“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn!” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy trước Quốc hội, tức là trước toàn dân, vào ngày 8-11-2019.
“Không được để thảm kịch đó tái diễn”. Như vậy là cuối cùng người đứng đầu Chính phủ đã nhìn nhận vụ 39 người Việt chết trong container đông lạnh ở Anh đúng là một thảm kịch. Và khi người đứng đầu Chính phủ nói thảm kịch thì có nghĩa đó là một thảm kịch quốc gia chứ không chỉ là thảm kịch riêng của gia đình những người bị nạn.
Sự nhìn nhận thảm kịch quốc gia này, và hai câu tiếp theo: “Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương” cũng đã gián tiếp chỉ ra nguyên nhân của thảm kịch, đó là những người ra đi và gặp nạn đã không tìm thấy “cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”.
Có nhiều điều để suy ngẫm xung quanh thảm kịch này.
Trước hết, vì sao nhiều người đành lòng ra đi, dù người Việt nói chung được xem là nặng tình với gia đình, quê cha đất tổ?
- Xem thêm: Không gian văn hóa
Mỗi năm, vào những ngày cận tết, cứ ra bến xe, bến tàu, sân bay nhìn ngắm những dòng người nghìn nghịt đón tàu xe về quê, về nhà thì mới cảm được hết cái tình của người Việt với gia đình, với ông bà cha mẹ, với quê hương. Cứ nhìn người Việt, cả ở trong nước lẫn định cư nước ngoài, dù giàu dù nghèo, mỗi dịp tết đến lại chịu tốn kém, lục tục kéo nhau về quê để đoàn tụ với gia đình, nhìn lại quê hương đất nước, thắt chặt lại quan hệ với nơi chôn nhau cắt rốn thì có thể tin chắc một điều: người Việt là dân tộc luôn nặng lòng với gia đình, với quê cha đất tổ, với quê hương.
Ấy vậy nhưng người Việt hiện tại cũng là dân tộc có số lượng người di cư, sống ở nước ngoài thuộc loại đông trên thế giới. Ước tính 1/3 số người di cư quốc tế đến từ chỉ 10 quốc gia, với Ấn Độ là khoảng 18 triệu người, đứng đầu. Mexico nhiều thứ hai (12 triệu), tiếp theo là Trung Quốc (11 triệu), Nga (10 triệu) và Syria (8 triệu). Việt Nam là trên 4 triệu người. Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO): từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy, tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Vì sao?
Thứ nhất, hầu hết người Việt Nam di cư là đến các nước phát triển để sinh sống lâu dài. Trong đó, tập trung đông nhất ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người), và một số nước châu Âu khác…
Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2018, GDP/đầu người của Việt Nam vẫn chỉ là 2.551 USD, đứng thứ 131/187 quốc gia được xếp hạng, còn Mỹ là 62.606 USD đứng thứ 8, Anh là 42.558 USD đứng thứ 20, Nhật Bản là 39.306 USD đứng thứ 24, Hàn Quốc là 31.346 đứng thứ 28… Nhiều người do vậy tìm cách di cư ra nước ngoài bằng mọi con đường, hợp pháp và khi không hợp pháp được thì bất hợp pháp, là nhằm có cơ hội làm ăn kinh tế tốt hơn.
Người giàu, quan chức gom đủ hoặc dư vốn sau thời gian giữ ghế đi theo cách của người giàu, bằng suất đầu tư định cư hoặc con cái đi du học trước, ở lại rồi bảo lãnh người nhà qua sau. Người nghèo thì vay mượn, cầm cố tài sản đi xuất khẩu lao động rồi trốn ở lại hoặc đi chui theo đường dây buôn người như vụ 39 người trẻ ra đi từ những vùng quê nghèo rồi bỏ mạng trong container.
Thứ hai, lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế từ khi đổi mới không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Theo một nghiên cứu của Wealth-X, công ty chuyên thu thập thông tin về giới siêu giàu, Việt Nam được coi là nước có giới tỉ phú đôla, giới siêu giàu, tăng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam cũng đồng thời ngày một tăng. Nói cách khác, rất nhiều người bị bỏ rơi bên ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Báo chí đưa tin không ít vụ tự tử vì quá nghèo, không có cách thoát ra.
Mặt khác, làm sao những người thực sự muốn và có khả năng kinh doanh mà không có thân thế, không có quan hệ, tin được rằng mình có “cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp”, khi mà chỉ cần bỏ vốn mở cơ sở kinh doanh nhưng “không biết điều” là lập tức có kẻ dùng quyền lực tìm mọi cách nhũng nhiễu đến mức phải dẹp tiệm? Vụ quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh TP.HCM là một ví dụ điển hình về việc triệt tiêu niềm tin vào một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, vừa làm giàu cho mình vừa góp phần xây dựng đất nước. Ở TP.HCM còn thế huống gì ở các tỉnh, ở những nơi xa? Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, nhũng nhiễu phổ biến gây nản lòng người dân và thúc đẩy người ta đi tìm môi trường kinh doanh tốt hơn.
Thứ ba, người Việt dứt áo bỏ quê hương ra đi là mong con cái mình có tương lai tươi sáng hơn.
Với một nền giáo dục và nền y tế lạc hậu, kém hiệu quả khiến người nghèo thậm chí phải chấp nhận chết khi không có tiền đóng viện phí, chấp nhận thất học khi không có tiền đóng học phí; với ô nhiễm môi trường đang tới mức báo động từ thành thị đến các vùng nông thôn, đe dọa sự sống con người; môi trường văn hóa, đạo đức xã hội cũng xuống cấp trầm trọng, thì thật khó cho người dân tin rằng con cái mình sẽ có một tương lai sáng sủa. Do đó họ tìm cách di cư, dù biết rằng di cư là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, di cư bất hợp pháp lại càng rủi ro.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO): từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy, tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài.
Bao trùm lên tất cả là vấn đề niềm tin, tin vào tương lai, tin rằng dù có gian khó trước mắt nhưng mọi người đều có “cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương” của mình. Khi niềm tin ấy mất, sợi dây nối kết người ta với quê hương cũng không còn nữa, người ta ắt phải đi tìm một chỗ nào có tương lai hơn.
Làm sao người ta có thể giữ niềm tin vào lẽ công bằng khi ở nhiều địa phương có những quan chức phụ trách giáo dục, thi cử, quan chức chính quyền lại toa rập với nhau sửa điểm thi cho con em mình và cướp đi cơ hội của con em người nghèo, người bình thường? Làm sao giữ được niềm tin khi có những cô giáo được đào tạo để dạy học lại phải quỳ gối trước quan chức địa phương để xin được tiếp tục dạy học, có những thầy cô giáo tốt nghiệp phải đút lót để có chỗ dạy học?
Đừng nghĩ rằng những ví dụ nêu trên là đơn lẻ, chỉ có tính chất cục bộ, địa phương. Trong thời đại ngày nay, thời đại của internet và mạng xã hội, chuyện xảy ra ở một địa phương hoàn toàn có thể tức khắc được biết đến trong cả nước và có tác động trên cả nước. Một vụ như anh em giết nhau vì tranh chấp đất ở Đan Phượng, Hà Nội hay bà giết cháu để mong lấy tiền bảo hiểm ở Nghệ An lập tức gây chấn động trong cả nước.
- Xem thêm: Khát vọng biến đổi Tây Nguyên
Cuối cùng, con người ta không chỉ cần miếng cơm là đủ. Khi công dân không được tự do nói lên điều mình suy nghĩ, không được lên tiếng một cách hoàn toàn thiện chí bảo vệ điều mình cho là đúng, là phải như việc bảo vệ môi trường; khi người ta cảm nhận xã hội không có tình nhân ái, sự bao dung, nơi mà sự chính trực và lẽ phải không được bảo vệ thì người ta cũng chẳng còn thiết tha với xã hội ấy, mảnh đất ấy, dù đó có là nơi mình sinh ra. Người ta có thể ra đi vì thế.
Bàn về những nguyên nhân khiến nhiều người Việt bỏ nước ra đi, hợp pháp hay bất hợp pháp, cũng chính là đã gián tiếp chỉ ra con đường triệt tiêu những nguyên nhân đó, để thảm kịch như thảm kịch 39 người, đa số là trẻ, thậm chí là thiếu niên, chết trong container không tái diễn. Ngoài việc phát hiện và trừng trị bọn buôn người, vấn đề còn lại là chúng ta có dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của xã hội, của thể chế và có sẵn sàng bắt tay sửa chữa hay không?