Giáo trình “Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản” được triển khai dựa trên Chuẩn Giáo dục tiếng Nhật JF. Tựa đề Marugoto, có nghĩa là “trọn vẹn” chứa đựng thông điệp mà ban biên soạn muốn gửi đến quý độc giả: sự kết hợp hài hòa hài hòa giữa ngôn ngữ và văn hóa.
Lấy mục tiêu là giao tiếp tiếng Nhật, Marugoto tập trung vào các tình huống giao tiếp thực tế bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, giáo trình này không hướng đến mục tiêu gia tăng lượng kiến thức về các mẫu câu, ngữ pháp.
Người học lấy các “Can-do” làm mục tiêu, theo đó học kiến thức liên quan đến tiếng Nhật để ứng dụng trong hoàn cảnh thực tế (mỗi bài học sẽ có các “Can-do” – những mục tiêu cần đạt được trong ngữ cảnh bài học đưa ra).
Giáo trình Marugoto sử dụng nhiều tranh ảnh, hình minh họa với màu sắc sống động giúp người học tiếp thu kiến thức qua nhiều giác quan, hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản. Marugoto kết hợp vừa giảng dạy tiếng Nhật và nâng cao hiểu biết văn hóa Nhật Bản. Người học có thể học văn hóa Nhật Bản thông qua việc tiếp cận với nhiều chủ đề như: du lịch, ẩm thưc, lễ hội, truyện tranh…
Ở trình độ Nhập môn – trình độ dành cho người mới bắt đầu học, người học sẽ thực hiện các hoạt động giao tiếp đơn giản như: chào hỏi, nói về món ăn yêu thích hay về sở thích của bản thân. Ở trình độ Trung cấp, người học sẽ đọc, nghe tiếng Nhật thực tế, đồng thời luyện tập để có thể nói những đoạn dài về bản thân mình. Nói chung trình độ nào của giáo trình cũng hướng tới mục tiêu hiểu biết lẫn nhau thông qua việc giao tiếp thực tế bằng tiếng Nhật.
Người học sử dụng giáo trình Marugoto có thể bắt đầu học tiếng Nhật cũng như văn hóa Nhật Bản một cách hứng thú thông qua việc tiếp cận với loạt hình ảnh minh họa sống động. Ngoài ra, người học sẽ được nghe nhiều đoạn hội thoại khác nhau và được luyện tập hội thoại theo từng ngữ cảnh thông qua các hoạt động giao tiếp như: thông tin cá nhân, thông tin gia đình, mua sắm, hàng xóm, công việc, những tình huống trao đổi thông tin về các sự việc gần gũi thường ngày trong phạm vi đơn giản và thường nhật.
Ở trình độ Nhập môn (A1), giáo trình bao gồm hai cuốn sách: Katsudoo–Hoạt động giao tiếp và Rikai – Hiểu biết ngôn ngữ.
Cuốn “Marugoto A1 Hoạt động giao tiếp” hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực giao tiếp thực tế thông qua hai kỹ năng: nghe và nói. Với cuốn sách này người học có thể nắm bắt một cách hệ thống những cấu trúc ngữ pháp để sử dụng trong hội thoại. Cả 2 cuốn sách này đều là giáo trình chính cho giảng dạy. Người học có thể nâng cao năng lực tiếng Nhật một cách toàn diện thông qua việc học kết hợp hai cuốn sách này.
Marugoto còn có một trang học tiếng Nhật trực tuyến để hỗ trợ người học trong quá trình học. Tại trang học này (https://www.marugoto.org/e-learning/), người học có thể tra từ trong mục “Marugoto no kotoba” hoặc xem các video liên quan trong mục “Marugoto +”.
Với những người không thể tham gia khóa học thực tế, trang “Minato” (https://minato-jf.jp/) sẽ là một công cụ hữu ích để các bạn có thể học miễn phí giáo trình Marugoto mà không cần đến lớp. Hay tải miễn phí các phần mềm hỗ trợ học chữ cái “Hiragana/ Katakana/ Kanji Memory Hint”…
Bên cạnh đó, người học còn có thể tải miễn phí các dữ liệu âm thanh của Marugoto trên trang: https://www.marugoto.org/. Ngoài ra, trang này còn cung cấp nhiều tài liệu miễn phí khác như danh sách từ vựng…Đồng thời, các tài liệu hỗ trợ giảng dạy dành cho các giáo viên sử dụng Marugoto như : “Hướng dẫn phương pháp giảng dạy” (bản tiếng Nhật) cũng được đăng tải trên trang này.
Theo ông Ando Toshiki, giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) thì những người làm trong ngành giáo dục tiếng Nhật, cả giáo viên người Việt cũng như giáo viên người Nhật đều gặp phải vấn đề chung, đó là làm thế nào để học sinh có thể nắm rõ các kiến thức tiếng Nhật được sử dụng trong giao tiếp thực tế. Thậm chí, có nhiều giáo viên đã thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy nhưng vẫn chưa tìm ra phương án phù hợp.
Ông Ando Toshiki cho biết bộ Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản vừa ra mắt là bộ giáo trình lấy trọng tâm là các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Nhật. Tính tới thời điểm này, không chỉ có Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, mà cả một số trường đại học tại Việt Nam, điển hình như trường đại học Việt Nhật, trường cao đẳng công nghiệp Hải Phòng… cũng đã sử dụng bộ giáo trình Marugoto được xuất bản ở Nhật.
Trước mắt chỉ mới 2 cuốn “Hoạt động giao tiếp” và “Hiểu biết ngôn ngữ” được xuất bản. Trong thời gian sắp tới, dự kiến sẽ xuất bản và bán ra các cuốn sách cùng bộ ở trình độ cao hơn.
“Tôi hy vọng việc xuất bản giáo trình tiếng Nhật Marugoto sẽ phần nào thúc đẩy hơn nữa chất lượng học tập, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam, một đất nước được đánh giá là đang rất phát triển trong việc học và giảng dạy tiếng Nhật.”, ông Ando Toshiki chia sẻ.
Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, số người học tiếng Nhật tại Việt Nam là 64.863 người, đứng thứ 8 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Tại kỳ thi Năng lực tiếng Nhật toàn thế giới (do Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức), số thí sinh dự thi tại Việt Nam năm 2017 đạt 71.242 người, đứng thứ 3 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.