Bạn đã bao giờ có suy nghĩ để một đứa trẻ 10-15 tuổi đầu tư cổ phiếu chưa? Khá nhiều người trên thế giới thì có. Từ châu Á cho đến châu Âu, các trại hè dạy tuổi teen cách kiếm tiền đang nối tiếp nhau mọc lên.
Mặc dù phí tham gia không hề thấp, các ông bố bà mẹ trung lưu và thượng lưu không hề tiếc rẻ. Nắm bắt xu thế, Hasina Lookman ở Canada liền mở Trại Triệu phú ở ngoại ô thành phố Toronto.
Có mặt khắp thế giới
Cứ tới các kỳ nghỉ, phần lớn trẻ em trên thế giới đều quăng sách vở, cả ngày vui vẻ chơi đùa, đi bơi hay đá bóng. Song vẫn có một bộ phận nhỏ lại cắm đầu học tài chính trong các trại dạy làm giàu. Ở Denver, thành phố ở bang Colorado của Mỹ, các em tập trung trong Junior Money Matters, trung tâm dạy lý thuyết thương mại toàn cầu cho thanh thiếu niên. Tại Austin, đô thị thuộc bang Texas, các em tuổi teen thực hành làm sản phẩm và bán lấy tiền thật trong các trại tập kiếm tiền của Moolah U.
Nếu đến Hồng Kông, một trong những khu vực đông dân và giàu có nhất thế giới, bạn còn bắt gặp Học viện Doanh nghiệp Nhí (Kids Biz Academy) nhận dạy trẻ em từ 8-14 tuổi học cách thiết kế sản phẩm, đầu tư mạo hiểm và điều hành doanh nghiệp. Riêng Youngpreneurs ở Kolkata (Ấn Độ) còn cho phép các em ghép cặp với cố vấn kinh doanh người lớn, cùng họ lên và tiến hành các kế hoạch đầu tư.
Trại Triệu phú (Camp Millionaire) của nhà tiên phong ở Canada, Hasina Lookman chỉ là sự tiếp nối các hoạt động dạy trẻ làm giàu trên toàn cầu. Để tham gia trại này, một thiếu niên tuổi teen từ 10-18 tuổi cần đóng 275 USD/tuần (tương đương 6,4 triệu VNĐ). Tất nhiên là với mức phí ấy, chỉ các gia đình trung lưu và thượng lưu mới đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, Lookman khẳng định đối tượng của mình không phải chỉ có “con nhà giàu”. Cô hứa hẹn tặng ưu đãi, trợ cấp đặc biệt cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp hơn đăng ký theo học.
Qua quan sát, Lookman nhận thấy có một sự khác biệt rõ nét giữa mục đích học làm giàu từ “teen khá giả” và “teen bình dân”. Thanh thiếu niên nhà nghèo không quan tâm đến điều hành doanh nghiệp hay trở thành tỷ phú. Họ chỉ nhắm vào mục tiêu làm thế nào để kiếm đủ tiền trang trải cho khoảng thời gian học đại học, và tương lai luôn “no bụng”. Trái lại, thanh thiếu niên nhà giàu chú ý phương pháp quản lý, điều động và đầu tư nguồn vốn. Họ muốn nhanh chóng học được, làm cách nào để “tiền đẻ ra tiền”.
Chương trình đa dạng
Như hầu hết các chương trình dạy làm giàu cho thanh thiếu niên, Trại Triệu phú của Lookman cũng bao gồm các nội dung liên quan đến ngân sách, tiết kiệm, tính toán đầu tư… Ngoài ra, còn có các mục ứng dụng vào thực tiễn Canada, ví dụ như cuộc chiến thương mại với đối thủ nặng ký Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận của các nhà đầu tư trong nước? Mặc dù nhiều thành viên trong Trại Triệu phú của Lookman mới chỉ 10-14 tuổi, tất cả đều được thử nghiệm mùi vị thách thức của thị trường chứng khoán thực tế.
Không ít người đắn đo để (hoặc bắt) trẻ em phải tiếp xúc với kiến thức tài chính vốn khó nuốt sớm như thế thì liệu có tốt hay thật sự cần thiết không? Câu trả lời từ các chương trình này là “có”. Chăm chỉ hôm nay, sung sướng ngày mai! Với hiểu biết về tài chính, các “triệu phú tương lai” không chỉ nắm rõ sự vận hành của tiền, mà còn học được mặt trái mặt phải của sức mạnh động tiền. Qua đó biết cách sử dụng hợp lý cũng như trách nhiệm của bản thân trước việc tiêu pha.
Đặc biệt, Lookman khuyến khích mở rộng tư duy bằng cách liên kết tài chính với các vấn đề nổi cộm. Ví dụ như biến đổi khí hậu thì ảnh hưởng thế nào đến sự đầu tư? Hiện tượng sóng nhiệt ở Paris liệu có tác động đến chênh lệch cổ phiếu tại Toronto?
Thực nghiệm bằng tiền ảo
Mỗi thiếu niên tuổi teen tham gia Trại Triệu phú của Lookman đều được cấp 10.000 USD ảo để tự đầu tư. Sau buổi nghe giới thiệu về thị trường chứng khoáng đầu tiên (bao gồm từ cách thức hoạt động, giao dịch tiền tệ, thời gian đóng-mở cửa), các em được phép đưa ra quyết định và tiến hành mua.
Ban đầu, các “học viên tỷ phú nhí” chỉ dè dặt đặt cược vào các công ty lớn quen thuộc, ví dụ Apple hay Disney. Song chỉ vài ngày kế tiếp, chúng đã mạnh dạn mở rộng phạm vi, xem xét các công ty khác. “Bạn có thể thấy các bé tiến bộ chỉ trong vòng 5 ngày”, Lookman tự hào.
Alexandra Reeves, thành viên mới 10 tuổi của Trại Triệu phú, đã biết lục tìm Barronùi (một ấn phẩm tài chính của Mỹ) từ trước khi bước chân vào trại. Mối quan tâm của cô bé là liệu Lookman có thể giúp mình tự kiếm đủ tiền cho những năm đại học trong tương lai hay không. James Begin, 13 tuổi, thất bại ngay trong lần đầu tư cổ phiếu đầu tiên.
- Xem thêm: Dạy con biết về đồng tiền?
Tuy nhiên, cậu đã kiếm được 1.000 USD ảo chỉ sau một đêm, bằng cách đặt cược vào Golden Star Resources, một công ty của Canada có mỏ ở Ghana (quốc gia ở Tây Phi). Begin bảo rằng cậu đã học được cách kiếm tiền thông qua cổ phiếu. Nhưng cậu vẫn mơ hồ về cách các dòng tweet (mẩu tin nhắn dưới 280 ký tự, được các thành viên của mạng xã hội Twitter tự đăng trên tài khoản cá nhân) của Tổng thống Trump tác động lên thị trường chứng khoán. Làm thế nào mà chỉ với vài ba câu bâng quơ, một người liền có thể gây biến động hàng nghìn tỷ USD?
Kỹ năng sống cần thiết
Nhà hoạch định tài chính Liz Frazier, tác giả cuốn sách Bên cạnh Heo Tiết kiệm và Bán Nước chanh: Cách dạy Trẻ em về Tài chính (Beyond Piggy Banks and Lemonade Stands: How to Teach Young Kids About Finance) phát biểu: “Nợ thẻ tín dụng và các khoản vay sinh viên là rất lớn. Đa phần người đi làm cũng không kiếm đủ khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu. Nguồn gốc của cơ sự đến từ sự thiếu hiểu biết về tài chính. Rõ ràng, hiểu biết về tài chính là một kỹ năng thiết yếu trong đời sống”.
Khảo sát gần đây tại Đại học Illinois (Mỹ) xác nhận có đến 1/3 trong 3.000 thanh niên tham gia là người “tiền bạc bấp bênh”. Một trong các nguyên do dẫn tới kết quả này chính là kỹ năng quản lý đồng tiền yếu kém.
Giống như Frazier, không ít phụ huynh trên thế giới nhiệt tình ủng hộ các chương trình dạy trẻ em cách kiếm và sử dụng tiền. Họ còn đề nghị các trường học nên thêm, thậm chí là đưa tài chính thành một môn học cốt lõi, kết hợp với toán. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục chính quy vẫn chưa đồng ý.
Sau khi tốn phí cho con gái 14 tuổi tham gia trại học làm giàu vào năm ngoái, Benjamin Hui, nhà quản lý sản phẩm phần mềm của tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM của Mỹ, hạnh phúc khẳng định: “Kiểu trại hè này chính là ‘lối đi tắt’ tuyệt vời để nâng cao nhận thức về tiền bạc cho tuổi teen. Ngay cả trẻ em cũng cần phải biết rủi ro và lời lãi một khi sử dụng đồng tiền. Hui đặc biệt thích ý tưởng để chúng tham gia vào thị trường chứng khoán. Trong thị trường này, cơ hội chiến thắng và thất bại đều cực kỳ cao, đã được hay mất cũng là khoản tiền lớn. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, không kiểu đầu tư nào lại phơi bày rủi ro và lợi nhuận rõ ràng hơn chứng khoán.
Cũng theo Frazier, một đứa trẻ nên được học về tài chính, bất kể nó có muốn hay không. Các cha mẹ cần hướng con cái chú tâm đến vấn đề tiền bạc, dạy cho chúng biết đồng tiền chỉ là công cụ. Nó không tốt hay xấu. Điều quan trọng là sử dụng tiền như thế nào.
- Xem thêm: 5 cách dạy con cần học của người Nhật
Tại Trại Triệu phú của Lookman trong giờ nghỉ giải lao, thiếu niên 10-14 tuổi tốp thì thảo luận về lãi kép, tái đàm phán tự do thương mại, tốp lại nhào ra… đá banh cao su. Dù đang học những thứ to tát, chúng vẫn là trẻ nhỏ. Đa phần các em thiếu tập trung vào kiến thức chuyên môn. Sự quan tâm về tiền bạc cũng thoắt đến, thoắt đi như một cơn gió. Một số thích chơi đầu tư cổ phiếu, hy vọng mai mốt sẽ đủ tiền mua xe hơi hay nhà cửa. Song tất cả cũng chỉ dừng lại ở đấy thôi. Chưa em nào khao khát tham lam những thứ như quyền lực hay tiền nhiều không đếm xuể.