Công chúa da đen trong cơ thể da trắng
Cuộc chiến giữa các vị thần (Clash of the Titans) là một trong những bộ phim được yêu thích nhất năm 1981. Cuộc trình diễn lấp lánh, hoành tráng của dàn các ngôi sao Hollywood kể câu chuyện thần thoại Hy Lạp về vị anh hùng, á thần Perseus đã giết chết quái vật biển khơi và cứu công chúa xinh đẹp Andromeda khỏi bị ăn thịt. Do quá ăn khách, phim được dựng lại vào năm 2010.
Tuy nhiên phiên bản 2010 chỉ được đánh giá chất lượng rất đáng thất vọng, 26%, trên Rotten Tomatoes, một chuyên trang bình luận điện ảnh. Không rõ là những người tham gia bình luận, xếp hạng phim có kiến thức đến đâu về điện ảnh, nhưng có lẽ bộ phim đã đạt được mức xếp hạng khá hơn nếu như các nhà sản xuất nghiên cứu kỹ hơn khi làm phim.
Theo nội dung bài báo “The Black Andromeda” đăng hồi năm 1992 của nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Anh Elizabeth McGrath thì Andromeda nguyên mẫu thực ra là nàng công chúa da đen đến từ Ethiopia. Bất kỳ ai đã xem một trong hai bản phim Clash of the Titans đều thấy rằng hai diễn viên Judi Bowker và Alexa Devalos – thủ vai công chúa Andromeda – đều là người da trắng. Và bất kỳ ai từng xem tranh vẽ Andromeda – dù là trong tác phẩm của danh họa Titian hay Poynter – cũng tin rằng công chúa là người da trắng.
Nhưng bài báo của McGrath đã dứt khoát khẳng định 3 vấn đề: tất cả các nghệ sĩ dân gian làm nên thần thoại Hy Lạp đều đương nhiên coi Andromeda là công chúa Ethiopia; nhà thơ thời La Mã cổ đại Ovid luôn đặc biệt nhấn mạnh đến nước da sẫm màu của nàng; và các nghệ sĩ trong lịch sử nghệ thuật phương Tây thường bỏ qua việc mô tả làn da màu sẫm tuyệt đẹp của công chúa, bởi đối với nhiều người trong số họ thì màu da đen khó có thể mà đẹp được.
Không thể nghi ngờ gì về việc Andromena là người thuộc chủng tộc da đen, theo giáo sư McGrath. Trong nghệ thuật Phục hưng, Andromeda hết lần này tới lần khác được mô tả là người da trắng. Trong tác phẩm Perseus giải cứu Andromeda vẽ khoảng thập niên 1510 của danh họa Piero di Cosimo, Andromeda thực sự trắng hơn tất cả các nhân vật xung quanh, trong đó có một nhạc công da đen và cha mẹ nàng, những người được vẽ sẫm màu hơn đáng kể và mặc những bộ trang phục đặc biệt.
Chúng ta biết rằng đã có cuộc tranh luận sôi nổi về màu da của nàng, một cuộc bàn cãi mà theo quan điểm thời nay thì chắc chắn sẽ bị coi là nặng tính phân biệt chủng tộc. McGrath dẫn chiếu tới Francisco Pacheco, một nghệ sĩ và nhà văn người Tây Ban Nha, người đã đặt câu hỏi trong một đoạn của cuốn sách Arte de la Pintura (Nghệ thuật vẽ tranh) rằng tại sao Andromeda thường được vẽ như một người da trắng trong khi có nhiều nguồn nói nàng là người da đen.
McGrath nói sau gần 3 thập niên xuất bản bài báo của mình: “Rõ ràng ông ấy đã cực kỳ sốc khi biết Ovid nói rằng đó là một người phụ nữ da đen nhưng mà lại cực kỳ xinh đẹp”. Những cuốn sách của Pacheco thường được sử dụng làm hướng dẫn tham khảo cho các họa sĩ về cách vẽ người và cảnh vật – vì vậy, quan điểm của ông dễ dàng lan toả. Các nàng Andromeda da đen thực sự rất hiếm gặp trong tranh. Những tác phẩm như bản chạm khắc Perseus (1731) của Bernard Picart và bức tranh Andromeda (1655) của Abraham van Diepenbeeck cho thấy nhân vật trong tranh là một phụ nữ với những đường nét cơ thể và mái tóc của người da trắng, nhưng lại có làn da sẫm màu.
Công chúa Andromeda không phải là hình tượng nghệ thuật về người da đen duy nhất được thể hiện hoàn toàn khác biệt so với hiện thực. Thật ra, tình trạng “tẩy trắng” Andromeda đã được Kitô giáo mặc định trong thời Phục hưng ở châu Âu. Michael Ohajuru là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, chuyên thuyết minh tại các phòng trưng bày tranh ở London về sự hiện diện của người da đen trong nghệ thuật.
Vị vua da đen trong Kinh thánh
Michael Ohajuru nghiên cứu lịch sử nghệ thuật thời Phục hưng thông qua niềm đam mê của ông với các pháp sư da đen. Đó là một trong ba vua được miêu tả trong các cảnh Sự Tôn thờ của các Đạo sĩ trước sự ra đời của Chúa Hài đồng – thường được thể hiện trong hình ảnh người tặng nhựa cây thơm.
Ohajuru rất ngạc nhiên về sự kính trọng dành cho nhân vật này, trái ngược với lịch sử theo đó thường vẽ người da đen trong thân phận nô lệ. “Nhà vua da đen được vẽ là một nhân vật rất được kính trọng,” ông nói. Biểu tượng cho lục địa châu Phi trẻ trung gia nhập Kitô giáo cùng với châu Âu và châu Á, “nhà vua được dùng như một ví dụ về việc thế giới cùng bên nhau vào Ngày Phán xét”.
Ohajuru đã tìm hiểu nguồn gốc vị vua da đen này và thấy thông tin trong một văn bản từ thế kỷ 14 trong cuốn Những cuộc du hành của Huân tước John Mandeville, vị pháp sư da đen này đến từ Saba, một vương quốc ở Ethiopia. Vì vậy, Ohajuru đã bị sốc khi phát hiện ra rằng nhiều bức tranh vẽ về Nữ hoàng Sheba, một cách gọi khác của Saba, vị khách tới thăm vua Solomon được kể trong kinh Cựu Ước, lại được mô tả là một phụ nữ da trắng.
- Xem thêm: Dolce & Gabbana đối mặt với làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc vì quảng cáo “phân biệt chủng tộc”
Ông nhắc đến bức Cảng biển và Nữ hoàng Sheba lên tàu” của danh họa Claude Lorrain được trưng bày tại Triển Lãm Quốc gia London. “Nữ hoàng được vẽ chi tiết ở rìa bức tranh, nhưng nàng lại là người da trắng. Nữ hoàng Sheba mà tôi biết là người Saba ở Ethiopia và nhà vua da đen cũng đến từ Saba. Vì vậy, Nữ hoàng Sheba trong tâm trí tôi phải là phụ nữ da đen”. Nghệ thuật thời Phục hưng đã “tẩy trắng” và biến Nữ hoàng Sheba thành một hình tượng gợi tình. Bạn chỉ mất vài phút tìm kiếm với từ khóa “tranh vẽ Nữ hoàng Sheba” trên Google Images là sẽ thấy hiện ra tấm ảnh trong đó có một phụ nữ da trắng xa lạ nằm tựa người lả lơi liếc nhìn người xem hoặc vua Solomon.
Đã từng có một số tranh vẽ Nữ hoàng Sheba với làn da sẫm màu, nhưng nghệ thuật thời Phục hưng chủ yếu đã “tẩy trắng” và biến Nữ hoàng Sheba thành một hình tượng gợi tình. Đối với Ohajuru, điều đó mâu thuẫn với những mô tả trước đó về Nữ hoàng, chẳng hạn như trong bức tranh mang tên Sự Tôn thờ của các Đạo sĩ ở bàn thờ của nhà thờ thành phố Klosterneuburg (Áo) mô tả Nữ hoàng đến thăm nhà vua.
“Nữ hoàng được mô tả như một sứ giả, một nhà tiên tri, báo rằng sẽ có một vị vua đến thăm Chúa Hài đồng Jesus, cũng giống như là việc đã có một nữ hoàng tới thăm vua Solomon”. Đến thế kỷ 18, nàng không còn là một nữ hoàng tới gặp một vị vua thuần tuý trong vai trò sứ giả nữa, mà đã trở thành một nữ nhân quyến rũ. Đối với cả các tác giả kinh điển hay những người mới nhập môn tìm hiểu Kinh thánh, Ethiopia mang những ý nghĩa rất khác nhau.
Người ta còn cho rằng Nữ hoàng Sheba được gọi là Nữ hoàng Belqis và đến từ vùng đất Yemen. Từ nguyên gốc của Ethiopia xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ để chỉ những con người có khuôn mặt “đen sạm”. Đối với họ, “đen sạm” là một lời giải thích cho bất kỳ ai đến từ những nơi nóng hơn, xa hơn thế giới nhỏ bé của họ.
McGrath bình luận: “Nơi đó thực sự là không xác định. Đó có thể là bất cứ nơi nào ở châu Phi, thậm chí ở Ấn Độ, là những chốn mơ hồ mông lung, những nơi luôn bị cháy nắng ở đâu đó tận cùng trái đất. Ethiopia gần như được coi như một vùng đất ma thuật nơi xảy ra những điều kỳ quái. Khi họ nghĩ “Ồ, Ethiopia chưa chắc thực sự nghĩa là vùng đất của người da đen, nàng Andromeda cũng chắc gì là người da đen”, thì họ sẽ tìm ra đủ mọi lý do để nói rằng Ethiopia có nghĩa là một nơi khác. Nó có nghĩa là đâu đó ở phương Đông. Và họ có thể dễ dàng lờ đi một thực tế là họ hoàn toàn mơ hồ về vị trí địa lý của Ethiopia”. Nữ hoàng Sheba nói trong sách Nhã Ca (Song of Solomon) thuộc kinh Cựu ước rằng “Tôi đen và xinh đẹp”.
Đen thì đẹp
Ngoài sự thông tuệ của Nữ hoàng Sheba và sắc đẹp của nàng Andromeda, hình ảnh về vẻ đẹp da đen trong nghệ thuật là rất hiếm. Tất nhiên là có rất nhiều bản phác thảo và tranh vẽ về người da đen, nhưng từ thế kỷ 18 trở đi, các nhân vật chủ yếu những người làm ruộng, người hầu và nô lệ. Điều này quả là kỳ lạ – và chính những điều khác thường này đưa chúng ta trở lại Hà Lan, nơi các pháp sư da đen là một biểu tượng rất thịnh hành.
Ngoài ra, Elizabeth McGrath nhận thấy vùng Antwerp hồi thế kỷ 17 là một nơi khá cởi mở. Theo kinh Cựu Ước, Nhà tiên tri Moses cưới một người Kush – tức là người Ethiopia, và trong bức Moses và người vợ Ethiopia (Moses and his Ethiopian wife) vẽ năm 1650, danh họa Jacob Jordaens đã mô tả cặp vợ chồng với “chân dung đối mặt trực diện, thực sự có thể thách thức những định kiến của người xem”.
Thiên Chúa đã trừng phạt Miriam – chị gái của Moses – phải mắc bệnh hủi trong một tuần vì nàng đã tuyên bố “chống lại” việc Moses lựa chọn cô dâu; nó là một sự mô tả hiếm có mang tính biểu tượng chống lại sự phân biệt chủng tộc. Peter Paul Rubens, nghệ sĩ được cho là đã có công “khiến thứ to lớn trở nên đẹp đẽ”, cũng là người đã khiến cho người da đen trở nên xinh đẹp trong tác phẩm Bốn dòng sông (The Four Rivers) vẽ năm 1610.
- Xem thêm: Chuyển sai thành đúng
Bốn dòng sông được nhân cách hóa, mọi nhân vật trong tranh đều to lớn, lực lưỡng, thể hiện đúng phong cách hội hoạ Rubens với những với cơ bắp cuồn cuộn và vồng ngực vạm vỡ. Ngồi ở giữa bức tranh là sông Nile, nhân vật duy nhất ở tâm điểm của ánh mắt người xem. Cơ thể trần truồng được che đi một cách đầy khiêu khích và với làn da sẫm màu, nàng chính là nhân vật được điểm trang tinh tế nhất trong tác phẩm.
Đúng vậy, nàng là người độc đáo, khác biệt với người khác, song nàng tiềm ẩn một sức mạnh quyền lực – và nàng ngang hàng với những người phụ nữ da trắng trong tranh. “Ở Antwerp có sự thích thú trong việc vẽ người da đen, một phần là do việc cải đạo của người da đen, một phần vì người ta thực sự nhìn thấy người da đen trên đường phố”, McGrath nói.
Dù sao những tác phẩm trên vẫn là hiếm gặp trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. McGrath nói: “Một lý do khiến vua da đen không được ưa chuộng là vì các nghệ sĩ tôn giáo và các nhà thần học không mấy hứng thú với việc lấy Ethiopia làm biểu tượng tôn giáo”. Và do đó, các nhân vật có ngoại hình mang nét Ethiopia đều bị xem là kém quan trọng. Đó là một câu chuyện phức tạp về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở châu Âu cũng như về việc các nhân vật da đen trong Kinh thánh đã trở nên hữu dụng tới mức nào cho những người muốn truyền giáo thông qua nghệ thuật. Và câu chuyện phức tạp đó giúp lý giải sự vắng bóng của các nhân vật da đen trong lịch sử nghệ thuật.
Với Michael Ohajuru, khi thuyết minh cho khách tham quan tại Bảo tàng nghệ thuật thì điều quan trọng là phải tìm ra được những hình ảnh đại diện cho Nữ hoàng Sheba và nàng Andromeda da đen, và phải tìm ra nguyên nhân tại sao những hình ảnh đó lại biến mất. Ảnh hưởng to lớn mà lịch sử nghệ thuật phương Tây đặt dấu ấn lên trí tưởng tượng của chúng ta thông qua việc dùng hình ảnh để thể hiện các nhân vật trong Kinh thánh hoặc từ các tác phẩm kinh điển có thể nói là điều cần được đánh giá dài dài.
Dưới lăng kính như vậy, việc Gina Lollobrigida vào vai Nữ hoàng Sheba hồi thập niên 1950 hoặc Alexa Devalos đóng vai công chúa Andromeda trở nên có vấn đề. McGath kết luận: “Tôi thấy rằng điều quan trọng là phải cho mọi người, cho trẻ em thấy rằng có những bức tranh này trên thế giới. Điều gì đã thực sự xảy ra trong nhận thức của các nghệ sĩ, và điều gì đã thúc đẩy họ vẽ những bức tranh này, đó là chuyện khá phức tạp”.