Một năm về trước, tôi rời thành phố New York để đi du lịch vòng quanh thế giới với tư cách là phái viên thường trực ở nước ngoài của Business Insider. Trong quãng thời gian đó tôi đã đi tới hơn 20 đất nước khác nhau. Tôi đã dành ba tháng vừa qua của chuyến đi ở châu Phi – viếng thăm Ai Cập, Ma-rốc, Nigeria, Kenya và Tanzania. Tuy mỗi đất nước có một nền văn hóa và phong tục riêng biệt, tôi đặc biệt đã trải qua rất nhiều bất đồng văn hóa khi ở châu Phi.
Hai điểm lớn nhất chính là việc phải quen không sử dụng tay trái khi ăn uống ở Nigeria và đánh giá thấp độ ảnh hưởng của giao thông lên nhịp điệu đời sống ở Lagos và Cairo.
Khác biệt văn hóa là việc không thể tránh khỏi, đặc biệt khi bạn là một người Mỹ.
Dù tốt hay xấu (nhưng thường là xấu), ta hay nghĩ cách của dân ta là cách “đúng”. Khi đi du lịch, bạn sẽ nhận ra rằng đối với những người đến từ các nền văn hóa khác, phong tục của người Mỹ, hay người phương Tây nói chung, đều vô cùng lạ lẫm – y như phong tục của họ đối với ta vậy.
Nếu bạn là một người Mỹ đang đi du lịch qua các nước châu Âu, nhầm lẫn văn hóa là chuyện khó có thể tránh khỏi. Tuy vậy, không gì có thể sánh được khi bạn viếng thăm châu Phi – nơi mọi thứ dường như hoạt động theo một hệ thống khác hoàn toàn so với Mỹ.
Quả nhiên châu Phi không chỉ là một hòn đá nhỏ bé gì. Diện tích của lục địa này còn lớn hơn của Bắc Mỹ và là nơi ở của 3.000 dân tộc, nói hơn 1.500 ngôn ngữ và cư ngụ ở 54 đất nước khác nhau. Các địa phương và đất nước này có thể khác xa nhau như người Mỹ với người châu Phi vậy.
Một ví dụ là từ “inshallah” được sử dụng rất thường xuyên ở nhiều nước Bắc Phi nhưng lại không hề tồn tại ở nhiều nước Hạ Sahara. Một nguyên liệu thức ăn thường thấy ở vùng Nam Nigeria là đậu parkia. Song nó lại không được sử dụng ở miền Bắc hay trong ngành ẩm thực của nhiều quốc gia khác.
Tôi đã dành ba tháng vừa qua của chuyến đi ở châu Phi – viếng thăm Ai Cập, Ma-rốc, Nigeria, Kenya và Tanzania. Tôi đã có vô số lần xung đột văn hóa, sốc văn hóa, giao tiếp thất bại và các hiểu lầm.
1. Cách ăn mặc ở Ma-rốc, Ai Cập, Tanzania và nhiều nước cổ hủ hơn nước Mỹ rất nhiều
Như hầu hết các quốc gia có phần lớn theo Hồi giáo, nguyên tắc cơ bản nhất là bạn phải ăn mặc kín đáo hơn rất nhiều so với khi ở Hoa Kỳ. Mặc cho nhiều người phương Tây nghĩ châu Phi không có kết nối gì với đạo Hồi, đây lại là tôn giáo phổ biến nhất trên lục địa này.
Những quốc gia với hầu hết số dân theo đạo Hồi và đi theo phong tục của tôn giáo này bao gồm mọi đất nước tôi đã đặt chân tới: Ai Cập, Ma-rốc, Nigeria, Kenya và Tanzania. Người ta thường nghĩ những người dân nơi đây ăn mặc kín đáo từ đầu tới chân – che hết hai vai và quần áo kéo dài qua đầu gối, và thường đồ bơi chỉ được mặc khi đi biển.
Sự bảo thủ này có thể khác biệt tùy theo bạn đang ở vùng nào trên đất nước. Việc thấy người dân ăn mặc phóng khoáng ở các thị trấn nghỉ mát như El Gouna hay Sharm El Sheikh ở Ai Cập không phải chuyện hiếm hoi, và cũng không lạ gì nếu bạn thấy các thanh niên trẻ tuổi ở những khu đô thị cấp cao như Westlands ở Nairobi, Kenya ăn diện trong những bộ trang phục bạn có thể mua ở New York hay London. Nói chung là bạn phải để ý xung quanh của mình.
2. Ở Nigeria và nhiều đất nước Bắc Phi khác, hình thức ăn uống hay chào hỏi bằng tay trái được coi là bất lịch sự
Tuy không đất nước nào giống y hệt đất nước nọ, khi viếng thăm hầu như các đất nước châu Phi và vùng Trung Đông, bạn nên tránh việc sử dụng tay trái hết sức có thể.
Việc sử dụng tay trái để chào hỏi, ăn uống hay nhận quà được coi là bất lịch sự ở Nigeria. Ma-rốc, Ai Cập và các đất nước Trung Đông khác cũng giống như vậy.
Do vốn dĩ thuận tay trái, tôi đã khó lòng có thể quen với việc này. Dẫu đã quen chào hỏi và bắt tay bằng tay phải, tôi vẫn cảm thấy kỳ lạ khi dùng tay phải để ăn uống.
3. Cúp điện là chuyện thường ngày ở Nigeria
Điện là một thứ xa xỉ ở Nigeria. Phần lớn đất nước đều không có điện lưới, và thậm chí ở Lagos, điểm tập trung kinh doanh của đất nước, cúp điện có thể kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ mà không được báo trước.
Đa số các doanh nghiệp lớn như khách sạn, khuôn viên công ty hay trường học có hẳn máy phát điện của riêng họ. Khi cúp điện, chúng sẽ tự động chạy nhưng cũng có đôi lúc máy phát điện bị hư hỏng. Lúc đó nhân viên chỉ còn cách thu dọn đồ đạc và đi về. Vì tình trạng này, mỗi năm Nigeria tổn thất rất nhiều ngày công.
4. Ở Lagos và Nairobi, bạn phải đi qua máy dò kim loại và máy quét X-quang trước khi có thể bước chân vào bất cứ tòa nhà nào
Trước khi bạn có thể bước chân vào bất cứ tòa nhà, khách sạn, quán rượu, nhà hàng, hay khu mua sắm nào ở Lagos và Nairobi, bạn sẽ phải trải qua một đợt kiểm tra an ninh tương tự như khi ở sân bay của Mỹ vậy.
Không nhất thiết phải cởi giày, nhưng bạn sẽ phải đi qua máy dò tìm kim loại, để các túi xách qua máy dò X-quang, và thậm chí là bị kiểm tra quần áo để xem bạn có giấu giếm gì không. Nếu bạn đang lái xe, các nhân viên bảo vệ sẽ kiểm tra dưới gầm xe và thùng đựng hành lý để xem có vũ khí hay chất nổ không.
Do vấn đề khủng bố cả Nigeria và Kenya thường xuyên gặp phải, việc an ninh ở đó vô cùng chặt chẽ là hoàn toàn dễ hiểu. Đôi khi chặt chẽ như vậy còn được coi là không đủ.
Trong khi Lagos có nhiều tội ác nhỏ nhặt hơn là khủng bố, Nairobi đã bị Al Shabaab, một nhóm nổi dậy Hồi giáo ở Somalia, nhiều lần tấn công. Vào tháng Giêng vừa qua, Al Shabaab đã tấn công một khách sạn ở khu vực thượng lưu của Nairobi và đã ra tay giết hơn 20 người.
5. Tham nhũng và hối lộ là chuyện thường ngày của người dân Nigeria và nhiều đất nước châu Phi khác
Tham nhũng là một chuyện rất phổ biến ở các nước châu Phi. Điều này rất đúng trong nhiều trường hợp, còn lại chỉ do cách nhìn nhận người dân phương Tây.
Nigeria có một lịch sử lâu dài, trong mắt cả người dân và người ngoài, là một đất nước thường xuyên xảy ra tham nhũng. Một bản khảo sát của US News & World Report cho thấy rằng đây là đất nước tham nhũng thứ 4 trên thế giới, và ở mức 27/100 trên thang điểm tham nhũng (100 là hoàn toàn trong sạch) của tổ chức Transparency International.
Tổng thống Muhammadu Buhari đã cố gắng phòng chống tham nhũng ở Nigeria, và thu về kết quả trái chiều.
Hoàn toàn không lường trước, nhưng chính tôi cũng đã trực tiếp trải qua sự nhũng nhiễu. Trên một chuyến xe với đồng nghiệp ở Lagos, một viên cảnh sát đã dừng xe của chúng tôi lại và quyết định phạt “tiền” khi thấy tài xế có căn cước đã hết hạn. Tài xế không bị xét vé gì cả, nhưng lại có giao dịch tiền bạc.
Sau đó người đồng nghiệp bảo tôi rằng viên cảnh sát đó hẳn dừng xe lại vì hắn đã thấy tôi, một người da trắng, ngồi ở ghế sau.
Một sự việc tương tự suýt xảy ra khi tôi đang rời khỏi một công viên quốc gia ở Tanzania, nhưng may thay, nhờ hướng dẫn viên mà tôi đã không phải hối lộ gì với viên cảnh sát đó cả.
6. Giờ trả phòng ở Tanzania là 10 giờ sáng, chứ không phải xế chiều
Là một người vốn rất từ tốn trong việc trả phòng khách sạn, đây là một thay đổi văn hóa tôi khó khăn lắm mới có thể làm quen được.
Ở hầu hết các nước tôi đặt chân tới, giờ trả phòng thường xảy ra vào lúc chiều, sớm nhất cũng là 11 giờ sáng. Nếu sớm hơn nữa thì nhân viên sẽ không ngần ngại cho tôi thêm 1 hay 2 tiếng nữa để thu xếp đồ đạc.
Ở Tanzania không như vậy. Tôi đã ở lại nhiều khách sạn và phòng trọ ở Bắc Tanzania – lân cận hay trong Vườn quốc gia Serengeti – và trên quần đảo Zanzibar. Thời điểm trả phòng của mọi khách sạn ở đây là đúng 10 giờ sáng. Điều này đã khiến tôi nhiều lúc phải dậy sớm và vội vã thu xếp đồ đạc cho kịp giờ.
7. Từ “inshallah” được dùng rất nhiều ở các nước Bắc Phi như Ma-rốc và Ai Cập – và nó có rất nhiều nghĩa khác nhau
Hãy thử dành thời gian ở vùng Trung Đông hay Bắc Phi, rồi bạn sẽ quen với “inshallah” – một cụm từ tiếng Ả Rập. Bản dịch thô sẽ mang ý nghĩa là “nếu Chúa muốn thì nó sẽ như vậy”, nhưng nghĩa trong cuộc trò chuyện hằng ngày sẽ thay đổi dựa theo ngữ cảnh. Nó có thể mang nghĩa “hy vọng vậy,” “tôi mong vậy”, “có lẽ”, “ai biết được”, hoặc là “đâu phải chuyện của tôi” và nhiều nghĩa khác. Nếu một người mẹ hay cha nói từ này với con cái, nó có thể mang nghĩa “không, không bao giờ đi công viên giải trí đâu”.
Ở Ai Cập và Ma-rốc, cụm từ này đi kèm với câu trả lời cho mọi câu hỏi của tôi với những người dân địa phương. Có những lúc tôi thấy nó rất khó hiểu, nhưng rồi tôi cũng dần hiểu ra được ý nghĩa của nó.
Khi ở Ai Cập, tôi đã hỏi hướng dẫn viên xem đoàn sẽ đi vào lúc mấy giờ. Anh ta trả lời “9 giờ sáng, inshallah”. Một tiếng sau đó chúng tôi mới rời khỏi.
Có những lúc cụm từ này sẽ đi kèm với điều gì đó một người không muốn nói với bạn như một phép lịch sự. Như khi chỗ nhà trọ bảo họ đã lấy phòng tôi cho người khác vì họ đã không còn phòng cho khách mới nữa.
Là một du khách, tôi thấy việc làm quen với nhiều định nghĩa của cụm từ đó là khó khăn và vô cùng quan trọng.
8. Khi ở Ma-rốc và Ai Cập, đồng nghiệp của tôi bị quấy rối chưa từng thấy khi một mình đi ngoài đường
Vào tháng 12 và tháng Giêng vừa qua, khi chu du ở Ai Cập và Ma-rốc, đồng nghiệp của tôi đã bị quấy rối và xúc phạm vì giới tính và chủng tộc của cô – thậm chí cô ấy còn bị theo đuôi – đặc biệt khi cô ấy đi ngoài đường mà không có tôi bên cạnh.
Một buổi sáng nọ ở Cairo, Ai Cập, đồng nghiệp của tôi quyết định ra ngoài đi dạo. Cô ấy định dành nửa ngày để đi khám phá. Nhưng 2 tiếng sau cô ấy đã quay lại, mệt mỏi vì bị quấy rối và trong quãng thời gian còn lại ở thành phố này, cô ấy đã không dám ra ngoài mà không có tôi đi cùng nữa.
Không chỉ người nước ngoài và du khách mới bị quấy rối. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013 cho thấy rằng hơn 99% phụ nữ Ai Cập đã nói họ cũng từng bị quấy rối.
“Khi xuất thân là một phụ nữ Ai Cập, bạn sẽ dành cả đời mình để đối phó với bạo lực tình dục”, một người phụ nữ Ai Cập chia sẻ với Der Spiegel. “Mẹ tôi giờ đã hơn 50 tuổi và tới bây giờ bà vẫn bị quấy rối.”
Nhà bình luận báo chí của tờ New York Times, Jada Yuan, đã chia sẻ về một trải nghiệm tương tự khi viếng thăm Tangier, Ma-rốc vào năm ngoái.
Quấy rối phụ nữ không chỉ xảy ra bên trong cộng đồng người Ả Rập. Đồng nghiệp tôi cũng đã nhắc qua rằng chính cô ấy cũng đã bị “gọi mèo” (quấy rối một cách công cộng bằng tiếng huýt sáo và những lời khiếm nhã khó nghe) ở New York và trong những ngày tháng lớn lên ở vùng ngoại ô Washington, DC, cô cũng bị quấy rối vì giới tính và chủng tộc của mình. Nhưng ở đây, việc quấy rối xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn rất nhiều.
9. Người ta không thường uống rượu ở Ai Cập và một vài nước Ả Rập khác
Có một lý do rất đơn giản để một người Mỹ trải qua sốc văn hóa khi đặt chân tới một đất nước Hồi Giáo: Rượu thường được coi là điều cấm kỵ.
Với nhiều linh mục Hồi giáo bảo rằng Kinh Koran đặc biệt cấm kỵ việc uống rượu, không bất ngờ gì khi việc uống rượu không được phổ biến trong văn hóa của họ.
Trong các đất nước Ả Rập tôi đã đặt chân tới – Ma-rốc và Ai Cập – rượu vẫn hợp pháp, và một số vẫn uống rượu. Nhưng ngoài các khu nghỉ mát và khách sạn thì nó là một thứ không phổ biến tẹo nào.
Việc các du khách tìm được một quán bar, hộp đêm hay khách sạn cho phép bạn uống rượu là rất dễ dàng. Nhưng nếu kết bạn với một người Ai Cập hay một người dân Ma-rốc, hãy nhận ra một điều rằng khả năng họ không uống rượu là rất cao. Ở Ma-rốc, tôi đã sai lầm mời một người bạn đạo Hồi uống rượu, và anh ấy đã trả lời rằng anh ấy chỉ uống “berber whiskey”, hay còn gọi là trà bạc hà của Ma-rốc, mà thôi.
10. Tình trạng giao thông ở Lagos và Cairo tệ đến mức bạn có thể tốn hàng tiếng đồng hồ để lái được một dặm – và cả ngày của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
Bình thường quãng đường tới chỗ làm của bạn mất bao nhiêu thời gian? 30 phút? 1 tiếng? 90 phút?
Ở Lagos, bạn có thể tốn hơn 4 tiếng đồng hồ để đi được vài dặm từ các khu ngoại thành đến những khu phố trung tâm.
Tuy giao thông ở Cairo không tệ đến mức vậy, nó vẫn có nhiều vấn đề giao thông hơn bất cứ thành phố nào của nước Mỹ, ngoại trừ có thể Los Angeles. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2010 đã cho thấy rằng giao thông đã khiến Ai Cập mất đi 3.6% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm.
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mọi kế hoạch tôi có ở cả hai thành phố đều phụ thuộc hết vào tình trạng giao thông. Khi ở Lagos, tôi đã bảo mọi đối tác kinh doanh hãy tới gặp tôi ở khách sạn để chỉ một bên phải chịu trận dưới tình trạng giao thông như vậy. Cũng đã có nhiều người hủy hẹn với tôi vào phút cuối vì tình trạng đã trở nên vượt tầm kiểm soát.
11. Ở Lagos và Nairobi, những người bán hàng rong sẽ cố bán cho bạn mọi thứ – từ cần gạt nước cho cửa sổ tới chai nước, trong lúc bạn bị kẹt xe
Một hiện tượng đặc biệt đi kèm với sự khắc nghiệt trong giao thông là khi các người bán hàng rong đổ ào xuống đường để bán cho bạn bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ tới.
Ta rất thường thấy những người bán hàng rong bán nước hay kẹo trên đường phố của New York vào mùa hè. Khi ở Lagos và Nigeria, khả năng bạn thấy họ bán dầu nhớt, cần gạt nước cho cửa sổ, thú nhồi bông, hoa hay chổi cũng cao hệt như vậy.
Đôi lúc nó cảm giác như mình đang ở trong một khu mua sắm đi chậm vậy.
12. Ở Ma-rốc, Kenya và một vài nước châu Phi khác, người ta thường thích ăn bằng tay hơn là bằng muỗng nĩa
Đây là một chuyện rất thường thấy ở châu Phi – cả Bắc Phi và châu Phi Hạ Sahara. Cách ăn uống truyền thống của họ là ăn bằng tay.
Những món chính của Ma-rốc như tagine (xúp hầm) và couscous (món cơm) vốn dĩ được thiết kế để bạn ăn bằng tay. Thường người ta sẽ đặt một chiếc dĩa lớn ở giữa hai món và ngay trung tâm bàn ăn, rồi mỗi người sẽ lấy tay cuộn cơm thành nắm hay dùng bánh mì Ma-rốc để cho thịt hay xốt vào phần ăn của mình.
Nhiều đất nước châu Phi khác như Kenya, Tanzania và Ethiopia cũng có ẩm thực được thiết kế để bạn ăn bằng tay.
Không có nghĩa rằng bạn bắt buộc phải dùng tay để ăn đâu. Bất cứ nhà hàng nào cũng sẽ cung cấp muỗng nĩa cho bạn – nhưng vì tôi thường hay dùng tay để ăn đồ nướng, tôi không ngại việc dùng tay để ăn những món đã nói trên.