Phần lớn những cây cầu hiện nay đều nằm ở dưới thấp, đáp ứng nhu cầu đi bộ và xe cộ của mọi người. Song có một loại cầu rất đặc biệt là thiên kiều – cầu đi bộ trên cao. Chuyên nằm lưng lửng giữa các tòa nhà hoặc trên đỉnh cao ốc, phục vụ việc di chuyển cấp tốc hoặc thư thả với mục đích ngắm cảnh- thư giãn…
Con người đã bắt đầu làm thiên kiều từ lâu. Theo các nghiên cứu khảo cổ và kiến trúc, thì từ cách đây hơn 1.800 năm, người Trung Quốc đã biết xây dựng thiên kiều để nối kết giữa hai tòa nhà và làm một lối đi chung trên cao giữa chúng.
Ở mỗi thời đại, tại từng nước cũng có các cây cầu tương tự và tới thế kỷ XX thì chúng đã xuất hiện ồ ạt như một cuộc cách mạng, làm thay đổi toàn bộ diện mạo phố phường, với việc nhà cửa không chỉ chạy dài trên mặt đất mà còn vươn thẳng lên trời, và trổ ở đó những lối đi điệu nghệ, tránh nắng mưa- gió bão, bụi khói, tiếng ồn.
Người ta thấy rằng, ngoài các chức năng trên, cầu đi bộ trên cao còn mang lại khá nhiều tiện ích nữa. Thứ nhất là để cung cấp chỗ trú ẩn, vui chơi, tụ họp khi cần thiết. Trong đó có những tụ điểm ăn uống, giải khát, quan sát, ngắm cảnh, bơi lội… Cũng với ý này, như một phòng phụ, chúng lấp đầy những chỗ trống hoặc liên kết giữa các tòa nhà, trung tâm thương mại, thể thao- du lịch. Vì thông suốt- kín đáo, đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa mọi lứa tuổi, nghề nghiệp.
Cuối cùng là lối đi tiết kiệm thời gian, đặc biệt là lối thoát hiểm khi xung quanh xảy ra các sự cố, đồng thời là đường tắt giúp giảm thiểu mật độ giao thông trong giờ cao điểm. Do kiến trúc đồ sộ- xinh đẹp, nhiều công trình còn trở thành các cột mốc, cảnh đẹp thu hút du khách. Hàng ngày, có rất nhiều người đứng xem, tận hưởng cảnh phố phường bao la, choáng ngợp cùng bầu không khí trong lành- an tĩnh.
Tuy bé nhỏ, chỉ là một phần của các tòa nhà, song thiên kiều luôn là biểu tượng của kiến trúc hiện đại- tương lai và các công trình hoành tráng, cao vời. Chúng luôn song hành với các cao ốc chọc trời, và thường nằm ở độ cao cách mặt đất dăm mét trở lên, cũng như kéo dài từ vài chục mét tới hàng trăm mét. Dù rằng đã tồn tại từ trước, song đến năm 1927, thế giới mới chính thức nói tới thiên kiều.
Đó là trong bộ phim Thủ phủ, cho thấy một thành phố văn minh có những tòa nhà chọc trời và những cây cầu bắc ngang trên đỉnh. Tiếp tục đến năm 1977 là những bức tranh trong tập sách Cái nhìn của nhà vua về New York, vẽ lên một Brooklyn có cả chục thiên kiều tầng tầng lớp lớp. Hôm nay, nói đến thiên kiều là người ta nói tới các đô thị sầm uất, các khu dân cư đông đúc, rồi nhà ga, sân bay, bệnh viện, trường học có số lượng người đi lại tấp nập phải cần tới đường nhanh, lối tắt.
Và một hình ảnh quen thuộc là một cây cầu đi bộ cắt ngang qua tất cả. Nói chung, ở châu Âu và châu Mỹ, thiên kiều thường chỉ là một lối riêng tư, tách biệt, phục vụ một số đối tượng nhất định như người dân của các chung cư, và hành khách qua đây phải chịu sự theo dõi – thu phí. Song ở châu Á, nhất là Đông Nam Á, chúng là lối đi chung, ai qua lại cũng được, miễn phí và thuộc về hệ thống giao thông công cộng. Dọc đường thường mở quán xá, buôn bán như một tuyến phố.
Trên thế giới, có khá nhiều thiên kiều đặc sắc. Về hệ thống cầu đường, tiêu biểu có loạt thiên kiều 15+ tại Calgary, Alberta- Canada với chiều dài tới 18km. Gồm 62 cây cầu, nối kết 64 tòa nhà và được đặt tên theo độ cao 15 feet, tức 4,5m, cá biệt là 30- 40 feet so với mặt đất.
Cũng dài 18km, hệ thống thiên kiều ở Minneapolis, Minnesota- Mỹ còn là mạng lưới cầu đi bộ trên cao lớn nhất đương đại, vì nó băng qua tới 80 tòa nhà, chủ yếu là tầng hai hoặc tầng ba của khá nhiều tòa tháp công sở, khách sạn, ngân hàng…
Về cá thể, có tuổi đời lâu nhất, phải kể tới thiên kiều Hành lang Vasari ở Florence- Italy. Đây là một cây cầu đã xuất hiện từ thế kỷ XVI, nối cung điện Palazzo Vecchio với phòng trưng bày mỹ thuậy Uffizi và Palazzo Pitti. Dài 1km, công trình được xây dựng để đại công tước Cosimo I de, Medici đi từ nơi ở tới phòng làm việc mà không ai thấy, cũng như phục vụ đám cưới của con trai ông một cách an toàn, nhanh lẹ.
Cung ứng giao thông nhiều thế kỷ, đến nay nó đã trở thành một bảo tàng, trưng bày những bảo vật hoàng gia. Hoặc như thiên kiều Quan Cảnh ở Venice- Italy, cũng đã ra đời từ thế kỷ XVII, nối cung điện Doge với nhà tù Prigioni qua kênh Rio di Palazzo. Được kiến tạo trang nhã bằng đá trắng hoa cương có dạng cung và nhiều mảng điêu khắc hấp dẫn, song cây cầu dài 11m này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất bấy giờ là để áp giải tội nhân từ phòng xét hỏi- thẩm tra tới trại giam- pháp trường.
- Xem thêm: 5 kiểu cầu độc đáo ấn tượng
Vì nằm trên cao, trông ra nhiều cảnh đẹp sông nước, nên sau một thời gian vô danh, đến thế kỷ XIX nó đã có tên Ponte dei Sospiri, dựa theo ý kiến cho rằng trên đường ra pháp trường, tù phạm sẽ được nhìn thấy phong cảnh Venice lần cuối qua 2 ô cửa nhỏ và từ biệt thành phố quê hương xinh đẹp. Cái tên chứa đựng những hồi tưởng tiếc nuối vì thế cầu đã trở thành biểu tượng về sự lãng mạn, trữ tình. Tiếp tục ý nghĩa ấy, hôm nay, những cặp tình nhân đi thuyền dưới gầm cầu thường hôn nhau, nhất là lúc chiều tà khi tiếng chuông thánh đường St. Mark vừa điểm để cầu mong hạnh phúc và tình yêu mãi mãi.
Cùng với những cây cầu đi bộ thời Trung Cổ, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XXI lần lượt xuất hiện nhiều thiên kiều mới lạ, kỳ thú, vắt ngang trời, chứ không chỉ thâm thấp như trước. Đơn cử là thiên kiều Công viên trên cao ở khu nghỉ dưỡng vịnh Marina – Singapore. Khánh thành năm 2010, cầu này cao tới 200m, dài 340m, gối đầu trên 3 tòa tháp, như một cái ván lướt sóng hay một con tàu vũ trị đậu trên ba choạc.
Diện tích của nó cũng lên đến 12.400m2, bằng kích cỡ của ba sân bóng đá hay 4,5 chiếc máy bay phản lực Jumbo A380. Là cầu, nó đồng thời là đài quan sát, vườn tược, bể bơi ngoài trời. Tại đây, có một bể bơi bằng i nốc dài 150m, chứa 1.424m3 nước và được bao quanh bởi vô số lối đi rợp mát. Bên dưới bể bơi, có bốn khớp động, giúp nó dễ dàng chịu được sự rung chuyển tự nhiên của tòa tháp với sự xê dịch lên tới 50cm.
Một thiên kiều ấn tượng nữa là công trình ở tòa tháp Trung tâm Vương quốc Riyadh- Ả Rập Xê út, cũng là tháp cao thứ hai nước này, tới 302m, 99 tầng, gồm Khách sạn Bốn mùa Riyadh và nhiều chung cư cao cấp. Trên đỉnh của tháp là một cây cầu cho tòa nhà có vẻ một chiếc mở nắp chai. Cầu bằng thép dài khoảng 65m, nặng 300 tấn mỏng mảnh nhưng cực kỳ chắc chắn, và hàng ngày luôn túc trực hàng trăm du khách ngoạn cảnh.
Nó bắt đầu phục vụ du lịch vào năm 2002 khi khai trương tòa nhà, và từ 12 giờ trưa đến nửa đêm. Đứng tại đây, có cảm tưởng như ở trên mây và chạm được vào những vì sao lung linh. Ngoài cảnh đẹp phố phường Riyadh, nhiều người còn tới chơi để được ú tim với tốc độ của các thang máy lên đỉnh tháp. Có 2 thang máy riêng phục vụ cây cầu, và đều phi rất nhanh trong 50 giây sẽ tới 180 m và 40 giây sau tới đích.
Tháp đôi Petronas Kuala Lumpur- Malaysia cũng từng là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1998 đến 2004, và hiện giờ vẫn là biểu tượng thế kỷ 21 ở thành phố Kuala Lumpur. Tháp cao tới 378,6m, chưa kể ăng ten, trong đó ở độ cao 170m, tức tầng 41- 42 xuất hiện một cây cầu 2 tầng (hai boong), dài 58,4m, nặng 750 tấn liên kết hai ngọn tháp nhọn. Ra đời năm 1996, nó là cây cầu đi bộ 2 tầng cao nhất trái đất đương thời.
Cũng là cầu có thiết kế đặc sắc hơn cả, do không gắn cố định vào nhà mà có thể trơn trượt, tránh rạn vỡ khi địa trấn, gió giật hay không kích. Nằm ở nửa trong số 88 tầng nhà, cầu còn nối với một phòng hội nghị, phòng ăn và nguyện đường nên đáp ứng mọi sự kiện quan trọng. Vì đông khách, mỗi ngày chỉ có một nghìn người được phép lên đây, trước kia miễn phí và từ năm 2010 thu tiền.
Không chỉ có một thiên kiều, Trung tâm Thương mại thế giới BWTC Manama- Bahrain còn có 3 cây cầu đi bộ ở “mạn sườn” gắn với ba chiếc máy tạo gió công suất 225 kw, để tự sản xuất điện, cung cấp 15% nhu cầu điện năng và bằng lượng đèn của 300 hộ gia đình.
Hoạt động từ năm 2008, BWTC gồm 2 tòa nhà hình cánh buồm, cao 240m, 50 tầng và có ba cây cầu nằm dọc thân ở khoảng cách từ 100 tới 150m, với mỗi cái gắn một tuốc bin đường kính 29m, quay về hướng Bắc, lấy gió từ vịnh Ba Tư thổi vào. Nhờ 2 cánh buồm thuôn nhọn, gió biển được hút vào tuốc bin rất nhiều, nảy sinh năng lượng dồi dào.
Nhà lai liên hợp Bắc Kinh- Trung Quốc, thậm chí còn có đến 8 cây cầu đi bộ, thông với 8 chung cư, làm thành một vòng tròn xâu chuỗi, lấy cảm hứng từ bức tranh Những người nhảy múa của danh họa Matisse. Từ năm 2009, nó đã thu hút mọi người nhờ kiến trúc độc đáo, ba chiều- trong đó mỗi tòa nhà vuông hay L đều bao quanh các vườn cây, mặt nước và tạo nên một thành phố khép kín với hơn 750 căn hộ, diện tích 220.000m2 và 2.500 dân.
Từ tầng 12 đến tầng 18 sẽ có thiên kiều, cho phép đi từ chung cư này tới chung cư kia cùng các khu vui chơi như bể bơi, quán cà phê, phòng thể hình, siêu thị, khách sạn và trường học, phát huy tối đa không gian công cộng.
Ngoài ra, còn có nhiều thiên kiều lôi cuốn khác, như cầu Thi hứng với dạng xoáy trôn ốc trên cao ở phố Floral London- Anh; cầu tháp Velo giống một mắt xích giữ hai (trục) quay tứ khúc với 30 tầng tại Seoul- Hàn Quốc; cầu LM2 gồm hai đoạn cầu treo, xếp hình chữ V gặp nhau tại một điểm như một cuộc bắt tay bởi hai bờ cảng Copenhagen- Đa Mạch; cầu phục vụ bể bơi Sky Habitat Bishan- Singpore; cầu làm quán cà phê Munster- Đức và cầu hình vòng tròn Enron Houston- Mỹ; cầu chợ Chelsea New York; cầu Interlaken Bern; cầu Munich Bavaria…