Có nhà kinh tế học cho rằng lửa, bánh xe và… ngân hàng trung ương là những phát minh lớn của nhân loại! Khi đồng tiền xuất hiện, nó gắn liền với các quan hệ giao lưu thương mại. Mối quan hệ này không chỉ diễn ra trong một cộng đồng, còn là sự giao lưu giữa nhiều cộng đồng khác nhau.
Chẳng hạn, một thương nhân đến một lãnh thổ khác mua bán, họ phải đổi tiền của xứ sở mình ra tiền địa phương để thuận tiện trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Từ đây, tất yếu nghề kinh doanh tiền xuất hiện nhằm thực hiện nghiệp vụ đổi tiền…
Ban đầu, nhà thờ là nơi trước nhất đứng ra kinh doanh tiền tệ với các hình thức như đổi tiền, cho vay, bảo quản tiền, chuyển tiền v.v… Lý do đơn giản vì nhà thờ là nơi tôn nghiêm, đủ uy tín để người dân tin tưởng ký gửi tài sản, tiền bạc…
Dần dần, một số thương nhân rồi khu vực nhà nước cũng tham gia vì đây là một nghề béo bở, nhiều lợi nhuận. Từ những hình thức đơn giản ban đầu đến nay nghề kinh doanh tiền đã trở nên hoàn thiện, ta gọi đó là những ngân hàng, nó đã trở thành một hệ thống, chịu sự ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochinne) là ngân hàng đầu tiên. Nó ra đời ngày 21-1-1875, do Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập, trụ sở đặt tại Paris, mãi đến năm 1912 mới có chi nhánh tại Đông Dương và ngoài Đông Dương. Vốn hoạt động của ngân hàng này lúc khởi đầu là 8 triệu france vàng, gồm vốn của nhiều ngân hàng lớn ở chính quốc. Từ đây, hoạt động ngân hàng từng bước đã hình thành và phát triển tại nước ta.
Theo tập sách Ngân hàng của Phạm Thị Tiếu (NXB Vì Sao xuất bản trước năm 1975 tại miền Nam): “Thật ra trước khi Đông Dương Ngân hàng ra đời khoản mười năm trước (1865) tại Việt Nam đã có chi nhánh ngân hàng ngoại quốc hoạt động. Đó là Hương Cảng và Thượng Hải Ngân hàng (Hongkong and Shangghai Banking Corporation). Tuy nhiên, hoạt động của ngân hàng này rất yếu” (tr.9).
Và cũng theo tài liệu này, “Đến năm 1929, một nhóm thân hào nhân sĩ tại miền Nam có tinh thần độc lập, đã phóng lời hiệu triệu các nhà tư sản Việt Nam khắp ba miền góp vốn thành lập một Hội Nặc danh để cho ra đời một ngân hàng thuần túy Việt Nam, vốn của người Việt Nam, do người Việt Nam quản trị và phục vụ cho người Việt Nam. Đó là Ngân hàng Việt Nam đầu tiên mang tên là Việt Nam Ngân hàng (ngay từ lúc thành lập chứ không phải là An Nam Ngân hàng như có sách đã viết) và tên Pháp là Société Annamite de Crédit)”.
- Xem thêm: Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh
Rất thú vị trước điều này, chúng tôi đã tìm nhiều tài liệu khác để kiểm chứng, được biết đó là thông tin chính xác. Chẳng hạn, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945 (NXB Giáo Dục – 2000) do Dương Trung Quốc biên soạn, cho biết Ngân hàng Việt Nam là công ty hữu hạn thành lập năm 1927: “Có số vốn 250.000 đồng đặt trụ sở tại Sài Gòn, kinh doanh và đảm nhiệm những hoạt động tài chính như như: Nhận gửi không kỳ hạn tiền Đông Dương hoặc tiền France với lãi xuất 4% năm; nhận gửi tiền tiết kiệm không hạn định với lãi suất 5%; nhận gửi tiền không hạn định với lãi suất 6%; bán chi phiếu (chèque) và nhận gửi tiền qua Pháp bằng dây thép hoặc tàu trạm; cho vay nhiều hình thức; cho vây hàng hóa nhập khẩu ổ ngoại quốc… Tiền lãi năm 1939: 29.000 đồng, năm 1940: 29.900 đồng…
Đây là ngân hàng đầu tiên do người Việt Nam và điều hành bao gồm giới điền chủ và tư sản bản xứ ở Nam kỳ như Huỳnh Đình Khiêm, nghiệp chủ Gò Công làm Hội trưởng danh dự, Trần Trinh Trạch, nghiệp chủ Bạc Liêu làm Chánh hội trưởng, Nguyễn Tấn Văn, Hội đồng thành phố Sài Gòn làm phó hội trưởng, Nguyễn Văn Của chủ nhà in làm quản lý…
Sự kiện này cũng ghi nhận của tư sản bản xứ cố vươn tới những hoạt động tư sản, tài chính, nhưng việc tồn tại của Ngân hàng Việt Nam không thoát khỏi sự khống chế, chi phối và thực tế nó trở thành một chi nhánh yếu đuối của tư bản tài chính thực dân mà bao trùm lên trên là Ngân hàng Đông Dương” (tr. 138).
Sau khi nước nhà giành được độc lập, dù trong cuộc tổng khởi nghĩa không chiếm được Ngân hàng Đông Dương, nhưng Chính phủ Hồ Chí Minh đã có biện pháp ứng phó khôn khéo, tài tình. Đầu năm 1946, Chính phủ kêu gọi các nhà tư sản yêu nước lập ra Việt Nam Công thương Ngân hàng và một số nhà hữu sản Hoa kiều đứng ra thành lập Nam Á Ngân hàng. Hai ngân hàng này đang chuẩn bị từng bước gọi vốn cổ phần, phát hành cổ phiếu thì cuộc kháng chiến toàn quốc đã nổ ra nên phải bỏ dở.
Trong lúc tiến hành cuộc trường chinh kháng chiến, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống tiền tệ – tín dụng. Các ông Nguyễn Lương Bằng và Lê Viết Lượng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và Phó tổng Giám đốc. Kế tiếp ngày 20-7-1951, Kho bạc Nhà nước ra đời, được đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thuộc Bộ Tài chính.
Thời điểm này, tại vùng tạm chiếm đồng bạc của Pháp phát hành vẫn có giá trị sử dụng. Với tham vọng, tái chiếm lại Đông Dương, chúng đã thành lập Viện Phát hành Cao Miên, Lào, Việt Nam. Theo thỏa ước ký ngày 29-12-1954 giữa các nước Đông Dương và Pháp ký kết tại Paris, Viện Phát hành đã kết thúc vai trò lịch sử. Các nước Cao Miên, Lào, (miền Nam) Việt Nam được toàn quyền thành lập ngân hàng riêng.
Tại miền Nam Việt Nam, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã ra đời theo Dụ số 48 ngày 31-12-1954 ký tên Quốc trưởng Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ủy nhiệm. Được biết, vốn của ngân hàng này lúc đó là 400 triệu đồng, trụ sở đặt tại 17 Bến Chương Dương (Sài Gòn).
Như vậy, dù có tên gọi giống nhau, nhưng hai miền Nam – Bắc đã có hai hệ thống ngân hàng khác nhau.
Sau ngày thống nhất năm 1975, lực lượng cách mạng đã tiếp quản hệ thống ngân hàng của Sài Gòn. Theo Ngân hàng Việt Nam quá trình xây dựng và phát triển (NXB Chính trị Quốc gia -1996) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biên soạn: “Toàn bộ số tiền ta thu được là 150 tỉ đồng; trong đó, tiền các loại trong kho của Ngân hàng Quốc gia là 125 tỉ, quỹ lưu dụng 7,8 tỉ, tổng số tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân thu được trên 19 tỉ” (tr. 171). Ngày 6-6-1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/PCT- 75 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Như vậy, ngay sau ngày thống nhất, có tuy cùng tên gọi nhưng Nam – Bắc có hai hệ thống ngân hàng.
- Xem thêm: Thăm đền Hai Bà Trưng đất Mê Linh
Thế nhưng, Ngân hàng Quốc gia tại miền Nam chỉ tồn tại ngắn ngủi đến tháng 7-1976. Sau kỳ họp Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (Quốc hội khóa VI), khai mạc ngày 24-6-1976, đã thông qua các Nghị quyết đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy; bầu các cơ quan và chức vụ lãnh đạo cao nhất nước…
Theo đó, Ngân hàng Quốc gia ở miền Nam được hợp nhất vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành một hệ thống ngân hàng thống nhất. Từ tháng 9-1976 Việt Nam bắt đầu tham gia vào hoạt động tài chính ngân hàng thế giới: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chính thức kết nạp Việt Nam làm thành viên.
Hiện nay, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đã được chọn là Ngày Truyền thống của ngành. Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian từ ngàn xưa, nước Nam ta đã tôn vinh Bà Chúa Kho là “giám đốc” đầu tiên của ngành ngân khố, kho bạc của quốc gia nước Việt.
Bà Chúa Kho, hiện còn được thờ trang nghiêm và linh thiêng tại “Linh từ chủ khố” ở làng Cổ Mễ, xã Vũ Ninh (Bắc Ninh). Thật ra tên gọi đúng của làng là Cô Mễ, tên của một loại lúa được trồng từ xa xưa tại Bắc Ninh. Bà Chúa Kho là người đã có công khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, có công trông giữ quân lương, tiền bạc để đảm bảo công tác hậu cần trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống đời nhà Lý vào năm 1076.
Theo Di tích làng Cô Mễ, do Nguyễn Xuân Cầu, Nguyễn Huy Hạnh biên soạn, Bảo tàng Hà Nội xuất bản năm 1990: “Bà xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm. Vốn người chịu thương chịu khó hay lam hay làm nên sau khi lấy vua Lý thấy ruộng đất ở đây phì nhiêu màu mỡ bị bỏ hoang nên bà xin với vua cho đi chiêu dân và cắm đất lập đồn điền.
Lúc đó, vào hồi tháng 8 tháng 9, nước dâng ngập cả vùng, tay đeo bịch trấu, bà đi dọc Quả Cảm xuống vùng núi Bài vải trấu xuống mặt nước. Gió đông bắc đưa trấu trôi tới đâu, bà cắm địa giới đồn điền tới đó. Buổi ấy, vua đặt ở Cổ Mễ và thượng Đồng những kho lương thực lớn cho bà trông nom.
Ngoài ra, bà con phải cai quản số đông tù binh Chàm và Trung Quốc do nhà Lý bắt được sau những cuộc chiến tranh và đưa họ về làm ở các trang ấp. Dân làng từ Đại Tảo Sở, Đại Tảo Xã, Cổ Mễ, Quả Cảm đến Hạ Đồng, Trung Đồng, Thượng Đồng v.v… Tất cả 72 trang ấp đều là những phạm nhân làm ruộng cho bà.
Sau mỗi vụ thu hoạch, thóc tứ các làng được đưa về tập trung ở kho lương lớn là Cổ Mễ và Thượng Đồng. Đường vận chuyển thóc còn lại cho đến ngày nay là Dộc Sâu chạy suốt từ làng Cổ Mễ qua Hữu Chấp tới Thượng Đồng dân vẫn cấy lúa. Làng Thượng Đồng mang tên làng Lẫm, trong đó có Lẫm Tiền và Lẫm Thóc hay làng Kho là từ đó. Dân các làng trên đều lập đền thờ và vẫn tế Bà vào ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm”.
Từ tài liệu này, có hai vấn đề được đặt ra:
Thứ nhất, Bà chúa Kho ở làng Cổ Mễ là nhân vật truyền thuyết sống từ đời nhà Lý (1010-1225), chứ không phải dưới đời nhà Trần (1225-1400). Sở dĩ, có nhiều tài liệu nhầm lẫn vì gắn Bà Chúa Kho vào bà Trần Thị Dung (?-1259), người được vua Trần phong là Linh Từ Quốc Mẫu đã có công tổ chức công tác hậu cần, thực túc binh cường trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông.
Bà Trần Thị Dung là vợ của vua Lý Huệ Tông. Năm 1226, vua Lý bị anh em họ Trần bức tử nên bà bị giáng làm Thiên cực công chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ. Lúc kết hôn với bà Dung, Trần Thủ Độ đã 32 tuổi và đóng vai trò quan trọng triều Trần. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông, bà Dung đứng ra tổ chức việc vận chuyển kho báu, lương thực đến nơi an toàn, góp phần phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của giặc, khiến chúng vào kinh thành Thăng Long chỉ thấy “nhà không vườn trống”!
Thứ hai, còn có một nhân vật nữa cũng được phong Bà Chúa Kho, hiện được thờ tại đình Giảng Võ (Hà Nội) cũng người Bắc Ninh, đồng hương với Bà Chúa Kho đang thờ tại làng Cổ Mễ.
Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho này tên thật là Lý Thị Châu (còn gọi Lý Châu Nương) sống dưới đời nhà Trần, con của ông Lý Quỳnh – giữ kho quân đội ở Thăng Long và bà Nguyễn Thị Duyên. Do thông minh, tài trí góp phần đánh bại chiến thuật của giặc Nguyên – Mông nên Bà được nhà vua giao giữ việc trông coi kho Phụng Thiên (Thăng Long).
Nhớ công ơn Bà, hiện nay, đình Giảng Võ (Hà Nội) tôn Bà làm thành hoàng. Bà được vua nhà Trần sắc phong Quản chưởng quốc khố công chúa, Anh linh hiển ứng kho nương công chúa, Khố đại vương phu nhân thánh mẫu.
Lễ hội Bà Chúa Kho tại Giảng Võ, hằng năm được tổ chức từ ngày 11 đến 13-2 Âm lịch với nhiều nghi lễ dân gian; còn ngày “hóa” của Bà vào ngày 20-7 Âm lịch, hằng năm đều tổ chức lễ dâng hương. Không những thế, Bà còn được thờ tại đền tại Bắc Giang, di tích này tọa lạc tại 263 Nguyễn Văn Cừ đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Qua những tư liệu này, ta thấy trong tâm thức dân gian người Việt thì người nắm giữ công việc hậu cần trọng đại của quốc gia phải chính là nữ giới. Và thú vị hơn nữa là hình tượng Bà Chúa Kho được nhập từ ba người, trong đó có hai người thuộc truyền thuyết và một người có thật là bà Trần Thị Dung – vợ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Sự “hóa thân” này được dân gian chấp nhận bởi lẽ cả ba người đều là những phụ nữ đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà, đã có công lớn trong công tác hậu cần, quản ký ngân khố quốc gia lúc cả nước đang dồn sức chống ngoại xâm giữ nước. Điều này hoàn toàn hợp lý. Dù nữ giới hay nam giới khi biết giữ gìn tài sản của quốc gia, không tham ô, không thất thoát hoặc biết bỏ tài sản của nhà ra lo cho ích lợi chung của cộng đồng thì đều được nhân dân tôn trọng như nhau.
Những người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nghĩa hiệp ấy thời đại nào cũng có.
- Xem thêm: Tản mạn tín ngưỡng dân gian
Chỉ xin kể một vài trường hợp trong đầu thế kỷ XX này. Làm sao ta có thể quên được bà chủ hiệu Nghĩa Lợi ở Hà Nội, không rõ tên húy là gì, đã tự nguyện bỏ ra 100 đồng để xây bậc đi lên đền Hùng, nay còn được dựng bia lưu muôn đời; bà Cả Mọc (Hà Nội) đã bỏ tiền nhà ra lập Hội Sinh tế nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; bà Nguyễn Thị Trương (Hà Nam) năm 1935 đã bỏ tiền ra xây dãy nhà sau Nhà máy diêm Hà Nội giúp cho 200 nạn nhân bị hỏa hoạn, năm 1936 lại xây trên bãi Nghĩa Dũng 300 căn nhà cho nạn nhân bị lũ lụt…; bà Nguyễn Thị Nhung (Thủ Dầu Một) đã bỏ tiền của, công sức để giúp cho trại dưỡng lão; hoặc ông bà Trịnh Văn Bô (Hà Nội) hiến cho Nhà nước sau khi giành Độc lập hàng ngàn cây vàng để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kịp thời dùng trong việc kháng chiến và kiến quốc; ông bà Cao Triều Phát (Bạc Liêu) đã hiến ruộng “cò bay thẳng cánh” vì công cuộc đại nghĩa; ông bà Huỳnh Thiên Lộc điền chủ ở Rạch Giá đã hiến toàn bộ tài sản, rồi tham gia kháng chiến…
Những tấm gương đáng nhớ ấy nhiều không kể xiết.
Trở lại với Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ (Bắc Ninh) hoặc ở Chùa Thiên Mẫu (TP. Hồ Chí Minh), Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang), Chùa Bà (Thủ Dầu Một), điện Linh Sơn Thánh Mẫu (thường gọi Bà Đen -Tây Ninh) v.v… không rõ từ bao giờ trong dân gian có tập tục vay tiền của Bà đem về kinh doanh và hẹn ngày đem trả. Chúng tôi thiết nghĩ, tập tục này ra đời trước khi nhà nước thành lập hệ thống ngân hàng với các quy định, ràng buộc chặt chẽ về pháp lý. Còn ở đây, thông thường sau khi dâng lễ vật gồm hương hoa, trái cây, giấy vàng mã đơn giản và thành tâm khấn vái, ta được Bà cho vay tiền. Tất nhiên do những người giữ đền, chùa, miếu đưa ra, nhưng tiền thật chỉ là số lượng ít ỏi có tính tượng trưng; hoặc “tiền thánh” tức tiền âm phủ để lấy “hên”! Vay một nhưng lại trả gấp nhiều lần, vay tiền giả nhưng lại trả bằng tiền thật.
Dân gian có câu “Giàu nhà kho, no nhà bếp” – những người đi vay nghĩ rằng khi Bà giữ của ắt Bà cũng biết cách làm cho của cải sinh sôi nảy nở. Hơn nữa một khi vay tiền của người “khuất mày khuất mặt”, ai cũng nghĩ những đồng tiền này “hên”, tiền sẽ đẻ ra tiền, được người “cõi trên” phù hộ “buôn một bán mười”, “buôn may bán đắt”. Chuyện vay tiền Bà chỉ có một ràng buộc duy nhất là niềm tin tâm linh, chứ không cần phải có tài sản thế chấp, ký vào văn tự, có người làm chứng… như người trên dương trần vay với nhau. Dù vay không nhiều, chỉ tượng trưng nhưng đây là tiền của thần, của thánh nếu được phù hộ thì “ăn nên làm ra” mấy hồi!
Thiết nghĩ, một khi đã được nhân dân tôn làm Thánh mẫu, Quốc mẫu hoặc các mỹ hiệu cao quý khác thì bao giờ các bà cũng phù hộ cho những người biết làm ăn chân chính và biết sử dụng đồng tiền làm ra một cách xứng đáng. Nhất là những ai biết đem những đồng tiền ấy phục vụ lại cho lợi ích chung của cộng đồng.