Những vụ ám sát không phải lúc nào cũng diễn ra như dự định. Trong khi khả năng sẽ xảy ra lộn xộn khi một cuộc ám sát thành công, chúng lại có thể là kỳ lạ hoặc thậm chí ngộ nghĩnh khi thất bại.
Sự lố bịch và lý do kỳ lạ (hoặc ngớ ngẩn) rằng một vụ ám sát thất bại thường sẽ được phơi bày khi phân tích chi tiết về chúng.
1. Vua Hassan II ra lệnh cho những kẻ tấn công ông ngừng bắn vì ông… đã chết
Vua Hassan II trở thành người cai trị Maroc vào ngày 26 tháng 2 năm 1961. Ông không nổi tiếng lắm vào lúc bắt đầu trị vì. Trên thực tế, có những ý kiến cho rằng ông sẽ ngồi trên ngai vàng không quá 6 tháng. Ông chắc chắn đã làm thất vọng những người phê phán mình vì cai trị đến 38 năm.
Tuy nhiên, các sĩ quan quân đội Maroc bất đồng chính kiến đã không chỉ ngồi chờ đợi cái chết của nhà vua. Họ đã thực hiện nhiều cuộc đảo chính để giết ông. Một nỗ lực như vậy đã xảy ra vào ngày 10 tháng 7 năm 1971, khi có khoảng 2.000 binh sĩ nổi loạn đã tấn công vào cung điện của vua Hassan, trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 42 của ông và nổ súng vào các vị khách mời.
Ít nhất đã có 100 người thiệt mạng, nhưng không ai trong số họ là vua Hassan. Hassan được cho là đã tiếp cận người cầm đầu cuộc đảo chính và nhìn thẳng vào mắt ông ta trong khi đọc những câu kinh Koran. Người lãnh đạo cuộc đảo chính bị mất tinh thần và không thể bắn nhà vua.
Một nỗ lực đảo chính khác diễn ra sau đó một năm. Vào ngày 16 tháng 8 năm 1972, Hassan đang bay từ Paris đến Maroc thì máy bay của ông bị 4 chiếc máy bay chiến đấu F-5 của lực lượng Không quân Hoàng gia Maroc chặn lại gần sân bay Rabat. Hassan đã từng là một phi công được đào tạo và đang ở trong buồng lái vào thời điểm bị tấn công.
Các phi công nổi loạn đã bắn vào máy bay của nhà vua, làm hỏng nhiều bộ phận, bao gồm cả động cơ. Tuy nhiên, Hassan giả vờ mình như là một phi công bình thường. Ông chộp lấy micro liên lạc và hét lên: “Ngừng bắn! Bạo chúa đã chết!” Những chiếc F-5 sau đó đã ngừng tấn công vì nghĩ rằng họ đã giết được nhà vua. Chiếc máy bay chở Hassan hạ cánh, và ông đã bắt giữ những kẻ âm mưu đảo chính.
2. Vị trí mang bom đã cứu thoát hoàng tử Ả Rập
Abdullah và Ibrahim al-Asiri là hai anh em bị chính quyền Ả Rập Saudi truy nã vì tội khủng bố. Cả hai đều là thành viên của tổ chức Al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập (AQAP). Nhóm được thành lập sau khi tổ chức Al-Qaeda địa phương ở Ả Rập Saudi và Yemen sáp nhập vào tháng 1 năm 2009.
Hành động đầu tiên của AQAP là tiến hành vụ ám sát Nayef Bin Abdul-Aziz Al Saud, một cựu hoàng tử của Ả Rập Saudi. Hoàng tử Nayef chịu trách nhiệm về tình hình an ninh Ả Rập Saudi tại thời điểm xảy ra vụ ám sát. Abdullah tìm cách liên lạc với hoàng tử và cho biết hắn có ý định tố cáo một âm mưu khủng bố, đề nghị được gặp trực tiếp Nayef. Hoàng tử đã đồng ý gặp mặt. Trên thực tế, ông ta đã đưa Abdullah bay vào Jeddah bằng máy bay riêng của mình. Tuy nhiên, hoàng tử đã không nhận ra rằng đây chỉ là một mưu mẹo để tiếp cận với ông.
Abdullah giấu một quả bom bên trong hậu môn hoặc quần lót của hắn ta và dự định kích nổ nó khi đến gần hoàng tử. Hắn đã làm điều đó khi Nayef ở trong phạm vi sát thương. May mắn thay, Abdullah là người duy nhất bị thương vong vì lực nổ hướng xuống. Abdullah bị sức ép của quả bom thổi bay mất một nửa người, nhưng hoàng tử chỉ bị thương nhẹ.
3. Tần Thủy Hoàng chạy vòng quanh cột để tránh kẻ ám sát
Tần Thủy Hoàng đã cai trị Trung Quốc từ năm 220 đến năm 210 trước Công nguyên. Ông đã đánh bại 6 nước chư hầu để thống nhất Trung Quốc và lên ngôi hoàng đế. Ông cũng cho khởi công xây dựng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc.
Tuy vậy, Tần Thủy Hoàng cũng đã tạo ra một số kẻ thù thực sự trong công cuộc chinh phạt các nước chư hầu. Một trong những kẻ thù lớn nhất của ông là thái tử Đan, người đã từng bị ông giữ làm con tin. Thái tử Đan đã trốn thoát và trở về nước Yên và lập kế hoạch ám sát vua Tần.
Kẻ nhận nhiệm vụ ám sát là Kinh Kha. Tuy nhiên, Kinh Kha cần một lý do chính đáng để có thể đến gần Tần Thủy Hoàng. Vì vậy, anh đã gặp tướng Phàn Ư Kỳ và nói rằng anh cần cái đầu của ông để có thể đến gần hoàng đế (Phàn Ư Kỳ là một trong những vị tướng chỉ huy của Tần Thủy Hoàng, nhưng đã trốn sang nước Yên sau khi bị thất sủng). Phàn Ư Kỳ đã đồng ý với đề nghị của Kinh Kha và tự sát. Kinh Kha và một người nữa, tên Tần Vũ Dương, sau đó đã mang đầu Phàn Ư Kỳ và tấm bản đồ nước Yên dâng cho Tần Thủy Hoàng.
Tần Thuỷ Hoàng rất ấn tượng với những món lễ vật. Nhưng sự hài lòng này nhanh chóng biến thành nỗi kinh hoàng khi Kinh Kha nắm lấy tay áo ông và rút con dao trủy thủ đã bôi chất độc được giấu trong tấm bản đồ. Không một viên quan nào có thể cản trở Kinh Kha vì họ không được mang vũ khí lên điện rồng. Hoàng đế cũng không thể rút thanh kiếm của mình vì áo choàng của ông quá rộng. Vì vậy, hoàng đế phải chạy vòng quanh một cây cột và Kinh Kha đuổi theo sau với con dao chuỷ thủ của mình. Hai người tiếp tục chạy quanh cây cột cho đến khi viên quan ngự y của Tần Thủy Hoàng ném túi thuốc vào Kinh Kha.
Sự mất tập trung của Kinh Kha đã giúp cho Tần Thủy Hoàng đủ thời gian để rút thanh kiếm và chém một nhát vào đùi Kinh Kha. Kinh Kha không nản lòng, đã ném con dao chuỷ thủ tẩm độc vào hoàng đế nhưng bị trượt. Kinh Kha và Tần Vũ Dương đều bị hành hình ngay sau đó.
4. Chiếc áo choàng mùa đông đã cứu mạng vua Louis XV
Vào ngày 5 tháng 1 năm 1757, Robert-Francois Damiens đã cố ám sát vua Louis XV của Pháp bằng một con dao. Vua Louis XV không được mọi người ủng hộ vào thời điểm đó, và có nhiều người muốn ông chết. Nhà vua phải ở trong cung điện hầu hết thời gian, nhưng đã đến thăm cô con gái bị ốm, Madame Victoire, vào thời điểm ông bị tấn công.
Louis XV đang trên đường quay lại cung điện của mình thì bị Damiens dùng dao đâm vào sườn. Nhà vua bị chảy máu và sợ rằng mình sắp chết. Khi trở về phòng ngủ, ông thú nhận việc ngoại tình với hoàng hậu. Ông cầu xin sự tha thứ và hứa sẽ thú nhận nhiều hành vi ngoại tình hơn nếu còn sống sót.
Vua Louis vẫn sống sót sau vụ ám sát vì vết thương nhỏ. Thực ra thì hôm đó trời khá lạnh và ông đã mặc đồ mùa đông dày. Con dao bị mắc kẹt trong quần áo dày, và chỉ một phần nhỏ của đầu nhọn có thể đâm vào cơ thể ông, gây ra vết thương nhỏ.
5. Charles De Gaulle sống sót vì hệ thống giảm sốc của chiếc xe chở ông quá tốt
Đôi khi, một chiếc xe tốt là tất cả những gì bạn cần để sống sót sau một vụ ám sát. Đây là trường hợp thoát khỏi vụ ám sát của Charles de Gaulle, người được bầu làm tổng thống Pháp năm 1958.
Vào tháng 8 năm 1962, De Gaulle đã bị nhóm bán quân sự OAS cho vào “tầm ngắm” sau khi trao trả độc lập cho Algeria. Algeria đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập chống lại nước Pháp, buộc De Gaulle phải nhượng bộ trước yêu cầu của họ. Tuy nhiên, OAS muốn Algeria vẫn là một phần lãnh thổ của Pháp.
12 nhân viên OAS đã nổ súng vào chiếc xe của De Gaulle khi ông đang trên đường từ Điện Élysée đến sân bay Orly. Những thành viên OAS đã bắn 140 phát đạn vào chiếc xe, một chiếc Citroen DS. Tuy nhiên, tổng thống vẫn sống sót vì chiếc xe có hệ thống giảm sốc tuyệt vời.
Citroen DS là một phần kỹ thuật đáng kinh ngạc vào thời đó, thậm chí cho đến ngày nay. Ngày nay, xe cộ sử dụng lò xo để giảm sốc. Nhưng chiếc Citroen DS đã sử dụng hệ thống treo thủy lực hoàn toàn độc lập. Điều này cho phép chiếc xe luôn duy trì cân bằng, bất kể vị trí của nó so với mặt đường hoặc bánh xe của nó.
Các viên đạn đã phá hủy trong khoảng 2 và 4 lốp xe. Dù thế nào đi nữa, chiếc xe vẫn cho phép người lái thoát ra ngoài mặc cho lốp bị nổ. Thật không may, 2 trong số các vệ sĩ của de Gaulle đã bị giết trong vụ tấn công.
6. Đức Quốc xã chào mừng Hitler thoát khỏi vụ ám sát
Có nhiều vụ ám sát Adolf Hitler, và tất cả đều thất bại. Một nỗ lực đã xảy ra vào năm 1938, khi một người đàn ông tên là Maurice Bavaud cố gắng bắn Hitler trong một cuộc mít tinh ở Nuremberg. Bavaud đứng trên cầu vượt với những khán giả khác, hy vọng sẽ bắn được Hitler khi ông ta đi qua. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại vì những khán giả khác đưa tay ra chào theo kiểu Đức Quốc xã khi Hitler đi qua. Bàn tay của họ cản trở tầm nhìn của Bavaud, ngăn anh ta nhắm vũ khí vào Hitler.
Nhưng Bavaud không hề nản lòng, đã đáp tàu tới Berchtesgaden, nơi anh ta biết Hitler sẽ đến sau cuộc mít tinh. Sau đó, anh lại nghe tin Hitler vẫn còn ở Munich. Bavaud bắt một chuyến tàu khác đến Munich, nhưng khi ấy Hitler lại đang hướng đến Berchtesgaden.
Bavaud vẫn ở nhà ga xe lửa vì không còn tiền. Âm mưu của anh ta đã bị lộ sau khi cảnh sát bắt giữ anh ta vì đi lang thang trong nhà ga. Cảnh sát tìm thấy một khẩu súng, một lá thư gửi cho Hitler và một lá thư giới thiệu giả mạo thuộc sở hữu của Bavaud. Bavaud đã bị kết án tử hình và chém đầu vào năm 1941.
7. Sát thủ thủ tiêu hung khí vì đối tượng đã đổi địa chỉ
Nạn phân biệt chủng tộc là một thời kỳ khó khăn cho người Nam Phi da đen. Các phong trào chống phân biệt chủng tộc như Hội nghị Quốc gia Châu Phi của Nelson Mandela xuất hiện để đấu tranh với chính quyền của chính phủ da trắng. Chính phủ đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho Cục Hợp tác Dân sự (CCB) ám sát các thành viên của các nhóm chống phân biệt chủng tộc này.
Từ năm 1986 đến năm 1987, CCB quyết định ám sát tiến sĩ Pallo Jordan và Ronnie Kasrils của tổ chức Hội nghị Quốc gia Châu Phi. Vì cả hai người này đều sống ở London, CCB đã quyết định giết họ bằng một chiếc dù Bulgaria – một loại dù đã được sửa đổi để bắn phi tiêu tẩm độc từ đầu chiếc dù.
Kẻ nhận nhiệm vụ ám sát là Trevor Floyd. Floyd bay tới Anh để gặp một người tên Jan Lourens, người sẽ dạy anh ta cách sử dụng vũ khí. Rắc rối bắt đầu khi một số chất độc đổ lên người Laurens. Tuy nhiên, Lourens đã bình phục ngay sau đó và Floyd rời đi London cùng với chiếc ô.
Floyd sau đó nhận ra rằng chiếc dù quá dài và đầu phi tiêu có thể bị hỏng nếu chạm vào sàn nhà. Vì vậy, anh đã sử dụng một số kẹp để che đầu chiếc dù lại. Tuy nhiên, âm mưu ám sát bị thất bại vì tiến sĩ Jordan đã chuyển khỏi London. Kasrils vẫn còn ở London, nhưng Floyd chưa bao giờ tìm thấy ông ta. Floyd đã ném chiếc dù xuống sông Thames.
8. Margaret Thatcher thoát khỏi một vụ ám sát vì bà làm việc trễ
Y học đã xác định loại gien p. Tyr362HIS khiến một số người cần ngủ ít hơn những người khác. Loại gien này còn được gọi là gen Thatcher sau khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người thường xuyên làm việc đến tận giữa khuya. Có vẻ như loại gen đã từng cứu bà khỏi một vụ ám sát.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 1984, một quả bom nặng 9 kg đã xé toạc khách sạn Grand ở Brighton, nơi Thủ tướng Margaret Thatcher và các thành viên khác trong đảng Bảo thủ của bà đang có một hội nghị. Quả bom được cài đặt bởi các thành viên của quân đội Cộng hòa Ailen (IRA) sau khi một số tù nhân IRA trong các nhà tù ở Anh đã bị chết đói vì tuyệt thực.
Quả bom được đặt trong khách sạn vài tuần trước bởi Patrick Magee và một thành viên nữ IRA. Họ đặt quả bom phát nổ vào lúc 2g53 sáng ngày 24 tháng 10, khi họ mong đợi các thành viên của đảng Bảo thủ sẽ ngủ tại khách sạn để dự một hội nghị.
Thatcher đang ở trong phòng riêng của bà cùng với cô thư ký riêng khi quả bom phát nổ. Vụ nổ đã làm sập phòng tắm và phòng ngủ nhưng không phải phòng khách. Tuy nhiên, các phòng khác trong khách sạn thì tồi tệ hơn. 5 người đã thiệt mạng và 34 người khác bị thương trong vụ nổ.
9. Một vụ ám sát không thành công vì sát thủ là một kẻ khờ khạo
Vào tháng 7 năm 1835, Giuseppe Marco Fieschi đã cố gắng ám sát Louis Philippe, vua nước Pháp. Fieschi thất vọng với cuộc sống và đã chọn giết vua để giải quyết sự bất bình với chính bản thân.
Fieschi lên kế hoạch ám sát với hai người đàn ông khác tên là Morey và Pepin. Bộ ba đã chế tạo một khẩu súng tinh vi mà họ gọi là “cỗ máy địa ngục”. Khẩu súng là sự kết hợp hơn 20 khẩu súng thành một. Họ đã sử dụng nó vào ngày 28 tháng 7 năm 1835, khi vua Louis Philippe, 3 người con trai và nhân viên của ông cưỡi ngựa.
Một viên đạn đã sượt ngang đầu vua Louis Philippe. Tuy nhiên, con ngựa của ông và của hai người khác, đã bị trúng đạn. 18 người đã bị giết và nhiều người khác bị thương. Bản thân Fieschi cũng bị thương nặng bởi vũ khí của mình. Nhà vua và các hoàng tử sống sót.
Fieschi nhận được sự chăm sóc y tế tuyệt vời, khiến cho anh ta hết sức ngạc nhiên. Điều này làm anh nghĩ rằng nhà vua sẽ tha mạng nếu anh khai ra đồng phạm. Vì vậy, Fieschi đã khai ra Morey và Pepin tại phiên tòa. Tuy nhiên, Fieschi đã nhận ra sai lầm khi anh, Morey và Pepin nhận án tử hình. Một đồng phạm thứ tư đã nhận 20 năm tù và đồng phạm thứ năm được tha bổng.
10. Nero nhiều lần tìm cách giết chết mẹ mình
Hoàng đế La Mã Nero có mối quan hệ khó chịu với mẹ mình, Agrippina. Bà ta muốn kiểm soát việc triều chính, điều mà Nero không tán thành. Khi Nero phản đối, bà bắt đầu nói với tất cả những ai quan tâm rằng Nero là người đồng tính.
Một lần khác, bà ủng hộ vợ Nero, Octavia, trong cuộc cãi vã vì sự không chung thủy của Nero. Giọt nước đã làm tràn ly và Nero cuối cùng đã quyết định loại bỏ mẹ mình một lần và mãi mãi. Đầu tiên, Nero can thiệp vào trần nhà phía trên giường Agrippina để nó sập xuống trong khi bà ngủ. Âm mưu này đã bị thất bại.
Sau đó, Nero đã đưa Agrippina ra khỏi cung điện. Tuy nhiên, ông đã tặng cho bà một chiếc thuyền như một lời xin lỗi. Trong thực tế, chiếc thuyền được sắp xếp một khối lượng sẽ khiến nó chìm khi ra ngoài biển. Nhưng khi chiếc thuyền bị chìm, Agrippina đã bơi vào bờ. Sau thất bại này, Nero đã giết mẹ mình theo kiểu cũ. Ông đã phái sát thủ đâm chết Agrippina. Nero đổ lỗi cho Agermus, vệ sĩ của Agrippina, vì đã ám sát bà và đã xử tử anh ta.