Bất chấp sự tuột dốc của kinh tế toàn cầu, trong giai đoạn 2008-2012, giá trị các hợp đồng mua bán vũ khí trên toàn thế giới đã nhảy vọt 30%, lên đến 73,5 tỉ USD, mà phần lớn nhờ vào việc tăng lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc và nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ. Tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh (IHS Jane’s) hôm 25-6 còn dự báo mức độ buôn bán vũ khí trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Máy bay chiến đấu của Dassault Aviation tại Hội chợ Hàng không Ấn Độ 2013
Theo một giám đốc cấp cao của IHS Jane’s là Paul Burton, ngân sách quốc phòng đang chuyển hướng sang phương Đông khiến thị trường vũ khí tại đây ngày càng có sức cạnh tranh cao và hình thành những cơn sốt lớn. Trong suốt một thập niên qua, Mỹ đã chi nhiều tiền nhất cho quân sự, nhưng bắt đầu cắt giảm ngân sách quốc phòng. Khi Mỹ rút quân ra khỏi các nước Iraq và Afghanistan, đến năm 2021, thị phần trong buôn bán vũ khí của Mỹ sẽ chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị mua bán vũ khí toàn cầu và đứng sau châu Á với 31%. Trái lại, chi tiêu quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, sẽ tăng 35%, lên tới 501 tỉ USD trong vòng tám năm tới, trái ngược với mức giảm 28% của Mỹ (xuống còn 472 tỉ USD). Trung Quốc dự tính sẽ gia tăng 64% ngân sách quốc phòng, cụ thể là sẽ chi tới 207 tỉ USD vào năm 2021, còn Ấn Độ cũng tăng 54%, riêng Indonesia tăng mạnh nhất: 113%!
Việc Trung Quốc tăng tốc trong cuộc chạy đua vũ trang trong những năm qua đang gây không ít lo lắng cho những quốc gia láng giềng như Nhật Bản khi mới đây giữa hai nước đã xảy ra hàng loạt tranh chấp về biển đảo. Nhật Bản cùng Ấn Độ và Hàn Quốc đang được những nhà sản xuất vũ khí có tiếng như Lockheed Martin, Boeing và BAE Systems chào bán những mẫu phi cơ chiến đấu và nhiều phương tiện chiến tranh khác để bù cho việc cắt giảm hợp đồng của các nước phương Tây. Hiện tại, Ấn Độ đang thương thảo độc quyền với Tập đoàn Dassaul Aviation của Pháp về đơn đặt hàng 126 máy bay chiến đấu trị giá 12 tỉ USD với điều kiện 50% khối lượng chi tiết và phụ tùng phải được gia công tại các công ty Ấn Độ. Điều đó cho thấy các quốc gia phương Đông đang lên kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng phát triển những vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu hay chiến hạm và trong tương lai không xa sẽ xuất khẩu những loại vũ khí đảm bảo chất lượng quốc tế, đủ sức cạnh tranh với phương Tây sau một thập niên chi tiêu mạnh tay.
B. Trịnh theo Reuters