối om om nơi chợ họp trên đường tàu, chỉ trong tích tắc được dọn sạch tinh tươm, ngăn nắp cứ như một phép mầu thần diệu. Thỉnh thoảng còn lại vài thau chậu tôm cá, rau củ nhưng chỉ cách đường ray vài centimét. Trên khoảng không, đám dù đen kịt rầm rập xếp gọn với tốc độ ngoài sức tưởng tượng của tất cả du khách chứng kiến, được ví nhanh như một cơn gió.
Lại thêm ngạc nhiên nữa khi tàu qua đến đâu, ngay lập tức dù và hàng hóa lại được lạch cạch xếp ra cũng với tốc độ nhanh như một cơn gió, dòng người liền theo ùa vào. Toàn bộ nhịp sinh hoạt của chợ đâu vào đấy.
Người dân tiếp tục bán bán buôn buôn, lữ khách dạo chợ như tôi thích thú loay hoay máy ảnh, xem lại những lần chớp khoảnh khắc tàu qua trong khi sự ngạc nhiên đến thú vị còn vương vất trong tâm trí. Hỏi cụ bà Ngamni chuyên bán rau củ và măng khô đã hơn 30 năm ở chợ, rằng có bao giờ tai nạn xảy ra? Bà bảo từ ngày ngồi chợ đến nay chưa thấy sự cố dù chỉ là một va chạm với những đồ bày bán xếp sát mép đường ray.
- Xem thêm: Trải nghiệm Tết Songkran Thái Lan
Ngẫm lại, người Thái thật khéo khi chỉ riêng chi tiết kéo dù “đặc sản” ở Talad Rom Hub cũng đủ thu hút lữ khách nườm nượp mỗi ngày, và ai cũng tìm được những khoảnh khắc thú vị từ phiên chợ đường tàu độc – lạ ở Samut Songkhram.