Hồng hoàng mũ cát là loài chim quý hiếm chỉ sống ở một vài khu rừng đất thấp của một số nước Đông Nam Á như Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.
Chúng đặc biệt vì có cái mào bằng sừng lớn, đặc gắn liền với mỏ. Vì tạo tác thủ công mỹ nghệ từ mỏ mào sừng của hồng hoàng mũ cát rất đắt giá, loài chim quý hiếm này đang bị bắt giết tràn lan, buôn lậu sang Trung Quốc.
1. Gặp gỡ loài chim hiếm nhất nhì Đông Nam Á
Với sự dẫn đường của Pilai Poonswad, một nhà khoa học Thái Lan, phóng viên điều tra nạn buôn bán động vật hoang dã của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society), Rachal Bale bước vào Vườn quốc gia Budo-Su-ngai Padi, miền Nam Thái Lan. Mặt đất thì hết sức ẩm ướt, trơn trượt, còn muỗi thì nhiều như vãi trấu. Đám vắt rừng cũng đông như quân Nguyên, chỉ cần dừng chân một chút là thấy cả mớ thò cổ lên khỏi lá cỏ, nhăm nhe nhảy vào người.
Cách thân cây có tổ hồng hoàng mũ cát một quãng, Bale cùng đoàn thám hiểm dừng lại, tìm chỗ nấp và lấy cành lá bao quanh người làm áo ngụy trang. Trên cây dầu vĩ đại trước mặt họ, trong cái hốc rỗng giữa lưng chừng thân cây, một hồng hoàng mũ cát mái đã tự “bế quan” từ vài tháng trước. Nó đẻ và ấp trứng ở đó, không rời khỏi một bước cho đến khi con non chào đời.
Tất nhiên, hồng hoàng mũ cát cái không thể nhịn đói mà sống được. Nó nằm trong hốc cây đó, kiên trì ấp trứng và chờ đợi hồng hoàng mũ cát trống tha mồi về chia sẻ. Mục tiêu của Bale chính là “đức ông chồng” này. Vài tiếng đã trôi qua. Bale và những người khác vẫn không dám nhúc nhích, sợ đánh động con hồng hoàng mũ cát cái. Những con kiến dài cả vài cm lồm cồm bò qua người, Bale nhìn mà phát khiếp, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Anh đã được cho biết trước là chúng chỉ to xác chứ chẳng gây hại gì. Thế rồi một tràng cười quái gở bỗng đâu vang như sấm giữa không gian tĩnh lặng. “Hô… hô… hô hô hô, ha ha ha ha”, đó chính là tiếng kêu của hồng hoàng mũ cát trống. Ai nấy nín thở ngước lên trời. Cách họ chẳng bao xa, một con chim có bề ngoài kỳ vĩ bay qua, đậu xuống một cành cây. Trên mỏ nó là xác con côn trùng mềm oạt. Bằng đôi mắt thô lố, hồng hoàng mũ cát trống cẩn thận nghiêng ngó xung quanh.
Trước con chim dài cả 1,2m (chưa tính lông đuôi), Bale ngỡ ngàng đến á khẩu. Anh quên luôn cả đám vắt và muỗi đang phiền nhiễu quanh người. Cũng giống như Bale, đoàn thám hiểm say sưa nhìn con chim lạ lùng đến ngây dại. Trước đầu con hồng hoàng mũ cát là cái mỏ và trụ mào bằng sừng nặng nề. Tiếp sau cái đầu lơ phơ ít lông là cái cổ nhẵn thín, nhăn nhúm, đỏ chót như cổ gà chọi. Bộ cánh vĩ đại mang màu đen mê hoặc nhưng phần cuối của mỗi cọng lông lại có màu trắng. Tán lông đuôi xòe rộng, đẹp mỹ miều với cọng lông đơn dài lướt thướt.
Sau khi ngó qua ngó lại một hồi, con hồng hoàng mũ cát trống to lớn bay lên hốc cây dầu, đút miếng mồi ngon lành cho hồng hoàng mũ cát mái đang đói ngấu nghiến. Nó rung rung vai, rên khe khẽ như thể dỗ dành “vợ yêu” rồi vỗ cánh, lần nữa biến mất trong cây lá xanh bạt ngàn.
2. Hồng hoàng mũ cát trống: Đàn ông trụ cột
Hồng hoàng mũ cát có tên khoa học là Rhinoplax vigil. Nó là một trong 57 loài chim mỏ sừng ở châu Phi và châu Á. Địa bàn của hồng hoàng mũ cát khá hẹp, chỉ giới hạn ở các khu rừng đất thấp ẩm ướt của Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar và miền nam Thái Lan.
Điểm khác biệt giữa hồng hoàng mũ cát và các loài chim mỏ sừng khác là nó phát triển thêm phần mào bằng sừng trên cái mỏ lớn (nhìn hao hao như chiếc mũ bảo hiểm đội lên đầu). Lớp mào sừng này đặc biệt cứng và đặc, được cấu tạo bằng chất sừng.
Hồng hoàng mũ cát là loài chim to lớn nhưng được cái tạp ăn, ăn cả động vật lẫn thực vật. Người địa phương còn gọi chúng là “nông dân chăm chỉ của rừng”, vì chúng ưa ăn trái dại, sau đó lại “đi bậy” lung tung nên nhân thể phát tán hạt giống.
Món trái dại yêu thích của nhà hồng hoàng mũ cát là quả cây sung. Với rừng Đông Nam Á, họ nhà sung là loài thực vật đặc biệt quan trọng. Tán lá một cây sung cao lớn có thể rộng hàng chục mét, trở thành “nhà” và “kho thức ăn dự trữ” của nhiều động vật hoang dã như sóc, vượn, đười ươi, khỉ, chim chóc… Nhờ hồng hoàng mũ cát phát tán tự nhiên mà diện tích cây sung con được “gieo” thêm rộng ra cả vài dặm vuông.
Vì kích thước lớn, hồng hoàng mũ cát cũng cần hốc cây cực kỳ lớn để làm tổ. Hầu hết chúng đều chọn thân cây không to nhất thì cũng to nhì trong khu rừng. Thế nên không khó để bọn săn trộm định vị tổ hồng hoàng mũ cát, rình bắn cả con trống lẫn con mái.
Hồng hoàng mũ cát lại là loài sinh sản cực chậm, mỗi năm chỉ đẻ một lứa và một lứa chỉ vỏn vẹn một quả trứng. Từ khi hồng hoàng mũ cát mái đẻ trứng đến khi hồng hoàng mũ cát con đủ lông đủ cánh là khoảng 5 tháng. Suốt 5 tháng đó, sự sống của hai mẹ con hoàn toàn phụ thuộc vào hồng hoàng mũ cát trống. Nếu “cha và chồng” của chúng bị giết, cả mẹ lẫn con đều có nguy cơ bị chết đói.
3. Săn trộm ở Indonesia, bán lậu qua Trung Quốc
Nếu đem mỏ mào sừng của hồng hoàng mũ cát ra so với ngà voi thì nó nhẹ và dễ chạm khắc hơn nhiều. Thị trường Châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc khát cầu kiểu nghệ thuật chạm khắc tinh tế, phức tạp và độc lạ này. Tầng lớp thượng lưu Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra bất cứ giá nào, miễn là có được món thủ công mỹ nghệ của mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát.
Từ năm 1975, hồng hoàng mũ cát đã được xếp vào danh sách các loài hoang dã dễ bị tổn thương. Còn hiện nay, nó rơi hẳn xuống mức “cực kỳ nguy cấp”. Các nhà bảo tồn đang vô cùng bất an trước thực trạng săn trộm hồng hoàng mũ cát ngày càng gia tăng. Họ cũng hết sức hoang mang vì không biết loài chim quý hiếm này còn được bao nhiêu con nữa.
Mọi quốc gia có chim hồng hoàng mũ cát sinh sống đều nỗ lực bảo vệ chúng, thậm chí đưa cả vào pháp luật. Dẫu vậy, lượng hồng hoàng mũ cát vẫn sụt giảm. Indonesia là địa điểm buôn lậu mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát “nóng” nhất. Năm 2012, Indonesia bắt giữ hai phụ nữ người Trung Quốc tại một sân bay ở Tây Kalimantan vì tội buôn lậu 96 mỏ mào hồng hoàng mũ cát. Theo các nhà điều tra, nếu việc kiểm soát được tiến hành gắt gao hơn, con số mỏ mào hồng hoàng mũ cát bị tịch thu có thể lên tới hàng trăm.
Trong một văn phòng chính phủ ở giữa thủ đô Jakarta của Indonesia, người ta cũng phát hiện cả đống da hổ, vỏ rùa biển, ngà voi và 240 mỏ mào hồng hoàng mũ cát. Rất khó để một nhà sinh thái học tìm gặp một con hồng hoàng mũ cát ngoài tự nhiên. Thế nhưng, khi bước vào một văn phòng của Cục Bảo tồn Tài nguyên và Thiên nhiên của Indonesia nằm trên đảo Borneo, đập vào mắt Bale là cả một hàng dài gồm 101 mũ mào hồng hoàng cát cánh. Tất cả đều là hàng hóa buôn lậu bị tịch thu
Chỉ tính riêng năm 2013, khoảng 6.000 hồng hoàng cát cánh ở Tây Kalimantan của Indonesia đã bị giết để lấy mỏ mào sừng bán lậu sang Trung Quốc. Tháng 6.2015, một gã buôn lậu người Indonesia bị bắt cũng khai nhận đã bán được ít nhất là 124 mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát cho một “cò” Trung Quốc. Họ liên lạc với nhau bằng sim điện thoại dùng một lần để tránh bị phát hiện. Tính đến nay, các nhà chức trách Indonesia đã phát hiện và thu giữ tổng cộng 1.300 mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát.
4. Đắt hơn cả ngà voi
Sự tích chim hồng hoàng mũ cát của Dayaks, một bộ tộc bản địa ở Borneo kể rằng loài chim này chính là hóa thân của một cậu con trai thù ghét mẹ kế đến mức trói bà vào cột và lấy rìu băm nát. Để trừng phạt tội ác của cậu, Thượng đế liền biến cậu thành hồng hoàng mũ cát cả đời đội chiếc rìu tội lỗi (chính là phần mào sừng) trên đầu. Dẫu vậy, người Dayaks vẫn rất yêu thích loài chim quý hiếm này. Họ thường lấy lông đuôi của chúng để làm mũ và mỏ mào sừng để chế tác đồ trang sức.
Trung Hoa phong kiến bắt đầu giao thương với Borneo khá sớm. Năm 1371, trong các đồ cống tiến Trung Quốc của tiểu quốc Brunei có cả mỏ mào hồng hoàng mũ cát. Vốn có lắm thợ thủ công điêu khắc lành nghề, Trung Quốc lập tức biến những cái mỏ mào thô kệch của hồng hoàng mũ cát thành khóa thắt lưng, ngọc bội, đồ trang sức đẹp mê hồn. Kể từ năm 1800, họ bắt đầu bán sản phẩm mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát sang thị trường Châu Âu.
Ngày nay, Giới buôn lậu Trung Quốc trả giá cho mỏ mào sừng hồng hoàng mũ cát, tính theo trọng lượng, còn cao hơn cả ngà voi. Vì thế, một số người dân Indonesia đói nghèo cũng bất chấp luật pháp, đi làm săn trộm.