Từ ngàn xưa, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai nhân vật luôn được người Việt tôn thờ. Ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và ngay ở nội thành Hà Nội cũng có đền thờ hai Bà.
Tuy nhiên, quy mô nhất và lâu đời nhất phải kể đến đền thờ Trưng Vương trên vùng đất Mê Linh, trung tâm cuộc khởi nghĩa của hai nữ anh hùng. Vẻ đẹp và không khí trang nghiêm ở đây khiến những ai đã một lần thăm viếng sẽ nhớ mãi.
Đền tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng đãng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước đây). Công trình thường được người trong vùng gọi là đền Nhị vị Thánh tổ, được dựng trên nền nhà cũ cũng chính là quê hương của hai Bà. Truyền thuyết xưa kể lại rằng đền vốn nằm trên lưng con voi trắng quỳ chầu một hồ nước thiêng.
Thế nên đến tận bây giờ trong khuôn viên vẫn còn vết tích như ao mắt voi, vòi voi và hồ ao bàng tức ao voi Bà Trưng (tương truyền bên ao này trước đây có cây bàng rất lớn, thủa bình sinh hai Bà thường cho voi tắm ở đây), cạnh đó là đường kéo quân của hai Bà xưa kia chạy vòng trước đền. Ngoài cùng là khu vực thành cổ gồm hai lớp, trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là thành ống.
- Xem thêm: Đền Bà Triệu, thắng cảnh xứ Thanh
Có người bảo đó là thành Chu Diên, có người lại nói rằng đó là tòa thành mà Hai Bà Trưng cho xây đắp để chống quân Mã Viện. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một tòa thành vuông vức được xây dựng công phu, to hơn thành Luy Lâu cùng thời và diện tích rộng ngang với thành Cổ Loa thời An Dương Vương trước đó.
Được xây dựng lần đầu dưới thời vua Lý Anh Tông (1150-1175), cho đến nay đã qua năm lần trùng tu và mở rộng, đền vẫn trông về hướng Tây Nam nhưng kiến trúc về cơ bản thì mang phong cách thời Nguyễn, kiểu “nội chữ đinh, ngoại chữ nhất”: Trong có trung điện, hậu cung, ngoài có tiền tế, ngoài cùng có tam quan. Tất cả nằm trong một khuôn viên rộng tới 4 – 5ha.
Các tác phẩm điêu khắc đẹp của đền gồm có đôi rồng đá ở trước thềm tòa trung điện, các bức cửa võng, khám thờ đều bằng gỗ quý được chạm khắc theo các đề tài: Long triều nguyệt, phượng cầm thư, long phượng tòng vân, cúc sen hóa rồng, các loại hoa chanh, cúc, hổ phù… Ngoài ra là các bộ kiệu rước, hoành phi, câu đối thể hiện khí phách của hai Bà.
Trước đây, vào mỗi mùa xuân, hội đền Trưng Vương luôn được người dân cả vùng Vĩnh Phúc mong đợi. Hội diễn ra trong bốn ngày đầu tháng Giêng: Mùng 5 lễ yết, mùng 6 kỷ niệm ngày hai Bà tế cờ khởi nghĩa, mùng 7 – ngày hai Bà đăng quang ban yến (hai ngày này tổ chức tế và rước). Làng Hạ Lôi, xã Mê Linh xưa có 36 giáp.
Đến hội, mỗi giáp đều giã bánh giày (hoặc làm xôi nén), dâng thêm hai nồi gạo nếp cùng hai con lợn đen để làm lễ phẩm, sau đó làm lễ rước kiệu hai Bà và ông Thi Sách. Cuối cùng là các tiết mục trò chơi: đấu vật, kéo co, chơi đu, chọi gà, cờ tướng, kéo quân… tưng bừng náo nhiệt một vùng. Sang mồng 8 thì làng rã đám.
Đất Mê Linh giờ đã đổi thay nhiều, song bước chân vào những ngôi đền cổ kính trong một ngày bình thường, du khách sẽ thấy lại được phần nào những nét đẹp và chiều sâu tâm linh của văn hóa Việt xưa.