Câu thành ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã khẳng định ý nghĩa về sự ưu tiên chất lượng, cân nhắc giữa hình thức và nội dung… Nhưng xét về lĩnh vực sử dụng vật liệu, các nhà sản xuất và chuyên gia thiết kế vẫn muốn đặt thêm tiêu chí: cần dung hòa cả trong lẫn ngoài, hay nói theo khía cạnh phong thủy thì sử dụng vật liệu nội thất cần đạt được sự hài hòa đa chiều, đa diện và bền vững.
Vật liệu nội thất luôn được phát triển từ sự gắn bó thiết thực với người sử dụng và biến chuyển theo thời gian. Người thời nay có thể ở trong một lâu đài xưa nhưng không thể vẫn dùng phòng tắm hay nhà bếp với vật liệu và trang thiết bị hồi… cuối thế kỷ XIX được. Tương tự các resort cao cấp: có thể tạo dáng vẻ đồng quê (kiến trúc) và sân vườn hoang sơ (cảnh quan) cho bên ngoài, nhưng vật liệu hoàn thiện nội thất chẳng thể nào sơ sài cũ kỹ.
Nhìn lại nhà xưa, nhưng chớ rập khuôn
Có ý kiến cho rằng muốn đúng phong thủy thì nên nhìn theo nhà xưa, vì đó là kiến thức văn hóa, kinh nghiệm ngàn đời truyền lại… Lập luận này chỉ đúng một phần, bởi nhìn để học hỏi khác với lặp lại, làm theo. Những thiết kế sáng tạo, thành công luôn có tư tưởng khác biệt, dám thử nghiệm và dám thất bại. Khoa học cũng luôn phủ nhận để tiến lên, triết học thông qua phủ định để chuyển hóa phát triển, thay thế… thì kiến trúc – phong thủy là ngành khoa học – nghệ thuật tổ chức không gian sống chắc chắn không nằm ngoài triết lý của Dịch: sự biến đổi có quy luật của vạn vật.
- Xem thêm: Tiện nghi hướng tới an lành
Cụ thể, quy luật Giản dịch cho thấy các yếu tố cơ bản của không gian phải giải quyết để “một điều thông thì vạn điều mới thông”. Quy luật Biến dịch giúp nhận ra các biến động tất yếu về khoa học, kỹ thuật sẽ khiến tư duy làm nhà biến đổi tương ứng. Còn quy luật Bất dịch xác quyết các mệnh đề mang tính muôn thuở như bản chất của vật liệu, ánh sáng, các ngưỡng sinh học của đối tượng sử dụng… để hướng tới thiết kế bền vững.
Hiểu về Dịch sẽ giúp hiểu vì sao nhà xưa thuần gỗ bởi điều kiện môi trường, trình độ kỹ thuật, nhu cầu và số lượng tương ứng với thời chưa bùng nổ đô thị hóa và cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu… Hiểu về Dịch cũng giúp nhận ra nhà nay dùng gỗ tự nhiên là xâm hại môi trường và gỗ (hay hiểu nôm na là hành Mộc) không phải là hành duy nhất đem lại sự hòa hợp Thiên Địa Nhân.
Thực tế các chất liệu mới ra đời đều kế thừa ưu điểm, khắc phục nhược điểm của chất liệu cũ, đòi hỏi người làm nhà có tâm thế đón nhận, áp dụng tương hợp. Các giải pháp xử lý chất liệu cũ như tô đá mài, uốn sắt nghệ thuật, vẽ lên tường và trần, ốp lát gạch thủ công… đều từng phổ biến một thời. Nếu nhà thiết kế trong thế kỷ XXI muốn kế thừa, chắc chắn cần cải tiến không chỉ ở kỹ thuật, mà còn ở triết lý quan hệ đa chiều: chiều Không gian giữa các vật liệu với nhau: chiều Thời gian để thấy tương tác về thời điểm, thời tiết, thời thế và chiều Nhân gian để kết nối với người sử dụng.
Đa diện để hợp quy luật Âm Dương
Về cơ bản ngôi nhà là cấu trúc cứng, mang công năng với các bề mặt hoàn thiện là phần Dương để tiếp xúc, di chuyển, sinh hoạt… Đồng thời tổng thể Dương này cũng hàm chứa tính Âm trong phần rỗng để hữu dụng, tương tác với con người, khiến kiến trúc – nội thất khác biệt với tác phẩm điêu khắc hay sắp xếp cảnh quan.
Xét giữa các chất liệu với nhau theo nguyên lý sinh khắc tương đối thì gỗ mềm hơn (Âm) so với gạch đá, nhưng sẽ cứng hơn (Dương) so với trải thảm, lót chiếu. Tấm thạch cao tuy thấy cứng nhưng không Dương bằng tấm cemboards hay bê tông. Tương tự, cùng chủng loại vật liệu cũng có khác biệt Âm Dương, như các tấm gỗ MFC, MDF, HDF đều có thông số kỹ thuật khác nhau và khác với gỗ tự nhiên.
Vì vậy, sử dụng vật liệu linh hoạt không thể chỉ tập trung vào một loại hay một nhóm vật liệu nhất định, mà cần đa dạng chủng loại, đa diện khi xem xét đúng chỗ, đúng chất. Hiểu được ý nghĩa phong thủy của chất liệu và màu sắc sẽ giúp chọn lựa và phối kết nội thất hài hòa hơn. Màu sắc càng nhạt và bề mặt bóng thì khả năng phản xạ ánh sáng càng mạnh, tăng Dương, động hơn. Còn những chất liệu có bề mặt gai xốp, màu sắc đậm, ít phản quang thì thiên về Âm, tĩnh hơn.
Xét theo vùng không gian thì sàn và trần là hai mặt phẳng trên – dưới mà con người sử dụng bên trong mỗi không gian. Sàn được tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất trong nhà nên việc bổ sung tính mềm mại (tăng Âm giảm Dương) rất cần thiết. Ví dụ như dùng thảm tại các vị trí thư giãn, tiếp khách, dùng sàn gỗ trong phòng ngủ… là cách cân bằng Âm Dương hữu hiệu, thay vì chỉ lát sàn thuần túy gạch hay đá. Những tấm thảm đặt đúng chỗ là điểm nhấn giúp giảm tiếng ồn, tạo cảm giác sử dụng thoải mái… Loại thảm sử dụng thuần chất liệu tự nhiên như sợi đay, sợi bông, chiếu tatami kiểu Nhật… còn được dùng như một liệu pháp Y Sinh Học nhằm tăng sự thiền định, tĩnh tại, thư thái cho nội thất.
- Xem thêm: Tốt xấu cho nơi để xe
Bề mặt vật liệu hoàn thiện nội thất luôn gợi lên sự liên tưởng, sự đồng cảm và khả năng liên kết với đồ đạc. Chính yếu tố vừa vật chất vừa tinh thần này khiến chọn lựa vật liệu là một nghệ thuật tinh tế, cần tham khảo kinh nghiệm của nhà chuyên môn lẫn các trải nghiệm văn hóa của chính người sử dụng.
Bền vững không chỉ qua các tiêu chí vật chất
Bên cạnh đó, để tạo một môi trường ở hợp phong thủy, hợp với phát triển bền vững, thì vật liệu nội thất cần đáp ứng không chỉ hình thức bên ngoài. Vật liệu trong không gian cần có sự tương hợp giữa các mặt đối lập, khi Âm Dương kết hợp, hoán chuyển, dưới góc nhìn Dịch Học thì các quẻ đại diện sau đây giúp diễn giải (*) quan niệm để ngôi nhà bền vững cần có:
- Thích dụng (tương ứng Quẻ Thái): gia chủ thông thái luôn biết mình biết người, chọn lựa vật liệu cần “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. luôn phải xem xét phong cách, quan niệm sống của mình có hợp với vật liệu và không gian hay không. Từ thói quen sinh hoạt dẫn đến văn hóa ăn ở, không thể áp đặt cưỡng cầu những giải pháp vật liệu xa lạ với tập quán bản địa. Có những ngôi nhà rực rỡ thể hiện qua trang trí lấp đầy mọi khoảng trống, đèn đuốc như sao sa… mới nhìn thì ngỡ chu đáo kỹ lưỡng, nhưng thực tế sử dụng lại gây mệt mỏi các giác quan, cảm giác bình yên bị xáo trộn.
- Bền vững (tương ứng Quẻ Khiêm): đã theo việc làm nhà ắt phải có biểu lộ hình thức, triết học đông phương nhắc nhở nên biết đến khiêm cung, tiết chế, nhường nhịn môi trường, quan hệ chung quanh. Khiêm đúng sẽ giúp kiến trúc và nội thất không nhất thiết tích lũy nhiều dương tính (thông qua vật chất, màu sắc, mảng miếng…) mà dùng Âm cũng có thể tôn Dương, dụng nhờ chỗ không. Ít mà lại nhiều, đó là cách triết lý Đông phương về ứng xử nhu hòa, cũng trùng với nguyên lý Less Is More trong tư tưởng kiến trúc Tây phương. Đừng biến không gian trở thành một kiểu thức bó buộc như nghi lễ, bởi càng làm nội ngoại thất phức tạp lên thì càng kéo xa không gian khỏi sự tự nhiên vốn có trong bản thể.
- Kinh tế (tương ứng Quẻ Tiệm): nên đặt ra nhu cầu hiệu quả của vật liệu không chỉ sau khi xây dựng, mà còn suốt quá trình bảo trì bảo dưỡng và khả năng thay thế theo thời gian. Vật liệu dù tự nhiên hay nhân tạo thì cũng cần phải xử lý an toàn, cẩn trọng, thân thiện người dùng, tránh thiên lệch về kiểu cách đặc biệt nhất là khi nhà ở lâu dài không phải môi trường quán xá hay cửa hàng. Đặc trưng khí hậu, tập quán… tại các địa phương khác nhau trên thế giới đã nảy sinh các nền văn minh, văn hóa khác nhau. Việc cóp nhặt kiểu cách ở nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt, ví dụ nhà gạch trần ở Mỹ La tinh, Nam Á, dạng nhà bê tông tối giản ở Nhật Bản, hay resort tranh tre ở Indo, Maldives… không dễ hài hòa trong điều kiện (kỹ thuật, khí hậu, khả năng thi công…) ở Việt Nam. Các chất liệu được “thuần hóa” và sản xuất tại địa phương sẽ góp phần tiết kiệm chi phí và hữu dụng hơn.
- Thẩm mỹ (tương ứng Quẻ Hằng): Các kiểu thức hoàn thiện vật liệu dù thô mộc hay tinh xảo, xốp nhám hay bóng bẩy cũng chỉ là “tấm áo” hợp nhãn hợp gu với gia chủ và nhà thiết kế ở một thời điểm và hoàn cảnh nhất định, chớ “nâng tầm quan điểm” phải chạy theo xu hướng thịnh hành. Hãy chọn cho ngôi nhà của mình nhóm giải pháp đúng, đủ với công năng và khả năng tồn tại, duy trì, thích ứng theo thời gian, để hướng đến vẻ đẹp chân thực và tương đối, tránh cực đoan. Vạn vật không có gì tuyệt đối hoàn hảo, cái đẹp cũng không thể toàn bích mà phải có chính phụ, chủ yếu trong nhà cửa là biết hòa hợp với hình thế chung, tôn vinh chỗ cần nổi bật. Vật liệu dùng đẹp nhờ “tốt khoe xấu che”, ưu tiên điểm nhấn đúng chỗ sẽ giúp nội khí ngôi nhà rõ ràng, nổi bật, hơn là lạm dụng “son phấn” tràn lan khắp mọi chỗ.
Dùng vật liệu hài hòa phong thủy đem lại hiệu quả không chỉ về hình thế, tâm lý, thị giác, mà chính là vùn hóa sử dụng vật liệu được tích lũy và kế thừa từ truyền thống. “Tốt gỗ tốt cả nước sơn” chính là mục tiêu hướng tới để giải pháp vật liệu thực sự đủ và đúng như các tiêu chí chung của Kiến trúc hiện đại hướng tới.
________
(*) Xem thêm các luận giải về Dịch Học
của Quẻ Thái, Khiêm, Tiệm, Hằng trong các tư liệu Kinh Dịch Đạo của người quân tử – Nguyễn Hiến Lê và bộ 3 Kinh Dịch Luận Giải của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
– Ảnh Xuân Trang