Bạn có khi nào rơi vào tình trạng tuyệt vọng: mua một đồ dùng và thiết bị về nhà và nó gặp vấn đề ngay sau khi hạn bảo hành hết khiến thứ bạn gắn bó trở thành đồ vô dụng?
Từ Mỹ lan sang châu Âu
Bạn không thể tự sửa chữa và không thể tìm được nơi khắc phục vấn đề với chi phí phải chăng. Hậu quả là có khi bạn phải vất nó vào sọt rác, đóng góp vào núi rác khổng lồ điện tử, đồ gia dụng toàn cầu và làm cho thảm họa thay đổi khí hậu tệ hơn. Nếu bạn mua đồ mới thay thế có lẽ bạn không biết rằng để có được món hàng cho bạn mua này, quá trình chế tạo ra nó đã đưa vào khí quyển một lượng khí thải độc hại tác hại xấu đến cuộc sống con người.
May mắn, để giúp bạn thoát khỏi hoàn cảnh này, nhiều tổ chức công dân tại Bắc Mỹ và châu Âu đang đẩy mạnh cuộc vận động “Quyền được sửa chữa đồ gia dụng”. Một số địa phương đã muốn biến quyền này thành luật trên tinh thần buộc những người sản xuất ra đồ gia dụng phải có trách nhiệm đưa chúng về “nguyên trạng” nếu bị hư hỏng để tránh sản xuất thêm cái mới và tăng thêm lượng rác, lượng khí thải vốn đã vượt quá mức báo động.
Trong một hội nghị vào đầu năm 2019, các bộ trưởng môi trường EU đã tranh luận về một dự thảo luật buộc các nhà chế tạo phải sản xuất ra những đồ gia dụng và thiết bị điện tử có tuổi thọ dài hơn và dễ sửa chữa hơn thay vì cố tình làm cho chúng mau “lạc hậu” và hư hỏng nhanh để bán model mới, giống như cách các công ty thời trang thường làm. Dự thảo luật có đề cập đến đèn điện, TV và các đồ gia dụng dùng điện trong các hộ gia đình như tủ lạnh, máy lạnh…
Hiện đã có ít nhất 18 bang ở Mỹ đang xem xét thông qua luật tương tự trong tình hình người dân phản ứng ngày càng mạnh trước chiến thuật tinh ma của các hãng sản xuất: làm cho đồ dùng ngày càng khó tháo rời, khó sửa chữa và khó tìm linh kiện thay thế. Luật cũng buộc sản phẩm phải đi kèm hướng dẫn sửa chữa được trình bày đơn giản và dễ hiểu.
Nhưng dự thảo luật về “quyền được sửa chữa” tại châu Âu có tên “EU Ecodesign Directive” nhấn mạnh đến yếu tố sinh thái trong việc thiết kế sản xuất sản phẩm gồm nhiều tiểu mục vừa nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng vừa gặp chống đối mạnh mẽ của các công ty. Các nhà vận động vì quyền lợi cũa người tiên dùng than phiền là Uỷ ban châu Âu (EU Commission) đã cho phép các công ty giữ quyền kiểm soát gần như tuyệt đối hoạt động sửa chữa bảo trì bằng cách chấp nhậb lý lẽ của họ là “sản phẩm dùng điện phải được sửa chữa bởi các chuyên viên có tay nghề dưới sự giám sát của các nhà chế tạo ra chúng”.
Cục Môi trường châu Âu (European Environmental Bureau-EEB) phản bác: “Lý lẽ này đã tước mất quyền tiếp cận (linh kiện thay thế và bản hướng dẫn sửa chữa) của các cửa hàng sửa chữa độc lập, đồng thời thu hẹp số nhân lực sửa chữa bảo trì, đẩy người dùng vào thế khó khăn khi phải sửa chữa sản phẩm hư hỏng”. EEB cũng muốn các sản phẩm như smartphone và máy in được đưa vào dự thảo luật mới của EU. Các tổ chức bảo vệ môi trường (Green) mở cuộc vận động ủng hộ việc thông qua các dự luật về quyền sửa chữa tại Mỹ, châu Âu và xem đây là “một trong những biện pháp quan trọng để cứu trái đất, giảm mức khí thải carbon và dùng tài nguyên, cả con người lẫn vật chất, một cách thông minh hơn”.
Thủ đoạn bán nhiều hàng của các công ty
Libby Peake, thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn Green Alliance, có ý kiến: “Các dự luật mới về quyền được sửa chữa đã có sự tiến bộ rõ ràng, nhưng điều đáng chú ý hơn là sự thức tỉnh của các chính trị gia trước một vấn đề mà công chúng đã lên tiếng từ lâu và đòi có biện pháp giải quyết thoả đáng. Những qui định mới cấp tiến vừa có lợi cho môi trường vừa có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên”.
Chính những thống kê đáng quan ngại và ở “ngưỡng báo động” đã buộc thế giới phải có thay đổi cái nhìn đối với đồ gia dụng và thiết bị điện tử. Một nghiên cứu mới cho thấy từ 2004-2012, tỷ lệ thiết bị dùng điện gia đình bị “chết” trong vòng 5 năm đã tăng từ 3,5% lên 8,3%. Hàng sản xuất càng về sau càng giảm độ bền và vòng đời ngắn dần dù chức năng có nhiều hơn và hiện đại hơn theo kiểu “2,3,4 trong một”. Chức năng càng nhiều càng dễ hư hỏng và khó sử dụng.
Phân tích số máy giặt bỏ đi tại các trung tâm tái chế cho thấy có trên 10% máy bị hỏng trước 5 năm sử dụng. Một nghiên cứu khác về lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất cho thấy một chiếc máy giặt tuổi thọ lâu hơn sẽ phát sinh số CO2 ít hơn 1 tấn trong 20 năm sử dụng so với loại máy sống ngắn. Nhiều đèn đường tại châu Âu dùng loại bóng liền khối với trụ đèn nên khi thay thế phải thay thế trọn bộ.
Thay thế thiết bị cũ với cái mới cũng không đơn giản. Một phân tích cho thấy một thiết bị cũ có hiệu suất dùng điện thấp đôi khi lại tốt hơn thiết bị mới xếp hạng A hay AA nếu xét về lượng khí thải CO2. Nói rõ hơn, model cũ thường thải ra môi trường ít CO2 hơn. Một câu hỏi khác là người dùng có sẵn sàng dùng thiết bị cũ sửa lại hay vẫn thích dùng cái mới hơn, ngay cả khi cái cũ chưa hư hỏng? Có lẽ cần phải có cuộc vận động để loại bỏ tư duy “phiến diện và chống môi trường” này. Phong trào “Quyền được sửa chữa” đòi hỏi các sản phẩm phải tháo rời được từng bộ phận một để thay thế phần bị hỏng bằng cái mới do chính nhà sản xuất cung cấp.
Dĩ nhiên, đi kèm theo là bản hướng dẫn sửa chữa. Nhưng một số hãng sản xuất lo những người sửa chữa “ngoài luồng” có thể làm hỏng trang thiết bị khi đang sửa dẫn đến nguy hiểm cho chính họ. Tổ chức công nghiệp Digital Europe nhận xét: “Chúng tôi hiểu tham vọng chính trị của phong trào Ecodesign với hai tuyên ngôn: tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến tính phi thực tế của một số đòi hỏi. Ngoài ra, dự thảo luật nếu được thông qua sẽ ngăn chặn quyền tự do buôn bán, quyền sở hữu trí tuệ và những phương cách tốt nhất trong chế tạo sản phẩm, ví dụ như sản xuất nguyên khối”.
Dự luật gặp khó ở Mỹ
Chính phủ Anh tuyên bố sẽ ủng hộ dự thảo luật “Quyền được sửa chữa” của EU dù đã rời tổ chức này. Các công ty Anh sẽ phải tuân thủ luật nếu muốn xuất hàng qua châu Âu. Bộ trưởng Môi trường Thérèse Coffey nói: “Thật là vui khi báo chí quan tâm nhiều hơn đến quyền của người tiêu dùng, xem đây là yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất và sử dụng tài nguyên sao cho tốt nhất.
Đó là lý do chính phủ ủng hộ những biện pháp được nêu lên trong dự thảo luật Ecodesign Directive mới trong đó nhấn mạnh đến việc sửa chữa sản phẩm và dùng lại những sản phẩm cũ thay vì mua cái mới, tạo áp lực lên môi trường”. Rõ ràng đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy so với các sáng kiến trước đó về năng lượng của EU.
Ví dụ: khi có quy định buộc giảm lượng điện dùng cho máy hút bụi lập tức có ý kiến cho rằng làm vậy máy sẽ yếu đi và sàn nhà bị bẩn, các nhà sản xuất máy hút bụi đã phải cải tiến sản phẩm để loại bỏ mối lo này. Đây là một ví dụ cho ý tưởng: “Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, luật lệ nên đi trước sản xuất một bước”.
Năm 2018, California trở thành bang thứ 18 của nước Mỹ xem xét dự luật về “Quyền được sửa chữa”, trong đó đòi hỏi các nhà sản xuất đồ dùng điện tử phải kèm bản hướng dẫn sửa chữa và có sẵn các linh kiện thay thế cung cấp cho người mua và cho các cơ sở sửa chữa bảo trì độc lập thay vì chỉ cung cấp cho các cửa hàng độc quyền như Apple Store và các cửa hàng được nhà sản xuất cấp phép.
Dự luật do nghị sĩ bang California, bà Susan Talamantes Eggman đệ trình nhắm vào các công ty như Apple. 17 bang có dự luật tương tự California gồm Washington, Massachusetts, Vermont, New York, Hawaii, Illinois, Iowa, Kansas, Minnesota, Missouri, North Carolina, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, Oklahoma, Tennessee, và Virginia. Lập tức, các công ty công nghệ lớn lên tiếng chống lại dự luật, kể cả Apple và Microsoft, nêu lý do người dùng có thể làm hỏng sản phẩm hay gặp tai nạn bất ngờ do sửa chữa không đúng cách.
Đã có những cuộc vận động hậu trường chống lại các dự luật này nên đến nay chúng vẫn chưa được thông qua. Điển hình là New York, nơi nghị viện bang giết chết dự luật “Quyền được sửa chữa” ngay từ trong trứng nước! Công ty Motherboard biện bạch: “Hiện bang California đã có một số luật về sửa chữa bảo hành tốt nhất nước Mỹ, ví dụ đòi hỏi các công ty phải chịu trách nhiệm sửa chữa và bảo hành sản phẩm của mình trong ít nhất là 5 năm. Chúng ta không cần thêm luật nào nữa”. Vì vậy, dự luật mới rất khó có khả năng được nghị viện bang thông qua sớm.