Khi công ty phát triển thì nhu cầu chuyên môn đòi hỏi càng lúc càng cao, mà ngay cả nhà sáng lập tài giỏi nhất cũng không thể tự mình đảm đương nổi. Dưới đây là một số hướng dẫn để các chủ doanh nghiệp có thể xây dựng một đội ngũ điều hành giúp cho hoạt động kinh doanh của họ hiệu quả hơn.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc kinh doanh
Việc tuyển thêm một giám đốc kinh doanh có thể được xem là thời điểm quan trọng trong vòng đời của một công ty. Nghiên cứu cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không bao giờ phát triển, và một trong những nguyên nhân khiến nó không bao giờ phát triển là chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc bán hàng. Lý do mà nhiều doanh nhân tránh tuyển giám đốc kinh doanh khá đơn giản: việc náy có thể rất tốn kém. Tiếp theo là phải xác định được bạn muốn loại giám đốc kinh doanh nào.
Một sai lầm phổ biến là người ta thăng cấp một nhân viên bán hàng thành công vào vai trò quản lý trong khi nhân viên này không có đủ năng lực đó. Trước khi bắt đầu tuyển dụng một quản lý bán hàng, điều quan trọng là bạn hãy tự hỏi: Tôi thuê một người nào đó để mang lại khách hàng lớn, để quản lý các khách hàng mà tôi đã có, hay để quản lý một đội ngũ những người sẽ quản lý các khách hàng của tôi?
Nếu chọn lựa của bạn là câu 3, hãy xem xét tìm kiếm một ứng viên có hồ sơ theo dõi, xây dựng và quản lý đội ngũ, thay vì một ứng cử viên có doanh số bán hàng cao nhất.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc tài chính
Vai trò của một giám đốc tài chính đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Họ đóng vai trò mang tính chiến lược hơn. Trong nhiều doanh nghiệp đang phát triển, giám đốc tài chính giữ vị trí như một đối tác của giám đốc điều hành, giúp doanh nghiệp hướng tới mục tiêu của mình, đạt được mức đầu tư từ các nhà đầu tư quan trọng, và đánh giá xem có nên theo đuổi cơ hội kinh doanh mới hay không.
Bạn sẽ cần phải thuê một giám đốc tài chính khi công ty đang tăng trưởng nhanh chóng, đòi hỏi nguồn tài chính bên ngoài hoặc quản lý dòng tiền cẩn thận, khi công ty của bạn cần được kiểm toán chính thức, khi có nhiều hơn 30 nhân viên biên chế, hoặc khi bạn đang dự tính một giao dịch tài chính phức tạp như là sáp nhập, mua lại, hoặc phát hành cổ phiếu.
Nhiều công ty bắt đầu từ giám đốc tài chính bán thời gian, sau đó đưa người này gia nhập đội ngũ quản lý trên cơ sở lâu dài.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc marketing
Bạn có thể nghĩ rằng giám đốc tiếp thị là một trong những vị trí tương đối dễ tìm hơn trong đội ngũ quản lý của mình. Nhưng điều này không phải luôn luôn đúng. Nhiều công ty tự duy trì bộ phận tiếp thị của họ cho đến khi nào có thể, dựa vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và dịch vụ khách hàng chu đáo để xây dựng một thương hiệu mạnh.
Những nỗ lực này thường được phát triển và nuôi dưỡng bởi các nhân viên marketing đầu tiên khi công ty còn chưa phát triển, cho dù họ không có nền tảng hoặc được đào tạo trong lĩnh vực này. Khi một quản lý cấp cao được đưa vào để chuyên nghiệp hóa một phòng tiếp thị, căng thẳng có thể gia tăng nếu các nhân viên cũ cảm thấy rằng “sếp” mới của họ không phù hợp với văn hóa công ty hay đang cố gắng để thay đổi định vị của thương hiệu một cách thiếu tính xác thực.
Để bảo đảm những trở ngại này không xảy ra, điều quan trọng là chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị cho các thành viên trong đội ngũ tiếp thị của mình sẵn sàng đón nhận sự thay đổi lãnh đạo; để họ tham gia vào việc tìm kiếm và sàng lọc các ứng cử viên đến bất kỳ mức độ nào có thể, và đưa ra thông tin về việc cần thuê một giám đốc tiếp thị mới trong bối cảnh công ty cần đổi mới chương trình tiếp thị.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc nhân sự
Tại những công ty đang phát triển, đôi khi nhân viên được tuyển dụng thêm nhanh với tốc độ chóng mặt. Họ cũng có xu hướng quản lý nhân sự không theo một khuôn mẫu có định nào. Đây là một sai lầm. Một giám đốc nhân sự dày dạn có thể thực hiện một chiến lược tuyển dụng chính thức để đảm bảo rằng đội ngũ nhân viên của công ty tăng lên một cách thật thông minh. Anh ta hoặc cô ta có thể làm giảm số người bỏ việc bằng cách giúp xác định những cá nhân đầy tiềm năng ở mọi cấp bậc trong tổ chức, và đảm bảo cho họ được thăng tiến thường xuyên.
- Xem thêm: Lãnh đạo bằng cách làm gương
Một giám đốc nhân sự có thể nghiên cứu những thực nghiệm tốt nhất khác như bài kiểm tra tính cách để xem chúng có thích hợp khi ứng dụng cho công ty bạn. Và họ có thể thiết kế và quản lý các chương trình phúc lợi nhân viên, bao gồm cả bảo hiểm y tế, thị thực lao động, hoặc kế hoạch nghỉ hưu.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc công nghệ
Đánh giá một CTO có thật sự tài năng hay không có thể là một công việc khó khăn đối với một doanh nhân vì họ không hiểu rõ về những công nghệ mới. Tất nhiên, đó là lý do tại sao việc có một CTO thông minh giữ vai trò lãnh đạo trong nhóm quản lý của bạn là rất quan trọng. Để thuê một CTO, trước tiên bạn phải dự đoán nhu cầu công nghệ của công ty trong ngắn và dài hạn.
Hãy cố gắng xác định các khu vực nơi công nghệ đang ứng dụng mạnh mẽ, cũng như các lỗ hổng bảo mật của bạn. Và suy nghĩ về bảng mô tả công việc: Mục tiêu số 1 CTO của bạn phải làm là xây dựng và duy trì một trang web (hay một loạt các trang web), hay quản lý và bảo vệ một kho dữ liệu khách hàng? Liệu anh ta hoặc cô cần hoàn thành các dự án phát triển phần mềm và giới thiệu sản phẩm mới? Nếu bạn trả lời có cho tất cả các khả năng, thì có lẽ bạn nên dành một chút thời gian suy nghĩ lại và đặt ra thứ tự ưu tiên.
Một trong những điều quan trọng nhất cần nhớ khi nói đến việc tuyển dụng CTO là bạn không nên mong đợi người ấy là một anh hùng. Khả năng họ có đạt được mục tiêu đề ra hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng phát họa tầm nhìn chiến lược cho doanh nghiệp, và khả năng thiết lập những cột mốc rõ ràng để đạt được tầm nhìn đó của bạn.
Xây dựng đội ngũ quản lý: Giám đốc điều hành
Rất nhiều doanh nhân giống nhau ở điểm, trong một chừng mực nào đó, lòng tự tôn và ý thức về bản sắc riêng của họ được tạo ra từ thực tế rằng họ là ông/bà chủ. Thế nhưng, khả năng đảm trách công việc điều hành lại không nhất thiết là thế mạnh của mọi doanh nhân. Rất nhiều người giàu óc sáng tạo, có khả năng nhìn ra cơ hội gầy dựng một công ty sinh lợi, và nắm bắt cơ hội đó một cách thật khôn ngoan, nhưng rồi họ lại nhanh chóng mệt mỏi khi phải bắt tay vào thực tế xây dựng công ty từ một giai đoạn nào đó, và tạo ra các tiêu chuẩn và quy trình.
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, có thể bạn nên ngừng suy nghĩ như một ông chủ mà hãy bắt đầu suy nghĩ như một chủ sở hữu: Có lẽ đã đến lúc cần cầu viện đến một người bên ngoài để phục vụ như giám đốc điều hành của công ty bạn. Đây không phải là một quyết định có thể xem nhẹ, và bất cứ ai bạn thuê cũng cần phải có trí tuệ cảm xúc để biết khi nào nên “chống lại” bạn và khi nào nên “tuân phục” bạn như là người sáng lập.
Bạn cũng cần phải thừa nhận rằng đây là một con đường hai chiều. Một số nhân viên trung thành với bạn có thể không trung thành với giám đốc điều hành mới, và người đó cần có mọi quyền hành để sa thải họ, cho dù việc đó sẽ gây khó xử cho bạn. Nhưng ở chiều ngược lại, bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc một khi đã “bàn giao” trách nhiệm quản lý hoạt động thường nhật cho một giám đốc điều hành dạn dày kinh nghiệm. Bạn sẽ được tự do để tập trung vào phát triển tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp.