Câu chuyện sinh động về cô bé phù thủy Kiki và bạn đường là con mèo đen Jiji nhanh chóng chinh phục trái tim của nhiều thế hệ độc giả Nhật Bản cũng như trên thế giới trong thập niên 1980 và giờ đây tác phẩm tiếp tục mang về cho nữ tác giả Eiko Kadono giải thưởng danh giá nhất dành cho thể tài văn học trẻ em mang tên nhà văn Đan Mạch Hans Christian Anderse. Giải thưởng này đôi khi được mô tả là Giải Nobel Văn học Nhỏ.
Thế giới kỳ diệu của cô bé phù thủy Kiki
Bức tranh vẽ một phù thủy với những nốt nhạc bay vòng quanh của con gái ruột đã gợi cảm hứng cho Eiko Kadono sáng tác bộ truyện tranh thiếu nhi dài nổi tiếng nhất của mình là “Majo no Takkyubin” (Dịch vụ giao hàng của cô bé phù thủy Kiki). Eiko Kadono chia sẻ trên nhật báo Asahi Shimbun: “Nhân vật Kiki khoảng bằng tuổi con gái tôi vào lúc đó – tức ở độ tuổi nằm khoảng giữa trẻ thơ và người lớn. Cô bé có cuộc sống tự lập và bay với phép màu của chính mình”.
Chào đời ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Kadono theo gia đình sơ tán đến miền Bắc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Lúc đó, Kadono chỉ mới được 10 tuổi. Sau khi chiến tranh kết thúc, Kadono học Đại học ở Nhật Bản trước khi di cư đến Brazil trong một vài năm. Một số tác phẩm của Kadono – bao gồm Cánh rừng Hầm ngầm và Brazil và Người bạn Luizinho của Tôi – lấy cảm hứng từ những trải nghiệm chiến tranh và thời gian ở Brazil.
Nữ tác giả thừa nhận mình là “bông boa nở muộn” do đến tận 35 tuổi mới ra mắt cuốn sách đầu tiên: “Tôi là người đọc hơn là một người viết. Nhưng sau lần thử nghiệm và gặp sai sót, tôi nhận thức được mình yêu thích viết lách. Do đó, tôi quyết định sẽ viết suốt đời, cho dù các tác phẩm của tôi có được xuất bản hay không”. Cho đến nay, Eiko Kadono đã xuất bản gần 200 đầu sách – trong đó gồm truyện tranh, truyện ngắn cho người lớn và cả một số tiểu luận.
Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của Eiko Kadono chắc chắn là bộ truyện tranh “Dịch vụ giao hàng của cô bé phù thủy Kiki”. Bộ sách tranh được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1985 tại Nhật Bản với câu chuyện được phát triển xung quanh cô bé Kiki và con mèo đen tên Jiji. Bộ truyện mở đầu với sự kiện cô bé phù thủy 13 tuổi phải trải qua một năm học việc trong khóa huấn luyện phù thủy và phải tự tìm một thành phố để bắt đầu gầy dựng cuộc sống tự lập trên thế giới bất chấp mọi thử thách và thất bại.
Với sự giúp sức từ cây chổi bay kỳ diệu, Kiki hành nghề giao hàng và trải qua nhiều chuyến phiêu lưu đầy những cảm xúc lắng đọng, hạnh phúc trong tình người, tình thương cũng như xây đắp tình bạn với những người lạ. Bộ truyện tranh kết thúc khi Kiki trở thành thiếu nữ và cuối cùng trở thành người mẹ của 2 đứa con. Cho đến nay, gần 1,7 triệu bản sách được bán chỉ riêng ở Nhật Bản đồng thời bộ sách được dịch ra 9 thứ tiếng trên thế giới.
Về sau, câu chuyện cô bé phù thủy được chuyển thể thành phim hoạt hình do Hayao Miyazaki đạo diễn hợp tác với hãng phim Studio Ghibli. Bộ phim – rất khác so với bộ truyện gốc – nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của đạo diễn Miyazaki. Thực ra, điều gì ở bộ sách khiến cho nó được yêu thích đến như thế? Nữ biên tập viên Tomoko Honobe bình luận: “Câu chuyện giúp cho trẻ em tin rằng tất cả mọi người đều có phép màu của chính mình. Sứ mạng của văn học trẻ em là mang đến cho tuổi nhỏ sự tự tin mãnh liệt để trưởng thành. Cô bé Kiki chính là phù thủy tốt bụng có sức quyến rũ mạnh mẽ. Cô bé rất tinh nghịch, thích tán chuyện gẫu, tràn đầy năng lượng và trẻ trung”.
Tháng 3.2018, giải thưởng Hans Christian Andersen 2018 lần thứ 83 được Hội đồng Quốc tế về Sách cho Trẻ em (IBBY) – tổ chức phi lợi nhuận đặt trụ sở tại thành phố Basel, Thụy Sĩ – trao cho Eiko Kadono và Hội đồng thẩm định mô tả “sự quyến rũ không thể lột tả nổi” của những sách truyện tranh của nữ tác giả vốn rất đậm chất văn hóa Nhật Bản.
Giải thưởng được trao vào mỗi 2 năm cho những tác giả mà IBBY mô tả là “có những tác phẩm hoàn hảo đóng góp cho văn học trẻ em”. Eiko Kadono phát biểu tại lễ trao giải: “Tôi không dám nghĩ mình sẽ nhận được giải thưởng danh giá như thế. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi bộ truyện được độc giả trên thế giới đón nhận với sự nhiệt tình”.
Công viên chủ đề truyện tranh và phim hoạt hình
Monkey D. Luffy đội chiếc mũ rơm và mặc áo sơ mi màu đỏ không cài khuy áo. Nụ cười luôn nở toe toét trên gương mặt thân thiện của cậu bé. Monkey D. Luffy “Mũ Rơm” là nhân vật hư cấu vai chính trong bộ truyện tranh (manga) Nhật Bản nổi tiếng “One Piece” – ra đời năm 1997 – của tác giả Eiichiro Oda.
Luffy là người sáng lập kiêm thuyền trưởng nhóm Hải Tặc Mũ Rơm và ước mơ của cậu bé có sức mạnh siêu phàm là trở thành Vua Hải Tặc. Bộ sách manga chinh phục trái tim đông đảo người hâm mộ trên khắp thế giới, xuất bản tại hơn 42 quốc gia và được chuyển thể thành phim điện ảnh, game và cả phim hoạt hình (anime) chiếu trên tivi. Do đó, tất cả những sản phẩm nào mang thương hiệu One Piece tại Nhật Bản đều bán rất chạy.
Những người hâm mộ bộ truyện tranh đều mong muốn một lần trong đời được dịp hành hương đến khu công viên chủ đề tọa lạc bên trong tòa tháp Tokyo Tower ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Công viên mở cửa từ năm 2015 và chỉ dành riêng cho chủ đề truyện tranh của Eiichiro Oda. Bên trong công viên là một rạp chiếu phim mini với màn hình xoay 360 độ. Nằm ở trung tâm công viên là bệ gỗ được trang hoàng giống như chiếc tàu hải tặc.
Công viên có nhiều hoạt động dành cho trẻ em và cả người lớn, bao gồm: ngôi nhà ma, khu bắn súng cao su, game tương tác đấu kiếm, khu triển lãm, quán cà phê và nhà hàng ăn uống. Nhiều cô gái cầm bó hoa trong tay và kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đến lượt bắt tay hay chụp ảnh chung với các diễn viên đóng vai Luffy cũng như các nhân vật khác trong One Piece. Nếu không muốn chờ đợi quá lâu để được gặp Luffy, du khách có thể tự chụp selfie với những bức tượng nhân vật phim hoạt hình hay tương tác với những hình tượng nghệ thuật 3D được bố trí khắp nơi trong công viên.
Ngoài ra, du khách cũng có thể đến thăm khu công viên khác gọi là J-World Tokyo gần đó, nơi phục vụ hóa trang thành một trong 13 nhân vật chính trong một loạt truyện tranh manga nổi tiếng như One Piece, Dragon Ball, Naruto và Gintama của Nhật Bản. Công viên này cũng cung cấp cho du khách những bộ trang phục, tóc giả và đồ hóa trang thành nhân vật truyện tranh.
Đến Nhật Bản, du khách không thể bỏ qua khu công viên chủ đề truyện tranh Maruko Land nằm trên tầng 3 tòa nhà S-Plus Dream Plaza ở tỉnh Shimizu cách Tokyo khoảng 2 giờ đường tàu điện. Công viên được tạo lập theo bộ truyện tranh về cô bé tinh nghịch Chibi Maruko do nữ tác giả Miki Mura sáng tác năm 1986.
Đến thăm Maruko Land, du khách có dịp hóa trang thành cô bé 9 tuổi Maruko. Sau khi bước vào vùng đất của Maruko, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống gia đình ngay trong căn nhà của cô bé với mỗi nhân vật được thể hiện bằng giấy bìa cứng to như người thật. Ví dụ, du khách sẽ nhìn thấy cha của Maruko đang uống rượu trong phòng khách trong khi cô bé đang có mặt trong phòng uống trà với bà nội.
Một điểm dừng chân thú vị khác là khu công viên chủ đề chú mèo máy Doreamon, bộ truyện tranh nổi tiếng của tác giả Fujiko F. Fujio chinh phục trái tim hàng triệu người hâm mộ ở Nhật Bản và trên thế giới. Vào 2 ngày 24 và 25.3.2018, tại Nhật Bản sẽ diễn ra cuộc triển lãm quy mô về chủ để phim hoạt hình gọi là AnimeJapan 2018. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút đông đảo người hâm mộ manga và anime của Nhật Bản.