Tại kỳ họp thứ 38 diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua ở Rome (Ý), ba vấn đề lớn đã được ghi vào chương trình nghị sự, gồm tình trạng thiếu ăn đang lên cao, giá thực phẩm tăng vọt và nhu cầu về một năng suất nông nghiệp bền vững. Căn cứ vào các dữ liệu do Liên Hiệp Quốc công bố, sự xuống cấp của môi trường đã khiến cho GDP nông nghiệp của châu Phi giảm 12%, trong khi ở châu Mỹ Latinh, tỷ lệ giảm sút này thay đổi từ 6% ở Paraguay đến khoảng 24% ở Guatemala. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), sản lượng lương thực ở Uzbekistan giảm từ 20 – 30%, trong khi tại Đông Phi, gần 3,7 triệu người vẫn còn dài cổ chờ viện trợ lương thực tiếp sau một cuộc hạn hán kéo dài trong năm 2011. Nhà hoạt động xã hội Mohamed Adow, cố vấn toàn cầu về thay đổi khí hậu của tổ chức Christian Aid trụ sở đặt tại Anh, cho rằng với tình trạng nhiệt độ trên hành tinh tăng 0,8oC, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng của nạn đói, dịch bệnh, lũ lụt và mực nước biển dâng cao. Điều đó có nghĩa rằng từ năm này qua năm khác, số người cần hỗ trợ lương thực ngày càng tăng khi sự thay đổi khí hậu vượt quá giới hạn chịu đựng của người nghèo.
Hạn hán, cơn ác mộng của người nông dân
Trong điều kiện hiện nay, các nước công nghiệp hóa có trách nhiệm đề ra những hành động giúp các cộng đồng dân cư phát triển khả năng ứng phó với các hậu quả do sự thay đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Theo nhiều nhà nghiên cứu, áp lực của khí hậu nay đã đạt đến mức báo động và người nông dân cần có sự hỗ trợ khẩn cấp để đa dạng hóa các loại hạt giống mà họ có thể gieo trồng với hiệu quả cao nhất. Các chính phủ, các nhà quản lý kinh tế nông nghiệp cần đưa ra những giải pháp nông nghiệp sáng suốt, đầu tư cho nghiên cứu để có được những cải cách cần thiết cho một hệ thống lương thực vừa phù hợp với sự thay đổi khí hậu, vừa thải ra ít khí carbon nhất. Sự nghiên cứu phải có tác động thúc đẩy những cải cách khoa học được ứng dụng trong bối cảnh thật của đời sống. Điều này đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ với khu vực tư nhân, với các nhà khoa học, các nhà sản xuất để đảm bảo rằng nông nghiệp và sự đáp ứng với thay đổi khí hậu cần phải được chú trọng đúng mức trong việc xây dựng các mục tiêu phát triển sau năm 2015.
Lê Nguyễn tổng hợp